Các Ông, Bà Ủy viên Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992
Đặng Thị Hoàng Yến. vi.wikipedia.org |
I. QUYỀN CON NGƯỜI
Hiến pháp hiện nay quy định “Mọi người có quyền sống” (Điều 21, Chương II, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 2013). Nhưng sống như thế nào, quyền được sống được cụ thể bao gồm những quyền gì, thì Hiến Pháp chưa nêu rõ ràng và đầy đủ. Bất cứ một đất nước tiến bộ nào, nhất là một chế độ tốt đẹp cần phải có quy định rõ ràng và bảo vệ các quyền cơ bản mà không ai có quyền tước bỏ đó là: Quyền tự do ngôn luận, Quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, Quyền tự do tôn giáo, Quyền tự do hội họp và đặc biệt là Quyền tự do kiện Chính phủ sẽ cho phép nhân dân thực sự làm chủ, giám sát mọi hoạt động của Chính Phủ từ địa phương đến Trung Ương. Nếu người dân có Quyền tự do kiện Chính phủ sẽ là động lực khiến Chính phủ phải thực sự do dân, vì dân, hạn chế tham nhũng và ban hành các văn bản không hợp hiến. Hiện nay, do Hiến pháp chưa quy định về Quyền này nên có nhiều trường hợp người dân kiện Chính phủ nhưng Tòa án không nhận đơn.
Do vậy, để thể hiện được tính ưu việt của chế độ, thực hiện đúng mục đích về một chế độ do dân và thật sự vì dân, tôi đề nghị bổ sung và quy định rõ trong Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân những quyền con người cơ bản sau:
- Quyền tự do ngôn luận
- Quyền tự do mưu cầu hạnh phúc
- Quyền tự do tôn giáo
- Quyền tự do hội họp
- Quyền tự do kiện Chính phủ
II. DÂN CHỦ
Đề nghị bổ sung và quy định rõ, công dân có quyền tự do thành lập và gia nhập Đảng phái và những Đảng phái này được quyền thành lập, tham gia vào Quốc hội và Chính phủ để điều hành đất nước nếu được sự tín nhiệm của nhân dân thông qua bầu cử.
Hiện nay, Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh và vững mạnh trên nhiều mọi lĩnh vực, và không thể phủ nhận vai trò quan trọng và công lao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong sự phát triển đó. Dù Trung Quốc là một nước mà Đảng Cộng Sản cầm quyền như Việt Nam, nhưng thực tế, Trung Quốc hiện nay có 09 Đảng, trong đó có Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn không hề mất vai trò lãnh đạo của họ. Do vậy, dựa trên bài học của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy rằng, nếu Đảng Cộng Sản có năng lực, được sự tin tưởng của nhân dân, thì dù cho tự do thành lập Đảng, Đảng Cộng Sản vẫn không mất vai trò lãnh đạo đất nước.
Đồng thời ngay chúng ta cũng có thể học tập kinh nghiệm ngay từ các nước Tư bản tiên tiến để đưa ra những quy định Cần và Đủ để được phép nộp đơn xin thành lập Đảng, nhưng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Người nộp đơn thành lập Đảng phải là người có quốc tịch Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam;
- Đảng hoạt động bằng tiền Đảng phí, các khoản tài trợ của cá nhân hoặc các tổ chức của Việt Nam, và hoạt động tại Việt Nam;
- Đảng phải cam kết hoạt động đúng Hiến pháp và Luật pháp Việt Nam
- Đảng phải cam kết không được nhận tài trợ của cá nhân và các tổ chức của nước ngoài.
- Việc thành lập Đảng không thỏa mãn các đìều kiện trên đều là Vi Hiến và sẽ bị xét xử với tội danh chống phá nhà nước.
Nếu Hiến pháp được bổ sung những điều trên, chắc chắn đất nước sẽ bước trên con đường dân chủ thực sự, cho phép Nhân dân được quyền tự do lựa chọn Đảng phái. Đảng Cộng Sản cũng sẽ có động lực thúc đẩy để tự đổi mới, đại diện cho nhân dân và được nhân dân ủng hộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng Cộng Sản nhiều năm, quy tụ được mọi ngọn cờ Đảng phái dưới ngọn cờ của mình.
Như vậy, Đảng Cộng Sản nếu vẫn thật sự “do dân và vì dân” thì sẽ vẫn được nhân dân tín nhiệm, vẫn nắm được vai trò lãnh đạo khi được nhân dân tín nhiệm và sẽ thực sự biến các Đảng phái ở nước ngoài trở thành vi hiến và các nước không thể lợi dụng để can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Hiện nay, việc chỉ có một Đảng đã khiến cả thế giới lên án; và theo xu thế tiến bộ của Thời đại, nếu tiếp tục không sửa đổi thì việc này sẽ trở thành quá muộn, các Đảng viên Đảng Cộng Sản sẽ không có sự cạnh tranh, không nhận thấy áp lực cần phải đổi mới, tạo ra sự độc quyền không lành mạnh.
III. QUYỀN SỞ HỮU ĐẤT ĐAI
Điều 54 Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.” thì tất yếu phải có đa sở hữu trong lĩnh vực đất đai, phù hợp với các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 57 và 58, Chương III, Dự thảo Hiến pháp Sửa đổi 2013.
Thực tế, hàng năm có tới 70 – 80% khiếu kiện kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai chỉ vì Chế độ sở hữu đất đai không tương thích với nhiều thành phần kinh tế đã dược Luật pháp công nhận đang vận hành và phát triển khá tốt.
Hãy cho người dân được quyền lựa chọn: nếu họ muốn được giao đất sở hữu thì họ phải trả tiền, nếu muốn thuê thì quy định tiền thuê. Như vậy, sẽ giúp cho Nhà nước có khoản thu lớn cho Ngân sách, và hơn hết giúp cho chấm dứt được khiếu kiện kéo dài và tham nhũng hoành hành trong lĩnh vực đất đai.
Ví dụ về chính sách Hóa giá nhà: Từ những năm 1985 – 1990, khi tôi đang công tác tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia kiến nghị xin thực hiện thí điểm thực hiện đề án hóa giá nhà và đã được Thành Phố và Trung Ương cho thực hiện thí điểm đầu tiên trên cả nước. Sau khi áp dụng thành công, chính sách hóa giá nhà đã được áp dụng trên cả nước rất thành công. Chính điều này đã khiến nhiều cán bộ công nhân viên phấn khởi, nhà nước thu đựợc lượng tiền lớn và các nhà hóa giá được bảo quản, nâng cấp để làm đẹp đẽ cả quang cảnh chung của cả thành phố…
Do vậy, nếu cho người dân có quyền sở hữu đất đai, nhân dân cả nước sẽ phấn khởi, sử dụng đất có hiệu quả, tránh được khiếu kiện và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và có khoản thu lớn cho Ngân sách Nhà nước.
Trên đây là một số ý kiến và kiến nghị bổ sung và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các ý kiến thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao nhất đối với việc sửa đổi Hiến pháp, một sự kiện hệ trọng, có ảnh hưởng lớn đến tương lai của đất nước. Kính mong các đồng chí trong Ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ có một sự xem xét khách quan và chính xác nhất, để đảm bảo việc Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!
Người đóng góp ý kiến
© Đặng Thị Hoàng Yến
Nguồn: Đóng góp sửa đổi hiến pháp là thời khắc lịch sử của toàn thể nhân dân Việt Nam - Theo Struggling For Better
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét