Căn cứ quân sự Trung Quốc bị đe dọa từ ngay trong nội địa - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Căn cứ quân sự Trung Quốc bị đe dọa từ ngay trong nội địa

ad728
Trong khi ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự trên trường quốc tế, quân đội Trung Quốc dường như lại đang bộc lộ sơ hở ở ngay trong lãnh thổ nước mình.

Nhà cao tầng kẹp chặt sân bay quân sự

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở nước này đã dẫn đến việc các căn cứ quân sự đang bị các cao ốc bao vây. Theo Fu Jun, phó chỉ huy của một Sư đoàn của Không quân Trung Quốc, số lượng ngày càng tăng của các tòa nhà cao tầng xung quanh căn cứ của đơn vị ông đang trở thành một mối quan tâm lớn.

Fu Jun nói: “Đôi khi, một tháp truyền tín hiệu cao được dựng lên gần sân bay của chúng tôi chỉ trong 1 đêm”.

Tranh minh họa các nhà cao tầng vây quanh căn cứ không quân của Trung Quốc.


Sân bay Jianqiao ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi sư đoàn của Fu đóng quân bị 20 tòa nhà chọc trời bao quanh. Đáng chú ý, các tòa nhà này còn vượt quá quy định về chiều cao tối đa để đảm bảo an toàn hàng không là 230m. Điển hình như tòa nhà trung tâm Tài chính Fortune Chiết Giang cao đến 258m. Việc vượt qua 28m so với quy định là tương đương với một khu chung cư 9 tầng.

Ông Fu Jun nói: “Nếu cơn sốt nhà chọc trời không được kiểm soát, sân bay đã hoạt động 80 năm và là nơi đầu tiên mà cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã hạ cánh trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc vào năm 1972, sẽ bị mất giữa một rừng đô thị”.

Ông cũng nói thêm: “Chuyện máy bay của chúng tôi phải bay giữa hai khối nhà cao tầng không phải hiếm. Hơn nữa ngoài các tòa nhà siêu cao tầng, bóng bay, máy bay mô hình và pháo hoa do những người dân sống gần các tòa nhà này sử dụng cũng đặt ra mối nguy hiểm rất lớn cho máy bay của chúng tôi”.

Ông Fu Jun – người từng là một phi công kỳ cựu cũng nhấn mạnh: “Phi công của tôi bây giờ phải cẩn thận hơn rất nhiều so với trước đây để tránh va chạm. Phần lớn máy bay chiến đấu của chúng tôi là loại một động cơ nên nếu gặp phải chim bồ câu, bóng bay trong một chuyến bay, nó hoặc mảnh vỡ của nó có thể bị hút vào động cơ và gây ra trục trặc. Điều đó có thể dẫn đến một tai nạn hoặc bi kịch lớn hơn”.

Một biên đội máy bay của Không quân Trung Quốc. Ảnh minh họa.


Theo thông tin từ trụ sở của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Trung Quốc, hơn một nửa số căn cứ không quân của họ đã bị ảnh hưởng do sự xuất hiện của các cấu trúc cao tầng, hoặc do các hoạt động dân sự trong 20 năm qua. Sự phát triển của các tòa nhà chọc trời đã khiến 20 căn cứ không quân phải đóng cửa hoặc di dời và gây ra khoảng 100 vụ tai nạn máy bay.

Viện dẫn tình hình ở Nga, ông Fu Jun nói rằng Trung Quốc đã tụt hậu rất nhiều trong vấn đề bảo vệ các căn cứ quân sự. Ông nói: “Sự xâm lấn vùng trời trên một sân bay quân sự là một trọng tội ở Nga. Ngược lại, Trung Quốc đã không thực hiện tốt trong việc bảo vệ hạ tầng quân sự”.

Sư đoàn của Fu Jun cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để đánh sập một số ống khói dựng trái phép và một số tháp truyền thông. Tuy nhiên những việc này cũng không theo kịp với tốc độ phát triển của các khu đô thị nên có khả năng sân bay quân sự ở Hàng Châu sẽ phải đóng cửa sớm.

Vấn đề nghiêm trọng trên toàn quốc

Vấn đề của sư đoàn không quân ở Hàng Châu không phải là cá biệt. Nhiều căn cứ của quân đội Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng vì sự mở rộng các khu dân cư, kinh doanh.

Theo ông Ma Yifei, sĩ quan cao cấp phụ trách kế hoạch và giám sát cơ sở hạ tầng quân sự, một cảng hải quân quan trọng tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã phải chi 1,6 triệu USD để xây một bức tường dài 800m và cao đến 22m để các tòa nhà cao tầng xung quanh không quan sát được căn cứ.

Vấn đề không giới hạn ở một khu vực cá biệt nào. Theo tờ báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc, tỉnh Hải Nam vẫn tiếp tục cho phép xây dựng các biệt thự có vốn đầu tư nước ngoài gần một căn cứ không quân.

Cảng quân sự ở Hạ Môn bị các khu dân cư, thương mại vây quanh.


Hải quân cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo, một số cảng đã bị ngư dân đặt lưới ở giữa đường thủy được các tàu quân sự sử dụng để ra vào. Một số ngư dân thậm chí đã cố gắng để buộc tàu chiến phải đi chệch khỏi tuyến đường của nó.

Ông Ma Yifei nói: “Một số cảng trước kia nằm ở những nơi xa, dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, bây giờ nó là nơi du lịch hấp dẫn. Một số doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm trung tâm đã dễ dàng bỏ qua các quy định của chúng tôi, còn các quan chức thì chỉ hướng đến phát triển GDP và làm ngơ cho điều đó”.

Tại Bắc Kinh, cơ sở kinh doanh, vườn cây ăn trái, vườn rau đã xâm lấn vào vùng ăng ten của một đơn vị thông tin liên lạc. Trong khi đó, nhà cao tầng đã cản trở nghiêm trọng các tín hiệu radar của một căn cứ quân sự ở khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây và một đơn vị tên lửa phòng không ở Thượng Hải.

Lỗ hổng cho tình báo nước ngoài lợi dụng

Từ năm 1990, Trung Quốc đã có Luật bảo vệ cơ sở quân sự nhưng luật này không được áp dụng ở nhiều khu vực. Có khoảng 4800 ủy ban bảo vệ cơ sở quân sự ở các địa phương trong cả nước nhưng chỉ một vài trong số đó thường xuyên hoạt động vì lý do những thay đổi nhân sự thường xuyên và thiếu hụt thành viên.

Zhang Junshe, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hải quân cho biết nhiều quan chức địa phương tin rằng không một nước nào có khả năng để chiến tranh với Trung Quốc. Do vậy việc sử đụng dất để xây dựng căn cứ quân sự là lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó một số đơn vị quân đội Trung Quốc cũng không ý thức được những rủi ro nên đã không tích cực thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo vệ căn cứ của mình.

Nhận biết được lỗ hổng này, các cơ quan tình báo nước ngoài cũng tích cực lợi dụng. Ông Song Xinfei, một sĩ quan tham mưu dưới quyền Ma Yifei cho biết các cơ quan tình báo của một số cường quốc đã thành lập các công ty ở gần căn cứ hoặc sử dụng các tour du lịch tham quan xung quanh căn cứ quân sự để thu thập thông tin. Ông nói: “Rất nhiều người lính đã nói với tôi rằng một số doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài dường như luôn luôn thiết lập sự hiện diện ở bất kỳ nơi nào chúng tôi đóng”.

Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành một luật sửa đổi về vấn đề bảo vệ cơ sở quân sự. Tuy nhiên người ta cũng hoài nghi về tính hiệu quả của nó. Vẫn có một khoảng cách giữa luật của trung ương với việc thực thi pháp luật tại địa phương.

Trần Vũ (Chinadaily)
Người Đưa Tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages