Tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc hôm 10/1 có bài nói hành động của ông Thăng đã gây bất bình ở Trung Quốc.
Chiều 4/1, Bộ GTVT đã có cuộc họp với Tổng thầu Trung Quốc EPC của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) về sự cố sập giàn giáo tại dự án này hôm 28/12.
Tạ̣i đó, ông Đinh La Thăng đã gay gắt chỉ trích Tổng thầu EPC là thực hiện dự án không tốt và khẳng định sẽ trình Chính phủ để có thể thay thế tổng thầu EPC trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Đoạn tin truyền hình phát trên kênh VTC cho thấy ông Thăng chỉ mặt nhà thầu Trung Quốc và nói những câu khá mạnh mẽ.
Bài trên Hoàn cầu Thời báo nói hành động của ông Đinh La Thăng là "tìm cách khơi gợi lại tư tưởng chống Trung Quốc ở trong nước".
Ông Tề Kiến Quốc, cựu đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, người trực tiếp vận động cho sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc, được dẫn lời nói ông Đinh La Thăng không nên làm như vậy.
"Sự cố công trình xây dựng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và không nên thổi phồng quá mức."
Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn ý kiến một số chuyên gia, nói rằng lỗi để xảy ra tai nạn là thuộc công ty Trung Quốc, nhưng phía Việt Nam cũng có lỗi vì "không theo dõi sát".
Sự chậm trễ trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được giải thích một phần là do giải tỏa mặt bằng muộn.
Chỉ mặt mắng
Hình ảnh video thu được từ cuộc họp 4/1 cho thấy ông Đinh La Thăng chỉ vào mặt đại diện nhà thầu Trung Quốc.
Ông nói: "Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn các ông lại nhận khuyết điểm, cứ trơ ra như vậy thôi!"
"Phải thay Tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát, tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định... Đuổi toàn bộ thầu phụ, lấy toàn bộ thầu phụ của các nhà thầu lớn tại Việt Nam."
"Còn các ông không chấp nhận như vậy thì chúng tôi báo cáo chính phủ, thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực..."
Ông bộ trưởng khẳng định ngay cả khi câu chuyện liên quan tới vốn vay "thì chúng tôi báo cáo chính phủ dừng vay vốn này".
"...không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, không thể đánh đổi tính mạnh của người dân Việt Nam."
Hoàn cầu Thời báo nhắc lại thời điểm giữa năm 2014, khi tinh thần bài Trung Quốc dâng cao trong nước Việt Nam sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển mà Việt Nam nói là của mình.
Lúc đó, nhiều doanh nghiệp đã bị đập phá và Trung Quốc phải điều tàu tới sơ tán công dân của họ vì lý do an toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét