Cảnh sát đuổi thì đi, vừa lái xe vừa nghĩ kiểu này không khéo nguy to, thượng tầng hết Vinashin đến Vinalines, hạ tầng thì Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ bản… Lại thêm hôm trước biết tin hai mẹ con bà Phạm Thị Lài và cô con gái là Hồ Nguyên Thủy khỏa thân để giữ phần đất đã bị chiếm đoạt một cách thiếu minh bạch mà nghẹn lòng. Tuy bà Lài và cô con gái chỉ là người dưng chứ chả phải họ hàng ruột thịt gì với cá nhân tôi, nhưng chợt nghĩ rồi một ngày nào đó người than của tôi hay của bạn bị rơi vào hoàn cảnh tương tự như vậy thì bạn sẽ nghĩ ra sao?
Vụ việc trên cụ bà Lê Hiền Đức một cán bộ lão thành cách mạng đã phải thốt lên “Cưỡng chế hay cưỡng hiếp?”. Mà theo bà Phạm Thị Lài – nạn nhân cho biết “Đất này gia đình tôi bỏ tiền mua để cất nhà sinh sống mấy chục năm. CIC 8 tự đưa giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. UBND Q. Cái Răng dùng lực lượng CA cưỡng chế đất giao cho CIC 8. Chồng tôi sức yếu thế cô, uất ức quá nên đã một lần uống thuốc sâu tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi biết làm gì ngoài việc lột đồ, chịu nhục để phản đối?!“. Ngoài ra còn được biết hiện giá đất mà CIC 8 đang chào bán ngay tại vị trí đất của hộ bà Lài là hơn 5 triệu đồng/m2. Trong khi theo bà Lài, Công ty này chỉ bồi thường cho gia đình bà chỉ 500.000 đồng/m2 và gia đình bà cũng không được bố trí tái định cư.
Vấn nạn thu hồi đất của người dân với giá đền bù rẻ mạt khoảng 100 – 500 ngàn đồng/m2 cho các nhà đầu tư dưới danh nghĩa của các Dự án phát triển. Để rồi các nhà đầu tư trong chớp mắt bán lại với giá gấp vài chục đến hàng trăm lần so với giá đền bù, mang lại các khoản lợi nhuận khổng lồ như ở Việt nam hiện nay quả là có một không hai kể cả việc so sánh với hai quốc gia Syria và Campuchia, là hai trong những quốc gia mà ở đó đặc trưng bởi sự thiếu cam kết với những giá trị tự do, từ đó dẫn đến tình trạng cướp đất cũng khá phổ biến. Chứ ngay cả Trung quốc, một quốc gia cộng sản có đường lối và chính sách tương tự như Việt nam, nhưng việc làm chuyện giải phóng, quy hoạch xây dựng phải nói là rất tốt. Cách đây gần chục năm khi qua Trung quốc, sau khi tìm hiểu thì được biết họ làm công tác giải phóng, quy hoạch xây dựng rất khoa học và bài bản. Cụ thể bằng cách Nhà nước giải phóng mặt bằng toàn bộ trên một diện rộng, tạo quỹ đất sạch, đồng thời tiến hành quy hoạch chi tiết 1:2000. Sau đó đem đấu giá quỹ đất sạch đó cho các chủ đầu tư. Tiền thu được một phần trả cho dân theo danh nghĩa đền bù, một phần tiền được dùng gửi Ngân hàng để nuôi người già, trẻ, tàn tật… Số đất còn lại được chuyển thành cổ phần hoặc đất dịch vụ. Mà mức đền bù cho dân của nhà nước không thỏa đáng thì cũng khó mà thu hồi được đất của họ, như hình ảnh dưới đây là một ví dụ, chứ làm sao có chuyện dùng lực lượng vũ trang hay bán vũ trang, sử dụng bạo lực để tùy tiện cướp đất của người dân như ở xứ ta hiện nay.
Một ngôi nhà cương quyết không chịu nhận đền bù trong việc giải phóng mặt bằng ở Bắc kinh |
Đã thành quy luật mà người ta đã tổng kết là “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh!”. Bằng chứng gần đây nhất là Vụ anh em gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng – Hải phòng dung vũ khí thô sơ tự chế để chống trả việc cưỡng chế bất công vô pháp luật của chính quyền Huyện Tiên Lãng. Hay vụ nông dân ba xã ở huyện Văn Giang – Hưng yên dung bom xăng, cuốc thuổng gậy gộc để chống trả lực lượng cưỡng chế đất cho dự án EcoPark với cả nghìn cảnh sát, dân phòng… trang bị súng ống đến tận răng. Và kết cục thì tất cả các hành động chống trả của nhân dân mang tính chất trứng chọi đá, những người nông dân chủ đất cũng đều là thất bại. Không thất bại sao được khi một bên là những người nông dân hiền lành, suốt đời chỉ biết một nắng hai sương bán măt cho đất, bán lưng cho giời để kiếm sống. Và một bên là một đội quân hùng hậu vốn là con em củanhững người nông dân, nhưng bị một nhóm lợi ích nhân danh đảng và chính quyền buộc quay súng hay dùng dùi cui để bắn hay đánh đập những người vốn từng là đồng chí hay cha mẹ các đồng chí của họ. Mặc dù họ, những người lính biết đó là chuyện không đúng nhưng không thể trách họ được, vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của quân nhân mà buộc họ phải thi hành.
Đó chính là lý do vì sao mà hai mẹ con bà Phạm Thị Lài và con gái là Hồ Nguyên Thủy khỏa thân để giữ phần đất đã bị cướp đoạt, bởi họ đã bị dồn tới bước đường cùng. Cho dù họ biết rằng khỏa thân để giữ đất, vẫn bị vệ sĩ lôi kéo trước mặt hàng xóm là rất nhục, nhưng mẹ con bà Lài vẫn phải cắn răn chịu đựng. Chuyện này ngày xưa, những người bần cố nông như anh Pha, chị Dậu cũng không thể hình dung được trên đất nước Việt nam ngày nay lại có thể xảy ra điều này, điều mà trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt nam không thấy sử sách nào ghi lại. Kể cả dưới chế độ thực dân phong kiến cách đây gần một thế kỷ chuyện hai người phụ nữ phải miễn cưỡng khỏa thân để giữ đất đai, tài sản của họ cũng không bao giờ có thể xảy ra. Cũng có lẽ bởi thời đó, xã hội họ sống là chế độ có luật pháp?
Khỏa thân để giữ đất, lịch sử Việt nam sẽ mãi lưu giữ những hình ảnh bi hài này của Dân tộc |
Một anh bạn tôi từng là cán bộ từng là cán bộ giải tỏa đền bù kể lại cho biết, trước đây lúc hòa giải thương lựơng với dân bất thành, mặc dù đã hội đủ mọi điều kiện, nhưng khi đó phía chủ đầu tư mới làm văn bản kiến nghị lên UBND TP. Thành phố. Ở đó họ cân đi, đo lại qua các cấp tham mưu mới ban hành quyết định thành lập Hội đồng cưỡng chế, phải đủ thành phần từ cấp ủy đảng, các cấp chính quyền ban nganh…, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể như CCB, Phụ nữ v.v… và nghiên cứu kỹ càng các quy định chi tiết khi tiến hành cưỡng chế v.v…Vậy mà rượt đi rượt lại vẫn không tổ chức được, vì chỉ cần bên công an e ngại về chuyện bạo động sẽ phức tạp là coi như xong. Cuối cùng lại phải xuống van lạy mấy hộ ngoan cố để cho họ đồng ý mức đền bù. Theo quy định là nếu quá hạn thì tiền đền bù theo giá cuối thì nộp vào kho bạc theo luật định và có tính lãi cho dân rồi. Nhưng rồi khi chính quyền bí thì phải gặp gỡ, động viên… và thêm cho ít bonus vài % nữa cho nó xong nên họ cũng vui vẻ chấp nhận thì mới xong. Anh còn cho biết cũng mệt mỏi lắm, có đợt đoàn của các anh cùng các ban xuống gặp gỡ gia đình nọ để bàn bạc thỏa thuận việc đền bù trong việc giải tỏa. Hôm đó có gặp một em gái dạy tiểu học, đã bị chị chàng mắng xối xả đoàn là bịp bợm, là lũ cướp ngày này nọ…, và đến lúc cao trào chị ta còn dọa tụt quần áo để đuổi cả bọn về. Cả bọn xanh mắt liền vội rút ngay vì sợ.
Anh còn cho biết những trường hợp cá biệt, đó là chuyện giải tỏa cưỡng chế đất cho Khu Du lịch Tràng An – Bái Đính cách đây hơn mười năm ở huyện Xuân Trường – Ninh Bình. Do làm đường mà phải giải toả nguyên một làng, cũng có đền bù , tuy nhiên do mức đền bù chưa thoả đáng dân không chiu. Về phía huyện Xuân trường cũng cậy tay to, ép chính quyền tỉnh Ninh Bình điều toàn bộ lực lượng CA Ninh Bình, CSCD, kinh tế, bảo vệ, giao thông …hơn 1.000 cán bộ chiến sỹ, đúng giờ G (tức là 12 h đêm) bao vây cả làng, toàn bộ lối ra vào được đều dựng rào dây thép gai, lưới B40. Nhưng không may là làng này không những có nhiều cụ là thành phần trung kiên thời chống Pháp, mà còn có vô số các con cháu là các cựu sỹ quan, chiến sỹ thời chống Mỹ, Tàu. Không hiểu lý do gì kế hoạch giải toả, cưỡng chế đã bị lộ ngay sau lúc được ký.
Khi lực lượng giải toả vừa bắt đầu triển khai, theo sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược thì lập tức tiếng kẻng vang lên và hàng trăm, ngàn củ đậu bay từ bụi tre, bụi duối, sau hàng rào … được bà con nông dân tặng cho lực lượng cưỡng chế, kèm theo tiếng kẻng, tiếng người hô. Khi mà dân ở trong tối, mà công an thì ở ngoài sáng, do bị tấn công bất ngờ nên các chiến sỹ , người thì núp sau khiên, người thì vội tìm gốc cây để núp, thương vong đã có. Sau giây phút bối rối, chỉ huy lực lượng công an gọi điện về cấp trên xin ý kiến và quyết định đưa ra rất nhanh…rút khẩn trương vì chẳng có “màu mè gì”. Kết quả là một số ít chiến sỹ bị thương, toàn bộ giây thép gai, lưới B40 bị dân tịch thu. Nghe nói, sau sự việc này, ở Ninh bình đã không triển khai cưỡng chế nữa, mà chuyển sang kế hoạch rình bắt một số thành phần cực đoan, manh động nhất để dẹp loạn, đồng thời yêu cầu bên Xuân Trường phải đàm phán lại với bà con cho thoả đáng.
Ngày xưa là thế đấy, còn bây giờ thì khác, tình trạng chính quyền địa phương ngang nhiên tự cho mình cái quyền cướp đất của dân, dưới danh nghĩa dự án này cũng trở nên phổ biến cũng chỉ 4-5 năm gần đây. Nhất là từ khi ông Ba D. làm Thủ tướng, là khi mà việc kiếm tiền từ đất, từ các dự án liên quan đến việc thu hồi và chuyển quyền sử dụng đất có ma lực ghê gớm bởi lợi nhuận. Cũng từ đó mà sinh ra hàng loạt đại gia, thiếu gia giàu lên một cách nhanh chóng bởi những đồng tiền có được từ các thương vụ kinh doanh đất đai hay tài nguyên quốc gia vốn thuộc sở hữu của toàn dân. Lợi nhuận càng kiếm dễ bao nhiêu, thì bọn cường hào mới kết hợp với tầng lớp tư bản đỏ có sự chống lưng của anh Ba, anh Tư, anh Sáu… từ trong hậu trường càng tàn bạo bấy nhiêu và ngày càng mất đi nhân tính. Chúng sẵn sàng làm tất cả vì tiền.
Ví dụ ngày 13 tháng 8 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tại nghị định này Điều 28 – Khoản 2 ghi rõ “2. Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất”. Nhưng trên thực tế thì khác, bất kể mục đích của Dự án nếu chủ đầu tư chi tiền là chính quyền sẵn sàng cưỡng chế. Bây giờ chủ đầu tư rất quái, họ dùng chiêu bài khoán gọn cho chính quyền trong việc cưỡng chế một sào giá cả là bao nhiêu, chủ đầu tư ứng trước cho 50%, xong thanh toán toàn bộ. Có tiền nên nên công việc chạy vèo vèo, chính quyền lập tức huy động tổng lực cần bao nhiêu lính, bao nhiêu lựu đạn cay… đều được đáp ứng nhanh chóng và hành động kể cả tàn bạo, đánh dân miễn là giải quyết triệt để và giành được thắng lợi. Nghe nói trong vụ cưỡng chế 5,8 ha đất ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang Hưng yên ngày 24.4.2012 phía chủ đầu tư giao khoán cho chính quyền với giá cưỡng chế 100.000 đông/m2 với điều kiện hoàn thành trước ngày 30.4.2012. Chính vì thế nông dân bây giờ là kẻ thù cản trở việc kiếm tiền làm giàu của các quan, cần phải tiêu diệt. Đó chính là lý do vì sao ông Ông Bùi Huy Thanh, Chánh VP UBND Hưng Yên nói rất thật thà rằng “Phải xem lúc bị đánh họ có xưng là nhà báo không?”, có nghĩa là nếu là dân thì cứ đánh vô tư vì đây là chủ trương của chính quyền tỉnh Hưng yên.
Câu hỏi đặt ra là những vụ việc ấy phía chính quyền các cấp có hay biết không? Câu trả lời cũng rất đơn giản, sao lại không biết. Bới chính chúng nó (cấp tỉnh, cấp huyện) là đầu têu và là bọn hưởng lợi nhiều nhất, có thế nó mới có quyết tâm chính trị cao đến mức đánh cả dân để cướp đất dâng cho chủ đầu tư như thế chứ. Sẽ có người hỏi ở tầm cao hơn cấp tỉnh họ có biết hay không? Xin hỏi lại tầm cao ở đây là tập thể Bộ Chính trị và cá nhân ông Ba D – TTg phải không? Biết chứ, không biết thì có họa họ điên. Họ biết nhưng không xử lý vì sợ động chạm đến lợi ích của các đồng chí khác, vì nếu chơi họ thì sợ họ phản pháo cháy thành vạ lây. Cứ để yên một hồi cho êm êm, rồi khi ấy ra chỉ thị yêu cầu (điệp khúc) làm rõ để Thủ tướng kết luận. Nhưng cái đích chính là để bọn bậu sậu của TTg lấy cớ thay (bán) mấy cái ghế chủ chốt cũng ăn bẫm tiền rồi. Nghe phong phanh ở Hưng yên, mấy đồng chí lãnh đạo sẽ bị trảm trong vòng một vài tháng nữa, chuyện trảm đôi ba vị và bán những cái ghế mới cũng là một cơ hội cho một số cá nhân cấp cao, vẹn cả đôi đường : được lòng dân, có thu nhập từ bán ghế. Ai dám chê họ ngu?
Đúng như ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), cơ quan phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã từng kết luận về vấn nạn này rằng “Chính quyền trải thảm đỏ cho nhà đầu tư thì cũng phải có thảm đỏ cho người dân, chứ không thể là thảm có gai”. Và trong thực tế thời nay, giai đoạn nào thì người nông dân cũng là những người thiệt thòi nhất. Trong chiến tranh trong số hàng triệu người ngã xuống thì có bao nhiêu phần trăm (%) là nông dân? Để rồi đến thời bình, chính quyền tiếp tục yêu cầu họ hy sinh đất đai của họ để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và rồi biến họ thành những người thất nghiệp sau khi đền bù đất đai canh tác của họ đã qua nhiều thế hệ, với mức giá đền bù tương đương vài bát phở một mét vuông. Không những thế bây giờ còn coi họ là kẻ thù. Sao lại bạc bẽo với những người nông dân như vậy?
Trở lại câu chuyện hai mẹ con bà Phạm Thị Lài và cô con gái là Hồ Nguyên Thủy khỏa thân để giữ phần đất đã bị ăn cướp, khi mà trước đó không lâu người chồng của bà cũng vì quá phẫn uất mà đã uống thuốc sâu để tự tử. Chuyện này cũng để thấy người phụ nữ miền Nam thật không hổ danh với câu “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời đánh Mỹ. Thời đó cũng có những người như bà Út Tịch, một nữ anh hùng, mà cuộc đời bà đã được nhà văn Nguyễn Thi xây dựng thành nhân vật chính trong tác phẩm Người mẹ cầm súng, với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh”, để thể hiện quyết tâm đấu tranh của mình. Lai quần nghĩa là cái gấu quần, khi cái quần còn cái gấu thì nghĩa là bà Út Tịch vẫn còn được mặc quần để đấu tranh và bà đã chiến thắng. Ngày nay hai mẹ con bà Lài vì bảo vệ đất của gia đình mà buộc phải dùng đến cơ thể khỏa thân của mình giữa thanh thiên bạch nhật làm vũ khí cuối cùng, chống lại cái được gọi là bất công, thì thử hỏi liệu có gì để nói nữa không? Nhưng lạ kỳ là họ vẫn thua thì thấy được sự bất nhân của thời đại Xã hội Chủ nghĩa, khi mà nhân phẩm của con người bị sức mạnh của đồng tiền chà đạp.
Còn nhớ hơn hai mươi năm trước, khi Hà nội mở rộng đường Chùa Bộc và đường xuyên sang Thái Hà, cũng từng có một bà mẹ liệt sĩ khỏa thân và tẩm xăng quyết trụ trong túp lều của cụ, chỗ mà cụ dùng làm nơi bán nước chè để kiếm sống. Khi ấy, lực lưỡng chức năng đã phải điều cả xe cứu hỏa đến để dự phòng, nhưng rồi cũng đã phải tiến hành thỏa thuận để giải quyết được vụ này một cách êm đẹp. Những điều đó đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo từ rất lâu rồi, bây giờ khi người dân đã bị buộc phải cởi đồ để giữ đất, vì khi họ đã bị đẩy vào đường cùng… vậy mà phía chính quyền cũng bỏ mặc họ. Không biết có phải vì há miệng thì mắc quai hay không? Đã là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì thử hỏi lợi ích nào cần phải bảo vệ nếu trước hết? Chủ đầu tư hay là người dân?
Các ông lãnh đạo ạ, các ông đã để lòng tham nó làm đui mù và đánh mất hết nhân tính hết rồi, xin các ông nên nhớ tiền bạc có bao nhiêu cũng không thỏa mãn được cơn khát tiền của những kẻ tham lam. Chỉ có sự biết thế nào là đủ, biết giới hạn của ước muốn của mỗi cá nhân thì lúc đó chúng ta mới trở thành con người nhân ái và có hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự của con người là sự chia sẻ, san sẻ cho đồng loại, chứ nó không phải là sự đấu tranh hay giành giật như lý thuyết của Chủ nghĩa Cộng sản họ dạy cho các ông. Dẫu các ông đã và sẽ có hàng trăm, hàng nghìn tỷ đi chăng nữa thì các ông cũng có sống lâu hơn người khác nhiều hơn đâu và khi chết đi thì thử hỏi các ông mang theo được những cái gì? Hay chỉ để lại cho đời sự ô nhục khi họ nhắc đến một thời đểu cáng lên ngôi của các ông? Đã có biết bao nhiêu người như các ông khi hết chức, hết quyền phải “bán xới” dọn đi nơi khác để ở một phần vì nhục với bàc con xóm giềng, một phần cũng vì dân vùng đó họ tuyên bố đố thằng nào trong “chúng nó” có gan đi bộ khoảng hai trăm mét trên con đường này. Bài học còn sờ sờ ra đấy, đó là “quan nhất thời, dân vạn đại”. Bây giờ có lẽ con đường duy nhất là “Hồi đầu thị ngạn (quay đầu là bờ) thôi các ông ạ !
Thật là đau đớn quá, khi nhớ lời Cụ Hồ viết trong Di chúc rằng đến ngày thống nhất nhất định nhân dân ta sẽ xây dựng một nước Việt nam đàng hoàng hơn to đẹp hơn, vậy mà đã 37 năm, nghĩa là hơn 1/3 thế kỷ đã qua mà bây giờ chúng nó đã làm ra những cái gì thế này với nhân dân hở trời!
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2012
© Kami - RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét