Công ty này tên là Formosa, đã xây dựng một nhà máy thép tại tỉnh Hà Tĩnh ở miền Trung đất nước. Những con cá chết bắt đầu trôi giạt hàng loạt vào các bãi biển từ cuối tháng Tư, đã được tìm thấy trên khoảng 200 kilomet bờ biển, chạy dài đến cả cố đô Huế và thậm chí về phía Pagasa của Philippines ở Trường Sa.
Hôm Chủ nhật, những người biểu tình ở trung tâm Hà Nội đã tuần hành và giương cao các biểu ngữ với các khẩu hiệu không chút nhập nhằng : « Formosa cút khỏi Việt Nam ! », « Biển chết, chúng ta chết ! », « Hãy cứu biển ! ». Một cuộc biểu tình khác cũng đã diễn ra ở miền Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh tức Saigon cũ.
« Trừng phạt nghiêm khắc »
Cuộc điều tra chính thức đang được tiến hành, đưa ra giả thiết mà theo truyền thông Việt Nam, là một đường ống xả nước thải dài một kilomet rưỡi đã đổ các chất độc hại ra Thái Bình Dương. Phản ứng của một người có trách nhiệm tại địa phương của Formosa không hề làm giảm căng thẳng. Tuần trước, ông ta đã ngây ngô nói : « Người Việt Nam phải chọn lựa, họ muốn tôm cá hay một nhà máy thép siêu hiện đại ? ». Con người vụng về này đã bị công ty sa thải ngay lập tức. Sau đó công ty Đài Loan đã xin lỗi và tiến hành điều tra riêng rẽ.
Vụ này diễn ra vào thời điểm bất lợi cho một chính phủ mới đang trong giai đoạn khởi động của Việt Nam. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hồi tháng Giêng đã duy trì tổng bí thư bảo thủ Nguyễn Phú Trọng tại vị, và sau đó đã lập ra một chính phủ mới do tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo.
Ông Phúc hứa hẹn sẽ « trừng phạt nghiêm khắc » các thủ phạm gây ra thảm họa đã gây thiệt hại cho ngư nghiệp miền Trung Việt Nam. Vùng này về kinh tế lệ thuộc nặng nề vào các trang trại nuôi tôm, cá ba sa và nghề đánh cá ngừ. Năm 2015, xuất khẩu hải sản của Việt Nam lên đến khoảng 6 tỉ đô la. Tân bộ trưởng Môi trường Trần Hồng Hà khi trả lời phỏng vấn nhật báo Tuổi Trẻ đã nhìn nhận rằng « chính phủ đã phản ứng chậm chạp trước thảm họa môi trường này ».
300 tấn hóa chất
Bên cạnh đó, các blogger Việt Nam còn nhắc nhở rằng công ty Formosa gần đây là trung tâm của một vụ tranh cãi khác. Cách đây hai năm, khi sự hiện diện của một giàn khoan Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp với Việt Nam đã gây ra các vụ bạo động chống Trung Quốc tại miền Nam, các công nhân Formosa nhân đó đã phản ứng lại các quản đốc Trung Quốc.
Theo blog Anh Ba Sàm rất nổi tiếng ở Việt Nam, thì chính phủ đã cấp cho Formosa giấy phép có thời hạn 70 năm để khai thác 3.300 hecta đất, nơi đây công ty đã xây dựng nhà máy thép, một nhà máy điện và một cầu cảng. Tháng Ba năm ngoái, truyền thông Việt Nam đã bày tỏ sự lo lắng của những người chịu trách nhiệm kiểm toán về các điều khoản quá có lợi cho phía Formosa. Nhưng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công nhập hợp đồng trên là hợp pháp. Những tranh luận có lẽ chưa dừng lại ở đây.
© Thụy My
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét