|
Đến ngày 4 và ngày 5 tháng 5 năm 2016, trong phiên họp thường kỳ của chính phủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay thì chính phủ vẫn đang tích cực điều tra nguyên nhân. Nhưng khác với phiên họp trước đó, ở phiên họp này thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thêm phần việc mới.
Trích: “Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung điều tra, làm rõ các vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xác định các đối tượng tung tin xuyên tạc, lợi dụng để kích động phá hoại, gây rối an ninh trật tự, chống Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Cái gọi là quyết liệt tìm nguyên nhân cá chết của chính phủ Việt Nam đến giờ vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có một thông tin nào chính thức công bố nguyên nhân rõ ràng. Mọi sự có vẻ trì trệ và đổ lỗi quanh co. Chủ nhiệm văn phòng chính phủ cáo buộc do các địa phương chậm trễ và thụ động khi báo tin lên chính phủ. Còn phía chính phủ đã rất quyết liệt.
Chuyện cá chết ở 4 tỉnh là chuyện quan trọng, lý do văn phòng chính phủ đổ lỗi cho địa phương báo cáo chậm trễ là điều khó hiểu. Lẽ ra, chuyện lớn như vậy đích thân thủ tướng phải đến vùng ô nhiễm để trực tiếp đòi hỏi quan chức đia phương báo cáo. Có nhiều chuyện không lớn, nhưng thủ tướng cũng đến tận nơi chỉ đạo. Tại sao chuyện lớn như cá biển cả 4 tỉnh ben biển chết, thủ tướng có thể ngồi yên ở văn phòng chờ báo cáo địa phương và kêu than là họ chậm. Nếu không có sự đồng loã dây dưa, chẳng lẽ địa phương chống lệnh của thủ tướng chính phủ?
Không hề có chuyện địa phương chống lệnh hay cố tình làm chậm trễ, bằng chứng là phần chỉ đạo tìm người đưa tin cá chết để đe doạ bắt họ im miêng đã được các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình thực hiện ngay tức khắc, thậm chí là còn trước đó như bắt giữ hai người đưa tin về môi trường là Trương Văn Tam và Chu Mạnh Sơn.
Cũng trong phiên họp này của chính phủ, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn phát biểu. Trích: “Một số cơ quan báo chí đã tích cực vào cuộc, giúp cơ quan có trách nhiệm kịp thời dự báo, cảnh báo người dân. Nhưng cũng có một số báo đưa tin thổi phồng quá mức, suy diễn thủ phạm, khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì truy bức họ phải đưa ra nguyên nhân”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao đổi”.
Phát biểu của Trương Minh Tuấn cho thấy dã tâm bưng bít thông tin của Đảng cộng sản Việt Nam. Việc báo chí đòi hỏi làm rõ nguyên nhân sớm, qua đó thông tin trấn an được dư luận là đòi hỏi chính đáng. Tại sao Trương Minh Tuấn lại cho rằng đó là hành vi ”truy bức cơ quan chức năng”. Trách nhiệm sớm làm rõ sự thật là trách nhiệm của báo chí. Trách nhiệm sớm trả lời là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Lỗi ở đây là do cơ quan chức năng không tìm được ra nguyên nhân hoặc không công bố nguyên nhân thật sự, khiến dư luận hoang mang chứ không phải báo chí là nguyên nhân.
Mặt khác khi bắt giữ những người đưa tin môi trường như Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn, báo chí và truyền hình Việt Nam đã quy kết, vu khống hai người này một cách công khai và trắng trợn trên mọi phương tiện truyền thông. Xúc phạm cá nhân họ và cả vu cáo những người liên quan đến họ, công chiếu hoá đơn giao dịch dân sự của họ một cách suy diễn. Lúc đó, ông Trương Minh Tuấn ở đâu mà không ngăn báo chí, truyền hình thổi phồng, suy diễn thủ phạm. Hay lúc đó, chính ông là người đang chỉ đạo việc này?
Từ chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến phát biểu của bộ trưởng truyền thông Trương Minh Tuấn. Người ta dễ nhận thấy chính phủ Việt Nam đang thống nhất việc chậm chễ tìm nguyên nhân cá chết, đồng thời gia tăng đe doạ và áp bức những ai đòi hỏi tìm hiểu nguyên nhân vì sao có thảm hoạ môi trường như vậy.
Vậy không chỉ riêng chuyện đòi hỏi tự do dân chủ, tự do tôn giáo, quyền con người là bị đàn áp và bị bưng bít. Việc bưng bít và đàn áp lần này đã sang đến vấn đề môi trường sống bị nhiễm độc. Một vấn đề liên quan thiết thực đến mạng sống của hàng chục triệu người. Đây là tính mạng, là sức khoẻ , là mầm mống của những căn bệnh hiểm nghèo có thể táng gia bại sản để chữa trị mà còn vậy, thử hỏi các quyền khác như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo hay các quyền khác là điều quá xa xỉ ở Việt Nam.
Nếu người dân Việt Nam ngay đến chuyện liên quan đến tính mạng của bản thân, của gia đình và của con cháu mình như việc ô nhiễm ở 4 tỉnh miền Trung, mà còn không được tìm hiểu, không được lên tiếng thì quyền con người của họ hoàn toàn không có một chút giá trị nào ở trên quê hương của họ. Đến nay nghi vấn Vũng Áng là nơi mà Formosa tập trung và đổ chất thải mà họ chở từ các nhà máy trong tập đoàn của họ trên khắp thế giới về đó hoàn toàn có cơ cở. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nguy ngập, tài nguyên cạn kiệt, nguồn vay từ ngân hàng thế giới bị cắt đứt, nợ lãi phải trả ngày một tăng. Ngân sách chính phủ không đủ dùng, quỹ bảo hiểm xã hội trước nguy cơ đổ vỡ. Vì những nguyên nhân cấp bách đó, đảng CSVN đã phải chọn biện pháp chấp nhận cho nhà đầu tư nước ngoài biến Việt Nam thành nơi chứa và đổ chất thải để lấy tiền cho ngân sách.
Cho nên họ phải tìm mọi cách để bưng bít thông tin thảm hoạ môi trường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. Và nếu như vậy, thì việc xả chất thải độc sẽ còn diễn ra dài dài, nhưng ở mức độ phù hợp với sự đề kháng của sinh vật, con người Việt Nam.
Độc tố ở miền Trung ngày này cũng như nợ công Việt Nam đang gánh, số nợ công cứ dần dần tăng theo thời gian, mỗi đầu người Việt Nam từ năm này sang năm khác gánh nợ công không ngừng. Các chất độc thải ra cũng sẽ thấm dần như vậy, một ngày nào đó kiểm tra độc tố trong cơ thể người Việt Nam sẽ có con số bất ngờ như nợ công.
Thật đau lòng nếu dân tộc 90 triệu người này đã để lại cho con cháu mình món nợ công ngày càng lớn, nay lại chuốc trong cơ thể con cháu mình những độc tố ngày một nhiều hơn.
Câu chuyện bây giờ không phải đơn giản chọn nhà máy thép hay chọn cá. Câu hỏi bây giờ phải là chọn im lặng bây giờ hay là chọn cái chết cho con cháu mình mai sau.
© Người Buôn Gió
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét