Mùi thối và cái lỗ mũi - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Mùi thối và cái lỗ mũi

ad728
Đặng Ngữ

Chuyện nhớ lại cách đây nhiều năm. Ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn thật chẳng có gì thú vị: mùi hôi thối. Chẳng ai muốn viết về chất thải và mùi hôi thối. Nhưng đấy vẫn là những thứ mà chúng ta chứng kiến và hít thở hàng ngày dù muốn hay không.

Tôi tốt nghiệp đại học năm 2000. Không xin được việc làm ở quê nhà. Nói cho ngay, chẳng nơi nào muốn nhận tôi vào làm. Lý do: tôi không đủ năng lực (tôi không rõ các giáo sư đại học đã dạy tôi những gì, hoặc tôi đần, đầu óc toàn bã đậu không tiếp thu được kiến thức của các vị ấy), gia đình tôi không có các mối quan hệ để có thể nhờ cậy, hoặc gia đình tôi không có đủ tiền để chạy việc. Có khi là tất cả những lý do kể trên. Chuyện này luôn có thể xảy ra với mọi sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ở đất nước chúng ta. Tôi không phải trường hợp ngoại lệ.

Kinh Nhiêu Lộc ngày xưa (1993). Nguồn ảnh: Nguyễn Công Thành
Quyết định khăn gói qủa mướp lên đường vào Nam: Sài Gòn trực chỉ. Tôi không biết mình sẽ làm gì ở đấy nhưng cứ đi cái đã, mọi chuyện tính sau. Đối với một thằng trai trẻ, sau lưng chẳng có gì, chỉ nên bước tới trước. Tất nhiên, sẽ làm đủ mọi nghề để có thể sống sót. Và để sống sót, việc đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi tìm đường đến nhà ông cậu để xin vài lời khuyên từ một người có thâm niên ở Sài Gòn mà tôi có thể tin tưởng được. Cậu tôi tên Khâm, một kỹ sư hóa tài năng và đầy sáng tạo. Trước đây cậu tôi làm việc ở nhà máy nhựa Đà Nẵng. Tính ông khẳng khái, đã khẳng khái lại còn sáng tạo thì thật tai họa, ông chẳng thể tồn tại ở cái nhà máy đầy kiêu hãnh kia. Ông bị nữ giám đốc đì. Đàn bà một khi đã muốn hành hạ ai thì ghê gớm lắm. Cậu Khâm không chịu đựng nổi, ông đưa cả gia đình lên xe, vào Sài Gòn lập nghiệp. Gia đình cậu tôi cả thảy 5 người lớn nhỏ chia nhau một căn nhà trọ nhỏ, đâu chừng không quá 20 mét vuông, ngay phía sau nhà chủ. Căn nhà nằm bên hông chợ Bà Chiểu nay vẫn còn. Chủ nhà có vẻ yêu thiên nhiên, giữa sân có một cây hoa Hoàng hậu rất to. Lúc tôi đến, hoa nở vàng rực, cánh hoa rụng đầy sân. Sau lưng nhà chính tức phía chính diện nhà trọ mà gia đình cậu Khâm đang ở lại là một con kênh. Như tất cả kênh nước ở Sài Gòn, mùa nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, dưới kênh lăn quăn nhiều vô kể, muỗi mòng thì khỏi cần miêu tả. Vừa từ Đà Nẵng vào (một nơi cho đến bây giờ còn khá sạch sẽ và trong lành), nên tôi chưa quen lắm với mùi hôi thối. Dù đã cố giữ phép lịch sự nhưng tôi không thể không tỏ ra khó chịu. Cậu tôi giải thích “lúc đầu tao cũng không chịu được, nhưng ở lâu khắc quen, giờ không để ý nữa. Với lại cũng không có lựa chọn nào khác.” Để giữ nhân cách cho sạch sẽ, cậu tôi đã chọn cách sống chung với mùi hôi thối. Mọi chuyện khó hiểu đều có thể xảy ra ở đất nước xinh đẹp chúng ta. Tôi nói chuyện với cậu một lúc rồi xin phép ra về.

Thẳng thắn với nhau, tôi cho rằng “Con người không thể sống chung với dơ bẩn và hôi thối như thế được. Thà chết còn hơn.” Rốt cuộc, tôi đã không chết thậm chí còn sống khỏe dù sống chung với mùi hôi thối kinh khủng đấy mười mấy năm liền. Hóa ra, tôi đã thay đổi quan niệm của mình từ lúc nào không hay: “Con người ta hoàn toàn có thể sống chung với hôi thối.” Tôi khẳng định điều ấy như một chân lý. Vấn đề à? Vấn đề xảy ra với cái mũi mới quan trọng. Kính thưa độc giả, chúng ta sẽ gặp vấn đề với cái mũi của chính mình. Mũi của tôi đã không còn phân biệt nổi mùi thơm và mùi thối. Thế mới tai hại; nhiệm vụ của cái mũi là để thưởng thức những gì tinh tế đã không còn hoạt động đúng chức năng của nó nữa. Vậy thì sống để làm gì, tôi cáu nhặng xị. Thỉnh thoảng, mà thật ra là thường xuyên, tôi la toáng lên như một con ruồi đang vo ve trên đống phân. Lại thẳng thắn với nhau thêm lần nữa nhé, chỉ có loài ruồi mới không thể phân biệt mùi thối với hương thơm. Tôi la toáng chỉ để tự trào rằng mình vẫn còn hãy là người chứ không phải ruồi. May thay, tôi vẫn còn la toáng lên được để cảnh báo mình. Nếu ngày nào không còn giật mình la lên nữa thì có lẻ tôi đã đồng hóa mình với loài ruồi dơ bẩn (xin lỗi ruồi khi nói về chúng mày như vậy). Thường xuyên, tôi tự biện hộ rằng mình đâu có sự lựa chọn nào khác hay nói đúng hơn tôi đã không cho cái mũi của mình được lựa chọn. Phải thuận theo số phận khi mình không thể tự định đoạt những gì đã và đang xảy ra hoặc để cho người khác quyết định thay. Vậy thì, kính thưa những ai có quyền lựa chọn, qúi vị là những người may mắn, xin đừng cười vào mũi của chúng tôi nhé. Các vị đã ăn may khi không phải đồng hóa mình với loài ruồi. Mùa xuân đến, khi hoa nở khắp nơi, các vị cứ tự nhiên thưởng thức món quà của thiên nhiên. Còn chúng tôi, chúng tôi đã không còn phân biệt nổi các thứ mùi nữa rồi. Chẳng cần hoa nở trước sân.

Rác và lục bình trên Kinh Nhiêu Lộc ngày nay. Nguồn ảnh: http://nld.com.vn
Tôi vẫn thường đi về trên con đường mà thành phố mới đặt tên cách đây không lâu: Hoàng Sa và Trường Sa. (Xin lỗi nhau cho phải phép, tôi muốn gầm lên “đéo mẹ những thằng nghĩ ra cái tên này để trêu tức chúng ta.”) Hai con đường này chạy dọc theo hai bờ của con kênh nổi tiếng thành phố: kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Nhắc để độc giả ở xa lưu ý, con kênh này hoàn toàn khác xa những con kênh xanh xanh cá lội của nhà văn Sơn Nam. Mấy năm nay thấy người ta ngăn rào, chắn đường để thi công. Dân chúng khổ sở chịu đựng mấy năm liền nhưng không ai ca thán. Tất cả đều vì một tương lai đầy hương thơm mà chịu đựng, dù tương lai ấy có xa vời đến đâu. Bỏ qua những chuyện lùm xùm quanh việc chọn thầu, thi công chậm như rùa..., như một lẽ tự nhiên ở đất nước này. Nhiều người vẫn hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải chịu đựng thêm mùi hôi thối. Vấn đề không đơn giản đến thế? Tôi thấy nhiều người tiếp tục đổ rác xuống dòng kênh. Vậy nên, vấn đề là chúng ta sẽ được hít thở cái không khí có phần cải thiện đấy trong bao lâu. Không lâu nữa, con kênh sẽ lại tiếp tục dậy mùi hôi thối khi nó phải mang trong mình chất thải của hàng triệu người chúng ta. Có lời giải thích nào khác nếu không phải là “Chúng ta đều không chịu được nếu thiếu những mùi hôi thối đấy. Có khi chúng ta còn yêu thích nữa.” Phải thế không? Hãy nhìn chung quanh mà xem... toàn những con bọ hung đang biện hộ cho sở thích ăn phân của mình.

[...]

Mùa xuân đến đâu có ích gì với những người hỏng mũi.
Và bọ hung thì không có quà.

Những ấu trùng bọ hung màu trắng từ trứng nở ra, dựa vào ăn phân mà lớn lên. Sau khi lớn, chúng lại làm hệt như bố mẹ, tiếp tục đi lăn vần viên phân. Nguồn ảnh: vinhphucdost.gov.vn
Sài Gòn 28/11/2012
-----------------------------------
Nguồn: Mùi thối & cái lỗ mũi Wednesday, November 28, 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages