Trọng Hiền: 12 người trong tòa soạn một tờ báo Pháp bị bắn chết bởi các nghi phạm Hồi giáo, nguyên nhân chính cho là chỉ vì họ đã từng cho đăng các bức hình châm biếm đấng tiên tri Mohammed của Hồi giáo. Nước Pháp bị tấn công ngay tại Paris.
Một tháng sau khi sự việc tương tự xảy ra tại Úc, cả thế giới lại bị sốc trước sự tàn bạo giết người của các tay súng hồi giáo cực đoan, vốn đang sống hợp pháp, thậm chí là công dân tại các đất nước phát triển này.
Nguyên nhân sâu sa là do sự va chạm không thể tránh khỏi giữa các nền văn minh - mà cụ thể nhất là giữa nền văn minh hồi giáo và nền văn minh tự do, dân chủ của phương Tây. Sự va chạm giữa niềm tin, giá trị sống khác nhau giữa hai nền văn minh này tạo ra sự xung đột và đôi khi là thảm kịch khi vài kẻ cực hữu bị kích động, bị lợi dụng bởi các thế lực tôn giáo, chính trị (gần đây là IS). Đáng lo!
Ngay cả học trò của Samuel Huntington, Francis Fukuyama, cũng không còn tin vào cái khái niệm đã có lúc rất thời thượng này. Clash of civilizations là một sự tổng quát hóa khiên cưỡng những hiện tượng xung đột của thời hiện đại. Nó có tham vọng đặt chúng vào trong dòng chảy chung của lịch sử phương Tây trong 2000 năm qua.
Có lẽ cách tiếp cận của Fukuyama có lý hơn: ông nhìn vào, thay vì xung đột của các nền văn minh, cái cơ chế quyền lực và sự cản trở của nó trong trong tiến trình tự do hóa của đời sống con người.
Trên thực tế, không có xung đột nào đáng kể giữa các giá trị căn bản của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, hay giữa các "nền văn minh" cả. Vấn đề chỉ là: con người có khuynh hướng vươn tới tự do và điều này xung đột với một số ý niệm quyền lực cũ.
Hiện tượng gieo rắc sự sợ hãi để đạt mục tiêu quyền lực, hay gọi là khủng bố, đã tồn tại ngay cả trong thế giới Thiên Chúa giáo ở Âu Châu trước thời hiện đại. Nền dân chủ tự do mà Âu Châu đang có không chỉ là kết quả của những ý tưởng của Thời đại Ánh sáng, nó còn là kết quả của những cuộc chém giết đẫm máu giữa các thế lực Thiên Chúa giáo. Sự giết chóc này lập lại ở Á Châu trong thế kỷ 20; Phi Châu, và Trung Đông trong những thập niên đầu của thế kỷ này.
Những kẻ khủng bố là ai? Nhìn thẳng vào họ thì chúng ta sẽ thấy: là một đám ma cô sẳn sàng giết chóc để đạt điều chúng tin vào; điều đó có thể là niềm tin tôn giáo, là Thánh Allha, là Chúa Jesus, là lý tưởng đại đồng, thống nhất đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, v.v... Tất cả những thứ chúng tin vào phục vụ một mục đích duy nhất: quyền lực.
Những kẻ cuồng tín Hồi giáo đổ lỗi cho Phương Tây về những vấn nạn của Trung Đông. Điều này tương tự những kẻ cuồng tín cộng sản đã từng đổ lỗi cho "đế quốc", "thực dân" về những vấn đề ở quốc gia của họ. Những người bỏ theo ISIS, Al Qaeda không khác những người nhảy núi đi theo Mặt trận Giải phóng Miền Nam: họ chọn con đường bạo lực để đạt mục đích của họ.
Cho đến khi nào, thường là chỉ sau những cuộc chém giết đẫm máu kéo dài hàng thập niên, đám người máu me quyền lực này hiểu ra rằng rằng tiến trình vươn tới tự do của mỗi cá nhân là không thể cưỡng lại được và chỉ có một cách để họ được an toàn trong tham vọng tranh giành quyền lực của họ thì khủng bố mới chấm dứt. Cách đó là dân chủ.
Không có sự xung đột giữa các nền văn minh mà chỉ có sự xung đột giữa phương cách dàn xếp một xã hội mà ở đó những kẻ máu me quyền lực không thể giết người.
Trần Minh Khôi
Theo FB Trần Minh Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét