|
Cá trên khu vực sông Bưởi đoạn qua xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) mấy ngày qua chết hàng loạt, nổi trắng sông.
Nhiều người dân đã dùng thuyền vớt cá bị chết mang vào bờ nhưng không dám sử dụng vì sợ bị nhiễm độc.
Ngày 7/5, ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, cho biết Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đã nhận lỗi gây ô nhiễm do xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn con sông này.
Báo chí trong nước đưa tin, công ty cổ phần mía đường Hòa Bình, đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đang trong quá trình chạy thử.
Hệ thống xử lý nguồn nước thải của công ty cũng chưa được hoàn thiện, và nước thải được thu gom về hồ chứa trong khu vực của công ty.
Đến ngày 3-4/5, do hồ quá đầy, công ty này đã xả nước thải chưa qua xử lý từ hồ chứa ra thượng nguồn sông Bưởi, khiến hàng tấn cá lồng của người dân nuôi trên sông đã chết.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển nhiều tỉnh miền Trung với sự trợ giúp của các chuyên gia từ nhiều nước trong đó có Mỹ, Nhật và Đức.
Ngư dân Hà Tĩnh cho rằng hệ thống thải của nhà máy thép Formosa của Đài Loan có thể là "thủ phạm", nhưng quan chức Việt Nam nói chưa thể khẳng định được điều này.
Liên Hiệp Quốc vào cuộc?
Hôm qua, trả lời báo chí trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson khẳng định rằng "nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu giúp đỡ liên quan đến vụ cá chết hàng loạt, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng hỗ trợ".
|
Ông cho rằng Việt Nam "phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao lại để xảy ra hậu quả quá lớn như vậy".
Hôm 07/5, một trong các chuyên gia nước ngoài đang điều tra vụ cá chết ở Việt Nam, Giáo sư Yoshihiko Yamada, thuộc Đại học Tokai, Nhật Bản, được kênh truyền hình nhà nước, VTV1, dẫn lời nói rằng có thể sẽ phải cần tới một năm để đưa ra kết luận cuối cùng về thảm họa môi trường ở miền Trung.
Trước đó, Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở khu vực Đông Nam Á (OHCHR) hôm thứ Năm đã bày tỏ lo ngại về tác động của vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền trung của Việt Nam đối với việc thụ hưởng quyền con người của quốc gia này, đặc biệt là quyền liên quan tới y tế và thực phẩm.
Văn phòng Khu vực cũng quan ngại về việc xử lý các cuộc biểu tình nổ ra sau vụ cá chết, và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền tự do tập hợp, phù hợp với luật quốc tế.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng đầy đủ quyền tập hợp ôn hòa, được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Theo VNA, Thanh Nien, Reuters, VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét