Bãi bỏ án tử hình nên hay không?! - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Bãi bỏ án tử hình nên hay không?!

ad728
LTG: Nhân dịp giao thừa Năm Mới 2015, tôi xin chia sẻ với quý vị một chủ đề nhân văn, quan trọng sau: BÃI BỎ ÁN TỬ HÌNH NÊN HAY KHÔNG ?!

Xin mời quý vị cùng tham khảo link dưới đây, rồi chúng ta suy nghĩ và trao đổi về chủ đề này.

Tôi xin copy và chia sẻ nội dung bài viết của link trên xuống dưới cho quý vị dễ đọc.

Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam cần có những bước đi thiết thực, cởi mở cho tương lai đất nước, dân tộc thật sự tươi đẹp. Quý vị nào đồng ý BÃI BỎ ÁN TỬ HÌNH xin mời gửi vào email (boantuhinh@gmail.com) để đăng ký, chúng ta sẽ cùng làm 1 cuộc vận động bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam.

Mẫu đăng ký: 1/ Họ & tên, 2/ Nơi ở (tỉnh/thành phố), 3/ Nghề nghiệp. 4/ Tuổi. 5/ Email. 6/ Ý kiến (nếu có)

Kính chúc quý vị và gia đình năm mới nhiều sức khỏe, bình an, may mắn, thành công, hạnh phúc!

Sài Gòn, Việt Nam, 31/12/2014,

Lê Thăng Long – Lincoln Lê

BÃI BỎ ÁN TỬ HÌNH NÊN HAY KHÔNG ?!

Ảnh minh họa. VANEWS photos files
Hiện nay có tới 135 nước đã bãi bỏ án tử hình, 62 nước vẫn còn duy trì án tử hình, thường là để trừng trị những kẻ sát nhân. Tuy nhiên, không thể tìm ra bất kỳ tiêu chí nào về địa lý, văn hoá, chính trị, kinh tế, tôn giáo …để phân biệt 135 nước bãi bỏ và 62 nước duy trì án tử hình. Hầu hết các nước đang áp dụng án tử hình đều biện minh là phải áp dụng bản án nặng nề nhất này để bảo đảm an ninh, an toàn cho cộng đồng. Còn các nước không duy trì án tử hình thì lại cho rằng tử hình là vi phạm vào quyền sống của con người.

Nguyên nhân tranh cãi của các nước này xuất phát từ hai tư duy khác nhau về tư pháp hình sự. Các nước duy trì án tử hình thì cho rằng hệ thống tư pháp hình sự là để trừng trị những người phạm tội; trong khi đó, các nước bãi bỏ án tử hình thì cho rằng hệ thống tư pháp hình sự là để bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, dù đứng trên tư duy nào thì án tử hình cũng là một thiết chế pháp lý do cộng đồng đặt ra để bảo vệ tính ổn định của cộng đồng, do đó phải thoả mãn ba đặc điểm của bất cứ thiết chế pháp lý nào, đó là: tính đúng đắn, tính cần thiết và tính hiệu quả. Sau khi xem xét và phân tích các đặc điểm này, nếu án tử hình hội tụ đầy đủ ba đặc điểm trên thì chúng ta mới có căn cứ để duy trì nó; nếu thiếu bất cứ đặc điểm nào thì chúng ta không thể duy trì nó.

1. TÍNH ĐÚNG ĐẮN: Tử hình là tước bỏ sự sống của một cá nhân. Và chỉ có người nào tạo ra sự sống của cá nhân hoặc duy trì sự sống của cá nhân mới có quyền tước bỏ sự sống đó. Ở đây chúng ta phải giải quyết hai vấn đề: Ai tạo ra sự sống của cá nhân? và Ai duy trì sự sống đó? Nếu xã hội là người hoặc là tạo ra sự sống của cá nhân hoặc là duy trì sự sống của cá nhân thì xã hội mới có quyền tước bỏ sự sống đó.

Ai tạo ra sự sống của cá nhân? Ai cũng biết rằng nhờ sự kết hợp ngẫu nhiên giữa tinh trùng trong cơ thể người cha và trứng trong cơ thể người mẹ mà sự sống được ra đời. Và để có được sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng thì người cha và người mẹ cần thực hiện một hành vi gọi là giao hợp. Khoa học đã chứng minh rằng hành vi giao hợp là hành vi mang tính bản năng tự nhiên của loài người. Quá trình hình thành sự sống của cá nhân từ thời điểm giao hợp đến thời điểm cá nhân ra đời hoàn toàn là một quá trình phát triển tự nhiên. Như vậy, chỉ có tự nhiên tạo ra sự sống của cá nhân.

Ai duy trì sự sống của cá nhân? Có ý kiến cho rằng: sau khi cá nhân sinh ra phải được cha mẹ và cộng đồng chăm sóc thì sự sống của cá nhân mới được duy trì. Điều này là sai lầm vì hai lý do. Thứ nhất, chính các yếu tố vật chất có nguồn gốc tự nhiên như thức ăn, nước uống, không khí… mới là thứ duy trì sự sống.Thứ hai, hành vi chăm sóc của cha mẹ và cộng đồng đối với cá nhân đơn giản chỉ là lấy những dinh dưỡng có sẵn trong tự nhiên hoặc cải tạo những dinh dưỡng đó để duy trì sự sống cho cá nhân và do đó chỉ là phương tiện để tự nhiên duy trì sự sống cho cá nhân. Việc chăm sóc và quan tâm đến con của cha mẹ là một bản năng tự nhiên của tất cả các loài động vật, kể cả con người nhằm duy trì nguồn gen của loài. Về sự chăm sóc của cộng đồng đối với cá nhân cũng chỉ là một nghĩa vụ theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên, theo đó, cộng đồng sẽ chăm sóc và bảo vệ cho cá nhân, đổi lại cá nhân phải đóng góp công sức và tài chính, thậm chí còn phải từ bỏ một số quyền tự do để duy trì sự ổn định của cộng đồng.

Kết luận: Chỉ có tự nhiên tạo ra sự sống và duy trì sự sống của cá nhân nên chỉ có tự nhiên mới có quyền tước bỏ nó. Do đó, trong con mắt của cộng đồng, sự sống của cá nhân phải là tối cao và bất khả xâm phạm. Do đó, sự tồn tại của án tử hình là không đúng đắn.

2. TÍNH CẦN THIẾT: Khi xem xét tính cần thiết, chúng ta phải xem xét ba vấn đề sau:

Hành vi nguy hiểm của cá nhân có thể cải tạo được hay không? Khi một cá nhân sinh ra, cá nhân đó chỉ có các hành vi bản năng tự nhiên không nguy hại. Chỉ khi cá nhân tham gia vào cộng đồng, cá nhân đó mới từng bước hình thành các hành vi có ý thức. Hành vi phạm tội của cá nhân cũng là một trong những hành vi có ý thức. Mà tất cả hành vi có ý thức đều có thể cải tạo được vì hành vi đó chỉ hình thành khi cá nhân tham gia vào một số mối quan hệ trong cộng đồng khi cá nhân sống. Do đó, bất cứ hành vi phạm tội nào của cá nhân cũng đều có thể cải tạo được.

Xã hội có đủ khả năng cách ly những cá nhân nguy hiểm khỏi đời sống của nó hay không? Ngày nay, bất cứ cộng đồng nào trên thế giới cũng có đủ điều kiện và khả năng để cách ly một cá nhân nguy hiểm khỏi đời sống của nó mà vẫn đảm bảo được các quyền con người tối thiểu. Hệ thống pháp lý có đủ khả năng phân biệt rõ hành vi nào là hành vi nguy hiểm. Hệ thống an ninh có đủ khả năng theo dõi và bắt giữ các cá nhân nguy hiểm. Hệ thống trại giam có đủ khả năng kiểm soát các cá nhân nguy hiểm trong một phạm vi địa lý nhỏ để họ không còn gây nguy hiểm cho xã hội. Các hệ thống này đều tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới.

Có chế tài khác thay thế án tử hình không? Mục đích của án tử hình là loại bỏ hành vi nguy hiểm cho xã hội bằng cách tước bỏ sự sống của chủ thể hành vi nguy hiểm. Tuy nhiên, để loại bỏ hành vi nguy hiểm không nhất thiết phải loại bỏ chủ thể của nó bởi vì hành vi nguy hiểm có thể được loại bỏ bằng nhiều cách khác như thay đổi ý thức của chủ thể, loại bỏ điều kiện thực hiện hành vi nguy hiểm, cách ly hoàn toàn chủ thể nguy hiểm khỏi khỏi cộng đồng. Nếu cộng đồng nhận thấy hành vi nguy hiểm cần phải loại bỏ hoàn toàn khỏi cộng đồng thì có thể cách ly chủ thể nguy hiểm cho đến khi người đó chết. Như vậy, việc thay thế án tử hình bằng một chế tài khác là có thể thực hiện được. Ví dụ nhiều nước ngày nay đã thay thế án tử hình bằng án chung thân không được khoan hồng. Thời phong kiến pháp luật quy định hình phạt lưu đày biệt xứ cũng là một kiểu cách ly hoàn toàn chủ thể nguy hiểm khỏi cộng đồng.

3. TÍNH HIỆU QUẢ: Khi nói đến tính hiệu quả, chúng ta phải trả lời cho các câu hỏi sau:

Có phải người phạm tội sợ án tử hình nên không dám phạm tội hay không? Những tội phạm nghiêm trọng xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới và không phụ thuộc vào việc quốc gia đó có duy trì án tử hình hay không. Nhiều kẻ tội phạm biết chắc là cái gì sẽ chờ mình nếu bị bắt và kết án, nhưng không vì thế mà chùn tay khi hành động. Ở cả quốc gia duy trì án tử hình, tỷ lệ tội phạm về án tử hình ngày càng tăng mạnh và không có chiều hướng giảm. Trung Quốc vào năm 2007 đã thi hành án tử hình ít nhất 470 tử tội, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới. Đó là con số do tổ chức Nhân quyền Ân xá Quốc tế (AI) vừa công bố trong bản báo cáo thường niên về án tử hình. Nằm trong Top 5 nước có số tử tội bị hành quyết trong năm 2007, ngoài Trung Quốc còn có Iran (317), Saudi Arabia(143), Pakistan (135) và Mỹ (42). Chỉ 5 nước này đã chiếm tới 88% tổng số vụ hành quyết tử tội được công bố trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Mỹ đã hoãn thi hành án tử hình trên toàn quốc vào năm 1965. Một dẫn chứng nữa cho thấy, không phải cứ có án tử hình thì tội phạm nghiêm trọng giảm, không có án tử hình thì tội phạm nghiêm trọng tăng. Ở Canada, nước bãi bỏ án tử hình từ năm 1976, kể từ đó đến nay, tỷ lệ tội giết người đã giảm 40%.

Ở các nước duy trì án tử hình an ninh có hơn các nước bãi bỏ án tử hình không?Tình hình an ninh ở các nước duy trì án tử hình không tốt hơn các nước bãi bỏ án tử hình, vì việc có an ninh tốt không phụ thuộc vào việc nước đó có án tử hình hay không. Trên thực tế thì các nước bãi bỏ án tử hình có số tội phạm giết người thấp hơn rất nhiều so với các nước duy trì án tử hình. An ninh của một quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà điều quan trọng chủ yếu chính là việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Chính việc thực thi pháp luật không nghiêm minh mới làm cho an ninh xấu đi. Pháp luật không được thực thi nghiêm minh tất yếu sẽ dẫn đến dung dưỡng cho những hành vi sai trái. Thực tế trên thế giới cho thấy, ở đâu pháp luật được thực thi nghiêm minh thì ở đó an ninh ổn định. Các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ và Tây Âu là dẫn chứng điển hình cho trường hợp trên.

Tuyên án tử hình sai thì còn cơ hội để sửa hay không? Khi đã tuyên án tử hình và thi hành án đó thì có giải oan được cho người đã chết thì việc giải oan cũng trở nên vô nghĩa. Vấn đề đặt ra ở đây nếu nhà nước xử tội oan cho người ta, thì trách nhiệm của nhà nước đến đâu? Nhà nước có trở thành phải là tội phạm hay không và bị lên án như thế nào? Câu chuyện đâu chỉ có bồi thường vật chất và xin lỗi công khai. Mà việc xin lỗi công khai phải do người đứng đầu nhà nước xin lỗi chứ không phải là một vị nào đó đại diện cho cơ quan xét xử.

Rõ ràng, nhà nước có đủ khả năng để duy trì sự ổn định của xã hội mà không cần đến án tử hình và hoàn toàn có thể thay thế án tử hình bằng một hình phạt khác có ý nghĩa tương tự. Nhưng Nhà nước đã không làm điều đó. Do đó, nếu nhà nước tuyên nhầm án tử hình thì nhà nước phải bị coi là một tội phạm và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Còn các cơ quan nhà nước quy trách nhiệm cho ai và quy trách nhiệm đến đâu là công việc nội bộ của chính quyền. Toà án nhân danh nhà nước xử tử oan người ta nhưng nhà nước không chịu trách nhiệm mà Toà án lại là người chịu trách nhiệm. Điều đó trái với lẽ công bằng.

Từ đây, ta có thể đi đến kết luận rằng, việc tồn tại án tử hình là không hiệu quả. Bãi bỏ án tử hình là một quy luật tất yếu vì án tử hình không đảm bảo được ba tính chất của một quy định pháp lý. Đó là: tính đúng đắn, tính cần thiết và tính hiệu quả. Việc quy định pháp lý thiếu một trong ba tính chất trên đã phải bãi bỏ hoặc thay thế. Án tử hình trong thời đại ngày nay đều không đáp ứng được bất cứ tính chất nào trong ba tính chất trên, cho nên việc bãi bỏ nó là tất yếu.

 Lê Thăng Long
Tác giả gửi trực tiếp đến VA News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages