Xây ngọn hải đăng trên sông Hàn: Chỉ là trá hình? - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Xây ngọn hải đăng trên sông Hàn: Chỉ là trá hình?

ad728
"Lấy tên là xây dựng ngọn hải đăng, với hình thức tháp cao 25 tầng thực ra là công trình khách sạn dùng để kinh doanh, suy ra chỉ là trá hình".

Trước thông tin Công ty CP đầu tư DHC (DHC Group) xin đầu tư dự án ngọn hải đăng Marina có chiều cao thấp nhất bằng tòa nhà 25 tầng kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng, cách bờ sông 30m và UBND TP.Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương về vị trí xây dựng nằm ở phía bắc cầu Rồng thuộc P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, các KTS trong Hội KTS thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng cho rằng công trình này sẽ phá hỏng cảnh quan cũng như môi trường sinh thái của khu vực này.

Mô hình dự án “tháp hải đăng Marina”
Phải ứng xử với sông Hàn văn minh, trân trọng hơn

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 5/1, KTS Tô Văn Hùng - Phó chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng cho biết: "Xét về hiệu quả kinh tế, thành phố đã bỏ ra khá nhiều tiền đầu tư xây dựng nhiều cây cầu với mục đích hướng thành phố ra Biển. Do đó, việc tiếp tục tập trung khai thác các vùng đất ven sông là điều quá phi lý. Chúng ta không thể xây dựng nhiều cây cầu hàng ngàn tỷ chỉ để kết nối trung tâm thành phố với các khu dân cư bờ Đông hay chỉ với các khu resort ven biển. Thành phố Biển rất cần những dự án lớn, tập trung ven biển".

Phân tích cụ thể, theo ông Hùng: Về mặt môi trường sinh thái, thực tế cho thấy, việc bê tông hóa 2 bờ Đông Tây, giải pháp lấn sông tạo ra công viên đi bộ đã vi phạm trầm trọng môi trường sinh thái tự nhiên, nguyên nhân giảm đa dạng sinh học, thay đổi dòng chảy…Thêm vào đó, việc khai thác quỹ đất đai bờ Tây sông Hàn với nhiều dự án nhà cao tầng đã tạo sức ép quá lớn, nguy cơ vượt ngưỡng môi trường ven sông.

Về mặt cảnh quan: Dòng sông Hàn với khoảng không gian lòng sông và 2 bên bờ không quá rộng, hiện tại với các cây cầu bắt qua sông đã làm cho dòng sông vốn không rộng lại càng hẹp lại. Sự xuất hiện quá nhiều vật thể kiến trúc có quy mô lớn (cầu qua sông, nhà cao tầng, caphe lấn sông…) đã làm mất cân đối về mặt thị giác. Yếu tố nhân tạo đã lấn át yếu tố tự nhiên như vậy khó có thể xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường như mục tiêu đã đề ra.

Hơn nữa, ông Hùng nhấn mạnh: "Khu vực cảnh quan sông Hàn hiện nay cần phải quan tâm chính là nguy cơ ô nhiễm ánh sáng. Với thực trạng chiếu sáng các cây cầu, tuyến đường ven sông hay các công trình kiến trúc một cách quá mức cần thiết là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên".

Chính vì vậy, nên theo quan điểm của ông Hùng, thì dòng sông Hàn phải được ứng xử một cách văn minh hơn, trân trọng hơn. Trong nhận thức, phải xem sông Hàn như là một phần cơ thể sống của đô thị Đà Nẵng. Thành phố đáng sống, phát triển bền vững thì nhất thiết từng bộ phận của cơ thể phải khỏe mạnh.

Có lợi ích nhóm?

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt trước chủ trương này, KTS Phạm Phú Bình- Phó chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng cũng bày tỏ quan điểm: "Tôi không đồng ý với chủ trương xây dựng công trình này. Bởi vì: thứ nhất, công trình này sẽ phá vỡ toàn bộ cảnh quan và môi trường trên dòng sông Hàn. Hiện nay, cảnh quan trên dòng sông Hàn rất đẹp, buổi tối tạo ra không gian thu hút khách du lịch rất lớn, vì vừa nên thơ, vừa có hồn, vừa có giá trị phát triển.

Hơn nữa, đây cũng là dòng sông vừa có ý nghĩa về đô thị nhưng cũng là dòng sông có giá trị về văn hóa.

Thứ hai, nói là xây ngọn hải đăng với hình thức tháp cao 25 tầng thực chất chỉ là công trình khách sạn dùng để kinh doanh, cho nên nếu xây ở đó sẽ làm cho dòng sông bị thu hẹp lại, tạo ra hiệu ứng phản cảm, gây xung đột kiến trúc cảnh quan cả trục sông Hàn.

Bên cạnh đó, hiện nay, cầu Rồng đã đạt 3 giải thưởng quốc tế của Mỹ, nếu xây dựng lên thì sẽ bị thu hồi tất cả các giải thưởng, tất cả việc xây dựng tháp hải đăng, chỉ là ngụy biện, vì đằng sau đó là một khách sạn kinh doanh. Đã là khách sạn kinh doanh thì không được nằm trên đất công, dòng sông này không phải của cá nhân nào để tự ý quyết định.

Thứ ba, hệ lụy tiếp theo là phải có nơi để xe, rồi lo việc xử lý chất thải".

Nhìn nhận ở góc độ khác, theo đánh giá của ông Bình, thì hiện nay, dư luận hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về vấn đề lợi ích nhóm ở đây. Ông Bình thẳng thắn, không biết gìn giữ cho bền vững, cho tương lai, muôn đời thì sau này con cháu sẽ lên án.

Ông Bình cũng khẳng định: "Tôi ủng hộ cho ý tưởng xây dựng ngọn hải đăng nhưng nên xây dựng vị trí khác, có không gian hơn như ở biển, cần định hướng cho chủ đầu tư chọn điểm tốt hơn, hoành tráng hơn, tích cực hơn, đóng góp cho sự phát triển không gian, kiến trúc cũng như phát triển du lịch cho Đà Nẵng".

Thanh Huyền
 Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages