Dân chúng Philippines tập trung hàng trăm người biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Manila hôm 7 tháng 5 vừa qua. RFA screen cap |
Sự sợ hãi lẫn nhau
Qua bài “4 tố chất của xã hội VN trở thành 4 cơ hội để TQ thôn tính”, được nhiều mạng nhật ký phổ biến, tác giả Ngô Văn Lang nhấn mạnh rằng chính nỗi sợ hãi ấy của người dân Việt là điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh có thể thôn tín VN. Nhưng, tác giả minh định rằng người dân Việt không sợ TQ, mà “lại rất sợ chính quyền của mình, không dám đi ngược lại các phán quyết của chính quyền” ngoại trừ một số rất ít, “đếm trên đầu ngón tay” dám bày tỏ lòng ái quốc để rồi trước sau gì cũng lâm cảnh tù đầy. Theo phân tích của tác giả Ngô Văn Lang:
Nhân dân Việt Nam đang mất lòng tin vào chính phủ. Bởi những biểu hiện hèn nhược của chính phủ và sự kém cỏi của chính phủ trong việc giải quyết tất cả mọi vấn đề... Ngô Văn Lang |
Chữ “nhẫn” của Tàu được bày bán đầy ở Văn Miếu mỗi dịp xuân về, nhắc cho người Việt Nam biết rằng nhẫn nhục là con đường sống của họ. Họ tưởng rằng như vậy là khôn ngoan, nhưng kết cục là nhà nhà nhẫn nhục, người người nhẫn nhục sẽ có một quốc gia nhẫn nhục…
Trung Quốc cũng hiểu rõ rằng Việt Nam suy yếu là do những người có năng lực ở Việt Nam không được sử dụng, rằng nhiệt tình và năng lực, năng lượng của người Việt Nam đã bị tắt ngấm dưới làn sóng sợ hãi băng giá. Và chính quyền Việt Nam không tin ở công dân của họ. Mọi cố gắng phản biện nhằm gây dựng sự lớn mạnh cho quốc gia đều bị quy về tội chống phá nhà nước.”
Nhưng, tác giả nhấn mạnh, rằng có một điều mà TQ không thể hiểu, hay chưa hiểu, hoặc chưa học được bài học lịch sử, đó là “những người VN mà TQ tưởng là hèn hạ và chỉ biết sợ hãi ấy không bao giờ chịu để mất nước”, mặc dù đất nước VN nhiều phen bị vua, quan đem “bán cho ngoại bang”.
Nhắc đến Phương Bắc, người dân Việt – đặc biệt là ngư dân VN – hẳn mãi đậm nét cảnh “ cướp biển” TQ bắt bớ, giam cầm, đánh đập dã man, tịch thu phương tiện đánh bắt và đòi tiền chuộc từ ngư dân VN trong bối cảnh Bắc Kinh ngang nhiên coi gần trọn biển Đông là “ao nhà” của họ và ngày càng có hành động gây hấn, vi phạm chủ quyền của các tiểu quốc trong khu vực, nhất là VN và Philippines. So sánh giữa VN với lân quốc Philippines vốn đang trong tình trạng tranh chấp căng thẳng với TQ ở bãi cạn Scarborough, blogger Nguyễn Hữu Vinh lưu ý rằng “ Tuy không có được sự lãnh đạo sáng suốt của đảng cộng sản và quân đội anh hùng bách chiến bách thắng, nhưng người dân Philppines vẫn hiên ngang chống bành trướng”.
Bài “Tận cùng của sự bỉ ổi, hèn hạ và đê tiện” của blogger Nguyễn Hữu Vinh có đề cập tới sự so sánh này:
“Bên cạnh chúng ta, đất nước Philippines đang gồng mình chống lại tên bành trướng khổng lồ Bắc Kinh với thái độ hết sức quyết liệt, dù họ không mạnh bằng Việt Nam, không có tình trạng “ra ngõ gặp anh hùng” như ở Việt Nam, đặc biệt họ không có được điều kiện tuyệt vời như ở Việt Nam là có “sự lãnh đạo tuyệt đối sáng suốt” của đảng cộng sản. Việt Nam đưa các thông tin sắm máy bay, tàu chiến, các loại vũ khí tiền tỉ đola được tậu về, nhưng chưa rõ để làm gì khi ngư dân kiên quyết bám biển nhưng bị đe dọa tính mạng không có một lực lượng quân đội nào cứu trợ, bảo vệ. Những thông tin về biển đảo, về lãnh thổ, về những chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ Quốc, vì nhân dân trong cuộc chiến chống xâm lăng biên giới và lãnh hải đã không mấy khi được tờ Quân đội Nhân dân nhắc đến. Đọc các thông tin trên Quân đội Nhân dân, người ta thấy những thông tin chủ yếu là chống diễn biến hòa bình, chống các công dân đang được đảng và nhà nước xếp vào lực lượng ‘thế lực thù địch”… còn chuyện bảo vệ Tổ Quốc, lãnh thổ coi như không phải là nhiệm vụ của tờ QĐND?”
Cuộc đời bạn sẽ ra sao?
Nhắc tới “thế lực thù địch” dễ làm cho người ta liên tưởng đến hai chữ “phản động”. Câu hỏi có thể được nêu lên là người dân Việt yêu nước nếu bị giới cầm quyền trong nước xếp loại phản động thì “cuộc đời bạn sẽ ra sao”? Blogger Người Buôn Gió có câu trả lời, qua bài “Nếu bạn bị xếp hạng phản động”. Trước hết tác giả đề cập tới tiêu chí “vô cùng phong phú” của nhà cầm quyền để xếp loại người dân là phản động, thí dụ như phản đối nước láng giềng “4 tốt” và “16 chữ vàng” xâm lược, bắn giết đồng bào mình, chỉ trích chính sách nào đó của giới cầm quyền, bày tỏ cảm thông với người yêu nước bị tù đày…Nếu như thế, theo blogger Người Buôn Gió, “ bạn sẽ là phản động với một cụm từ đầy ngôn ngữ luật như ‘xâm hại an ninh quốc gia’ ”. Nhưng nếu làm thất thoát nhiều tỷ đô la tiền thuế của dân, như vụ Vinashin, Vinalines, cướp đất của dân, tự tiện đánh chết dân…thì sao ? Blogger Người Buôn Gió nhận xét:
Người dân Philippines tuy không có được sự lãnh đạo sáng suốt của đảng cộng sản…(nhưng) vẫn hiên ngang chống bành trướng. JB Nguyễn Hữu Vinh |
Như vậy, phản đối một chính sách, bày tỏ lòng yêu nước, tranh đấu cho dân oan là “một trọng tội”, thường bị xếp loại “ xâm hại an ninh quốc gia”. Và chính điều này hẳn là một trong những lý do khiến Bộ ngoại Giao Hoa Kỳ, qua bản phúc trình thường niên mới công bố hôm 24 tháng 5 vừa rồi, lưu ý chính phủ VN “tiếp tục dùng các điều khoản an ninh quốc gia” để đàn áp bất đồng chính kiến; hay bản phúc trình năm 2012 của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy tình trạng vi phạm nhân quyền của VN tồi tệ hơn năm trước.
Blogger Ngô Minh nêu lên câu hỏi “Họ học theo tấm gương nào?...” sau khi liệt kê một loạt “sự cố” trong nước, từ việc giới cầm quyền cậy chức cậy quyền để cướp đất của dân, sửa luật đất đai để dễ bề cấu kết với tư bản đỏ cướp ruộng, vườn, đẩy dân vào bước đường cùng, “chia chát nhau tan nát các tập đoàn”, đưa con cháu lên ngôi theo kiểu “cha truyền con nối” cho tới họ gọi kẻ thù truyền kiếp là bạn, nhưng gọi nông dân , trí thức yêu nước là “thế lực thù địch”, như vậy, “họ học theo tấm gương nào?” . Qua bài “Họ học theo tấm gương nao ?”, blogger Ngô Minh cho biết tiếp:
“Họ huy động cả “công an nhân dân”, “quân đội nhân dân “ đàn áp nông dân trong các vụ cướp đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản… Họ ra lệnh cho cảnh sát phang dùi cui, cú đấm được dạy ở trường ,vào đầu vào mặt những người dân tay không vô tội, đang ngăn không cho Họ cướp bờ xôi ruộng mật của mình, nhiều người bị thương tích, nhiều người bị bắt giam. Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” của Hồ Chí Minh họ đạp xuống bùn đen… Rồi dắt nhau vào nhà hàng liên hoan, vỗ tay hoan hô “cưỡng chế thắng lợi”. Họ đang học theo tấm gương nào?
Họ phe nhóm với các nhà tư bản buôn bán bất động sản, cướp đất của dân 135.000 đồng/1 mét vuông, bán lại với từ 25 tới 40 triệu đồng /1mét vuông, rồi Họ bảo đã “đền bù” thỏa đáng. Dân tình cay đắng xót đau vì thua bọn con buôn gian trá được “Nhà nước do dân vì dân” hợp sức cướp càn. Họ đang học theo tấm gương nào?…
Họ ra lệnh bọn chó săn xông vào cắn xé, đánh đập hội đồng hai nhà báo VOV, vô phương kêu cứu. Rồi vu cho bọn phản động nước ngoài. Khi vụ việc bị bại lộ, họ lại bảo đó là do dân phòng! Xin lỗi…Họ đang làm theo tấm gương nào?
Ngoài chuyện đánh đập 2 nhà báo ấy, Họ còn đánh dã man chị Ngô Thị Ánh trong biến cố Văn Giang và đánh trầm trọng một người dân nữa mà đến nay chưa biết danh tánh khiến – nói theo lời blogger Huỳnh Ngọc Chênh – “không ai không cho rằng đó là hành động côn đồ, đánh người để thoả mãn thú tính”.
Qua bài “Thời của côn đồ?”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cảm thấy đau đớn thay khi hành động côn đồ đó không phải do bọn côn đồ xã hội đen thứ thiệt gây ra mà lại được thực hiện có tổ chức bởi các nhân viên công lực mang sắc phục công an và dân phòng đang thi hành công vụ. Và điều “đau đớn hơn nữa”, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, là cấp trên của các nhân viên côn đồ đó không những mặc nhiên chấp nhận các hành vi côn đồ mà còn ra sức dung túng bao che khi sự việc vỡ lẽ. Tác giả nhân tiện nhắc lại cảnh “côn đồ” phá sập nhà dân oan Đoàn Văn Vươn, cướp hết của cải có được từ mồ hôi, nước mắt, máu và mạng sống của con gái anh Vươn mà đến nay đã qua 5 tháng công an Hải Phòng vẫn chưa điều tra thủ phạm; hay côn đồ từng “an nhiên” hành hung nhiều nhà bất đồng chính kiến nhưng vẫn được dung túng, bao che; hoặc gần đây nhất, theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh, “ một nhóm côn đồ ngang nhiên xông vào cơ quan công quyền đến tận phòng làm việc của TS Nguyễn Xuân Diện quậy phá và ra áp lực buộc TS phải gỡ bỏ một bài viết trên blog của mình một cách phi lí. Suốt trong mấy tiếng đồng hồ xảy ra chuyện quậy phá như thế, dù đã được nhiều lần gọi báo nhưng công an không hề xuất hiện kịp thời để can thiệp. Chờ khi những tên côn đồ quậy phá ra về, công an mới có mặt”. Và tác giả nêu lên câu hỏi:
“Đến lúc phải xử dụng những kẻ như vậy để giải quyết công việc đất nước rồi hay sao? Hôm nay họ xông vào Viện Hán Nôm để truy bức TS Nguyễn Xuân Diện rút lại bài phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hành vi phạm pháp đó được tuyên dương thì ngày mai, nếu có một vị dân biểu nào phản đối nhà máy điện hạt nhân thì không lý gì họ không xông vào tận Quốc hội truy bức vị dân biểu đó phải rút lại lời phản đối. Rồi mai kia, bọn người ấy lại sợ gì mà không xông vào cả mọi nơi... Sao mà giống cái thời mạt Lê, tàn Trịnh quá như thế này! Thời của côn đồ rồi sao?
Thanh Quang cảm ơn quý vị vừa theo dõi Tạp chí Điểm Blog hôm nay, và xin hẹn quý vị vào tuần sau.
© Thanh Quang, phóng viên RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét