Theo nội dung thông cáo báo chí, Ủy ban nói rằng ông Truyền có tổng số bốn căn nhà, đất do nhà nước cấp, bán hoặc cho thuê trong thời gian từ 1992 tới nay. Bên cạnh đó, gia đình ông còn có một số căn nhà, lô đất khác đứng tên vợ chồng, con cái ông.
'Hoàn cảnh khó khăn'
Chỉ riêng trong năm 2003, ông đồng thời xin mua căn nhà đang thuê tại tỉnh Bến Tre và thuê một căn nhà tại Thành Phố Hồ Chí Minh vì "hoàn cảnh khó khăn" trong lúc "có nhu cầu nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh" và cả hai đơn của ông đều được giới chức phê chuẩn.
Căn nhà ở Phường 1 Thành phố Bến Tre được cho ông Truyền thuê từ 2002, nhưng ngay trước đó đã được Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre sửa chữa, cải tạo mới với mức chi phí lên tới trên 400 triệu đồng.
Vào thời điểm ông xin thuê và mua thêm nhà, ông đã được cấp một lô đất thuộc sở hữu của Quân khu 9, tọa lạc tại phường Phú Khương của Bến Tre.
Năm 2003 là lúc ông Trần Văn Truyền chuyển công tác ra Hà Nội.
Ngay sau đó, ông tiếp tục được thuê một căn nhà công vụ tại Quận Đống Đa, Hà Nội.
Bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung Ương Đảng cũng nhắc tới một số căn nhà đất khác nữa, trong đó có một địa chỉ được cho là căn biệt thự đắt tiền tại xã Sơn Đông, Thành phố Bến Tre, nay được xác định là của con trai ông.
Ủy ban nói rằng trong việc con ông xây căn biệt thự này, ông Truyền đã “làm những việc pháp luật không cấm, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên”.
Tuy nhiên, với các căn được mua, thuê của nhà nước, ông Truyền bị xác định là có những khuyết điểm, vi phạm "đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định".
Liệu có thu hồi?
Nay, dựa trên kết luận của Ủy ban, Ban Bí thư Trung ương Đảng nói cần thu hồi thửa đất bên quân đội cấp cho ông Truyền tại Bến Tre và căn nhà ông mua tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các cá nhân liên quan tới việc cấp đất hay bán nhà cho ông Truyền cũng bị yêu cầu làm rõ trách nhiệm.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông Truyền bị yêu cầu thu hồi đất.
Hồi 2007, giới chức Bến Tre đã yêu cầu ông trả lô đất do quân đội cấp cho ông tại phường Phú Khương, Bến Tre. Bản thân ông cũng có đơn xin trả lô đất này.
Tuy nhiên, trên thực tế thì ông và gia đình vẫn tiếp tục giữ lô đất và thậm chí còn được cấp giấy phép xây nhà tạm trên đó.
Mới đây, chuyện nhà đất của ông Trần Văn Truyền là một trong các nội dung được nêu trong phiên họp Quốc hội.
Hôm 17/11, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh được dẫn lời nói: "Ông Truyền là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư."
Hồi cuối tháng 02/2014, Báo Người Cao Tuổi của Hội người cao tuổi Việt Nam cho đăng bài và ảnh về điều mà báo này gọi là "của nổi" của ông Truyền, gây chấn động dư luận.
Hồi trung tuần tháng Sáu, một đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra câu hỏi về vụ điều tra khối tài sản của ông Truyền, và việc ông bổ nhiệm 60 cán bộ ở cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Ông Huỳnh Phong Tranh trong phiên chất vấn đó từng chỉ ra ba điểm “sơ suất” trong vụ bổ nhiệm cán bộ này là "thời gian bổ nhiệm chưa đầy đủ, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định, năng lực một số cán bộ chưa đạt yêu cầu".
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét