Lời Nói Đầu
Không ai thấy trước cuộc Cách mạng Ả Rập sẽ đến. Thế nhưng nó đã xảy ra, một sức mạnh thiên nhiên, lật đổ các chế độ và gây ra những cuộc phản cách mạng. Thế giới Ả Rập trải qua một cuộc biến đổi đánh dấu một kỷ nguyên mới giống như Đông Âu từ năm 1989. Nhưng khác với trường hợp của Bức tường Berlin, cuộc nổi dậy Ả Rập khơi dậy nhiều hoài nghi. Cũng vì nó làm lung lay những điều mà người ta đã từng tin chắc vào đấy. Người Hồi giáo yêu cầu dân chủ ư? Chứ không phải một quốc gia thần quyền? Lật đổ Mubarak, một pharaoh, mà không cần phải bắn một phát súng? Nổi dậy chống Ghaddafi, và khối NATO còn giúp đỡ họ trong lúc đấy? Những điều đấy dẫn đi đến đâu?
Các phản ứng ở Washington, Berlin và những nơi khác cho thấy chính trị Phương Tây đã khó chấp nhận những thay đổi đó cho đến đâu. Dè dặt, ngần ngại, một ít cân nhắc. Người ta chỉ tuyên bố công khai niềm vui mừng về sự biến đổi khi nó dường như không còn có thể đảo ngược lại được nữa. Sách lược chính trị được tiến hành nhiều thập niên liền, thỏa hiệp với những kẻ dùng bạo lực xấu xa nhất để thống trị cho tới chừng nào mà họ vẫn còn cung cấp dầu mỏ, săn lùng khủng bố và giữ không cho người tỵ nạn đến gần biên giới châu Âu, đã trở nên vô giá trị chỉ qua một đêm theo đúng nghĩa đen của nó. Thêm vào đó, do bị định hướng sai lầm bởi một nỗi lo sợ đạo Hồi, cái có sẵn những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi phức tạp về xã hội, nhiều người Âu đã không hiểu, không muốn hiểu, cả một thời gian dài, rằng cuộc Cách mạng Ả Rập không tạo nên hiểm họa mà mở ra những cơ hội mới. Những kẻ thua cuộc cũng đã được định rõ rồi, bên cạnh những nhà độc tài. Đấy về một mặt là từ Trào lưu Chính thống Hồi giáo cho đến Al-Qaida. Và về mặt khác là cái được gọi là “Phê phán Hồi giáo”, cái từ nhiều năm nay cố thì thào vào giới công cộng ở đây [Đức/châu Âu] rằng đạo Hồi trước tiên là một mối đe dọa. Những giá trị mà con người của tất cả các tầng lớp và lứa tuổi từ Maroc cho tới Oman đấu tranh cho chúng là những giá trị chung. Hồi giáo hay phi Hồi giáo không đóng vai trò nào trong mối liên quan này cả. Còn hơn thế, vấn đề ở đây là về tự do và hạnh phúc, về tương lai và dân chủ. Về hy vọng và công bằng. Điều đấy có thể giải thích được tại sao sự phản kháng hòa bình của số đông đó sẽ tìm thấy những người phỏng theo, hay là đã tìm thấy rồi. Tại những cuộc bầu cử địa phương ở Tây Ban Nha, khi hàng nghìn thanh thiếu niên cắm trại trong nội thành của Madrid. Ở những cuộc biểu tình kéo dài còn lớn hơn nhiều để chống cắt giảm phúc lợi xã hội ở Athen và Tel Aviv, nơi những con đường phố hay quảng trường trung tâm bị chiếm cứ hàng tuần liền. Không khác gì trên Quảng trường Tahrir ở Cairo, nơi tất cả bắt đầu.
“Điều kỳ diệu” của cuộc Cách mạng Ả Rập là lần lật đổ một hình thức thống trị lỗi thời, tiền hiện đại mà hiện thân của nó là những nhà độc tài giống như những vua Hồi. Nhìn bề ngoài, những chế độ như của Mubarak hay Ghaddafi trông có vẻ vững chắc. Nhưng thật ra chúng đã yếu ớt và dễ bị tổn thương từ lâu rồi, vì động lực bên trong của chúng, nắm giữ quyền lực bằng mọi giá và làm giàu cho bản thân, hầu như không còn thích hợp với hiện thực bên ngoài: đại đa số người Ả Rập sống trong nghèo khổ, giới trẻ không có nhiều triển vọng và không còn muốn chỉ mơ mộng nữa.
Một hình thức thống trị “kiểu vua Hồi” thành hình khi một kẻ thống trị quốc gia mở rộng quyền lực của mình trên lưng của các thể chế nhà nước. Vua Hồi hiện đại không gắn bó với một ý thức hệ nào cả, ngay khi họ khẳng định điều ngược lại. Ý nghĩa và mục đích duy nhất của chính sách họ là bảo tồn quyền thế của mình. Họ có thể thỏa mãn các yêu cầu về mặt hình thức của một nền dân chủ, bằng cách cho bầu cử, đảng phái tranh cãi nhau trong quốc hội. Tuy vậy, Mubarak, Ghaddafi & Co lo liệu sao các vị trí chủ chốt được chiếm giữ bởi bộ hạ của mình, thường là họ hàng hay những người thuộc cùng nhóm tín ngưỡng/sắc tộc. Quyển sách này mô tả điều đấy đã diễn ra cụ thể như thế nào. Đồng thời, họ tích trữ tài sản bạc tỉ, được chuyển sang tài khoản ở nước ngoài hay được dùng để ban thưởng cho sự trung thành của những kẻ theo mình. Họ phục vụ cho Washington hay cho người Âu như những đối tác đáng tin cậy, đảm bảo yên ổn và trật tự để bù lại cho sự giúp đỡ và đầu tư: nếu như không có ông vua Hồi đấy thì sự hỗn loạn hay Al-Qaida sẽ đe dọa. Để tránh rủi ro bị giới quân sự đảo chính, quân đội không đứng dưới một bộ chỉ huy thống nhất. Còn hơn thế, mỗi một binh chủng đều có hệ thống thứ bậc riêng của mình. Nhiều cơ quan an ninh mật kiểm soát lẫn nhau và cùng kiểm soát quân đội, nói chi đến người dân của họ. Những kẻ thống trị này tự phô diễn mình như những người cha của dân tộc mà người dân bình thường cũng như giới quân sự phải nhún nhường cuối mình trước các quyết định Solomon của họ.
Mầm mống cho sự tan rã của những vương quốc Hồi giáo hiện đại là sự tham lam vô tận của họ. Ông vua Hồi nắm giữ quyền lực càng lâu thì càng khó giữ được sự cân bằng giữa làm giàu cho bản thân và ban phát ân huệ cho những người đi theo mình. Các nền kinh tế đấy thường là phi sản xuất, ngoại trừ dầu mỏ và khí đốt, và tạo ra quá ít thu nhập. Bù giá cho lương thực thực phẩm cơ bản, điện và xăng, những cái mà Mabarak, Ghaddafi & Co dùng chúng để cố mua chuộc người dân bình thường, càng làm cho ngân quỹ nhà nước trống rỗng thêm. Đồng thời, trong vòng mười, mười lăm năm vừa qua, một thế hệ mới của người dùng Internet trẻ tuổi, được đào tạo tốt, đã lớn lên, thế hệ mà đã chứng tỏ mình là lực lượng đi đầu của cuộc cách mạng. Đi theo họ là những người từ tất cả các tầng lớp xã hội, đã chán ngán những lời nói dối của kẻ cầm quyền. Người dân quyết định tự nắm lấy số phận của chính mình.
Từ lúc độc lập sau Đệ nhị thế chiến, người Ả Rập sống giống như trong một vỏ bọc thời gian – được bảo trợ bởi những chế độ độc tài, những chế độ mà đã không giải quyết được bất kỳ một vấn đề cấp bách nào, từ kiểm soát sinh sản cho tới ô nhiễm môi trường. Thế giới Ả Rập bất động trong trì trệ và cam chịu, chạy trốn vào trong các ý thức hệ đáng ngờ. Cho đến năm định mệnh 2011, năm số không của kỷ nguyên mới.
Quyển sách này thuật lại nguyên do của sự việc. Nó thuật lại từ những khởi đầu ở Tunisia qua những kẻ già nua ở Saudi, về đạo Hồi và Israel, về cái nhìn của Phương Tây đến cuộc Cách mạng Ả Rập. Đài truyền hình Al-Jazeera cũng đóng một vai trò như Martin Luther. Có quan điểm riêng của mình cũng có nghĩa là đừng mù quáng dựa vào những điều gì mình tin chắc. Quan tâm đến cuộc Cách mạng Ả Rập bắt buộc phải đi cùng với sự tự chất vấn mình một cách nghiêm khắc. Những ai cứ khăng khăng, rằng đạo Hồi và hiện đại, đạo Hồi và dân chủ không thích hợp với nhau, người đấy không hiểu được kỷ nguyên đã được nhắc tới hoặc đi đến những kết luận sai lầm về sự việc.
Cuộc Cách mạng Ả Rập chứa đựng mâu thuẫn, diễn tiến trên những con đường khác nhau, đánh dấu một quá trình mở. Ngay về từ ngữ là người ta đã có thể tranh cãi với nhau rồi. Đó có thật sự là một cuộc cách mạng hay không? Một cuộc nổi dậy? Một mùa Xuân? Câu trả lời biến đổi từ nước này sang nước khác, tác giả nhiều lần sử dụng các khái niệm đấy như những từ đồng nghĩa. Trước bước ngoặc lịch sử, là điều không thể chối cãi, khái niệm chung “Cuộc Cách mạng Ả Rập” dường như là hợp lý cho mọi trường hợp – không phụ thuộc vào việc phần lớn người Ả Rập cũng đều gọi cuộc đấu tranh của họ là cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này phát triển theo hướng nào, liệu kết quả của nó có đứng vững trong lịch sử trong mọi trường hợp hay không – đó là một câu hỏi hoàn toàn khác.
Viết một quyển sách trong khi sự việc vẫn còn đang diễn ra là điều hoàn toàn không đơn giản. Chúng lúc nào cũng rình rập trong bụi rậm, những sai lầm và phán đoán không đúng đắn mà không thể loại trừ được. Và trong tháng tới đây, trong nửa năm tới đây, có thể con sông sẽ tràn qua bờ ở một nơi mà không ai đoán trước được.
Nhằm để cho dễ đọc nên không có chú thích. Những nguồn quan trọng là quen biết cá nhân, kinh ngiệm và điều tra của tác giả, những cái trải dài qua ba thập niên. Thêm vào đấy là truyền thông cập nhật hàng ngày, lưu trữ Internet của Al-Jazeera, Al-Arabiya, The Guardian, Quantara.de, một dự án đối thoại của đài phát thanh nước ngoài Deutsche Welle với thế giới Hồi giáo. Ngoài ra Nader Hashemi “Islam, Sucularism, and Liberal Democracy”, Oxford 2009; Luis Martinez “The Libyan Paradox”, London 2007; Richard P. Mitchell “The Society Of the Muslim Brothers”, New York 1993; Bruce K. Rutherford “Egypt after Mubarak”, Princeton 2008; Eric Selbin “Revolution, Rebellion, Resistance. The Power of Story”, London 2010.
Michael Lüders
Nhà xuất bản C. H. Beck
Phan Ba dịch
Theo blog Phan Ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét