Bàn về việc kiếm tiền và việc làm. - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Bàn về việc kiếm tiền và việc làm.

ad728
Tiền, tiền, cuộc sống chúng ta mỗi ngày đều xoay quanh chữ “tiền”; ăn cũng cần tiền, uống cũng cần tiền, học lại càng cần tiền… Xã hội được nhắc đến là ngày càng phát triển, đời sống thì càng ngày được nâng cao nhưng hình như người ta chỉ ám chỉ đến “tiền” thì phải: các thành phố có nhiều công trình, đường xá tốt lành nhiều hơn tức đang được rót nhiều tiền hơn; người dân ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn cũng chỉ bao hàm là tiền tiêu nhiều hơn. Quanh đi quẩn lại là mọi người đều hướng đến mục tiêu kiếm nhiều tiền hơn để rồi cái nghề luôn được gắn chặt với khái niệm tiền lương. Không có gì đáng trách vì bản năng của con người đầu tiên là sinh tồn nhưng rồi thiết nghĩ có mấy ai đó chọn cái nghề như là một cái “nghiệp” của mình; sống chết với nó, ăn ngủ với nó, trằn trọc với nó. Cái nghề ở đây cứ mãi bị bó buộc trong cái khuôn khổ mưu sinh.

Trước hết, không vội trách người bởi những cái hệ luỵ đó cũng từ kinh tế – chính trị – xã hội mà nên. Môi trường khách quan ảnh hưởng rất lớn đến những quyết định của chúng ta: áp lực từ gia đình, bạn bè và quan trọng hơn là cái nhìn xã hội. Người không có việc làm sẽ bị nói này nói nọ, nói đơn giản là bị gán cho một cái danh là “vô dụng” hay ” ăn không ngồi rồi”; mà việc làm lương thấp cũng thành một cái tội, cũng bị chê bai. Khó! Thật sự khó sống!

Nhưng môi trường chỉ là yếu tố khách quan đưa đẩy nên cái sự ấy, bản thân – cái nội lực bên trong chưa đủ mới là thứ chính yếu để con người ta đi đến quyết định kiếm cái nghề hay kiếm tiền. Chưa đủ đam mê, chưa đủ lửa thì ta giống con tàu mất tay lái, dễ bị tác động bởi điều kiện xung quanh, nó đẩy hướng nào ta lao vào hướng đó. Không biết có nhiều người đến cuối đời sẽ trăn trở vì những đam mê mình chưa làm được hay không nhỉ? Tôi nghĩ sẽ có nhiều và rất nhiều nhưng cái họ nên tiếc là mình chưa cố gắng hết sức, hết sức lực để đi cuối con đường.

Theo quan điểm của tôi, cuộc sống hạnh phúc nhất là có một công việc hay gọi là một cái nghề để theo đuổi, để cố gắng từng ngày, để cháy hết mình vì nó và cần thêm vào đó là một nơi để quay trở về – một chốn bình yên, một nơi mà khi ở đó giấc ngủ của con người ta an lành và dịu êm đến là (nơi đó đối với tôi là gia đình – quê hương). Vì cứ loay hoay mãi với đồng tiền nên đầu óc con người ta mới mệt nhoài, thấy mình bất lực với cuộc sống, thấy mỗi ngày sẽ dài vô tận. Ngược lại, khi đi theo đam mê, tôi tin chắc mọi rào cản và mệt mỏi của cuộc sống sẽ không còn là vấn đề to lớn; mỗi khó khăn sẽ là động lực để bạn tiến lên, mỗi ngày trôi qua sẽ là một sự tiếc nuối vì thấy mình làm chưa đủ, thấy mình nhỏ bé trước vũ trụ.

Nhưng ở nước mình, cái gọi là đam mê ấy, tôi thấy nó mờ nhạt, mông lung, nó hão huyền quá với những con người. Từ nhỏ, con cái không được định hướng nên đi theo những thứ nó yêu thích mà suốt ngày phải là học vì một màu bút đỏ cô phê – điểm. Ba mẹ ít khi hỏi hôm nay con học được gì mà thay vào đó là câu hỏi quen thuộc đến phát ngán “hôm nay con được mấy điểm”, đến tôi cũng “sợ” huống gì là những đứa trẻ (ba mẹ tôi cũng vậy, cũng hỏi như bao ông bố bà mẹ khác trên đời). Tôi phải nói rằng: tôi không đồng tình.

Và đây một câu chuyện mà nó cứ ám ảnh tôi mãi. Bữa đầu tiên, tôi đi dạy thêm thật ra là không muốn dạy vì thấy đường xá Sài Gòn buổi tối ghê quá nên tôi muốn tìm cách từ chối thôi. Thế là, tôi cũng gắng thuyết phục mẹ của bé gái mà tôi sắp dạy không nên cho em nó học quá sớm với đủ lý do mà tôi nghĩ ra. Rồi tôi bỗng buộc miệng hỏi: “Sao cô cho bé học Tiếng Nhật sớm vậy?” Và cô đáp lại bằng một câu trả lời mà tôi – một sinh viên năm 2 cũng chẳng bao giờ nghĩ ra được: “Bữa nay xin việc khó lắm con nên cô đầu tư cho bé hai ngoại ngữ để sau này dễ kiếm việc làm.” Lúc đó, đứa bé mà tôi dạy mới tròn lớp 5… Việc và việc làm!!! Tôi thấy thương những đứa trẻ hơn là trách móc cha mẹ chúng nhưng biết làm sao con người ta mà, phải con mình đâu mà nói được!

Những sở thích, những đam mê của chúng ta cũng như vậy, cũng bị trói buộc bởi việc làm, những chi trả cho cuộc sống. Có một câu nói vui của cô tôi mà tôi nhớ mãi: “Con người không có cái miệng thì sẽ đơn giản biết mấy.” Đúng thiệt, ăn dùng miệng, uống cũng dùng miệng, sống cũng nhờ cái miệng mà mấy thứ đó có gì xa xôi ngoài việc ta phải kiếm tiền cái đã. Tiền – nghề – nghiệp cứ vương mắc với nhau, cứ giằng co với nhau. Thiếu tiền thì làm sao sống mà cái anh đam mê cứ “lảm nhảm” trong đầu để lôi kéo cái trí óc đầy những neuron kia. Chọn cái này mất cái kia. Bởi vậy, sống mới khó, chọn được mới khó và làm được lại càng khó hơn!

Bạn đã đủ đam mê để theo đuổi, để đá phăng những vướng bận tiền bạc? Tôi chưa làm được nhưng trong lòng vẫn đang ấp ủ, vẫn đang nung nấu mà nhìn đi nhìn lại thấy mình vẫn chưa đủ quyết tâm lắm, vẫn chưa đủ lửa để tìm tòi, để sống với nó. Nhưng vẫn hi vọng một ngày không xa, tôi sẽ thành công với nó, sẽ mang lại giá trị và những lợi ích cho xã hội dù nhỏ nhỏ, ít ít thôi cũng được. Chẳng ai có thể giúp được bản thân nếu tự mình không cố gắng.

Và còn một vấn đề mà tôi vẫn đang băn khoăn: con người tham lam thiệt. Rất nhiều người giàu có nhưng họ không muốn san sẻ công việc của họ cho những người khác dù họ không làm hết việc vì một lẽ mà tôi thấy, nhìn hoài vẫn chỉ thấy vậy: họ không muốn chia tiền cho những người khác. Tôi thấy bên nước ngoài, người ta giàu nhưng mục tiêu của họ vẫn là tạo nên giá trị xã hội – công ăn việc làm cho những người khác. Trong khi đó, ở nước ta, người giàu chỉ muốn giàu thêm. Rất rất nhiều người không có việc làm trong khi đó cũng rất nhiều người việc làm không xuể nhưng lại muốn ôm đồm. Tôi thật sự không đồng tình với việc này.

Nếu mỗi một người giàu có biết chia sẻ công việc của mình với những người khác thì có lẽ tỉ lệ thất nghiệp sẽ không đến nỗi như vậy. Người ta luôn biện minh sự ích kỷ của mình bằng việc chê bai người khác; trong khi đó, cái gì không biết thì ta có thể đào tạo từ từ, những người chưa biết thì dạy, truyền thụ cho họ là được. Nhưng đa số lại lấy cớ là vì những người kia không biết nên không giao phó được. Những lời biện minh chỉ là sự che giấu khôn khéo bản chất tham lam của con người! Vì đơn giản khi ta muốn ta tìm cách, khi không muốn ta tìm lý do. Hy vọng xã hội sẽ ngày càng nhiều người giàu có tấm lòng hơn.

ViCy
Theo Triết Học Đường Phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages