|
Phần người viết khi mượn câu nói của tiền nhân “Gặp thời thế thế thời phải thế” để rút ra bài học chiến tranh VN qua các giai đoạn của lịch sử cận đại. Người viết liên tưởng đến GS Vũ Quốc Thúc một chứng nhân đã sống trong thời đại và đã có những đóng góp trong các thời biến đó. Có thể nói GS Thúc là nhân vật duy nhất biết hành xử phương châm của tiền nhân. Có thể vì thế mà có người lên tiếng kê kích giáo sư. Với sự ngưỡng mộ, người viết xin kính tặng Giáo sư bài viết này. Người viết cũng có niềm tin như Giáo Sư Lê Đình Thông: vận nước nhất định sẽ phải đổi thay, đất nước phú cường, đồng bào được tự do hạnh phúc.
Lê Quế Lâm
Năm 1995 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara (1916-2009) đã xuất bản quyển In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Nhìn lại quá khứ: Thảm kịch và những bài học về Việt Nam). Ông là Bộ trưởng Quốc phòng dưới hai trào tổng thống Kenndy và Johnson từ 1961 đến 1968. Sau đó giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) từ 1968 đến 1981. McNamara cho rằng đến hôm nay (1995) nhiều nhà lãnh đạo chính trị và học giả ở Mỹ cũng như thế giới vẫn cho rằng chiến tranh VN đã thực sự giúp ngăn chận chủ nghỉa cộng sản lan truyền ở Đông và Nam Á. Họ còn lập luận rằng chiến tranh VN đã đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh lạnh. Nhưng ông lại còn biết rằng cuộc chiến đó tàn phá nước Mỹ ghê gớm:
“Rút khỏi VN năm 1973, Mỹ đã mất 58 ngàn người, nền kinh tế bị tàn phá bởi những chi phí cao và bất hợp lý cho cuộc chiến tranh trong nhiều năm liền và sự thống nhất chính trị và xã hội Mỹ bị tan nát mà hàng thập kỷ sau vẫn không khôi phục được”. Ông đặt câu hỏi: “Liệu những cái giá quá cao đó, có được biện minh hay không? Và ông ta muốn nhìn lại VN với những nhận thức mới, thừa nhận rằng “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.
Ông cho rằng TT Kennedy đã đưa cố vấn quân sự Mỹ sang Nam VN, nhưng không đáp ứng được mục tiêu. MNVN “đã không có ổn định chính trị và có vẻ không bao giờ đạt được điều đó và người Nam VN ngay cả khi có sự giúp đỡ về huấn luyện và hỗ trợ về tiếp liệu, cũng không có khả năng tự bảo vệ mình”. McNamara đưa ra một thống kê để chứng minh:
– Tính đến tháng 11/1963, HK đã đưa sang MNVN 16,300 cố vấn quân sự, số tử trận là 78, nhưng chế độ Diệm sụp đổ vì thiếu ổn định. -Cuối năm 1964/đầu 1965, số cố vấn quân sự tăng lên 23,300, số tử trận 235, nhưng có bằng chứng rõ ràng là MNVN không có khả năng tự bảo vệ, dù có sự hỗ trợ về huấn luyện và tiếp liệu của Mỹ. -Tháng 7/1965: HK đưa vào 81,400 quân, số tử trận 509, MNVN vẫn không có khả năng tự bảo vệ. -Tháng 12/1965: 184,300 quân Mỹ, 1,594 tử trận. Có bằng chứng là chiến thuật và huấn luyện quân sự của Mỹ không thích hợp với cuộc chiến du kích đang diễn ra. -Tháng 12/1967: 485,400 quân Mỹ, số tử trận 15,979. Các báo cáo của CIA cho thấy ném bom MB không làm cho BV ngừng lại, trong khi HK không thể đẩy lùi ở kẻ thù ở MN. Tháng 4/1969 quân Mỹ lên đến 543,400. Thống kê còn ghi nhận tính đến cuối năm 1968 số người Mỹ tử trận là 30,568. Đến khi HĐ Paris 1973 ra đời số binh sĩ Mỹ tử trận là 58,191.
Với những số liệu dẫn chứng trên, McNamara cho rằng lẽ ra Mỹ nên rút khỏi MNVN hồi cuối năm 1963 lúc tình hình hỗn độn sau khi TT Diệm bị ám sát hoặc là cuối năm 1964 đầu 1965 trước tình trạng suy yếu về chính trị và quân sự của MNVN. Ngoài ra còn có ba cơ hội khác để HK rút lui: tháng 7 năm 1965, tháng 12 năm 1965 và tháng 12 năm 1967.
McNamara đưa ra 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa cho Mỹ tại VN:
– Đánh giá sai các ý định địa lý chính trị của CSBV và Việt Cộng (CSMN) và thổi phòng những nguy cơ đối với Mỹ trước những hành động của họ.
– Đánh giá sai nhân dân và các nhà lãnh đạo VNCH: thấy ở họ niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ. Chúng ta đánh giá hoàn toàn sai các lực lượng chính trị trong nước.
– Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy BV và CSMN đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng của họ.
– Đánh giá sai về bạn và thù phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa, chính trị của nhân dân trong vùng và về nhân cách, thói quen của các nhà lãnh đạo.
– Chúng ta đã không nhận ra những hạn chế của các thiết bị quân sự kỹ thuật và hiện đại, lực lượng quân sự và học thuyết quân sự trong khi đối đầu với những phong trào nhân dân được thúc đẩy và không bình thường.
– Chúng ta cũng đã không điều chỉnh được chiến thuật quân sự phù hợp với nhiệm vụ chinh phục trái tim và khối óc của người dân thuộc một nền văn hóa hoàn toàn khác.
– Chúng ta cũng không lôi kéo được Quốc hội và nhân dân vào một cuộc thảo luận đầy đủ và chân thành về những cái lợi và cái hại của một cuộc dính líu quân sự quy mô lớn của Mỹ ở ĐNÁ trước khi chúng ta bắt đầu hành động.
– Sau khi hoạt động bắt đầu được tiến hành và các sự kiện không lường trước đã đẩy chúng ta đi xa khỏi hướng đi ban đầu, chúng ta không duy trì được sự ủng hộ của công chúng. Chúng ta không chuẩn bị cho công chúng hiểu được những sự việc phức tạp mà chúng ta gặp phải và làm thế nào để có phản ứng tích cực đối với việc cần thay đổi hướng hành động khi đối mặt với một môi trường xa lạ. Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc. Chúng ta đã không duy trì sự đoàn kết đó.
– Chúng ta không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn.
– Chúng ta đã không theo nguyên tắc là các hoạt động quân sự của Mỹ cần được thực hiện khi có sự phối hợp với các lực lượng của nhiều nước và được cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ.
– Chúng ta không nhận ra rằng trong những công việc quốc tế cũng như các khía cạnh khác của đời sống, không có một giải pháp nào có thể giải quyết tức khắc được vấn đề.
Là người góp phần quan trọng trong việc đưa Mỹ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh VN, ông McNamara phát hành quyển sách trên đúng vào thời điểm HK bình thường hóa bang giao với CSVN rõ ràng vì lý do chính trị. Đồng thời rút ra bài học để Mỹ có thể áp dụng sau thời chiến tranh lạnh trong vai trò là siêu cường quốc số 1 của thế giới. Đối với người Mỹ, họ chỉ rút ra bài học chiến tranh VN trong giai đoạn họ dính líu và trực tiếp can dự mà thôi, nghĩa là từ năm 1960 hoặc 1965 đến 1975. Đối với người VN, họ còn gánh chịu hai cuộc chiến nữa: chiến tranh 1946-1954 và chiến tranh 1979-1989. Việt Nam sẽ rút được bài học gì để giải quyết cái di sản nặng nề của ba cuộc chiến? Và dựa vào cơ sở nào để rút ra bài học?
Dĩ nhiên phải lấy quyền lợi của quốc gia làm cơ sở. Và trong thời đại nhiễu nhương, các cường quốc tranh hùng tranh bá thì người lãnh đạo dân tộc phải biết thời, biết thế của một nước nhược tiểu. Do đó phải nương theo thế cờ của các cường quốc và xu hướng thời đại để lèo lái dân tộc mang lợi ích cho quốc gia.Trong tinh thần đó, người viết xin lấy câu nói của danh sĩ Ngô Thì Nhậm để rút ra bài học về cuộc chiến Việt Nam: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế, thế thời phải thế”.
Câu nói trên để đáp lại câu đối đầy phách lối của Đặng Trần Thường. Cả hai đều là danh sĩ đất Bắc, vốn là bạn học thuở hàn vi. Sau này Đặng Trần Thường phò tá vua Gia Long, còn danh sĩ họ Ngô phò tá vua Quang Trung. Sau khi giúp Gia Long thống nhất sơn hà, danh sĩ họ Đặng đưa ra câu đối hóc hiểm, vỏn vẹn 13 chữ nhưng có đến 5 chữ ai: “Ai công hầu, ai danh tướng. Trong trần ai, ai dễ biết ai” yêu cầu người bạn thất thế phải đối lại. Kẻ tôi thần của vua Quang Trung đã ung dung đối lại “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu. Gặp thời thế thế thời phải thế”. Câu nói đầy khí phách của kẻ bại trận để đáp lại câu nói cao ngạo của kẻ hãnh tiến gặp thời.
“Gặp thời thế, thế thời phải thế” là phương châm hành xử khôn khéo của tiền nhân ta để duy trì nền độc lập tự chủ suốt 10 thế kỷ qua và mở rộng bờ cỏi về phương Nam, xây dựng một giang sơn kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau từ mấy thể kỷ trước…Nhưng các thế hệ lãnh đạo dân tộc, chủ yếu là những người cộng sản, trong 70 năm qua không biết vận dụng phương châm khôn khéo của tiền nhân, khiến VN lâm vào cảnh chiến tranh triền miên.
CSVN làm nghĩa vụ quốc tế do LX giao phó để chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn bành trướng Trung Cộng khiến đất nước trở thành chiến trường đẫm máu trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ (1946-1991). Cuối cùng LX sụp đổ còn VN gánh chịu những di sản nặng nề của cuộc chiến đó. Trước khi nói đến bài học chiến tranh của VN, người viết đề cập đến cách hành xử “Gặp thời thế thế thời phải thế” của hai cường quốc HK và TQ trong chiến tranh VN.
Đối với HK: trong chiến tranh lạnh vừa qua có thể ví như thời Xuân Thu Chiến Quốc, họ đã khôn khéo hành xử theo phương châm của VN nên thắng chiến tranh lạnh, bảo vệ các nước Đông, Nam châu Á thoát khỏi họa bành trướng của Trung Cộng. HK can thiệp trực tiếp vào VN hồi năm 1965 với thiện ý giúp VN được độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cùng các nước ASEAN hợp tác với các cường quốc bao gồm cả Liên Xô, Trung Quốc và Hoa Kỳ, hình thành “khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do, trung lập, phát triển và phồn vinh”.
Kế hoạch trên bất thành vì tham vọng mù quáng của CS miền Bắc và sự thiếu hợp tác của lãnh đạo miền Nam tự do. HK phải rút khỏi VN, giúp Tổng bí thư Lê Duẩn hoàn thành nhiệm vụ “VN đánh Mỹ là đánh cho LX và TQ”. Nay TQ không còn đứng chung chiến tuyến với LX mà lãnh đạo Thế giới thứ ba chống mưu đồ bá quyền của hai siêu cường Nga Mỹ. Ông Lê Duẩn tin tưởng ở “sức mạnh vô địch” của Liên Xô nên cùng Brezhnev ký Hiệp ước hữu nghị & hợp tác Việt Xô (3/11/1978). Sau đó vào ngày Giáng sinh năm 1978 Hà Nội đưa quân sang Cam Bốt lật đổ Pol Pot được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Đầu năm 1979, TQ bình thường hóa bang giao với Mỹ. Đặng Tiểu Bình viếng thăm HK mặc quần áo cao bồi, kêu gọi Mỹ, Nhật, các nước Tây Âu hợp tác với TQ trong một liên minh chống bá quyền Liên Xô. Đặng tuyên bố sẽ dạy VN “tên tiểu bá quyền khu vực” một bài học. Cuộc chiến tấn công VN khai diễn ngày 17/2/1979. Sau này TS Kissinger xuất bản quyển “On China”, trong Chapter 13 “Touching the Tiger’s Buttock – The third Vietnam War” có đề cập câu nói của Thủ tướng TQ Hoa Quốc Phong hồi tháng 4/1979 về cuộc tấn công 6 tuần lễ của TC vào VN: “Chúng tôi đã có thể sờ đít cọp, mà cọp không dám vồ”. Cọp ám chỉ LX. Bắc Kinh tấn công tên “tiểu bá quyền khu vực” mà tên “đại bá quyền thế giới” vẫn án binh bất động, chứng tỏ Đế quốc đỏ XHCN không phải là cọp, báo hiệu sự suy tàn của hệ thống XHCN thế giới. Cuộc chiến VN lần thứ ba kéo dài 10 năm đã làm thay đổi bàn cờ thế giới, cuộc chiến này kết thúc năm 1989 kéo theo sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới và LX vào cuối năm 1991.
Nhờ chiến tranh VN đã chấm dứt chiến tranh lạnh và giúp các nước ĐNÁ được độc lập, ổn định và phát triển trong mấy thập niên qua. Thành quả này đã trả một giá đắt bằng sự “tàn phá nước Mỹ ghê gớm” như nhận định của McNamara. Nhưng đối với thế giới, họ coi đó là sự hy sinh to lớn của HK trong vai trò lãnh đạo Thế giới Tự do. Ngày nay thế giới ngày càng tin tưởng hơn vào sự dấn thân của Mỹ vào mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do cho các dân tộc. Sự dấn thân lần này Mỹ hy vọng sẽ tránh được phần nào những sai lầm như McNamara đã vạch ra trong cuộc chiến VN. Sự hy sinh to lớn cho lý tưởng tự do của Mỹ còn có sự đóng góp của VN nói chung và miền Nam Tự do nói riêng. Họ cũng gánh chịu sự tàn phá và thảm họa như HK. Ngày nay nước Mỹ đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh, và phát triển không ngừng, trong khi di sản chiến tranh vẫn còn nặng nề ở VN.
Đối với TQ: có lẽ cũng là nước châu Á, nên họ vận dụng phương châm “gặp thời thế thế thời phải thế” một cách thật nhuần nhuyễn. Năm 1949 Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục, đẩy lùi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan. Đây có thể là thế cờ của Mỹ khi chiến tranh lạnh đã diễn ra. Để đương đầu với Stalin, HK không cần đồng minh Trung hoa Quốc Dân Đảng nữa, mà cần Mao và Đặng Tiểu Bình lãnh đạo TQ để đương đầu với LX.
Lúc đầu để bành trướng khối CS Đông Á để đối đầu với khối CS Đông Âu tiến tới giành quyền lãnh đạo CS thế giới, Mao ủng hộ Kim Nhật Thành phát động chiến tranh để thống nhất Triều Tiên và ủng hộ HCM kháng chiến đánh bại thực dân Pháp ở Đông Dương. Mưu đồ của Mao bị thất bại vì sự can thiệp mạnh mẽ của HK. Mao phải chuyển hướng chiến lược từ đối đầu sang hợp tác với Mỹ để kết thúc hai trận chiến lớn ở Triều Tiên năm 1953 và Đông Dương năm 1954.
Khi HCM phát động chiến tranh giải phóng MN được sự ủng hộ của LX và các nước XHCN Đông Âu, Mao lại chuyển hướng chiến lược. Bắc Kinh từng bước tách rời khỏi khối XHCN do LX lãnh đạo, hình thành Thế giới Thứ ba bao gồm các nước dân tộc chủ nghĩa có khuynh hướng trung lập, phi liên kết, để đối đầu với Thế giới Tự do (HK) và Thế giới Cộng sản (LX). Mao khuyến cáo CSVN khước từ sự giúp đỡ của LX và các nước Đông Âu, chỉ nhận viện trợ của TQ để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Khi đàm phán Paris diễn ra, TQ hợp tác với Mỹ để chấm dứt chiến tranh VN. Sau khi HĐ Paris ra đời, trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh tháng 6/1973 Mao Trạch Đông nói với Tổng Bí Thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ở miền nam Việt Nam cần ngừng chiến đấu nửa năm, một năm, một năm rưởi, hai năm càng tốt. Cách mạng miền Nam nên chia làm hai bước. Gộp lại làm một, người Mỹ không chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn có mấy chục vạn quân”. Sau đó Chu Ân Lai đích thân đến Hà Nội khuyên CSVN nên thư giản, để MNVN, Lào và Campuchia được hòa bình trung lập một thời gian dài. Lê Duẩn nói thằng: “Đó là chủ trương của đế quốc Mỹ. Các đồng chí đã theo Mỹ, phản bội cách mạng VN”.
Ngày 4/10/1979, Bộ Ngoại giao chính quyền Hà Nội công bố một văn kiện ngoại giao với tựa đề Sự thật về quân hệ Viêt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, trong đó có đoạn “Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc. Từ chỗ coi Liên Xô là đồng minh lớn nhất, họ đi đến chỗ coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất. Từ chỗ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất mà bản chất không bao giờ thay đổi, họ đi đến chỗ coi đế quốc Mỹ là đồng minh tin cậy, câu kết với đế quốc Mỹ và trắng trợn tuyên bố Trung Quốc là NATO ở phương đông”.
Từ đầu thập niên 1980, song song với chủ trương thành lập liên minh chống bá quyền LX, Đặng Tiểu Bình kêu gọi Mỹ, Nhật và các nước Tây Âu giúp TQ thực hiện “bốn hiện đại hóa”. Từ đó, TQ mở rộng cửa giao tiếp với Tây phương, phê phán giáo điều Mác Lê không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của TQ ngày nay. Nhật báo Bắc Kinh ngày 7/12/1984 đã viết: “Marx chết cách đây 101 năm, tác phẩm của ông được viết ra hơn một thế kỷ trước. Có nhiều điều mà Marx, Engels và ngay cả Lenin cũng chưa từng có kinh nghiệm. Chúng ta không thể trông cậy vào tác phẩm của Marx và Lenin của thời trước để giải quyết các vấn đề của thời đại ngày nay”.
Sau ba thập niên đổi mới và hội nhập với thế giới, TQ trở thành cường quốc có nền kinh tế đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau đó đã vượt qua Nhật, chỉ đứng sau HK. Từ đầu thập niên 2000 của thế kỷ 21, lợi dụng việc HK vướng bận các cuộc chiến ở Trung Đông, TQ độc chiếm Biển Đông, coi đây là quyền lợi cốt lõi của họ và đề nghị với Mỹ chia hai ảnh hưởng ở khu vực Á châu/Thái Bình Dương. Mỹ tuyên bố biển Đông cũng là quyền lợi chiến lược của Mỹ và các cường quốc khác. Là một cường quốc Thái Bình Dương, HK chuyển trục, trở lại châu Á để duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông nhằm xây dựng Châu Á/ Thái Bình Dương thành một khu vực tự do mậu dịch phát triển nhất của thế giới trong thế kỷ 21.
Hướng phát triển mang lại phồn thịnh cho VN là biển Đông. Vì thế HK trở lại châu Á lần này sẽ giúp VN phát triển thông qua hiệp ước TPP. Giới bình luận thời sự đã ví TPP như là HĐ Paris 1973. Cách đây 44 năm, vào ngày 17/12/1972 khi TT Nixon ra lịnh cho B52 oanh kích BV để Hà Nội trở lại bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh VN. Kissinger tổ chức một cuộc họp báo ở Hoa Thạnh Đốn. Ông cho biết TT Nixon đã quyết tâm đi đến thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh VN. Hướng về Hà Nội, Kissinger bày tỏ chủ trương của Mỹ “Chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh, một chấm dứt mang nhiều ý nghĩa hơn là một cuộc đình chiến. Chúng tôi muốn chuyển từ tình trạng thù địch sang tình trạng bình thường hóa, từ bình thường hóa sang cộng tác”. Năm 1975 HK đã chấm dứt thù địch với CSVN, bình thường hóa bang giao năm 1995 và nay là thời điểm hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trước sự đe dọa của TQ, nước Nhật đã tái võ trang, hợp tác chặt chẽ với Ấn, Úc và Mỹ để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi thương mãi của họ. Các nước ASEAN cũng lần lượt quay lưng phản đối TQ khi nhận rõ mưu đồ bành trướng biển Đông của cường quốc đang phát triển này. Đầu thập niên 1950, TQ đã thấy rõ sức mạnh và quyết tâm của HK nên chuyển từ đối đầu sang hợp tác, được Mỹ Nhật giúp để trở thành cường quốc thứ hai của thế giới. Nay vì tham vọng bành trướng ở biển Đông, TQ sẽ phải đối đầu với Mỹ, Nhật và các đồng minh của họ. Hành động này có nguy cơ làm cho TQ sụp đổ như LX trước đây. Vì thế TQ không còn con đường nào khác là phải tiếp tục hợp tác với Mỹ để duy trì và phát triển kinh tế của mình.
Bài học của Việt Nam: Khi Thế chiến II chấm dứt, các cường quốc thắng trận đã có kế hoạch giải thể chế độ thực dân đế quốc. Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện đã giành được độc lập bằng phương cách thương thảo hòa bình. Trong khi đó ông HCM thực hiện con đường chiến tranh do Lenin và Stalin vạch ra từ hơn 25 năm trước khi Quốc tế III ra đời. Chiến tranh chống Pháp giành độc lập kéo dài 9 năm từ 1946 đến 1954 chấm dứt, đất nước bị chia đôi. Sau chiến tranh, tình hình thế giới bước vào giai đoạn hòa hoãn. Đất nước đã độc lập, hai miền Nam Bắc sẽ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, để chờ cơ hội thuận lợi thống nhất đất nước theo tinh thần HĐ Genève 1954. Trong khi MN xây dựng thể chế dân chủ tự do, còn MB chuẩn bị chiến tranh xây dựng XHCN để tranh thủ các nước CS ủng hộ họ phát động chiến tranh giải phóng MN.
Chiến tranh VN lần hai bắt đầu từ năm 1960. Khi can thiệp trực tiếp vào cuộcchiến này hồi đầu năm 1965, Mỹ cần một vị lãnh đạo MN đầy quyền lực để hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Nhân vật đó là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống VNCH trong suốt thời gian Quân đội Mỹ tham chiến ở VN. Trong 10 năm đó, ông đã chứng kiến những chuyển hướng của Mỹ từ chiến đấu sang đàm phán, ký kết hiệp định hòa bình và chuẩn bị rút lui khỏi VN. Trong mỗi giai đoạn như vậy đòi hỏi VNCH phải có những kế hoạch thích ứng với chủ trương của Mỹ để bảo vệ Miền Nam tự do…Nhưng TT Thiệu vẫn khăng khăng với ý nghĩ: Miền Nam Việt Nam là tiền đồn của Thế giới Tự do và HK sẽ không bao giờ bỏ rơi VNCH. Có phải TT Thiệu là nhà chính trị không thức thời hay sao? Người viết không tin như vậy, ông Thiệu rất thức thời. Ông từng tuyên bố “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”.
Đối với TT Nixon, để giữ lời hứa với nhân dân Mỹ, ông phải thỏa hiệp với CSBV ký HĐ Paris chấm dứt chiến tranh để tái đắc cử…Nhưng TT Thiệu không đồng tình với Nixon thi hành hiệp định vì ông đã thấy được thủ đoạn của Hà Nội như báo cáo của Kissinger gởi TT Nixon ngày 7/12/1972 “Sau khi thăm dò thêm ý định của Hà Nội, ta thấy thấy rõ là họ không hề từ bỏ mục tiêu hay tham vọng của họ đối với miền NamViệt Nam. Điều họ đã làm là thay đổi chiến lược bằng cách chuyển từ chiến tranh qui ước và chủ lực sang chiến lược chính trị và nổi dậy trong khuôn khổ dự thảo hiệp định. Vì vậy chúng ta không thể trông chờ một nền hòa bình trường cửu tiếp theo một hiệp định đã hoàn thành”.
Ngày 21/4/1975 ông chấp nhận là chướng ngại của hòa bình và xin từ chức. Theo đòi hỏi của CSBV, Quốc hội VNCH chấp nhận lãnh tụ Lực lượng thứ ba là cựu đại tướng Dương Văn Mình lên làm tổng thống để giải quyết chiến tranh theo tinh thần HĐ Paris. Hà Nội buộc ông Minh phải đầu hàng và cưỡng chiếm MN từ tay MTGPMN. Từ đó CSVN đón nhận những di sản nặng nề của cuộc chiến mà họ tự hào đánh thắng đế quốc Mỹ, chấm dứt chiến tranh VN.
Đó là thủ đoạn của Mỹ sau khi ký HĐ Paris, rút hết quân và mang tù binh về nước, HK sẽ dành cái thắng cho CSVN để TBT Lê Duẩn thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ quốc tế của ông. Chiến thắng của CSVN sẽ làm cho khối XHCN phân hóa và tan rã. TT Thiệu đã hiệp đồng với Mỹ thực hiện thủ đoạn trên. TBT Lê Duẩn vì nghĩa vụ quốc tế giành chiến thắng ở VN để tăng cường phe XHCN thì TT Nguyễn Văn Thiệu hợp tác với đồng minh giúp VN thống nhất đất nước và sẽ đưa khối XHCN đến chỗ tiêu vong.
HK đã thiết lập mối bang giao tốt đẹp với hai cường quốc CS Nga Hoa và chấm dứt chiến tranh VN trong danh dự cho tất cả các bên tham chiến. Sau 30/4/1975 đất nước đã thống nhất, mở ra một thời kỳ vô cùng thuận lợi để VN hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngoài số tiền đóng góp của HK gần 5 tỷ đô la giúp BV xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. VN còn đón nhận viện trợ của LX, TQ và nhiều nước khác để phát triển đất nước thời hậu chiến.
Thôn tính MN xong, CSVN thực hiện ngay “giai cấp đấu tranh” triệt hạ thành phần tư sản MN, tù đày hàng trăm ngàn viên chức quân nhân chế độ cũ. Đồng thời tiếp tục nghĩa vụ quốc tế. Hà Hội không nghe lời khuyến cáo của TT Chu Ân Lai chấp nhận để Campuchia được hòa bình trung lập, mà có mưu đồ thôn tính nước này để thành lập Liên bang Đông Dương Cộng sản. Từ đó tạo cuộc chiến ở biên giới Tây Nam giữa CSVN và Khmer Đỏ. Trong khi cuộc xung đột này diễn ra, TBT Lê Duẩn ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô. Sau đó Hà Nội đưa quân sang Nam Vang lật đổ chế độ Pol Pot được TC hậu thuẫn. Đặng Tiểu Bình lên án CSVN là tên tiểu bá quyền khu vực và ra lịnh tấn công VN.
Cuộc chiến giữa hai nước CS ở Đông Dương tạo ra căng thẳng cao độ giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. LX viện trợ giúp CSVN còn TC yểm trợ Khmer Đỏ. Từ khi lên nắm quyền lãnh đạo LX, TBT Gorbachev bày tỏ thái độ thân thiện với Mỹ và mong muốn nối lại mối dây thân hữu với TQ. Đặng Tiểu Bình đưa ra ba điều kiện tiên quyết: -LX phải rút quân khỏi Afghanistan, -Hồng quân TQ rút quân khỏi Mông Cổ và biên giới Nga Hoa -Áp lực Hà Nội rút quân khỏi Campuchia.
Do khuyến cáo của Gorbachev, CSVN chịu rút quân khỏi Cam Bốt vào cuối tháng 8/1989. Thỏa mãn xong đòi hỏi của Đăng Tiểu Bình, CSVN tìm cách liên hệ với TQ để giải quyết cuộc chiến Campuchia. Đầu tháng 9/1990, TBT Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười đến Thành Đô gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng. CSVN đưa ra “giải pháp đỏ”: TQ và CSVN ủng hộ Hun Sen và Pol Pot hợp tác với nhau để cai trị Campuchia, xây dựng XHCN ở đây. TQ lãnh đạo các nước XHCN để chống đế quốc Mỹ. Giang Trạch Dân cho biết: Mỹ đã rút khỏi VN và khắp nơi trên thế giới. Mỹ đâu còn là đế quốc để chống. Cố vấn Bộ Chính trị Phạm Văn Đồng tham gia phái đoàn CSVN tham dự hội nghị Thành Đô đã thú nhận “mình đã bị hố” nhưng TBT Nguyễn Văn Linh biện minh: “Dù TQ là bành trướng bá quyền, song họ là xã hội chủ nghĩa”. Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN đã nhận xét thỏa hiệp Thành Đô: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”.
Tháng 8/1991 ông Võ Văn Kiệt thay Đỗ Mười làm thủ tướng, ông Mười làm Tổng bí thư Đảng. Trong thời gian ông Kiệt làm thủ tướng, năm 1995 VN đã bình thường hóa bang giao với Mỹ và gia nhập khối ASEAN. Vào thời điểm này CSVN chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VIII. Ông Kiệt là ứng viên sáng giá để thay Đỗ Mười lúc đó 79 tuổi làm Tổng Bí thư. Nhiều người tin cho rằng “Nếu ông Kiệt làm Tổng bí thư. Việt Nam sẽ đổi mới nhanh hơn. Ông chán đến tận cổ mô hình xã hội chủ nghĩa miền Bắc và ông làm tất cả để phá bỏ nó”. Vì dư luận này, ông Kiệt bị nhóm cực đoan bảo thủ thân TQ cản trở, không trở thành TBT mà còn mất chức thủ tướng và bị loại khỏi BCH/TƯ Đảng trong Hội nghị TƯ 4 khóa VIII hồi cuối tháng 12/1997.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu được cử làm Tổng bí thư, bắt đầu thời kỳ VN lệ thuộc toàn diện vào TQ qua phương châm 16 chữ và 4 tốt. Cuối năm 1999 và năm 2000, CSVN ký với TQ hai hiệp ước về biên giới trên bộ và ở vịnh Bắc Việt. Hậu quả là Ải Nam Quan, thác Bản Giốc và nhiều vùng đất nữa bị sáp nhập vào TQ. Hiệp ước phân chia vịnh Bắc Việt, VN mất hơn 38 ngàn km2 so với hiệp ước mà Pháp đã ký với triều đình nhà Thanh hồi cuối thế kỷ 19.
Ngoài ra TQ còn tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, như vậy VN chỉ còn là một lãnh thổ kéo dài từ Móng Cái đến Cà Mau lệ thuộc toàn diện, lâu dài vào TQ. Bắc Kinh gần như sắp hoàn tất việc thu hồi lãnh thổ An Nam vào đại gia đình TQ. Lá cờ đỏ của TQ gồm một sao lớn với 4 sao nhỏ tượng trưng cho Đại Hán và 4 dân tộc Mãn, Hồi, Mông, Tạng nay có thêm một sao nhỏ, được học sinh VN nhiều lần vẩy chào các lãnh tụ TQ. Ngôi sao nhỏ thứ năm phải chăng tượng trưng cho dân tộc Việt?
Mưu đồ bành trướng biển Đông của TQ khiến HK chuyển trục về Châu Á. Ngày 21/7/2009, khi vừa đến Bangkok tham dự Hội nghị về an ninh các quốc gia ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bô; “Mỹ đã trở lại châu Á”. Sau đó, xuất hiện trên truyền hình Thái Lan, bà Clinton khẳng định: “Tổng thống Obama và tôi thấy được tầm quan trọng của khu vực này”, và cho rằng, chính quyền tiền nhiệm đã sao nhãng các lợi ích của nước Mỹ trong khu vực.
Kể từ đó, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á càng lớn rộng thì xu hướng thân Mỹ ở VN ngày càng phát triển. Theo thăm dò của Trung tâm nghiên cứu PEW năm 2015, qua cuộc phỏng vấn 1000 người Việt cho thấy 78% có cái nhìn tích cực về nước Mỹ. Trong đó giới trẻ trong độ tuổi 18-29 có thiện cảm với Mỹ lên đến 88 %.
Trong cuộc hội đàm tại phòng Bầu Dục/Tòa Bạch Ốc ngày 7/7/2015, TT Obama nói rằng HK hết sức coi trọng mối quan hệ với VN và đề cao vai trò của VN ở khu vực Châu Á/Thái bình Dương. Đáp lại TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định: coi trọng việc phát triển quan hệ với HK là chủ trương nhất quán lâu dài của VN. Sau cuộc hội đàm, hai bên đã ra “Tuyên bố tầm nhìn chung” khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ “sâu sắc, lâu bền và thực chất” dựa trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Về thương mại, hai nước cam kết sẽ cùng các bên đàm phán khác nhanh chóng hoàn tất hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đặc biệt, VN cam kết “thực hiện bất kỳ cải cách nào cần thiết” để đạt tiêu chụẩn cao của hiệp định TPP, trong đó có cam kết về các quyền của người lao động. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP đối với sự phát triển của khu vực, góp phần tăng trưởng và ổn định toàn cầu. Từ đó tạo xung lực mới, quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa HK với khu vực Á châu/Thái Bình Dương.
Về quan hệ HK/ASEAN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết VN ủng hộ việc nâng cấp quan hệ HK-ASEAN lên đối tác chiến lược.
Trong bản tuyên bố Tầm nhìn chung, HK và VN cho rằng những hành động của TQ nhằm xác quyết chủ quyền của họ trên biển Đông, đặc biệt là các công trình xây đảo nhân tạo ở Trường Sa “đã gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, và đe dọa phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định”. Hai nước công nhận “sự cấp bách” của việc duy trì các quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng biển được quốc tế công nhận, yêu cầu mọi hành động trên biển Đông phải được tiến hành “tuân thủ luật pháp quốc tế”. Cả hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, như Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và công nhận tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông DOC cũng như các nổ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông COC.
Bài phát biểu của TT Dũng ngày 30/4/2015 và những phát biểu của TBT Trọng tại phòng Bầu Dục Toà Bạch Ốc cho thấy CSVN đã chuyển hướng 180 độ. Một thủ tướng CS xuất thân từ MN vẫn còn căm thù Mỹ, trong khi lãnh tụ tối cao Đảng CSVN lại bày tỏ mối quan hệ lâu dài bền vững với HK và sẽ đi đến đối tác chiến lược Vì mối quan hệ gắn bó mới này, TT Nguyễn Tấn Dũng dù được trên 80 % Ủy viên Trung ương Đảng tín nhiệm làm tổng bí thư, ông vẫn cương quyết rút lui. Ông Nguyễn Phú Trọng hứa sẽ đãm nhận vai trò tổng bí thư trong vòng 1 năm. Một thời gian cần thiết để CSVN hoàn thiện mối bang giao với Mỹ, sau cuộc hội đàm với TT Obama vào cuối tháng Năm này.
TS Kissinger đã từng nói, mối quan hệ Mỹ-CSVN sẽ trải ba giai đoạn: “Từ thù địch sang bình thường hóa, từ bình thường hóa sang cộng tác”. Hai bên đã bình thường hóa năm 1995. Nay là giai đoạn cộng tác, hai nước sẽ tiến tới đối tác chiến lược, HK sẽ thực hiện Điều 1 của HĐ Paris 1973: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước VN như HĐ Genève 1954 đã công nhận”.
Di sản nặng nề nhất của chiến tranh VN là công hàm của TT Phạm Văn Đồng gởi TT Chu Ân Lai hồi năm 1958. Dù HK công nhận sự lãnh đạo của CSVN, nhưng TQ luôn dựa vào Công hàm này để tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Nan đề này đòi hỏi CSVN phải thay đổi thể chế. Ngày rời chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “sẽ cố gắng làm người tử tế”. Ông sẽ thành lập một đảng đối lập để giúp VN tiến đến chế độ đa đảng. Một chế độ mới do dân trực tiếp bầu lên, sẽ hóa giải Công hàm của ông Phạm Văn Đồng. Với tư thế này, TT Obama có thể đến thăm Nguyễn Tấn Dũng -một nhân vật đối lập ở VN trong chuyến viếng thăm sắp tới.
Người viết tin tưởng VN sẽ có những thay đổi lớn trước khi TT Obama rời Tòa Bạch Ốc vào ngày 20 tháng Giêng 2017.
Lê Quế Lâm
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét