Như thế, không phải bản thân vua Gia Long có gì phức tạp, mà vì sự nhận thức khác nhau làm cho vấn đề trở nên phức tạp, trong khi sự kiện, con người lịch sử trước sau vẫn chỉ bấy nhiêu đó mà thôi. Phức tạp, nhưng nếu trình bày hết ra một cách trung thực dựa trên cơ sở sử liệu khách quan và không để cho quan điểm chính trị nhất thời xen vào chi phối thì cái phức tạp kia cũng tức khắc trở thành đơn giản. Điều này có nghĩa, sự việc thế nào cứ để cho ra thế ấy, không nên để lúc vầy lúc khác tùy thuộc vào cặp kính màu ý thức hệ khiến người ta không còn giữ được thái độ khách quan, khoa học.
Thật vậy, trong khi vua Gia Long (gắn với triều Nguyễn) chỉ có một, và chung của dân tộc Việt Nam, nhưng sử viết ở một bộ phận tác giả miền Bắc trong thời kỳ 1945-1975 lại khác với sử viết trong thời kỳ tương ứng của phía Quốc gia Việt Nam (1949-1954) và Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) đối lập. Điều này cho thấy sự phức tạp rõ ràng khởi đầu từ nhu cầu, mục tiêu vận động chính trị của một bên nào đó chứ không xuất phát từ sự thật lịch sử khách quan. Do vậy, bên nào có thời gian để cho yếu tố chính trị chủ đạo xen vào nhiều hơn vì lý do vận động chính trị cho mục tiêu thắng lợi trước mắt thì bây giờ cần phải xem xét lại vấn đề nhiều hơn, cho những mục tiêu lâu dài. Đây cũng là lý do chính của những cuộc gọi là “hội thảo khoa học” đã được một số cơ quan đơn vị liên quan ngành sử học tổ chức ở nhiều lúc nhiều nơi để đánh giá lại “vấn đề” Gia Long cùng với triều Nguyễn, cũng như không ít nhân vật lịch sử khác có liên quan đến triều đại này như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt (1763 - 1832), Phan Thanh Giản (1796 - 1867)…đã có lúc đều bị đánh giá bằng những quan điểm chính trị cực đoan hẹp hòi một chiều. Đó là cách đánh giá đại khái, vì lý do cần đề cao vai trò của lực lượng nông dân trong chiến đấu, trong lịch sử hễ ai xuất thân nông dân áo vải hoặc chiến đấu liều chết tới cùng với quân giặc hay với phe mình cho là phản diện thì đều anh hùng và tốt cả, còn ai là thành phần quan lại triều Nguyễn có xu hướng chính trị chủ hòa, “đề huề”, hoặc theo đạo Công giáo (như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký…) thì nói chung đều xấu tất (như có lúc người ta dẹp bỏ tượng Trương Vĩnh Ký, xóa tên trường trung học Phan Thanh Giản…). Như vậy, đối với những triều đại quá xa, như Lý, Trần, khi chưa có thực dân phương Tây xâm lược và chưa có đảng cộng sản hoạt động (từ 1930) chống lại thì việc đánh giá nhân vật lịch sử lại may mắn chủ yếu được dựa trên sử liệu, truyền thuyết, nhiều hơn là dựa trên những nhu cầu tuyên truyền chính trị nhất thời, nên trong sử chỉ thấy đề cập những nhân vật bị “hạn chế” về mặt ý thức do thời đại quy định chứ chưa có mấy ai thật sự phản động cỡ như một số vua quan triều Nguyễn.
Trở lại nhân vật Nguyễn Ánh sáng lập triều Nguyễn. Vị vua này, trước nay dân chúng các nơi đều có lập miếu thờ phượng, hương khói trang trọng, thì không thể giản đơn gọi là một kẻ phản dân hại nước được, mặc dù có lúc trong tình thế kẹt quá ông phải mượn tay nước ngoài để đánh lại với kẻ thù trong nước của mình. Nhưng từ khá lâu, hay nói đúng hơn từ sau cách mạng tháng Tám 1945, cho đến năm 1975, trong thời kỳ chiến tranh, theo GS Phan Huy Lê (xem Báo cáo đề dẫn Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn tổ chức ngày 18-19.10.2008, in trong Huế triều Nguyễn, NXB Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, Hà Nội, 2014, tr. 84-86), công việc nghiên cứu về Gia Long nói chung có bị hạn chế, và có xu hướng phê phán đặc biệt gay gắt đối với vương triều Nguyễn thế kỷ 19 thể hiện tập trung trong một số luận văn đăng trên các tạp chí Văn Sử Địa, Đại Học Sư Phạm, Nghiên Cứu Lịch Sử và trong những bộ lịch sử dân tộc với những tên tuổi tác giả nổi bật trong giới sử học miền Bắc như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh… Mỗi tác giả và tác phẩm tuy có mức độ khác nhau, nhưng tựu trung đều chung khuynh hướng chính thống thể hiện cả trong sách giáo khoa từ tiểu học đến đại học là phê phán vương triều Nguyễn mở đầu bằng hành động cầu viện tư bản Pháp, phong kiến Xiêm để tiến hành cuộc chiến tranh chống Tây Sơn và kết thúc bằng sự đầu hàng quân xâm lược Pháp. “Thái độ phê phán gay gắt trên có nguyên nhân sâu xa trong bối cảnh chính trị của đất nước thời bấy giờ và trong cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu” (tr. 86).
Phương pháp luận sử học mà GS Phan Huy Lê nêu ra trên đây chính là phương pháp luận sử học mác-xít thịnh hành một thời nhưng “đã phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, công thức, máy móc” (Phan Huy Lê, tlđd., tr. 86) với trung tâm của nó theo sự diễn giải của một số nhà sử học Việt Nam lúc bấy giờ là nguyên tắc bất di bất dịch về tính Đảng, tính khoa học và tính giai cấp.
Cái phương pháp luận sử học mác-xít như đã nói đó, càng về sau tuy chưa ai công khai đứng ra phủ nhận trên những công trình xuất bản chính thức nhưng nó chẳng còn được mạnh dạn nhắc tới nữa như một thứ chân lý chắc nịch do chỉ đáng được tham khảo thôi chứ chẳng còn phù hợp lắm với thực tế nghiên cứu sử học hiện đại, vì nó chủ trương đơn giản rằng, phàm những gì thuộc phe địch hay không thuộc phe ta thì nếu không phản động cũng kém dở sai lầm lạc hậu tất tần tật, phải tìm mọi cách lật mặt nạ, tẩy chay, hoặc ít nhất chỉ ra cho được những khía cạnh còn hạn chế này khác của nó nếu nó có mặt tốt cơ bản nào mà được nhiều người không thuộc chung một hệ lý luận với mình công nhận. Và như có lần chúng tôi đã viết thẳng trên một bài luận văn khác, “Cách triển khai của loại phương pháp luận này là ‘tự viên kỳ thuyết’, tức trong khi giải thích các sự kiện-hiện tượng lịch sử nào đó, tìm cách vo tròn sao cho phù hợp với hệ quy chiếu lý luận đã định sẵn một cách xơ cứng, kết quả là cho ra những bài nghiên cứu của những tác giả khác nhau nhưng có luận điệu, cách diễn đạt và thậm chí cả câu chữ cũng gần gần giống nhau” (xem Trần Văn Chánh, “Tản mạn nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký”, Tạp chí Nghiên Cứu & Phát Triển, số 6-7 (104-105).2013, tr. 141).
Mới đây chúng tôi được đọc một bài viết khá trung thực của cố GS Trần Quốc Vượng bàn về vấn đề vua Gia Long đăng trên Tạp chí Xưa & Nay (số 448 tháng 6.2014 và 450 tháng 8.2014). Đây là bài tác giả đã phát biểu trong cuộc hội thảo về vua Gia Long tổ chức tại Huế năm 1996. Vì nội dung “phức tạp” nên ông phải nói lòng vòng (sợ bị “chụp mũ”?), trong đó có đến bốn lần tác giả tự đính chính trước với người nghe rằng mình “không phải là một chuyên gia về lịch sử”, “không phải là một nhà sử học chính tông”, rồi ông mới đưa ra một số điều cảm nhận, vừa rửa oan vừa biểu dương những điểm tích cực của vị vua khai sáng triều Nguyễn, thay vì “phủ nhận sạch trơn” như nhiều nhà sử học khác. Có lẽ, nếu là “một nhà sử học chính tông”, ông Trần Quốc Vượng không thể bàn luận về Gia Long theo cách tiếp cận “cận nhân tình” được, trái lại buộc phải nói theo quan điểm lập trường giai cấp mà trong thâm tâm và bằng lương thức tự nhiên từ lâu ông đã cảm thấy nghi ngờ. Nói cách khác, nếu vẫn tiếp tục bám theo lập trường giai cấp và quan điểm “chính thống”, ông Trần Quốc Vượng không thể nói lên sự thật lịch sử. Ở đây, không có ý đề cao tính trung thực của riêng ông Vượng, vì thật ra một số nhà sử học quan phương khác với tư cách người trí thức cũng có lương tri, thiện chí như ông, họ chỉ chờ cơ hội thuận tiện để phát biểu, viết lách đúng theo ý mình, mà không cần nói theo các bậc tiền bối “cây đa cây đề” cũng không còn sợ bị cấp trên khiển trách, cho hạ tầng công tác. Chẳng cần đợi như ông Vượng phải nhắc nhở: “Kính xin quý vị sử gia tạm/ gượng gọi là ‘đồng nghiệp’ của tôi bơn bớt việc ‘chửi bới’ nhà Nguyễn… đi cho tôi và dân chúng nhờ. Và thái độ tốt nhất là xếp cả xứ Huế và Việt Nam khi ấy vào Bảo tàng Lịch sử và coi khi đó, không gian đó như một tất yếu tất nhiên của lịch sử Việt Nam!” (Xưa & Nay, số 450, tr. 16).
Vậy thực tế thì đã quá rõ ràng, trong việc những năm gần đây người ta tổ chức nhiều cuộc hội thảo để đánh giá lại nhân vật Gia Long và triều Nguyễn. Thật ra, nói về công lao khai phá và xây dựng miền Nam, để cho đất nước Việt Nam có được hình dạng như ngày nay, không ai có công bằng chúa Nguyễn mà hậu duệ là Gia Long Nguyễn Ánh. Nhưng chỉ sau khi đủ điều kiện chín muồi hơn để vượt qua thời kỳ mông muội của chủ nghĩa giáo điều, vấn đề nhân vật Nguyễn Ánh và triều Nguyễn mới được đánh giá lại một cách khách quan khoa học hơn, chứ không như trước kia, cứ hễ Nguyễn Ánh, triều Nguyễn, quan lại triều Nguyễn thì đều hèn hạ phản dân hại nước tuốt.
Nói đánh giá lại tự nhiên có nghĩa thừa nhận trước đây đã từng đánh giá sai, hoặc thiếu khách quan, xuất phát từ những nhu cầu chính trị nhất thời. Trước khi có những nhu cầu chính trị này, đặc biệt xuất hiện từ khi có cuộc đối đầu Nam-Bắc trong chiến tranh Việt Nam, hình như ai cũng nhìn nhận sự đánh giá của cụ Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược về cơ bản là tương đối chính xác, hợp tình lý, dễ được mọi người chấp nhận: “Vua Thể tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục. Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.
“Công nghiệp của ngài thì to thật, tài trí của ngài thì cao thật, nhưng chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho những công thần, mà lại lấy những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy, cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa”.
Cho đến hiện nay, sau nhiều cuộc tranh luận, hầu hết các nhà sử học hoặc người có quan tâm lịch sử đều công nhận Nguyễn Ánh là vị vua có công khi thống nhất Việt Nam sau gần 300 năm chia cắt và chiến tranh kể từ thời Nam Bắc triều tới hết thời Tây Sơn (1533-1802). Riêng về thành quả khai khẩn mà Nguyễn Ánh đã làm được ở miền Nam Việt Nam, sử gia Trần Trọng Kim cũng từng có nhận định xác đáng: “Cách Nguyễn Vương khai khẩn đất Gia Định thật là khôn khéo, khiến cho đất Nam Việt trước là một chỗ đất bỏ hoang, không có người ở, mà sau thành ra một nơi rất đông người và rất trù phú trong nước Nam ta. Ấy cũng là một cái công lớn của ông Nguyễn Phúc Ánh vậy”.
♦
Riêng vấn đề cầu viện nước ngoài, "cõng rắn cắn gà nhà", qua việc cầu cứu Xiêm, cầu viện Pháp để diệt Tây Sơn, có lẽ là điểm khó biện hộ nhất cho Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, nếu chịu nhìn nhận vấn đề trên một quan điểm hoàn toàn thực tế và cận nhân tình, người ta sẽ dễ dàng thấy đây cũng là một lẽ tất nhiên trong lịch sử khi có hai thế lực đối đầu nhau mà một bên trước hết cần thủ thắng, rồi sau đó mới tính chuyện khắc phục hậu quả, không khác mấy với trường hợp miền Bắc Việt Nam có lúc phải nhờ vả Liên Xô, Trung Quốc để đánh Mỹ, mà riêng đối với Trung Quốc thì bây giờ mới ngày càng thấy rõ hơn những mối hệ lụy lịch sử mà dân tộc Việt Nam phải trả giá và cần phải tiếp tục khắc phục.
Với tinh thần cởi mở hơn như vậy, một số nhà nghiên cứu sử/ suy nghiệm lịch sử gần đây trong chiều hướng tiến bộ hơn cũng đã tìm lý lẽ biện hộ cho Gia Long, như ý kiến rất đáng tham khảo sau đây của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Quang Trung Tiến: “Từ Nguyễn Ánh đến Gia Long - hai tên gọi của một con người - nhãn quan chính trị của ông đối với người Pháp có sự thay đổi rõ rệt. Trong hoàn cảnh mới của lịch sử, ở con người Gia Long chỉ có thái độ hòa dịu với người Pháp do phải biểu hiện sự hàm ơn một cách miễn cưỡng, chứ hoàn toàn không có sự thỏa hiệp và bán rẻ quyền lợi quốc gia cho ngoại bang. Gia Long còn là người hết sức cảnh giác trước mưu đồ thâm nhập Việt Nam của tư bản Pháp và Tây Âu là người quyết tâm bảo vệ vẹn toàn lợi ích quốc gia - dân tộc trước sức ép của chủ nghĩa tư bản Pháp mà các chính sách của Minh Mạng là bằng chứng biện minh hết sức thuyết phục” (“Triều Nguyễn - cảm nhận đa chiều”, báo Đà Nẵng, dẫn lại theo mục từ “Gia Long” trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Trong cuốn 54 vị Hoàng đế Việt Nam (NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2008), hai tác giả Đặng Việt Thủy-Đặng Thành Trung đã có một phân tích khách quan và rõ ràng hơn, khi cho rằng: “Phương án cầu viện đối với nhà vua là con dao hai lưỡi, nhục nhã và vinh quang, Gia Long không phải không biết điều này (...). Nhà vua đã có thái độ khéo léo để giữ độc lập nhưng ý muốn của ông đã bị thực tế phũ phàng xóa bỏ. Tất nhiên nhìn rộng ra, lịch sử thế giới thời kỳ này là những cuộc chiến tranh giành thuộc địa của Tư bản. Một điều tất yếu là những nước yếu sẽ bị thôn tính dầu có ai đó "cõng rắn" về hay không. Nhưng lịch sử đã đi theo con đường riêng của nó và dù vị vua khởi đầu triều Nguyễn có những công lao nhất định trong việc thống nhất quốc gia, xây dựng một chính quyền quân chủ hùng mạnh nhưng ông vẫn không thể xóa mờ vết đen trong sự nghiệp khi cầu viện ngoại bang” (dẫn lại theo mục từ “Gia Long” trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Thật ra, không nên đặt vấn đề quan điểm giai cấp khi đánh giá về Gia Long hay về triều Nguyễn, vì trong khuôn khổ của chế độ phong kiến, dù Nguyễn Ánh quý tộc hay anh em Tây Sơn nông dân áo vải thì ông nào cũng ham muốn tiêu diệt đối thủ để lên ngôi hoàng đế thống trị thiên hạ như nhau. Nếu bảo lực lượng hậu thuẫn của Tây Sơn Nguyễn Huệ là nông dân chính nghĩa thì chả lẽ lực lượng hậu thuẫn của phe Nguyễn Ánh lại là thành phần giai cấp khác phi nghĩa, vì Việt Nam lúc đó chưa có giai cấp công nhân, hay tầng lớp tiểu chủ công thương nghiệp. Do vậy, chúng tôi rất chia sẻ với ý kiến của cố GS Trần Quốc Vượng khi ông trưng dẫn cùng lúc 2 câu ca dao nói lên lòng dân lúc đó, với một bên dân ủng hộ Nguyễn Huệ (Lạy trời cho cả gió lên/ Cho cờ vua Bình Định phất trên kinh thành), còn bên kia cũng là dân nhưng lại ủng hộ Nguyễn Ánh (Lạy trời cho cả gió Nồm/ Cho thuyền chúa Nguyễn thắng buồm thẳng ra), rồi ông khuyến cáo rằng “Đừng nên chỉ suy diễn lòng dân (XVIII-XIX) theo chủ quan ‘bác học’ (XX), mà nhà làm sử rất nên tham khảo Folklore, nhất là Folklore cổ-cận-dân gian” (Xưa & Nay, số 450, tr. 16).
Theo thiển ý của chúng tôi, nói phương pháp luận sử học hay gì gì đó thì cứ nói, bởi nếu không có phương pháp luận thì cũng không làm việc tốt được. Nhưng phương pháp luận đó nhất định phải “cận nhân tình” và không được thoát ly thực tế, theo hướng giáo điều chủ nghĩa, trong lĩnh vực sử học lại càng không được tách khỏi sự thật lịch sử dựa trên những tài liệu xác thực còn lưu giữ được. Còn nhà sử học, do phải lãnh trách nhiệm nặng nề trước cộng đồng, cũng không thể vì bất cứ lý do gì bóp méo sự thật hoặc nói trái lương tâm mình.
Còn nếu cố muốn nói đến phương pháp luận sử học này nọ thì cũng phải nói sao cho ổn, hợp với chính trị nhân tình, và với thực tế con người bằng xương bằng thịt, chứ không thể cứ tính Đảng hay tính nhân dân, lập trường giai cấp mà nói hoài được.
Có một vấn đề cũ mèm được nói nhiều nhất trong các giới nghiên cứu văn, sử, nhưng lại luôn bị áp dụng một cách lúng túng sai lạc do ảnh hưởng nặng nề của tệ giáo điều, đó là chủ nghĩa duy vật lịch sử mà về mặt áp dụng để nghiên cứu văn học-sử học thì quen gọi bằng cụm từ “quan điểm lịch sử cụ thể”. Mác nói rằng không ai được chọn thời để sinh ra cũng như không ai được quyền lựa chọn lực lượng sản xuất cho mình, nói nôm na là khi người ta sinh ra thì nhiều cái đã có trước, không tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của cái gọi là bối cảnh hay hoàn cảnh lịch sử mà con người hầu như không thể thoát ra được. Ở một chỗ khác ông viết: “Quan điểm của tôi cho rằng sự phát triển của hình thái kinh tế của xã hội có thể coi như quá trình của tự nhiên và lịch sử của tự nhiên. Cho nên so với mọi quan điểm khác, quan điểm của tôi có thể ít quy trách nhiệm cho cá nhân hơn về những quan hệ mà xét theo nghĩa xã hội, cá nhân đó trước sau vẫn là sản vật, dù cho về mặt chủ quan cá nhân đó có thoát khỏi những quan hệ ấy như thế nào chăng nữa” (Về những quy luật kinh tế trong chủ nghĩa xã hội, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 12). Mác cũng nhận định thật tài tình: “Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình” (C.Mác và Ph. Ăngghen, Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có tính chất phê phán, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr. 163).
Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh mỗi người đều không “theo đuổi mục đích của bản thân mình” khi tranh nhau ngôi hoàng đế để thống trị thiên hạ thì cũng chẳng có giai đoạn lịch sử thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn như nó đã diễn ra trên thực tế, mà nhiệm vụ đúng đắn của nhà viết sử chỉ là ghi chép, phản ảnh lại sao cho càng đầy đủ và càng đúng càng tốt, để các thế hệ cháu con về sau nhìn vào đó có thể tự phán đoán rút tỉa kinh nghiệm cho những việc làm trong hiện tại. Trong tinh thần đó, nhà viết sử căn cứ vào sử liệu đã được kiểm chứng có thể kể ra hết mọi chuyện làm tốt, xấu của từng nhân vật lịch sử, không cứ họ thuộc phe nào, và nếu cần thì đưa ra nhận định riêng nhưng chỉ có tính gợi ý, tuyệt đối không nên dùng lời lẽ mạt sát thiếu lễ độ đối với nhân vật mình tự gán cho thuộc về phía phản diện, điều đặc biệt cần tránh trong các sách giáo khoa dùng cho môn học lịch sử.
Cho nên cũng phải khách quan nhìn nhận: Trong cuộc đụng đầu lịch sử và ở cái thế một mất một còn, việc đầu tiên và cấp bách Nguyễn Ánh cần làm lúc đó là diệt được quân Tây Sơn trước đã bằng bất kỳ phương tiện nào, bởi mối thù “chỉ non Tây thề chẳng đội trời chung”, chứ hoàn toàn không cố ý muốn cầu thân với Pháp. Diệt được Tây Sơn rồi mọi việc sẽ tính sau, đó là mục tiêu cấp thời mang tính sách lược tình huống của vị vua sáng lập triều Nguyễn. Bằng cớ là sang thời Minh Mạng (từ 1920), Thiệu Trị, các vị vua con vua cháu này do lời dặn của cha, ông, họ chẳng những không hợp tác với Tây mà còn thực hiện chính sách giết đạo tàn khốc để giải quyết cái di sản trớ trêu của lịch sử, và chỉ khoảng thời gian đó các nhà vua mới có thể dám làm như vậy (dù không phải việc đúng, tốt), do mối ân tình giữa vua cha vua ông (Nguyễn Ánh) với Bá Đa Lộc cùng một số tướng tá người Pháp coi như đã sạch nợ giang hồ.
Nếu muốn nói đến quan điểm lịch sử cụ thể trong việc đánh giá nhân vật, sự kiện lịch sử, theo chúng tôi, nên diễn đạt vấn đề đơn giản như vừa trình bày trên đây thì mới sát với thực tế cuộc sống mà không rơi vào chủ nghĩa giáo điều là cái mà mọi xã hội văn minh hiện đại trên toàn thế giới đều muốn thoát ra. Tại Việt Nam, chúng ta đã có khá nhiều tiền lệ chứng tỏ mối nguy hại một thời của lối viết sử dựa trên những quan điểm gọi là chính thống nhưng giáo điều, đầy định kiến, dẫn đến việc đánh giá sai lầm nhiều nhân vật lịch sử mà nay phải đánh giá lại, như giới sử học gần đây đã cố gắng làm và đã làm khá thành công đối với nhân vật Gia Long và triều Nguyễn...
Trần Văn Chánh
Theo Viet - studies
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, số 216 (1.1.2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét