Lời Nguyền Láng Gièng - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Lời Nguyền Láng Gièng

ad728
Phần 1: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Việt Nam và Trung Quốc có lời nguyền láng giềng đeo đẳng từ khi lập nước. Một nghìn năm Bắc thuộc, là châu quận của Trung Quốc, An Nam Ðô Hộ Phủ. Rồi gần một nghìn năm tiếp theo, dù có một vương trìều độc lập, cho đến trước khi chính thức bị giao nhượng cho Pháp bằng hiệp định Pháp Thanh năm 1885, Việt Nam vẫn là một quốc gia phiên thuộc của Trung Quốc, ít nhất trên hình thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Các vị vua của Việt Nam, sau khi lên ngôi, phải được sự thừa nhận của Thiên triều. Không có chiếu phong vương, vương triều Việt không có tính chính danh và triều đình có nguy cơ bị Thiên triều cất binh trừng phạt. Thông thường, vị vua hay hoàng đế tự lập của Việt Nam, ngay sau khi lên ngôi phải đích thân diện kiến Thiên tử để nhận chiếu phong vương. Nếu không thể đích thân, phải cử đặc sứ trình bẩm việc lên ngôi và xin chiếu tấn phong. Những tập quán như thế đã trở thành một quy tắc hàng nghìn năm, như một lẽ đương nhiên trong tiềm thức của cả người Trung Hoa lẫn quan dân người nước Việt. Sự thật lịch sử này, về phía Việt Nam được giải nghĩa là sự khôn khéo để vừa giữ được độc lập, vừa giữ được hoà bình, tránh được thảm họa chiến tranh. Nhưng ở phía Thiên triều, nghĩa là đối với người Trung Quốc thì đó là sự thần phục, một sự thừa nhận phiên thuộc.

Trong lịch sử quan hệ với láng giềng Trung Hoa, người Việt nam chỉ có yên bình khi thực sự là châu quận của Trung Quốc. Ngược lại, nếu chỉ là thuộc quốc, thì dù chịu thụ phong và cống nạp hàng năm, không một lúc nào, triều đình Việt, dân tộc Việt thoát khỏi mối đe dọa mất nước từng ngày. Bất cứ lúc nào, chỉ cần nước Việt gặp thiên tai, đói khát, vua tôi nước Việt lục đục, dân tình rục rịch nổi dậy, vua mới lên ngôi không đích thân diện kiến, không chịu sắc phong, thậm chí mới chỉ chậm trình bẩm… tất cả đều có thể trở thành lý do để Thiên triều nổi giận cất binh trừng phạt, hay ít ra cũng là mầm của tai hoạ mất nước.

Cho đến tận bây giờ, có vẻ như trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vẫn tồn tại một tiềm thức như vậy, cả trong những người lãnh đạo đảng CS Trung Quốc lẫn những người lãnh đạo đảng CS Việt Nam.

Từ sau Hội nghị Thành Đô, ở tất cả các kỳ Đại hội Đảng CS Việt Nam, người ta thấy một hiện tượng rất rõ là, trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự, bao giờ cũng có hoặc một cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, hoặc một phái viên cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Đại hội kết thúc, người đắc cử vị trí cao nhất của đảng ngay lập tức, hoặc chuyến thăm đối ngoại đầu tiên bao giờ cũng là chuyến đi Trung Quốc hoặc thăm chính thức, hoặc không công bố. Đặc biệt là Tổng bí thư Đỗ Mười, chỉ trong khoảng một nhiệm kỳ đầu và một năm của nhiệm kỳ hai, hai lần thăm Trung Quốc, tháng 12/1995 và 18/07/1997 và Nông Đức Mạnh, với hai nhiệm kỳ có tới 3 lần thăm Trung Quốc, 14/04/2003, 26/08/2006 và 2/6/2008.

Ngày 20/10/2008 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc lần đầu, lần thứ hai 26/04/2010. Nguyễn Phú Trọng thăm TQ lần đầu tháng 11/10/2011, Trương Tấn Sang thăm TQ ngày 19- 21/6/2013. Trước khi thăm Mỹ đúng 3 tháng, Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc lần hai ngày 7/04/2015. Tháng 11/2015, trước khi đại hội đảng XII khai mạc hai tháng, Tập Cận Bình sang thăm, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Sau hội nghị 14, là hội nghị quyết định nhân sự cho Đại hội XII chính thức, ngày 22/12/2015, một tháng trước Đại hội, Nguyễn Sinh Hùng sang thăm Trung Quốc theo lời mời của chính Tập Cận Bình. Sau Đại hội XII kết thúc, trưởng Ban đối ngoại Trung ương đảng Hoàng Bình Quân, đặc phái phiên của Tổng bí thư vừa đắc cử sang thăm Trung Quốc, cũng trực tiếp gặp họ Tập.

Và cũng sau hội nghị Thành Đô, tiếp tục bài ca “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông”…lại xuất hiện 16 chữ vàng ” Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” là “bốn tương”, dịch ra tiếng Việt thành 4 chữ “chung”, tức là chung sông núi, chung lý tưởng, chung văn hoá, chung vận mệnh.

Ông Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trong cuộc hội kiến với bộ trưởng Phùng Quang Thanh, 18/10/2015, nói: “Láng giềng là không thể dời đi, hai nước Trung-Việt chung sống hữu nghị, xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng phát triển phù hợp với lợi ích chung của hai nước”.

Tiến sĩ lịch sử học Trường Đại học Bắc Kinh, Vương Hàn Lĩnh trả lời báo chí Việt Nam: “Tôi có thể nhấn mạnh rằng anh có thể tự lựa chọn cách giải quyết tranh chấp mà anh cho là tốt nhất, có thể phân định được lãnh hải bằng cách này hay cách khác, nhưng chắc chắn là anh không thể tự lựa chọn được hàng xóm. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam mãi mãi là hàng xóm, qua biết bao thế hệ và còn tiếp tục với rất nhiều thế hệ nữa”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi trả lời cử tri quận Tây hồ, 1/07/2015, cũng nói Trung Quốc là “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

Đó là sự cay đắng của lời nguyền láng giềng. Đó là định mệnh, định phận tại thiên thư. Không thể là láng giềng mà không bị xâm chiếm.

Từ sâu thẳm, đáy sâu của lịch sử Trung Hoa, xâm chiếm láng giềng đã là lựa chọn như một triết lý, một nhân sinh quan của người Trung Hoa.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Tể tướng nhà Tần (221-206 TCN) là Phạm Thư khi đến Tần, gặp vua Tần là Tần Chiêu Vương, đã bày kế:

“… Ngày xưa vua Dẫn Vương nước tề phía Nam đánh Sở, phá quân, diệt tướng, hai lầnmở mang đất đai ngàn dặm, nhưng rốt cuộc, nước Tề vẫn không lấy được tấc đất nào. Điều đó đâu phải vì vua Tề không muốn, mà là vì lấy đất xa thì không giữ được. Chư hầu thấy nước Tề mệt mỏi, vua tôi không hoà, đem quân đánh tan quân Tề. Tướng sĩ bị nhục, binh lính bị khốn đốn đều đổ lỗi cho nhà vua, nói “Ai bày kế này cho nhà vua?”, nhà vua nói ” Văn Tử “. Đại thần làm loạn, Văn Tử hoảng sợ bỏ trốn ra nước ngoài.

Cho nên, nước Tề sở dĩ thua to là vì đánh Sở, là nước ở xa, làm cho nước Hàn, nước Nguỵ được hưởng. cách đó gọi là trao binh cho giặc, đem lương cho cướp vậy.

Chi bằng nhà vua giao hiếu với nướxc ở xa, để đánh chiếm các nước ở gần. Được tấc đất nào thì ghép vào đất Tần, mở rộng cương giới. Được thước đất nào, đều trở thành đất của nhà vua.
Vua Tần nghe kế của Phạm Thư, sai Ngũ Đại phu và Uyển đánh láng giềng là Nguỵ, lấy đất Hoài, nhập vảo Tần, hai năm sau lấy đất Hình Khâu…”.

Từ Thục An Dương Vương, Triệu Đà, Hán Vũ Đế, đến Đông Ngô, nhà Tấn, Lưu Tống tới Nam Tề, nhà Lương, Tuỳ, Đường, rồi từ Nam Hán, đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh, suốt hai nghìn năm, không một triều đại Trung Hoa nào buông bỏ ý chí chiếm đoạt và nô dịch người Việt.
Cho đến tận chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông.

Theo tác giả Giao Hưởng (Hoàng đế đỏ của Trung Hoa cộng sản): “Trong cuốn trước tác “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” của chủ tịch Mao Trạch Đông viết năm 1939 do hiệu sách Tân Hoa thư điếm (Dực Nam) tái bản tháng 6 năm 1949, Mao viết:

– “Sau ngày đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận – Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng – Pháp chiếm An Nam…”.

Dùng cụm từ “các nước phụ thuộc của Trung Quốc” trong đó có An Nam (Việt Nam) rõ ràng Mao muốn “xóa” và “ghép” chủ quyền của một số quốc gia khác vào nước Trung Hoa của Mao. Mười năm sau (tháng 6.1949), một lần nữa “các nước phụ thuộc” theo ý Mao lại được nhắc đến qua lần tái bản (sách trên) bởi cơ sở Tân Hoa thư điếm – Dực Nam.

Đến 1954, Trung Quốc ấn hành “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại” tại Bắc Kinh kèm tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm nhiều nước Đông nam châu Á và vùng biển Đông một cách trắng trợn.

Đẩy xa hơn, chủ tịch Mao Trạch Đông không cần giấu giếm, nói thẳng với các đại biểu Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) tại hội đàm Vũ Hán năm 1963 về chủ trương bành trướng của giới cầm quyền Trung Nam Hải:

– Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông tràn xuống Đông nam châu Á.

Minh họa chủ trương đó, Mao đưa ra một số đối chiếu cụ thể đầy ẩn ý về trường hợp Thái Lan. Mao nói, diện tích cả nước Thái Lan so với một tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc tương đương nhau – nhưng về dân số Tứ Xuyên đông gấp đôi Thái Lan – cần đưa bớt người Trung Quốc xuống Thái Lan cư trú. Mao cũng nói, nước Lào dân cư thưa thớt, Trung Quốc phải đưa người xuống Lào lập nghiệp…

Sau ngày Trung Quốc thử nghiệm thành công bom nguyên tử lần đầu tiên năm 1964, Mao càng quyết liệt và công khai khẳng định chủ trương bành trướng của mình trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8.1965:

– Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore…”

Sự thèm khát mở rộng cương thổ của Mao khiến một nhà nghiên cứu người Nga Aleksei Volynhets phải thốt lên rằng, Mao và Lưu Bang là hai hoàng đế xuất thân từ nông dân, có chung sự thèm khát đất đai.

Nhà Hán của Lưu Bang là thời mà Trung Quốc tiến hành nhiều nhất các cuộc chiếm đoạt, mở rộng lãnh địa, cương giới, sáp nhập lãnh thổ của các lân bang.

Mao Trạch Đông là người ngưỡng mộ Tần Thủy Hoàng, mặc dù vị Hoàng đế này nổi tiếng là tên bạo chúa, từng thiêu sống hàng vạn người, chỉ vì ông ta loà người đầu tiên trong lịch sử thống nhất được Trung Hoa.

Sự vĩ đại của các vị Hoàng đế hay lãnh tụ Trung Hoa thường gắn và phải gắn với chiến tích bành trướng chiếm đất và mở mang bờ cõi.

Từ ngày ra đời nhà nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa, không một quốc gia láng giềng của Trung quốc có một biên giới bình yên.

Cuộc chiếm đoạt Tân Cương bắt đầu từ nhà Hán, nhưng 2000 năm sau, đến năm 1949, Mao mới chính là người kết thúc, biến nó thành khu tự trị, tháng 1/1955.

Tây Tạng cũng vậy, mặc dù vùng trung Tây Tạng có tên là Koko Nor (hồ xanh), bị nhà Thanh chiếm năm 1723, nhưng toàn bộ lãnh thổ Tây Tạng, phải đến khi quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tiến vào, theo lệnh của Mao Trạch Đông, năm 1950, mới thực sự bị chiếm đoạt, Koko Nor thành tỉnh Thanh Hải và năm 1951, Tây Tạng biến thành khu tự trị.

Riêng với Việt Nam?

Trong một mưu đồ xâm chiếm khi nthời cơ thuận lợi, Mao Trạch Đông muốn duy trì tình trạng bị chia cắt, không thống nhất, ông ta trực tiếp nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam vào 11.1956, trong đó có Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng:

– “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… Nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm!”.

Mao đặc biệt muốn nắm Việt Nam làm bàn đạp mở đường xuống các nước khác ở phương Nam.
Tại hội đàm giữa lãnh đạo của bốn đảng cộng sản: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Lào (Quảng Đông 9.1963) – thủ tướng Chu Ân Lai đánh tiếng:

– Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á.

Ngay từ khi đó, con đường đi xuống Đông Nam Á đã được hình dung bằng con đường xuyên suốt từ Vân Nam qua Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái Lan tới tận Singapore. Tập Cận Bình đang biến nó thành sự thật “giấc mơ Trung Hoa”, bằng những dự án đường sắt xuyên Á.

Và ý đồ chiếm đoạt biển Đông đã gặp tấm bản đồ của một cá nhân phóng hoạ năm 1949, để trở thành “chủ quyền từ cổ đại”. Nó được biến hoá thành nghị quyết của Ban thường trực Quốc hội nhân dân trung Hoa, ngày 4/9/1958, trong khi đã chiếm nửa phía đông của Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1956. Ngay từ khi đó, một ý đồ nung nấu chiếm đoạt biển Đông chỉ còn chờ cơ hội để thực hiện.

Cơ hội đó đến năm 1974, khi Mỹ đã rút hoàn toàn khỏi chiến trường và chính phủ cộng sản Bắc Việt Nam phải dồn toàn bộ sức lực cho chiến dịch giải phóng miền Nam, Trung Quốc đánh chiếm nốt nửa phía tây Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Quán Việt Nam tại Quảng Đông, nói:
“Tôi có tài liệu, Mao Trạch Đông là người quyết định đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, 1974… Chu Ân Lai chính là người vạch ra kế hoạch, Diệp Kiếm Anh là người đôn đốc thi hành, và Đặng Tiểu Bình lúc đó mới được phục hồi, cũng sang Cục Tác chiến của Trung Quốc để áp trận.”

Trường sa cũng nằm trong cùng một mưu đồ được chuẩn bị sẵn chỉ để chờ cơ hội. Năm 1988, trong bối cảnh kiệt quệ vì chiến tranh và những sai lầm liên tiếp trong các chính sách, nền kinh tế Việt Nam tan ra từng mảnh. Trung Quốc sau chiến tranh biên giới bao vây kinh tế, cắt đứt ngoại giao. Liên xô và XHCN /Đông Âu chìm trong khủng hoảng, nguy cơ tan vỡ. Mỹ cấm vận cả ngoại giao lẫn kinh tế. Chế độ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Lê Đức Anh, uỷ viên bộ chính trị, bộ trưởng Quốc phòng đưa ra sáng kiến nhượng bộ Trung Quốc, rút toàn bộ quân đội khỏi Cămpuchia và chủ động tìm kiếm thương lượng bình thường hoá với đảng cộng sản Trung quốc, trên danh nghĩa bảo vệ chủ nghĩa cộng sản. Binh lính trực chiến trên biên giới và hải đảo được lệnh không nổ súng trước, tìm mọi cách giữ hoà hiếu, không làm mếch lòng bạn Trung Quốc.
Chính vào lúc đó, hải quân Trung Quốc được lệnh tấn công chiếm Gạc Ma và một lọat những hòn đảo khác trên Trường Sa.

…..

Đường lưỡi bò đang trở thành hiện thực. Và không có gì có thể ngăn cản được. Những ý đồ, những khát vọng biến thành âm mưu và kế hoạch thực hiện trong suốt cả nghìn năm, thì khi đủ điều kiện hay khi cơ hội chín muồi, khó có gì, khó sức mạnh nào ngăn cản được.

Cho nên, Việt Nam không thể không bị xâm chiếm, vì Việt Nam là láng giềng.

Phần 2: Cần công khai và chính danh hóa đồng minh với Mỹ

Không phải tới ngày hôm nay, người Việt Nam, trong đó có cả đảng cộng sản Việt Nam, mới tìm kiếm một mối quan hệ Đồng minh bền vững với Mỹ. Trước hết, từ lâu, quy tắc thần phục Trung quốc không đem lại điều gì tốt đẹp.

Thần phục Trung quốc là sai lầm

Bất kỳ người Việt Nam nào, với một sự khao khát vượt lên, mỗi khi nhìn lại toàn bộ lịch sử dân tộc mình, đều cay đắng cam chịu một số phận cay nghiệt, đó là sự khống chế không bao giờ buông tha của thế lực bành trướng Trung quốc. Nếu Trung quốc suốt mấy ngàn năm không đạt được mục đích xóa biên giới, biến Việt Nam thành châu quận của họ, thì Việt Nam cũng chưa bao giờ được Trung quốc cư xử như một quốc gia độc lập và bình đẳng.

Một nước Việt Nam giàu có, hùng mạnh và độc lập tự quyết là không thể chấp nhận được với hệ thống cầm quyền Trung quốc thuộc mọi thế hệ.

Trung quốc “giúp đỡ”, “viện trợ”… chỉ để Việt Nam phải phụ thuộc, và thông qua viện trợ để thọc sâu cánh tay vào nội tình Việt Nam, với mục đích kiểm soát và thao túng.

Việt nam có thể thành món hàng để mặc cả, buôn bán với các thế lực đối thủ của Trung quốc. Việt Nam có thể trở thành bia đỡ đạn, kẻ khiêu khích, là tên đầu sai đốt lửa gây chiến hay châm ngòi xung đột, một dụng cụ thăm dò, một thứ thuốc thử trong tay Trung quốc.

Đó là bản chất mối quan hệ “anh em” mà Trung quốc dành cho Việt Nam.

Chiếm hoàn toàn, hay biến Việt Nam thành một thứ công cụ, đó là chính sách từ hàng nghìn năm, vẫn đang là chính sách của đảng cộng sản, và muôn đời sẽ vẫn thế, không có gì thay đổi, nếu Trung quốc không trở thành một quốc gia dân chủ thật sự. Định mệnh đã xếp đặt Việt Nam bên cạnh một quốc gia tham lam, bần tiện, thâm độc và tàn bạo như Trung quốc.

Cái nỗi khổ làm láng giềng với Trung quốc đã đeo đuổi tổ tiên dân tộc Việt Nam, đã làm hao tổn bao nhiêu trí lực Việt Nam, gây chia rẽ, chém giết lẫn nhau bao đời giữa những người Việt Nam với nhau. Quy tắc tồn tại bên cạnh một con hủi, hay bên cạnh một con quỷ, đã tạo nên một loại logic trí khôn của Việt Nam là “quy phục để an phận”. Ông cha ta bao đời đã như vậy. Đánh cho chúng không có đất chôn, đánh cho chúng không còn mảnh giáp, nhưng “chúng” đi rồi thì cha con lại lóc cóc gồng gánh, lặn lội trèo đèo lội suối đi triều cống, mong láng giềng buông tha cho yên phận làm ăn. Và người Việt Nam gọi đó là Trí khôn “quyền biến”, là sự khéo léo,uyển chuyển . Qua nhiều đời, khi vẫn chưa có lối thoát nào khác, thì loại Trí khôn này được coi là đương nhiên, bất khả tranh cãi, một thứ lý như một thứ tiên đề trong toán học, mặc nhiên công nhận mà không phải chứng minh.

Đến bây giờ vẫn vậy, “thân thiện với Trung quốc” vẫn được coi là tiêu chuẩn để định giá một đường lối. Người ta vẫn sợ, nếu chủ trương thân thiện với các cường quốc khác một cách lộ liễu, công khai, sẽ làm phật ý Trung quốc, sẽ làm Trung quốc nổi giận, sẽ hứng chịu tai họa, sẽ là kém “khôn ngoan”. Và, chỉ vì sợ không được coi là “khôn ngoan” mà ngay cả các học giả uyên bác cũng cố gắng chèo kéo mấy chữ “đi bằng hai chân”, “bắt cá hai tay”, hay “làm bạn với tất cả “. Thực chất chỉ là sự che đậy một nỗi sợ thâm căn cố đế, bởi không một ai trong chính những người này tin rằng, bằng một sự cam chịu, nhẫn nhục, một cố gắng bộc lộ lòng trung thành vô hạn, Trung quốc sẽ buông tha cho Việt Nam tự do phát triển trong an toàn và tự chủ.

Sự trung thành với chủ nghĩa cộng sản của đảng cộng sản Việt Nam thực chất là sự tôn thờ vai trò của cầm đầu Quốc tế cộng sản của Trung quốc, một thứ vai trò mà Trung quốc đã mất bao nhiêu năm giành giật với nước Nga của Lê nin và Liên bang Xô viết của Staline. Một thứ ràng buộc trên danh nghĩa lý tưởng, hòng tìm kiếm chỗ dựa chính danh, trong khi chính Trung quốc, bằng chiêu sách “Ba đại diện”, đã khôn khéo vượt ra ngoài vòng luẩn quẩn và phi lý của lý luận Cộng sản.

Nhưng cả với sự tôn thờ tận tụy đó, đảng cộng sản Việt Nam vẫn không được Đảng cộng sản Trung quốc ban cho mơ ước ảo tưởng về một mối quan hệ “môi hở răng lạnh”. Mao đã mặc cả với Nixon về số phận của Việt nam năm 1972, bật đèn xanh cho cuộc ném bom rải thảm trên miền Bắc, kiếm chác sự làm ngơ của Mỹ để Trung quốc chiếm nốt nửa Hoàng Sa từ tay Sài Gòn năm 1974. Là đồ đệ thứ hai sau Bắc Triều tiên, trong số 4 nước cộng sản còn lại trên cả Địa cầu, nhưng Việt Nam đã bị đàn anh cho bài học với 30.000 người chết tại chiến tranh biên giới năm 1979, cuộc chiến chiếm đoạt quần đảo Trường sa, bắn chìm hai tàu chiến và giết hại 64 chiến sĩ, năm 1988…v.v.

Như vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đã cố ghép mình vào cùng phe với Trung quốc để được gọi là Đồng minh, và trông chờ “ơn trên” về một cơ chế đồng minh có thật, khả dĩ yên phận. Nhưng sự thật đã chứng minh ngược lại. Đảng cộng sản Việt Nam càng cam chịu, càng nhẫn nhục, thì Trung quốc càng lấn tới. Sự né tránh những khu vực và vấn đề “nhạy cảm” đã tạo chỗ trống và cơ hội cho Trung quốc tự do hành động. Đấy chính là thủ đoạn, là “mưu lược” của “trí khôn” Trung hoa. Và đấy chính là cái “Tiểu nhân” của người khổng lồ Trung quốc. Cái “tiểu nhân” khổng lồ ấy cuối cùng đã “làm thịt” cái “bao dung đại lượng” của thằng “Bờm” cộng sản Việt nam.

Một chính sách dĩ hòa vi quý với Trung quốc, luồn lách, lươn lẹo để tránh đòn theo cái kiểu khôn vặt, thiếu thực chất và giả dối đã không đem lại kết quả, bất kể những cố gắng liên tục và bền bỉ từ đời này sang đời khác. Dù không muốn có và khộng muốn tin, thì “kẻ thù trực tiếp và thường xuyên của dân tộc Việt Nam” vẫn là Trung quốc. Sự thật cay đắng này chỉ có thể biến mất khi Trung quốc cộng sản tan rã và thay bằng một Trung quốc Dân chủ. Đảng cộng sản Trung quốc đã khôn khéo biến hình để mãi mãi là Đại diện chính đáng và hợp thức của dân tộc Trung hoa, nghĩa là sẽ không bao giờ Đảng cộng sản Trung quốc tự từ bỏ vai trò đại diện độc nhất của mình, bất kể Trung quốc theo hay không theo lên xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Giá mà bê được đất nước Việt Nam đi chỗ khác! Giá như không có “núi liền núi, sông liền sông” với Trung quốc!

Một chính sách tồn tại bên cạnh Trung hoa, một con đường lâu dài cho dân tộc Việt Nam thoát ra ngoài mọi ảnh hưởng lệ thuộc Trung quốc là khát vọng nung nấu bao đời của tinh hoa Việt Nam, từ Hai Bà Trưng, cho đến Lý Thường Kiệt, từ Trần Hưng Đạo đến Lê Lợi, Quang Trung.

Hồ Chí Minh cũng đã nghĩ tới việc tìm kiếm một quan hệ Đồng minh lâu dài với Mỹ ngay từ cuộc gặp gỡ với tướng Claire Chennault, Tư lệnh không đoàn 14 của Mỹ, ngày 29/03/1945. Và trong thư gửi tổng thống Hoa Kỳ tháng 2/1946, Hồ Chí Minh đã khẳng định mục tiêu của Việt Nam “là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.

Tư tưởng thoát khỏi Trung quốc luôn là một tư tưởng thường trực trong nội bộ lãnh đạo của đảng cộng sản, chia đảng thành hai lực lượng xung đột, đối kháng, đan xen, ẩn hiện, khi lấn át, lúc thu mình. Đã bao người bị gạt ngã trên đường. Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách, Trần Quang Cơ,…

Nhưng có lẽ đã đến lúc?

Từ xa xưa, người Nhật đã dám và đã biết thoát khỏi Trung quốc. Mà thoát ra khỏi Trung quốc, trước hết là thoát ra khỏi đạo lý thần phục thiên tử vô điều kiện của Khổng tử. Hoàng đế Nhật mỗi lần phải gửi văn thư cho Trung quốc đều ghi: “Thiên tử nước Mặt trời mọc gửi thiên tử nước Mặt trời lặn”. Người Trung quốc nổi giận, nhưng không làm được gì, lâu dần thành quen. Người Việt nam đã “hèn” hơn người Nhật. Đáng lẽ các hoàng đế Đại Việt cũng có thể nói: “Hoàng đế Đại Việt thỉnh Hoàng đế Đại Hán khán hạ”. Có lẽ vì thế mà Nhật bản từng chiếm cả miền Đông Bắc của Trung quốc, lập thành quốc gia Mãn Châu, cai trị đảo Đài loan 50 năm, từ 1985 tới 1945, còn Việt Nam thì Trung quốc bắn chết ngư dân, cướp tàu đánh cá, chiếm đảo, lấn đất… vẫn làm ngơ, giả mù, giả câm, giả điếc.

Cho nên, giải pháp Đồng minh với Hoa Kỳ có đầy đủ tính Chính nghĩa.

Phải công khai và Chính danh hóa quan hệ Đồng minh với Mỹ

Ngày 22/07/2010 Bộ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ Hillary Clinton đến Hà Nội, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước khi tham dự diễn đàn Ngoại giao ASEAN ngày 23/07, và tuyên bố tại hội nghị này rằng: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm an ninh và tự do đi lại trên biển Đông”.

Cùng ngày, trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ngoại trưởng Hillary Clinton chính thức thông tin là bà sẽ trở lại Việt Nam để dự Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10 tới và cũng là để chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào năm 2011. Bà cho biết: “Tổng thống Obama và bà sẵn sàng cam kết đưa quan hệ hai nước lên tầm cao hơn dựa trên sự hợp tác và đối thoại, tin tưởng tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế… giữa hai nước còn rất lớn, quan hệ hợp tác hai nước sẽ tiếp tục phát triển”.

Bản tin sáng 8/8 của AP cho biết, tàu sân bay USS George Washington – tàu lớn nhất và là niềm tự hào của quân đội Mỹ thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình dương đóng căn cứ tại Nhật Bản, đã đỗ lại ngoài khơi Việt Nam, vùng biển giáp Đà Nẵng.

Ngày 8/8, nhận lời mời của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã có chuyến thăm tàu USS George Washington đang ở ngoài khơi Việt Nam trên vùng biển giáp TP Đà Nẵng.

Hôm thứ Năm, 05/08/2010, báo Wall Street Journal loan tin Hoa Kỳ đang trong giai đoạn đàm phán “cấp cao” để chia sẻ công nghệ hạt nhân với Việt Nam, trong đó có điều khoản mà sẽ cho phép Hà Nội tự mình làm giàu uranium.

Ngày 10/08/2010 Khu trục hạm USS John S.McCain (DDG – 56) tới Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Về mặt chính thức, chuyến viếng thăm của các chiến hạm Mỹ lần này nằm trong khuôn khổ đợt kỷ niệm 15 năm bình thường hóa bang giao, thể hiện mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Nhưng theo các nhà quan sát, chuyến viếng thăm này có ý nghĩa đặc biệt vì nó diễn vào lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng trên vấn đề biển Đông.

Những tin tức và sự kiện như vậy đã làm nức lòng người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước. Hà Nội đã thắng chính bản thân mình. Hà Nội đã vượt lên trên nỗi lo sợ truyền kiếp. Trí khôn Việt Nam đã hạ “đo ván” lòng tham vô đáy Trung quốc. Sự ngạo mạn quen thói Thiên triều đã làm cha con Trung Nam Hải cay đắng thất bại. Bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Dương Khiết Trì hoàn toàn bị bất ngờ, lồng lộn, nhưng bất lực bỏ ra ngoài phòng họp. “Trung quốc là một nước lớn, và các nước ASEAN là các nước nhỏ, đó là một thực tế“- ông ta đã hằn học đe dọa như vậy, và ngày hôm sau trên website bộ Ngoại giao Trung quốc còn vớt vát: “Hậu quả sẽ là gì nếu vấn đề này chuyển sang đa phương hay quốc tế hoá”?- “Nó chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn và việc giải quyết vấn đề khó khăn hơn”.

Âm mưu tách từng cây đũa, đánh từng nước một với chiêu bài song phương đã bị Hà Nội vô hiệu hóa. Với khẳng định “có lợi ích quốc gia”, Mỹ sẽ công khai can dự và gắn kết trách nhiệm tại Đông Nam Á và Biển Đông. Sự hiện diện của Mỹ chắc chắn là một đảm bảo cho sự cân bằng cần thiết trong khu vực mà Trung quốc đang đẩy tới bờ vực khủng hoảng.

Sự có mặt của Mỹ tại Đông Nam Á và sự phát triển tốt đẹp đầy triển vọng của mối quan hệ chiến lược giữa Hoa kỳ và Việt Nam

Cách đây một năm, gọi bang giao Việt Nam- Hoa kỳ là “quan hệ đối tác chiến lược” còn là điều húy kỵ. Nhưng trong dịp kỉ niệm 15 năm ngày bang giao Việt-Mỹ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và các học giả hai bên đều thấy đã đến thời điểm thích hợp và chín muồi để nâng cấp mối quan hệ đối tác này. Một số nhà nghiên cứu được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách cũng nhất trí phải chính thức “công khai hóa” bang giao Việt Mỹ thành “Đối tác chiến lược”.

Phía Mỹ ở một cấp độ chính thức, từ đầu năm 2010 đến nay cũng đã liên tiếp bày tỏ thái độ quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ Mỹ- Việt. Trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell chuyên trách các vấn đề Đông Á phát biểu thay mặt bộ Ngoại giao Mỹ trong buổi lễ kỷ niệm mới đây: “Khi nhìn vào tất cả các quốc gia bè bạn ở Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng chúng tôi có triển vọng sáng sủa nhất trong tương lai với Việt Nam“.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng: “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đơn thuần là mối quan hệ bình thường mà phát triển sâu rộng và mạnh mẽ. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng, tiềm năng nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương“.

Không còn lý do gì để che đậy việc Chính danh hóa rộng rãi với toàn thể nhân dân hai nước và thế giới về mối quan hệ Đồng minh thân thiện giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Một tuyên bố chính thức như vậy sẽ làm nức lòng người dân Việt Nam, tạo thế chính đáng cho ngay chính những nhân tố tích cực và cách mạng trong nội bộ đảng cộng sản, đập tan mọi mưu đồ và hành vi quấy phá của phe phái sợ Tàu bạc nhược.

Chính nghĩa khi được lòng dân và hợp với lòng dân.

Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ khẳng định tinh chính đáng của một đường lối.

Bằng trưng cầu dân ý để công khai loại bỏ những phần tử có tư tưởng phản dân ra khỏi đảng, ra khỏi bộ máy chính quyền.

Không có gì phải sợ

Công khai tuyên bố chính sách Đồng minh với Mỹ, đương nhiên sẽ phải từ bỏ đường lối ngụy biện “làm bạn với tất cả”. Trên thực tế, trong một thế giới phân cực, quyền lợi và an ninh quốc gia đối đầu, không thể cùng lúc làm bạn với tất cả. Đó là một ảo tưởng, một sự tự mê hoặc hay tự lừa dối. Không thể cùng lúc vừa là đồng minh của Mỹ, vừa là “anh em” với Trung quốc. Vả lại, trên thế giới, Trung quốc đã chơi với ai như anh em? Với Trung quốc, chỉ có thể hoặc là kẻ thù, hoặc là chư hầu, không có loại nào gọi là “anh em”.

Lẽ đương nhiên, bao nhiêu năm kiên trì đường lối “anh em” với Trung quốc mà còn bị xử bằng súng đạn và bằng máu, thì khi công khai “lập trường” như việc “đa phương hóa biển Đông” vừa rồi, và chuyện “đồng minh chiến lược” với Mỹ hôm nay, sẽ không thể có chuyện Bắc kinh bỏ qua. Nhưng, trước đây khác, bây giờ khác.

Nhật bản, một kẻ thù truyền kiếp thâm căn cố đế của người Trung quốc, có thể được gọi là “không đội chung trời”, mà Trung quốc bao nhiêu năm vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nam Hàn, Đài Loan, bao nhiêu năm như cái gai trước mắt Đại lục cộng sản, mà vẫn an toàn, phát triển và thịnh vượng trong dân chủ.

Trung quốc đã không dám và không thể sử dụng chiến tranh để trả mối hận danh dự hay thỏa mãn máu tham bành trướng đối với những quốc gia lân cận và nhỏ bé này. Không phải Trung quốc không đủ sức mạnh. Căn nguyên là bên cạnh và phía sau các quốc gia này là Mỹ và Trung quốc không thể thắng Mỹ, vĩnh viễn không bao giờ có thể thắng Mỹ.

Trung quốc sẽ không thể gây chiến với Việt Nam, không thể dùng vũ lực để trả đũa Việt Nam, để trừng phạt và “dạy bài học” như từng làm trước đây.

Trên thực tế, chiến tranh không thể xảy ra khi cả hai bên đều có khả năng hạt nhân, kể cả khi năng lực không đồng đều, thậm chí hoàn toàn áp đảo của một phía. Lý do đơn giản là khả năng huỷ diệt của hạt nhân là không thể tránh khỏi cho bất cứ ai, và nguy cơ phản ứng dây chuyền của cuộc chiến là qúa lớn, vì dù chiến tranh bắt nguồn và băt đầu từ đâu, thì gốc rễ vẫn liên quan tới cường quốc. Và chiến tranh thế giới khó có thể tránh được.

Việt Nam phải có vũ khí hạt nhân. Chỉ bằng cách sở hữu hạt nhân Việt Nam mới có bình đẳng với Trung quốc. Chỉ có sẵn sàng chiến tranh mới có hòa bình với Trung quốc. Đó là sự thật và cũng là chân lý.

Và chỉ trở thành Đồng minh với Hoa Kỳ, Việt Nam mới có khả năng đạt tới mục tiêu tự vệ hạt nhân của mình. Không có lựa chọn thứ hai. Không thể là Nga. Và cũng không thể là Ấn độ.

Ngoại trưởng Clinton ở HN hôm 22/7. Ảnh CAND

Lý do gì để ai đó trong bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam run sợ? Người Việt Nam không sợ. Trong lịch sử, người Việt Nam đã từng sẵn sàng đánh xâm lược phương Bắc tới người cuối cùng. Chúng ta là nước nhỏ bé. Nhưng chúng ta chưa từng biết run sợ.

Những kẻ sợ hãi đâu đó chỉ có thể là những kẻ đang được “Thiên triều nuôi dưỡng”, vì nếu Thiên triều đang cho sống, thì cũng có thể sẽ cho chết. Phàm đã là vật nuôi thì cỏ thể sẽ bị làpm thịt. Với những người khác, “thiên triều” sẽ bất lực. Với cả dân tộc Việt Nam, thì càng vô nghĩa!

Tình Hữu nghị Việt Nam Hoa kỳ Muôn năm!

29/04/2016

Bùi Quang Vơm
Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages