Những kết cục bi thảm của các nhà độc tài - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Những kết cục bi thảm của các nhà độc tài

ad728
Trong các chế độ độc tài, những nhà lãnh đạo khi quyền lực còn đang trong tay thường rất cao ngạo, kiêu căng, thậm chí lập dị. Họ sống vương giả, xa hoa và trụy lạc, phung phí tiền bạc dựng tượng đài vinh danh mình. Họ tự xem họ như là cha đẻ hoặc anh hùng của dân tộc, còn dân chúng là đám nô bộc mà họ có quyền sai khiến.

Nhưng khi chế độ sụp đổ, đoạn kết cuộc đời của họ thật thê thảm, kể cả ở những quốc gia mà cuộc cách mạng dân chủ chuyển hóa trong hòa bình. Chúng ta có thể đưa ra vài ví dụ.

Kết thúc bi kịch

Nicolae Ceausescu, chủ tịch Đảng Cộng Sản Rumani, vào năm 1989, vẫn còn tin rằng ông ta có thể tiếp tục nắm quyền và phản đối cải cách của Gorbachev.

16 tháng 12 năm 1989, một cuộc biểu tình bắt đầu tại Timisoara nhằm bảo vệ một mục sư Tin Lành bị nhà chức trách địa phương trục xuất ra khỏi căn hộ. Hợp vào người biểu tình là đám đông những người phản đối chế độ. Cuộc biểu tình đã lây lan sang các thành phố khác. Từ Iran trở về, Ceausescu cáo buộc phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Rumani và và kêu gọi dân chúng Bucharest thể hiện phản ứng bằng một cuộc xuống đường vào ngày 21 tháng 12 năm 1989.

Ceausescu nghĩ rằng đám đông sẽ bày tỏ sự hỗ trợ đối với chính sách của mình. Không ngờ cuộc biểu tình biến thành cuộc biểu dương lực lượng chống lại chính phủ. Ceausescu và vợ Elena đã phải trú ẩn trong cung điện của mình.

Trên đường phố Bucharest, quân đội và Securitate (an ninh) xung đột với đám đông. Đạn thật được sử dụng. Vào thời điểm đó, một số trong lãnh đạo quân đội quyết định lật đổ Ceausescu bằng sức mạnh. Binh sĩ đã đứng chung với những người biểu tình. Ceausescu chạy trốn khỏi Bucharest, nhưng ngày 22 tháng 12 bị quân đội bắt giữ. Ngày 25 tháng 12 năm 1989 một phiên tòa xét xử hai vợ chồng kéo dài 90 phút và ra phán quyết tử hình. Sau khi được “điều trần,” vợ chồng ông bị trói bằng dây thừng và đưa ra phía trước tòa nhà. Án được thực hiện ngay lập tức bởi lực lượng đặc biệt. Cái chết nghiệt ngã kết thúc cuộc đời của cặp độc tài toàn năng.

Tại nước Đức, sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ vào đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 11 năm 1989, nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honeker bị tước đoạt mọi chức vụ nhà nước và đảng. Trong những tháng tiếp theo, công tố viên đã đưa ra các buộc đầu tiên đối với Honecker: Tội phản quốc, tham nhũng và giết người trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Trong những tuần sau đó Honecker phải đến bệnh viện nhiều lần, người ta quyết định giam giữ ông tại gia nhưng rồi hủy bỏ. Honecker ốm yếu được đưa đến bệnh viện Liên Xô tại Đông Đức và từ đó ông ta trốn sang Liên Xô và tị nạn tại Đại Sứ Quán Chile.

Chính phủ Đức đã đòi Nga trao trả nhà lãnh đạo Cộng Sản. Ngày 29 tháng 7 năm 1992 máy bay chở Honecker hạ cánh tại Berlin, ông bị bắt và giam tại Moabit (thời điểm này vợ và con gái của ông đã bay qua Chile).

Sau 169 ngày bị giam giữ, do sức khỏe kém, Honecker đã được trả tự do. Phần còn lại của cuộc đời ông sống trong buồn tủ, thất vọng ở Chile và qua đời vào ngày 29 tháng 5 năm 1994.

Saddam Hussein cai trị Iraq gần 35 năm. Khởi đầu kết thúc của Saddam đã diễn ra vào năm 2003 khi Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế xâm chiếm Iraq. Saddam Hussein đã trốn thoát được quân đội phương Tây.

Giấu mình trong một hầm trú ẩn tại một trang trại của gia đình, Hussein bị bắt sau 6 tháng, vào tháng 12 năm 2003. Mùa Hè năm 2004 một tòa án đặc biệt của Iraq xét xử quá trình của nhà lãnh đạo Đảng Baath. Hussein đã bị buộc tội giết chết 148 người, tội tra tấn, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Những cáo buộc hầu như không thể chối cãi. Ngày 5 tháng 11 năm 2006, Saddam Hussein bị kết án tử hình. Tòa án tối cao của Iraq bác bỏ kháng cáo của ông. Ngày 30 tháng 12 năm đó ông bị treo cổ.

Trong suốt 42 năm cầm quyền tại Lybia, Muammar Gaddafi đã làm thế giới ngạc nhiên không dưới một lần. Ông mời các nguyên thủ quốc gia tới dự họp trong chiếc lều bedouin, giảng bài về Hồi giáo cho các tiếp viên nữ xinh đẹp. Cực xa xỉ, sang trọng và khó tiên đoán là những gì người ta nói về Gaddafi.

Ông bị cáo buộc hỗ trợ khủng bố và vi phạm nhân quyền, nhưng nhờ có dầu hỏa mà tội lỗi được tha thứ, và ông vẫn tiếp cận được các salon chính trị.

Hoàng hôn phủ xuống triều đại của nhà độc tài từ tháng 2 năm 2011. Tám tháng cách mạng với sự hỗ trợ của phương Tây, đã làm sụp đổ “ngai vàng” của Gaddafi. Sau khi thoát khỏi Tripoli, chạy về Syrty, đoàn xe của ông bị máy bay chiến đấu NATO tấn công và ông bị thương. Quân nổi dậy đã kéo nhà độc tài ra khỏi ống cống mà ông ẩn trong đó. Ông bị đánh đập và bị giết chết trong ngày 20 tháng 10 năm 2011 năm. Cơ thể của ông được đưa về Misrata cho công chúng xem.

Còn nhiều nữa, Mubarak, Morsi (Ai Cập), Zen Ali (Tunesia), Milosevich (Serbia), Janukovich (Ukraina),... mỗi nhà độc tài mang một số phận khác nhau, nhưng cuộc đời của họ đều gắn với kết thúc bi kịch.

Vua tập thể

Sau cuộc cách mạng ở Đông Âu và Liên Xô cũ, một số nước Cộng Sản đã khôn ngoan thay đổi cấu trúc chinh trị, điển hình nhất là Việt Nam. Quyền lực không còn tập trung toàn bộ vào một cá nhân và cá nhân cũng không còn cơ hội giữ chức vụ cao nhất cho đến chết.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam là tuyệt đối, nhưng quyền lực được phân ra trong các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội và thủ tướng chính phủ, trở thành triều đại của vua tập thể.

Tùy từng giai đoạn mà một trong bốn vị có thể có ảnh hưởng nhiều nhất trong cán cân quyền lực. Trước hết, nếu kiểm soát được quân đội và an ninh thì sẽ là người có tiếng nói quyết định trong mọi diễn biến. Trong một bộ máy mà tham nhũng tràn lan từ dưới lên trên, ít có ai tay không dính chàm. Tình báo và an ninh nắm được những mánh lới làm ăn bất chính để làm con tin.

Lê Đức Anh là một người như thế. Thời kỳ làm chủ tịch nước ông rất mạnh, dường như tuyệt đối. Nhưng đến thời kỳ Lê Đức Lương, Nguyễn Minh Triết hay Trương Tấn Sang, nhiệm vụ của chủ tịch nước dường như nặng về hình thức.

Ngược lại, quyền lực tập trung vào Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, xuất thân từ công an, từng làm thứ trưởng Bộ Công An và có quan hệ mật thiết với tình báo quân đội. Trong những năm giữ chức thủ tướng, ông Dũng đã ban phát nhiều ơn huệ bằng cách thăng chức tướng (đến trung tướng) cho rất nhiều sĩ quan quân đội và công an.

Do quyền lực bị phân bổ nên các nhóm lợi ích được hình thành trong những lĩnh vực khác nhau. Các nhóm lợi ích thường hay ghen tị, nhòm ngó nhau nhưng cuối cùng phải giữ thỏa hiệp để giữ vững sự tồn tại của chế độ. Một số ít bị tiêu diệt khi người nắm giữ quyền phân phát lợi ích thấy có nguy cơ tổn hại đến chung cuộc.

Các quan chức giữ vị trí cao nhất khi về hưu ôm theo tiền bạc và của cải, hạ cánh an toàn, thậm chí có thể ra cả nước ngoài cư trú.

Không thể không thanh toán tội ác

Rumani là một quốc gia hậu Cộng Sản cá biệt, trong 25 năm qua, đã không thanh toán tội ác của Cộng Sản, tạo nên sự ngộ nhận cho giới trẻ về giai đoạn này và những kẻ tội phạm thoát lưới pháp luật. Mặc dù từ năm 1989, Rumani tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, đời sống nhân dân thay đổi không thể tưởng tượng, nhưng đến 40% thanh thiếu niên vẫn nghĩ thời Cộng Sản sống tốt hơn.

Những kiến trúc sư của cuộc cách mạng lật đổ Ceausescu là những người đã từng phụng sự trong chế độ cũ, nên họ không khuyến khích làm việc này. Trong khi đó, vào thời Cộng Sản đã có khoảng 617 ngàn người chống đối bị ngồi tù, 120 ngàn trong số họ đã chết trong tù vì bị tra tấn, bệnh tật, ít nhất một ngàn người đối lập bị giết chết.

Cũng may mắn là tổng thống mới hiện nay của Rumani vừa tuyên bố sẽ kiểm tra kỹ lưỡng về những gì đã xảy ra trước chế độ độc tài Ceausescu, trong và sau khi nó sụp đổ, và sẽ xúc tiến một phép tính lương tâm minh bạch.

Tình hình hậu Rumani rất có thể tái diễn ở Việt Nam trong tương lai theo một hướng khác xấu hơn. Nhìn cảnh dân chúng ra đón ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ trở về ở sân bay Đà Nẵng cho thấy điều này.

Mặc dù khi chế độ thay đổi cần có sự bao dung để đoàn kết dân tộc, nhưng tội phạm thì không thể tha thứ. Đây không phải là vấn đề trả thù mà là công lý phải được thực thi bình đẳng. Không thể thấy Đà Nẵng lột xác, thay đổi thì công trạng của ông Nguyễn Bá Thanh làm lu mờ tội ác mà ông đã làm với giao xứ Côn Dầu và tội tham nhũng.

Một tư duy nhập nhằng như thế rất nguy hiểm và thực sự là một cách che giấu cái ác mà các quan chức Cộng Sản đã gây ra cho dân tộc.

Lê Diễn Đức
Theo Người việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages