Nguyễn Bá Thanh, bi kịch cuộc đời - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Nguyễn Bá Thanh, bi kịch cuộc đời

ad728
Trang web “Chân dung quyền lực” xuất hiện gần đây cùng với những thông tin về tình trạng bệnh tật của ông Nguyễn Bá Thanh được dư luận quan tâm đặc biệt.

Ông Nguyễn Bá Thanh trước và sau khi bị đầu độc. 
Thực ra, sự quan tâm về bệnh tật, điều trị hay chuyện sống chết của ông Nguyễn Bá Thanh chỉ là yếu tố phụ. Cái người ta muốn biết là những gì xảy ra xung quanh căn bệnh hiểm nghèo của ông, một nhân vật gây khá nhiều ấn tượng trên chính trường của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).

Ông Nguyễn Bá Thanh sinh ngày 8 tháng 4 năm 1953, quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Xuất thân từ gốc nông dân, sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội, ông Thanh được phân công về địa phương làm cán bộ nông nghiệp, rồi giữ chức chủ nhiệm Hợp Tác Xã Hòa Nhơn và được kết nạp vào ĐCSVN ngày 13 tháng 2 năm 1980.

Nấc thang chính trị ông bắt đầu khi ông được bổ nhiệm làm phó bí thư Huyện Ủy Hòa Vang, giám đốc Nông Trường Chè Quyết Thắng, sau đó là phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Quảng Nam-Đà Nẵng.

Năm 1996, ông được cử giữ chức chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 2003, ông được bầu vào chức vụ bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, không lâu sau đó, ông cũng được bầu vào chức vụ chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng.

Trong thời gain làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng, ông Thanh đã có nhiều quyết định đầu tư, xây dựng, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Từ một thành phố nghèo nàn đơn điệu Đà Nẵng đã trở thành một thành phố khang trang, ngăn nắp với dịch vụ và văn hóa ứng xử tử tế của người dân, thu hút nhiều khách du lịch.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng bị tai tiếng trong một số dự án, như dự án xây dựng cầu Sông Hàn hay đường Bắc Nam ở Đà Nẵng. Ông Thanh bị nghi ngờ đã nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng từ chủ thầu Phạm Minh Thông. Người ra lệnh bắt giam Phạm Minh Thông là tướng công an Trần Văn Thanh mà sau đó bị cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình Sự “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Buộc tội ông Trần Văn Thanh, nhưng cán bộ lãnh đạo của Đà Nẵng bị ảnh hưởng uy tín, bị tố cáo sai sự thật, chính xác là ai thì không được nhắc đến.

Ngày 20 tháng 7 năm 2009, một phiên tòa hết sức vô nhân đạo đã diễn ra. Ông Trần Văn Thanh bị tai biến và có xác nhận của công an là không đủ sức khỏe để dự phiên tòa. Thế nhưng ông thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến tòa trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ôxy và phải truyền dịch.

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng là người chịu trách nhiệm trong việc giải tỏa đất của bà con giáo dân, di dời mồ mả của họ ở Cồn Dầu để thực hiện dự án Khu Đô Thị Sinh Thái Hòa Xuân. Trong số 420 hộ giáo dân của vùng này, 335 hộ đã giao đất, 23 hộ đang chuẩn bị giao, còn lại 62 hộ không đồng ý đã khiếu nại lên chính quyền trung ương. Báo Đà Nẵng bản điện tử dẫn lời một cư dân Cồn Dầu than phiền về mức giá bồi thường cho đất nông nghiệp chỉ là 50,000 đồng/mét vuông trong khi sau đó chủ đầu tư chuyển thành đất nền và bán giá cao gấp nhiều lần.

Mặc dù vậy, trong cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam khóa 12, theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền thì ông Thanh không vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc Hội và các đơn thư tố cáo ông Thanh đều không đúng sự thật và vì vậy ông vẫn trúng cử.

Ngày 28 tháng 12 năm 2012, Bộ Chính Trị đã quyết định thành lập trở lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương; đồng thời phân công ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức trưởng ban Nội Chính Trung Ương.

Ban Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu trong những năm qua đã chẳng làm nên trò trống gì, ngược lại nạn tham nhũng tiếp tục phát triển mạnh hơn, tinh vi hơn, thành “đường dây có tổ chức.” Bộ Chính Trị quyết định Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu ban này và cử Nguyễn Bá Thanh làm phó ban.

Nguyễn Bá Thanh khăn gói ra Hà Nội với một tham vọng lớn, thậm chí nhắm tới cả chiếc ghế phó thủ tướng và không loại trừ khả năng sẽ giữ ghế thủ tướng trong tương lai.

Võ đoán, bộc trực, ông đã không hiểu được các mối quan hệ của cung đình Hà Nội. Ông tham gia điều tra một số vụ tham nhũng lớn và tuyên bố sẽ “hốt hết.” Tính cao ngạo, có vẻ ngang tàng và chủ quan đã đưa ông tới thất bại thảm hại và có thể nói chấm dứt vai trò của ông sau cuộc đấu đá ở Hội Nghị Trung Ương Đảng lần thứ 7. Ông đã không được bầu vào Bộ Chính Trị trong bối cảnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xoay chuyển cục diện, từ thế bị tấn công chuyển sang phản công và củng cố hoàn toàn vị trí của mình sau hội nghị này.

Chuyến đi Trung Quốc của ông Thanh vào tháng 12 năm 2013 để học hỏi kinh nghiệm xây dựng đảng và chống tham nhũng thực ra là một bế tắc. Bởi vì tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc vô cùng tệ hại và còn cao hơn Việt Nam một bậc. Hơn thế, nếu không dung dưỡng tham nhũng, Bắc Kinh khó mà duy trì được một tập đoàn thái thú Ba Đình ngoan ngoãn hiện nay.

Bỗng nhiên, giữa tháng 8 năm 2014, có tin ông Thanh đi điều trị bệnh tại Mỹ. Ban Sức Khỏe Trung Ương chẳng hề có thông báo chính thức về bệnh tình của ông. Các báo lề trái cho biết ông Thanh bị bị ung thư máu và phải giải phẫu ghép tủy.

Thêm tin đồn ông bị đầu độc chất phóng xạ càng khiến câu chuyện bệnh tật của ông ly kì hơn, giữa lúc ĐCSVN sắp nhóm họp Hội Nghị Trung Ương lần thứ 10, bỏ phiếu tin nhiệm cho các ủy viên Bộ Chính Trị và chuẩn bị nhân sự cho Đại Hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.

Theo tờ Tuổi Trẻ thì ngày 5 tháng 1 ông Thanh sẽ từ Mỹ trở về nước và tiếp tục điều trị tại Đà Nẵng. Sau hơn 4 tháng trời được các bác sĩ Mỹ chăm sóc, bệnh tình của ông có vẻ không phục hồi tốt. Có thể xem việc ông trở về điều trị tiếp ở Việt Nam như là để sống nốt những ngày còn lại ngắn ngủi tại quê nhà.

Trong ngày 1 tháng 1 năm 2014, một số người dân ở Đà Nẵng đã đến chùa Tịnh Thất Bửu Sơn cầu an cho ông Thanh. Đây là một động thái đáng ngạc nhiên.

Tham nhũng tràn làn trong xã hội Việt Nam, trở thành một tập quán, một thứ văn hóa sống. Vì thế rất nhiều người xem tham nhũng như là phương tiện tất yếu giúp giải quyết các công việc, từ chuyện học hành của con cái, xin việc làm, thăng quan tiến chức, đến sổ đỏ nhà đất...

Dân chúng cho rằng, ông Thanh, cũng như bao lãnh đạo Cộng Sản khác, không thể nào không tham nhũng và sử dụng các thủ đoạn để đấu đá phe nhóm với nhau. Ông Thanh tham nhũng một đồng nhưng lại làm ra được mười đồng, thậm chí được hàng trăm đồng. Họ cũng tin rằng, số người mất mát, thua thiệt dẫu sao cũng là số ít. Trong khi từ một cảng thị nghèo nàn, lạc hậu và xấu xí, thành phố Đà Nẵng bỗng chốc vươn mình, lột xác, trở thành thành phố “5 không”: không có giết người cướp của, không có người nghiện trong cộng đồng, không có người mù chữ, không có hộ đói, không có người lang thang xin ăn,” v.v... Tất cả là nhờ những quyết định táo bạo, dám nghĩ dám làm của ông Nguyễn Bá Thanh.

Có lẽ những ngày này, với cơ thể tiều tụy, nằm trên giường bệnh ông Thanh không thể không ngẫm nghĩ về quãng thời gian đã qua, về những điều ác mà ông đã làm với giáo dân Cồn Dầu. Người đời nói “gieo nhân nào gặp quả ấy” là thế. Chắc có lẽ ông phải ân hận lắm! Nhưng khi ân hận thì đã muộn...

Còn nếu đúng sự thật ông bị đầu độc chất phóng xạ như lời đồn đoán thì ông vừa là tòng phạm nhưng cũng là nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực-lợi ích khốc liệt trên một trận địa không tiếng súng nhưng có người bỏ mạng. Những con thú mang bộ mặt người của ĐCSVN ăn thịt nhau.

Lê Diễn Đức
Theo Người việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages