Ảnh hưởng đến hành vi hung bạo
Những hình ảnh bạo lực trong lễ hội như: “chém lợn tế thần”, “phóng lao giết trâu”... đang tạo ra những cái nhìn trái chiều về lễ hội truyền thống. Gần đây, dư luận nổi sóng với những hình ảnh lưỡi dao sắc ngọt, chém lìa đôi con lợn trong tiếng cổ vũ hò reo ở Tiên Du (Bắc Ninh). Đáng nói hơn, tại lễ hội có cả những trẻ em cũng tham gia cổ vũ.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, những lễ hội dã man như đâm trâu ở Tây Nguyên là tín ngưỡng lâu đời, phong tục cổ truyền từ thời người ta còn sống bằng săn bắt. Tâm lý con người muốn ăn mừng những chiến thắng, tế thần khi săn bắn thành công...
Chú lợn đang được chặt đầu, moi phủ tạng trong lễ hội chạy lợn (Ảnh dantri) |
Ths Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, (trường ĐH Sư phạm TP. HCM) phân tích, trẻ em dưới 6 tuổi rất dễ tiếp thu những hình ảnh làm cho trẻ bị "sốc".
“Chém giết súc vật tạo nên những hình ảnh bạo lực, dã man trong mắt của một đứa trẻ thơ. Đôi khi, những hình ảnh này có thể đeo đuổi dai dẳng tâm trí, gây cho trẻ tâm trạng sợ hãi. Thậm chí còn có thể tạo nên những cơn ác mộng ám ảnh trong giấc ngủ”, Ths Hiếu nói.
Theo vị chuyên gia tâm lý này, trẻ em lớn hơn một chút, dưới 11 tuổi là giai đoạn rất hay bắt chước hành vi của người lớn. Nếu chứng kiến cảnh cầm dao chém lợn, đâm trâu... hoàn toàn có thể được một số trẻ bắt chước để đối xử với các vật nuôi trong nhà. Từ đó tính bạo lực nhen nhóm và sự di chuyển đối tượng từ súc vật sang con người không phải là không có.
Trẻ vị thành niên (dưới 16 tuổi) tuy có lớn hơn, tâm lý vững vàng hơn nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng. Ths Hiếu cho hay: “Khi chơi game bạo lực, xem phim chém giết, trẻ lưu giữ những hình ảnh ấy trong đầu. Hình ảnh đó hoàn toàn có thể tác động chi phối đến hành vi ứng xử của trẻ trong thực tế”.
Nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) cũng đồng quan điểm với Ths Hiếu. Theo ông Linh, nếu đặt những biểu trưng văn hóa vào bối cảnh phi văn hóa, nhuộm thêm màu bạo lực, chết chóc, thì cái hay cái đẹp trở thành cái ngược lại. Đó là sự đảo ngược các giá trị, niềm tin của xã hội.
“Tôi ví dụ, lễ hội chọi trâu, chúng ta truyền tải thông điệp văn hóa nào khi đưa những con vật (con trâu là con vật biểu trưng cho lao động, đem lại cơm ăn, áo mặc cho con người) lên sàn đấu đẫm máu? Rồi sau đó, dù thắng hay thua thì cũng bị dí điện và làm thịt”, ông Cảnh Linh nói.
Cần thay đổi cho phù hợp
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa lấy ví dụ từ trường hợp Lê Văn Lyện giết cả gia đình một tiệm vàng từng làm rúng động xã hội mới đây. Theo chuyên gia này, nguyên nhân có thể ảnh hưởng một phần từ thói quen nhìn thấy giết, mổ lợn. Bởi nhà Luyện làm nghề buôn bán thịt lợn.
“Những nghi lễ đâm, giết... là hủ tục xưa tồn tại, không còn phù hợp với xã hội văn minh. Nhất là những hình ảnh tàn sát động vật tạo ấn tượng với trẻ em, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển đến thế hệ tương lai”, vị chuyên gia nói
Một cảnh máu me phản cảm trong nghi lễ đâm trâu |
“Đây sẽ là bài toán khó dành cho các nhà quản lý văn hóa. Họ cần nghiên cứu xem những lễ hội bạo lực ấy thay đổi theo hướng nào để vừa bảo đảm nhu cầu tâm linh vừa tránh hình ảnh bạo lực”, ông Hòa cho hay.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia tâm lý này, phong tục đã tồn tại lâu đời nên người dân rất khó bỏ. Trước mắt, cần phải vận động người dân biết và thay đổi dần dần.
Theo nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại tất cả nền văn hóa của mình và cần thẳng tay loại bỏ các yếu tố tiêu cực, hạn chế. Đặc biệt là phải tạo ra một nền văn hóa yêu thương và không chấp nhận bạo lực. Chính sự thẳng thắn đó mới có thể tạo ra động lực cho một sự phát triển mới.
Văn hóa luôn gắn với các điều kiện lịch sử cụ thể và không phải cái nào trong truyền thống cũng phù hợp với xã hội ngày nay. Nhất là khi Việt Nam đang cố gắng hội nhập với những giá trị văn minh, tiến bộ, tinh thần khoan dung trong văn hóa của nhân loại.
Đâm trâu, chém lợn về bản chất là hình thức khao quân, khích lệ cộng đồng trong lao động sản xuất vào những dịp quan trọng trong năm. Việc giết mổ, khao quân là bình thường. Nhưng ở đây sử dụng như một loại hình văn hóa cộng đồng - tâm linh - cổ vũ tinh thần bạo lực... Xã hội ngày nay chúng ta đang khuyến khích dùng tri thức, ứng xử văn hóa nhân văn, nhân đạo nhiều hơn cơ bắp và bạo lực.
(Nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh).
Lễ hội dã man: Lo lớp trẻ "máu lạnh"?Đó là ý kiến của nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó trưởng ban Thông tin và Phổ biến kiến thức – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển – Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Nhà xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh
Là một nhà xã hội học, ông nhìn nhận về “lễ hội dã man” đó như thế nào?
Hầu hết các yếu tố bạo lực đều xuất phát từ cuộc sống khó khăn khi luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nguy cơ xâm lược của kẻ thù... Do vậy, các yếu tố bạo lực phát triển trong văn hóa xuất phát từ nhu cầu cần cổ vũ, khẳng định niềm tin vào sức mạnh cơ bắp của cộng đồng.
Đâm trâu, chém lợn về bản chất là hình thức khao quân, khích lệ cộng đồng trong lao động sản xuất vào những dịp quan trọng trong năm. Việc giết mổ, khao quân là bình thường. Nhưng ở đây sử dụng như một loại hình văn hóa cộng đồng - tâm linh - cổ vũ tinh thần bạo lực.. Xã hội ngày nay chúng ta đang khuyến khích dùng tri thức, ứng xử văn hóa nhân văn, nhân đạo nhiều hơn cơ bắp và bạo lực .
Như vậy, dường như chúng ta đang có sự “nhầm lẫn” về mặt giá trị văn hóa?
Tôi ví dụ, truyện Tấm – Cám được dạy dỗ trong sách giáo khoa. Đây là câu chuyện mang màu sắc bạo lực. Câu hỏi là tại sao cái Thiện (Cô Tấm) lại trả thù cái Ác (Cô Cám) dã man hơn rất nhiều lần so với điều cái ác đã gây ra cho cái thiện. Sự nhầm lẫn về giá trị đang là điều rất nguy hiểm và khó kiểm soát.
Chúng ta hãy hình dung là giới trẻ sẽ suy nghĩ như thế nào nếu những người lớn một mặt dạy họ về đạo đức, cái thiện... mặt khác lại đang chấp nhận, thích thú với những hình ảnh đầy phản cảm, man rợ như đâm trâu, chém lợn.
Thưa ông, dường như giới trẻ hiện nay, xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề nhiều hơn?
Thế hệ trẻ ngày nay rất nhạy cảm, và cũng rất khó phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, thiện - ác với một xã hội phát triển nhanh và biến động. Sức đề kháng yếu do các thiết chế gia đình, nhà trường, xã hội xuống cấp. Do vậy, giới trẻ ngày càng tỏ ra khó kiềm chế và có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề nhiều hơn.
Điều này chúng ta không nên hoàn toàn đổ lỗi cho văn hóa phương Tây tất cả mà cần xem lại văn hóa của chính mình.
Ở vụ án sát nhân máu lạnh Lê Văn Luyện trước đây, có ý kiến cho rằng, anh ta có một phần ảnh hưởng từ việc chứng kiến cảnh chém mổ lợn từ nhỏ (do nhà anh này làm nghề). Ông có nghĩ rằng, từ việc đâm chém lợn, trâu phát tán rộng rãi ra xã hội nhờ thông tin đại chúng sẽ tạo nên một lớp trẻ “máu lạnh” không?
Tôi đồng ý với quan điểm này. Có thể rất nhiều người trẻ tuổi sẽ trở thành Lê Văn Luyện nếu môi trường sống xung quanh của luôn là chủ nghĩa bạo lực và ứng xử bạo lực.
Về bản chất, “máu lạnh” là sự rối loạn về hành vi, nhân cách, phi nhân tính, có nhiều cấp độ khác nhau và biểu hiện ở các giai đoạn khác nhau. Có thể cái đang bùng phát lên không lớn bằng cái tảng băng chìm ở phía dưới. Điều quan trọng là xã hội hãy quan tâm đến việc cải thiện môi trường sống, môi trường văn hóa của giới trẻ nhiều hơn, nêu gương tích cực hơn trước khi mọi thứ đều trở thành quá muộn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khám phá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét