|
Báo động: Mayday!
Cách đây đúng hai năm, Trung Quốc đã đưa dàn khoan HD981 vào Biển Đông, gây ra cơn bão phản kháng và bạo động, đốt cháy nhiều dự án của Trung Quốc tại Bình Dương và Vũng Áng. Hôm nay, người dân Việt Nam lại biểu tình (nhưng ôn hòa) để bảo vệ môi trường đang bị hủy hoại ở Miền Trung, nghi là do dự án Formosa. Dù đúng hay không, những tai họa đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay đều liên quan đến nhau, và có cùng mẫu số chung gồm 2 yếu tố cốt lõi là “Thể chế “ và “Trung Quốc”. Sự kiện tôm cá chết hàng loạt tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) lan ra các tỉnh Miền Trung (theo hải lưu) không phải chỉ hủy hoại môi trường/môi sinh, đe dọa cuộc sống hàng triệu ngưòi dân làm ngư nghiệp và du lịch, mà còn thách thức năng lực và đánh giá thái độ ứng xử của ban lãnh đạo mới vẫn lúng túng và chậm chễ trước đòi hỏi cấp bách là “cải cách thể chế” và “thoát Trung”. Nếu không tháo gỡ được hai nút thắt cổ chai đó (là gốc) thì không thể đối phó được với các tai họa thay nhau ập tới (là ngọn).
Việc bộ trưởng Trần Hồng Hà xin lỗi dân và bắt Formosa đưa đường ống xả thải nổi lên cho dễ kiểm soát chỉ là “chữa cháy” để đối phó. Sau gần một tháng bị động và lúng túng, đây là một quyết định “muộn còn hơn không” (nhưng chưa chắc khả thi). Đã đến lúc cần báo động đỏ (red alert) như tình trạng khẩn cấp (emergency) để kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ kỹ thuật để đánh giá độc lập nguyên nhân và giải pháp nhằm đối phó hiệu quả hơn với thảm họa môi trường này, có nguy cơ lan xuống phía nam (đến tân Phú Quốc hay nước khác). Đồng thời, cần rút bài học kinh nghiệm để xem lại những dự án lớn khác cũng có rủi ro về môi trường. Sau vấn nạn cá chết (từ Vũng Áng), liệu có vấn nạn bùn đỏ (red mud) do bauxite Nhân Cơ, hay vấn nạn mây độc (toxic cloud) do nhiệt điện Vĩnh Tân 2)?
Nóí cách khác, những câu hỏi cơ bản và cấp bách như có chất độc gì, từ đâu thải ra, và ai chịu trách nhiệm, cần phải trả lời gấp để có biện pháp xử lý, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta cần quan tâm đến cả những vấn đề cốt lõi khác, như rủi ro tiềm ẩn về môi trường và an sinh xã hội; rủi ro tiềm ẩn về biểu tình hay bạo động do người dân tuyệt vọng; rủi ro tiềm ẩn về lợi ích kinh tế; rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Đây là một dịp để xem ban lãnh đạo mới xử lý khủng hoảng thế nào (crisis management), không chỉ thảm họa môi trường mấy tỉnh Miền Trung (lan ra từ Vũng Áng), mà còn rủi ro tiềm ẩn từ các dự án lớn khác như bauxite Nhân Cơ & Tân Rai (Đắc Nông); nhiệt điện Vĩnh Tân 1/2/3 (Bình Thuận), và điện hạt nhân Ninh Thuân (hay đâu đó), còn đang tranh cãi.
Người ta hay nói, “không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại tương lai” (Dalai Lama). Nhưng tương lai Việt Nam lại phụ thuộc vào thái độ ứng xử của các bên liên quan (stakeholders) như chính phủ, doanh nghiệp, giới khoa học, giới báo chí, và dân… không chỉ đối với những gì đang diễn ra (là phần nổi) mà còn đối với nguy cơ tiểm ẩn (là phần chìm). Ngoài thảm họa môi trường (mà nhiều chuyên gia đã nói tới) hãy thử xem lại “thảm họa truyền thông” và những “bất cập” giữa các bên liên quan, cđang làm cho cuộc khủng hoảng môi trường này (do con người tạo ra), càng thêm trầm trọng (đến mức báo động).
Thảm họa truyền thông: Bát nháo (chaos)
Để xử lý khủng hoảng, đối phó với thảm họa môi trường, truyền thông rất quan trọng. Thông thường, phải phản ứng nhanh và khéo léo, phối hợp và chỉ đạo nhất quán để làm chủ tình thế, khoanh vùng làm rõ nguyên nhân để tập trung xử lý vấn đề chính, nhằm làm giảm thiểu rủi ro và sức ép. Nhưng dường như người ta đang làm ngược lại: thay vì phải nhanh thì rất chậm, thay vì khéo léo thì rất vụng về, thay vì làm rõ thì làm rối tung lên, thay vì làm giảm thiểu rủi ro và sức ép thì lại đổ thêm dầu vào lửa làm tăng sức ép và rủi ro. Tóm lại là thiếu chuyên nghiệp, không làm chủ được tình thế, không phối hợp và chỉ đạo nhất quán, lúng túng như “gà mắc tóc”, nên “ông nói gà bà nói vịt”.
Đã gần một tháng kể từ khi người dân phát hiện cá chết với quy mô lớn (tổng cộng khoảng 80 tấn, trong đó Hà Tĩnh khoảng 10-15 tấn, Quảng Bình khoảng 25 tấn, Quảng Trị khoảng 30 tấn, Thừa Thiên-Huế khoảng 6000 con) kéo dài hơn 250km dọc bờ biển 4 tỉnh Miền Trung, các quan chức địa phương (và trung ương) phản ứng rất chậm, lúng túng và bị động, tránh né và im lặng (như không có chuyện gì xảy ra). Dù với động cơ hay lý do gì, thì đó là thái độ ứng xử không bình thường, không thể chấp nhận được (khi có thảm họa). Không cần phải là đảng viên gương mẫu, mà chỉ cần xét trách nhiệm công dân được ăn lương và bổng lộc nên phải có nghĩa vụ làm việc cho đất nước (thời nào hay xã hội nào cũng vậy).
Đặc biệt, các quan chức tỉnh Hà Tĩnh (nơi có khu kinh tế Vũng Áng) đã lẩn tránh, viện cớ bận “kiện toàn nhân sự” và đón tiếp TBT. Khi các nhà báo gọi điện hỏi về hiện tượng cá chết, bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn và chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đều từ chối trả lời, không hiểu do “quá bận” hay vì câu chuyện cá chết “nhạy cảm”! Theo báo Dân Trí, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã “tàng hình” một cách khó hiểu trước thảm họa môi trường đang đe dọa cuộc sống người dân đang kêu cứu vô vọng, “họ bỏ mặc chúng tôi!”. Ngày 22/4/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn đến thăm Hà Tĩnh và dự án Formosa (tại Vũng Áng), nhưng cũng không hề thấy đề cập gì đến tai họa môi trường đang làm cá chết. Kể cũng lạ thật!
Theo VietnamNet (ngày 21/4/16), trước sức ép của dư luận, ông Phạm Khánh Ly (Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT) giải thích, “Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng được vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền”. Phải chăng đấy là lý do chính đáng để lý giải sự bất lực. Nếu đúng là có “luật” như vậy thật (phải có lệnh của thủ tướng mới được vào kiểm tra) thì dự án Formosa quả là một “tô giới” (nhượng địa). Thời trước, những tô giới nước ngoài ở Trung Quốc có biển cấm “chó và người Trung Quốc không được vào”. Chẳng lẽ điều đó đang được lặp lại ở Việt Nam? Nếu không đúng thế, thì các quan chức Việt Nam không hiểu gì về “chủ quyền quốc gia” (do dốt) hoặc không làm đúng quyền hạn/nghĩa vụ của mình (do thiếu trách nhiệm).
Cá bắt đầu chết trắng biển từ ngày 6/4, nhưng mãi tới 20/4, ông Võ Tuấn Nhân (thứ trưởng Bộ TN&MT) mới yêu cầu chính quyền các địa phương “phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.” Quá chậm! vì một số người dân đã bị ngộ độc phải nhập viện. Một số gian thương đã vận chuyển cá đi tiêu thụ tại các địa phương khác. Trong khi chưa có kết luận về mức độ nhiễm độc môi trường biển, ông Đặng Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) vẫn hồn nhiên, “Những loại hải sản vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được, và yên tâm tắm biển”. Chẳng lẽ ông Sơn không biết mấy thợ lặn của dự án Sơn Dương đã phải vào viện? (và một người đã chết!).
Ông Vũ Văn Tám (Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT) và các quan chức khác xác nhận nguyên nhân cá chết nhiều như vậy là do nhiễm độc, với độc tố cực mạnh. Nhưng các cơ quan chức năng vẫn lúng túng chưa trả lời được 2 câu hỏi cơ bản (và đơn giản) là độc tố gì, và từ đâu ra? Trong khi đó, một lãnh đạo sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã nói tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ (20/4), “Chất độc đó đến Bộ cũng khó tìm ra?’’ Đây là thái độ thách thức, hay sự thật? Trong khi đó, các nhà khoa học nói rằng các phòng thí nghiệm bình thường có thể tìm ra. Có lẽ vấn đề không phải là do độc tố dưới biển quá bí hiểm, mà do độc tố tư tưởng trong đầu.
Trong cuộc họp liên bộ và liên tỉnh (ngày 24/4), phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, “phải xác định sớm nguyên nhân. Trách nhiệm này thuộc Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN& PTNT. Nếu chưa đủ khả năng thì thuê chuyên gia nước ngoài để có kết luận chính xác”. Ông Dũng kết luận, “Đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng. Chính vì thế, việc tập trung nghiên cứu nguyên nhân, khắc phục của các cơ quan chuyên môn rất bị động, lúng túng”. Có lẽ vị tân phó thủ tướng thật thà này cũng bị động, lúng túng.
Ông Hoàng Dương Tùng (Phó Tổng cục trưởng TC Môi trường, Bộ TN&MT) cho biết, “tính đến thời điểm hiện tại, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải này đạt tiêu chuẩn thì mới được cấp phép hoạt động”. Nhưng trong cuộc họp tại Hà Tĩnh (chiều 23/4), ông Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ TN&MT) lại khẳng định, “đường ống dẫn nước thải ngầm đổ ra biển của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật”. Ông Dương còn cho biết lưu lượng xả thải mỗi ngày là 12.000m3. Theo báo Tuổi Trẻ (30/4) ông Trần Hồng Hà (bộ trưởng bộ TN&MT) lại khẳng định ngược lại, “Việt Nam không cho phép Formosa thiết lập hệ thống xả thải đặt ngầm dưới biển… phải buộc Formosa đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dói giám sát”. Không biết điều gì đang diễn ra, chỉ thấy “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bó tay!
Lý giải về phản ứng lúng túng và chậm trễ nói trên, tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi (chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường) nói, “Khi cá chết hàng loạt, ban đầu người ta cứ nghĩ đó là một việc không quá nghiêm trọng, cử vài anh xuống kiểm tra, về làm cái báo cáo tình hình, nên không phát hiện, không phỏng vấn sâu người dân. Khi sự việc nóng lên, cách vào cuộc lại có vấn đề. Phản ứng của các cơ quan khoa học lại theo kiểu giải quyết tình thế”.
Còn về nguyên nhân cá chết, ông Hồi nói, “Các ý kiến chuyên gia tập trung nghi vấn vào hệ thống xả thải khổng lồ của Formosa là có cơ sở. Lãnh đạo Bộ TN&MT đã vội vã cho rằng việc làm đó nằm trong thiết kế và được bộ này cấp phép, nhưng không mảy may đề cập đến nó có đáng nghi ngờ hay không, các cơ quan quản lý nhà nước có thiếu quy trình giám sát mức độ tuân thủ cam kết của Formosa hay không… Ngay từ đầu tôi đã định hướng xuất phát nguồn gây ô nhiễm nằm ở phía bắc Hà Tĩnh và cụ thể hơn là Vũng Áng…”
Trong khi cần thông tin kịp thời để hạn chế rủi ro và giải tỏa bức xúc của dư luận, thì các quan chức vẫn tìm cách bưng bít thông tin (như một thói quen cũ). Trong cuộc họp liên bộ và liên tỉnh tại Hà Tĩnh (23/4) báo chí không được phép tham dự. Nhưng tại cuộc họp báo sau đó, các quan chức đại diện chính quyền trung ương và địa phương “thi nhau nhắc nhở” giới truyền thông nên thông tin sự việc một cách “có chừng mực”, không làm tình hình thêm phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân, dẫn đến thiệt hại cho nhân dân. Thậm chí có quan chức còn dọa, “nếu không khéo” thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản. Trong thời đại internet và truyền thông trực tuyến mà vẫn tư duy như vậy thì nguy quá.
Trong khi dư luận đang bức xúc vì chính quyền chậm chễ và nghi vấn bao che cho Formosa thì ông Chu Xuân Phong (phó phòng đối ngoại Formosa) đã có phát biểu gây sốc khi tự tin và dõng dạc trả lời phỏng vấn VTC News (sáng 25/4) như đưa ra một tối hậu thư, “tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh thưởng đến môi trường, nước xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, ca tôm ít đi là điều đương nhiên…Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép nhà nước Việt Nam. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên nhà nước phải có sự cân nhắc…Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây… Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại…cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được!”
Không biết ông Phàm thật thà hay ngu ngốc, chỉ biết ông ta đã đổ thêm dầu vào lửa. Và tai hại hơn nữa là ông ta đã nói toạc móng heo (như vạch áo cho người xem lưng) trong khi các quan chức Việt Nam còn loanh quanh úp mở và hoãn binh để đối phó. Nói cách khác, ông Phàm đã gián tiếp khẳng định rằng chính quyền Việt Nam đã ý thức được rủi ro và hậu quả nghiêm trọng này, nhưng vẫn làm ngơ mà ký văn bản cho phép Formosa triển khai dự án (tức là đánh đổi). Đây là một sự thật mà ông Phàm đã gián tiếp thừa nhận (dù vô tình hay hữu ý). Người ta hay gọi hiện tượng lỡ lời này là “Freudian slip” (ngoài kịch bản).
Ngay lập tức, tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế TƯ) đã “nổ súng” bằng một loạt đạn sát thương và dẫn đường (trailblazers), “Tôi phản đối tuyên bố đầy thách thức và có tính chất đầy xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc doanh nghiệp trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc, nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy không thể chấp nhận được… Chúng ta không thể có lựa chọn hy sinh tài nguyên môi trường, đó là sự vi phạm công ước quốc tế về môi trường…”
Phản ánh dư luận bất bình của cả nước, ông Doanh bức xúc lên án, “Dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng tuyên bố này là thái độ bàng quan trước vấn nạn của một đất nước. Thái độ thách thức của nhà đầu tư đối với người Việt Nam là không thích hợp. Tôi được biết, trước đó, Formosa đã nhập một lượng lớn các chất độc và cực độc về Việt Nam để súc rửa đường ống. Chúng ta phải yêu cầu họ báo cáo số chất độc đó đi đâu? Ai cho phép họ nhập về… Đây là hệ quả rất nghiêm trọng khi chúng ta quá nuông chiều các tập đoàn, các doanh nghiệp ngoại… Không thể nào để cho một nhà đầu tư tuyên bố thay Việt Nam chọn thép để đánh đổi lấy sự mất đi của tài nguyên thiên nhiên. Cái giá đó quá đắt và chúng ta sẽ kể lại cho hậu thế như thế nào đây… Ông Doanh kết luận, nếu kết luận điều tra đúng với thực tế, chúng ta hoàn toàn có quyền khởi kiện. Khi đó, họ không chỉ vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ các sinh vật biển”.
Không phải chỉ có ông Lê Đăng Doanh, mà hầu hết những người Việt Nam hiểu biết và có lòng tự trọng đều bức xúc và phẫn nộ trước thái độ ngạo mạn và thách thức của đại diện Formosa, cũng như thái độ nhu nhược và vô trách nhiệm của chính quyền. Tiến sĩ Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tuy tuổi đã cao, nhưng quá bức xúc phải lên tiếng, “Tôi nghe mà rất bất bình, chúng ta đặt ra yêu cầu đầu tư luôn gắn bảo vệ môi trường, ai cũng vậy, doanh nghiệp trong nước phải làm, doanh nghiệp nhà nước càng phải làm mà doanh nghiệp nước ngoài càng phải thực thi tốt hơn vì họ đến từ nước phát triển hơn chúng ta…Không thể chấp nhận được thông điệp chọn 1 trong 2, điều này không đúng với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Không thể và không ai có quyền bắt Việt Nam phải chọn 1 trong 2, đánh đổi kinh tế để hy sinh điều kiện sống…”
Xã luận báo PetroTimes (ngày 25/04/2016) còn đề xuất cụ thể, “Bộ Công an nên mở chuyên án và yêu cầu sự phối hợp của cảnh sát môi trường các tỉnh nêu trên. Trong quá trình điều tra chuyên án này, có 2 việc chính mà cơ quan công an phải làm rõ: Đó là phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, phá hoại môi trường. Sau đó là xử lý các cá nhân, tổ chức bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường. Đặt giả thiết nếu đúng là Formosa gây ô nhiễm, đương nhiên công ty này sẽ bị xử lý, nhưng các cơ quan chức năng, các cơ quan kiểm soát môi trường ở Hà Tĩnh cũng khó có thể tránh được việc phải chịu trách nhiệm…”
Chiều 26/4, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo, nhưng chỉ kéo dài khoảng 30 phút rồi đột ngột kết thúc trước sự ngỡ ngàng của các phóng viên tham dự, với lý do “bận làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh” (còn báo chí chắc không quan trọng?). Về phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, ông Trương Phục Ninh (Phó TGĐ Formosa) nói phát biểu của ông Phàm “làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Formosa với chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam” (tại sao không nhắc gì đến người dân?) và ngụy biện, “đây là ý kiến cá nhân của ông Phàm và công ty sẽ xử phạt nghiêm khắc” (vì ông này “lỡ lời” nói ra sự thật?). Họ không lý giải gì về hệ thống xả thải cũng như việc kiểm soát nước thải trước khi đổ ra biển thế nào, mà chỉ nói vấn đề cá chết hàng loạt với nước thải của Formosa có liên quan hay không “phải đợi các cơ quan của Việt Nam kết luận”. (Chắc họ tin kết luận đó có lợi cho họ?). Chắc họ nghĩ rằng chỉ cần cúi đầu xin lỗi cho qua chuyện (và tiếp tục hối lộ ai đó) là có thể xoa dịu hay bịt miệng được dư luận đang bất bình. Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng đáng tiếc đó có thể là sự thật đáng buồn. (Như một kịch bản đã được thỏa thuận ngầm từ trước).
Cuộc họp báo tối 27/04/2016 của bộ TN&MT còn kịch tính hơn cả họp báo của Formosa (ngày hôm trước), vì chỉ kéo dài khoảng 10 phút sau khi hàng trăm phóng viên chờ đợi hơn nửa ngày (trong khi đại diện 7 bộ và các viện họp kín). Sau khi thông báo hoãn họp, ông Võ Tuấn Nhân (thứ trưởng bộ TN&MT) lại quyết định họp báo để công bố “kết quả điều tra” nguyên nhân cá chết, bằng một thông báo cụt lủn rất vô lý và vô cảm, “có hai nhóm nguyên tố chính: Một là do tác động của độc tố hoá học của con người và trên biển, và hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ…Hiện chưa thấy mối liên hệ giữa hoạt động của Formosa với tình trạng cá chết hàng loạt này… Các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu theo 2 hướng kể trên. Nếu cần thiết sẽ mời chuyên gia quốc tế kiểm chứng”.
Dư luận cho đó là một cuộc họp báo “kỳ quặc có một không hai”. Bất chấp dư luận đang bức xúc và bất bình về nguyên nhân của tai họa môi trường làm cá chết hàng loạt, thì ông Nhân đã đổ thêm dầu vào lửa (không khác gì ông Chu Xuân Phàm). Tại sao họ lại giống nhau thế? Ông Nhân không đưa ra được kết quả cụ thể nào (dù sau một tháng) mà còn đánh lạc hướng dư luận về nguyên nhân cá chết (do “thủy triều đỏ”) để bao che cho Formosa là nghi phạm chính (prime suspect), bằng cách giải thích ngớ ngẩn để dư luận phản ứng. Có người nghi vấn phải chăng đây là kế hoãn binh để nghi phạm có thời gian xóa dấu vết? Kỳ quặc hơn nữa là khi một phóng viên báo Thanh Niên hỏi nguyên nhân cá chết có phải do nhiễm độc, ông Nhân đã hoảng hốt ngắt lời không cho hỏi tiếp, và nói câu hỏi đó “làm tổn hại đất nước mình”. Hóa ra kẻ làm “tổn hại đất nước mình” không phải Formosa mà là các nhà báo?
Tiếp theo tuyên bố hùng hồn (nhưng hơi đơn độc) của tân thủ tướng NXP “vào cuộc” và “xử lý nghiêm”, và trước mong đợi của dư luận đang bức xúc như cái nồi áp suất khổng lồ, thì cuộc họp báo của ông thứ trưởng bộ TN&MT là một cú “hẫng hụt” (anti-climax) như trong một vở kịch tồi vì thiếu kịch bản. Không hiểu đây là màn kịch của một trò chơi cao tay để kích động dư luận, nhằm sử dụng dự án Vũng Áng để đánh tiếp ông 3X, hay đây là kết quả can thiệp vội vã và thô bạo của ông bạn láng giềng lớn muôn bảo vệ dự án này đang bị đe dọa (có thể “mất kiểm soát”). Nếu là kịch bản thứ hai thì đó là một tin xấu (bad news). Liệu có phải trong khi dòng hải lưu tại Biển Đông đang chảy về phía Nam, thì dòng hải lưu của Đảng vẫn tiếp tục chảy về phía Bắc? (mặc dù ban lãnh đạo đang chuẩn bị đón ông Obama).
Cuộc họp kín (ngày 27/4) giữa đại diện 7 bộ và mấy viện, kéo dài nhiều giờ chắc có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau (như “tay phải tay trái”), nhưng dường như đã bị một sức ép nào đó áp đặt từ trên xuống (hay từ ngoài vào). Tại sao kết luận và cách ứng xử của ông thứ trưởng bộ TN&MT lại “kỳ quặc” như vậy? Thực ra, ông Nhân cũng chỉ là nạn nhân phải “đổ vỏ” cho những người khác (mà bộ TN&MT là một tội đồ). Dù đây là một vở kịch tồi (khó chấp nhận) thì nó cũng phản ánh một thực tế đáng buồn là “cải cách thể chế” và “thoát Trung” (tuy cấp bách) vẫn là những mục tiêu rất khó thực hiện vào lúc này. Nó lý giải sự lúng túng và bất lực đến thảm hại của chính quyền trước một tai họa môi trường với quy mô quốc gia, mà lẽ ra chính phủ đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp” (emergency) để kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ. Thực ra tai họa này còn nguy hiểm hơn cả một trận động đất lớn.
Thảm họa môi trường: Đẳng tử (slow death)
Tôi muốn chúng ta vinh danh những người dân lao động bình thường nhưng dũng cảm, đã tự nguyện đóng góp trách nhiệm của mình để rung tiếng chuông báo động, trong khi những người có trách nhiệm lại thờ ơ và vô cảm. Đó là Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi) trú tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là người đã lặn xuống biển (ngày 4/4) và phát hiện ra đường ống xả thải khổng lồ của dự án Formosa đang phun nước thải “có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”. Sau khi phát hiện đường ống trên, anh đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang trình báo, và vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống…”
Đó là anh Hoàng Văn Đoán đã tự nguyện lặn xuống biển ghi hình đường ống ngầm này. Anh Đoán kể cụ thể, “Họ dùng đá đè lên những ống này để dân không thể nhìn thấy được. Trong đó còn có 3 ống to và cao khoảng 2 mét phía trên đậy nắp cao su, mỗi lần xả ra thì nắp cao su lại bung lên, còn khi không xả thải thì ống cao su này đậy nắp ống lại. Mới hôm qua tôi lặn xuống thì không còn thấy họ xả nữa, có lẽ là sau khi có tin trên báo thì họ đã cho ngừng xả rồi”. Hiện nay anh Thành đang phải lẩn trốn (vì bị áp lực). Có ai bảo vệ họ không?
Không phải chỉ có tôm cá, chim muông, cây cối bị chết, mà tính mạng con người cũng đang bị đe dọa. Đến nay đã có một thợ lặn của nhà thầu dự án Formosa đã chết (anh Ngây). Một số thợ lặn khác đang điều trị ở bệnh viện vì bị nhiễm độc. Ngày 15/4/2016 tại dự án Formosa, nhiều công nhân đã bị ngộ độc thực phẩm tại nhà bếp của dự án, làm 29 người phải nhập viện, và nhiều người khác có dấu hiệu bị nhiễm độc nhưng nhẹ hơn. Đáng lưu ý là quá trình nhiễm độc của họ diễn ra từ từ chứ không đồng loạt như ngộ độc thực phẩm.
Trấn an dư luận là cần thiết, nhưng trấn an bằng cách bưng bít sự thật trong trường hợp xảy ra thảm họa môi trường quy mô lớn, trong khi chính phủ đang kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ khẩn cấp, có thể nguy hiểm và phản tác dụng. Có thể các quan chức ăn hải sản và tắm biển để nêu gương là do chỉ đạo, nhưng không phải là ý hay. Chắc dư luận quốc tế cũng như trong nước sẽ không chấp nhận những cách ứng xử thiếu khoa học và thiếu trách nhiệm đó. Hoặc là do một số người vẫn chưa ý thức được quy mô to lớn và tính chất nguy hiểm của thảm họa môi trường biển Miền Trung lần này nên “điếc không sợ súng”, hoặc là do họ biết nhưg vẫn lờ đi vì động cơ riêng (phải giấu), thì đều phải chịu trách nhiệm về hệ quả.
Dù muốn tin hay không thì thảm họa môi trường biển Vũng Áng có thể biến thành thảm họa Vịnh Minamata (Nhật Bản). Hãy đọc lại hồ sơ Minamata (1932-1968) và hồ sơ Formosa ở Campuchia (1998) và Formosa ở Mỹ (2009) để xem Formosa và Chisso có gì khác/giống nhau. Công ty Chisso đã sử dụng thủy ngân làm xúc tác để sản xuất acetaldehyde, axit acetic và các chất dẻo. Trong quá trình sản xuất, methyl thủy ngân được sinh ra đã được đổ thẳng xuống vịnh Minamata mà không qua xử lý. Chỉ vì lợi ích kinh tế mà Chisso đã bỏ qua bảo vệ môi trường nên người Nhật đã phải trả giá quá đắt và quá lâu cho tai họa môi trường Minamata (đến tận bây giờ), như một bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khác.
Formosa (và những nhà đầu tư khác) đến Việt Nam kinh doanh vì lợi ích của họ, chứ đâu phải vì Việt Nam (hay vì Hà Tĩnh). Hầu hết họ không quan tâm bảo vệ môi trường (vì rât tốn kém), trừ khi ta đủ năng lực buộc họ phải làm như vậy. Hình như chẳng ai đếm xỉa đến trách nhiệm cộng đồng hay cam kết bảo vệ môi trường của Formosa trong dự án này. Họ cứ nói là làm “đúng luật Việt Nam”, nhưng là luật nào, theo tiêu chí nào, có phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế không? Đây là dịp để hai bên rà soát lại (cả văn bản lẫn thực hiện) có sự giám sát của bên thứ ba độc lập (third party independent inspectors). Chính lỗ hổng này dẫn đến phát biểu gây sốc của ông Chu Xuân Phàm, vì lâu nay ông ấy hiểu như vậy. Nếu không tại sao ông ấy lại có thái độ ngạo mạn như vậy? Có lẽ vì chính quyền Hà Tĩnh (và trung ương) quá “nuông chiều” mà không ràng buộc họ bằng những cam kết môi trương và trách nhiệm xã hội. Qua sự việc này, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã không làm tròn trách nhiệm giám sát đối với Formosa. Liệu Sở có nắm được Formosa đã xả ra biển những chất gì, có phù hơp với tiêu chí không? Không thể cứ nói khống là họ “làm đúng luật và đúng quy định” là xong. Việt Nam còn thua kém cả Campuchia! Sở TN&MT phải chịu trách nhiệm chính trong thảm họa môi trường này.
Không biết trong quá trình thẩm định đối tác và dự án (due diligence) các quan chức tỉnh (và trung ương) có tìm hiểu kỹ “lý lịch môi trường” của Formosa không? Họ dựa trên các tiêu chí gì để đánh giá đối tác, hay chỉ quan tâm đến kinh phí khủng (nhiều tỷ USD) là lóa mắt. Đối với các nhà đầu tư Đài Loan (đặc biệt là Trung Quốc) lại càng phải cảnh giác về lý lịch môi trường của họ. Hãy xem họ đã phá hủy môi trường Trung Quốc như thế nào, nếu không muốn họ tiếp tục biến Việt Nam thành bãi đổ rác, và hủy hoại môi sinh/môi trường, chỉ vì lợi ích trước mắt, để lại di họa lâu dài. Nếu bây giờ vẫn chưa biết rõ lý lịch môi trường của Formosa thì hãy tham khảo người Campuchia hay người Mỹ) là khắc biết.
Năm 1998, Formosa đã “xuất khẩu” sang Campuchia hơn 3.000 tấn rác nhiễm độc thủy ngân, do tàu Chang-Shun chuyển đến Sihanoukville. Một công nhân bến cảng dọn dẹp hầm tàu Chang-Shun đã phải nhập viện và chết ngay sau đó. Khi tin tức lộ ra là số rác thải này chứa thủy ngân, hàng chục ngàn người hoảng sợ đã rời bỏ thành phố, và tức giận đập phá các công sở. Cuộc bạo động này đã làm chết nhiều người. Người phát ngôn Formosa nói rằng rác chỉ nhiễm thủy ngân “hơi vượt mức quy định một chút” (0,2 PPM). Nhưng khi Campuchia gửi mẫu rác sang Hong Kong xét nghiệm thì kết quả ở mức nguy hiểm (10971 PPM!) Chính phủ Campuchia đã điều tra ra và buộc tội Formosa hối lộ 3 triệu USD các quan chức địa phương để vận chuyển rác trót lọt, đã bắt Formosa bồi thường, xin lỗi và chuyển số rác thải này về Đài Loan. Hơn 30 quan chức địa phương CPC đã bị kỷ luật trong vụ này.
Tại các bang Texas và Louisiana (Mỹ), các nhà máy của Formosa đã bị phát hiện xả các chất độc dichloroethane (EDC), dioxin, và chroroform vào đất, nước ngầm, và sông Mississippi. Năm 2009, Formosa bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa kỳ (EPA) phạt 2,8 triệu USD, đồng thời bị buộc phải chi 10 triệu USD để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường tại hai bang Texas và Louisiana. Hồ sơ môi trường của Formosa “nổi tiếng” đến nỗi đã trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Barry Hill tại Mỹ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014). Chính vì vậy mà ông Lee Chih-Tsuen (CEO của Formosa) đã phải nhận “giải thưởng hành tinh đen” năm 2009.
Công ty Formosa Ha Tinh (Cayman) Limited được thành lập và mua lại 100% cổ phần của FHS. Các cổ đông của FHS thay vì sở hữu trực tiếp thì nay sở hữu gián tiếp qua Formosa Ha Tinh được thành lập tại quần đảo Cayman (một trong ba thiên đường trốn thuế lớn nhất thế giới). Việc tái cấu trúc sở hữu giúp cho các cổ đông của FHS thuận tiện hơn trong việc mua/bán cổ phần. Ngoài ra pháp nhân thành lập tại Cayman còn có thể dễ dàng niêm yết tại những thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới như Mỹ hay Hongkong.
Nếu những người trong chính quyền (Hà Tĩnh hay TW) liên quan đến việc cấp phép và bảo kê cho Formosa (như nhóm lợi ích) nghĩ rằng họ có thể im lặng cho qua chuyện, hoặc dựa vào thế lực nào đó để tiếp tục bịt miệng dư luận như trước, thì họ nhầm. Khi sự việc vỡ lở và diễn biến khôn lường trong một cuộc khủng hoảng môi trường với quy mô lớn thì không ai có thể bưng bít được thông tin hay chùm chăn để tự giải quyết. Nếu vì tham (“cố đấm ăn xôi”) hay vì liều (“đâm lao phải theo lao”) thì sẽ nguy hiểm cho cộng đồng và cho chính họ (hay họ hàng và người thân). Họ có thể bị biến thành “vật tế thần” trong bối cảnh đấu tranh quyền lực còn tiếp diễn, và khi người dân quá bức xúc và tuyệt vọng mà “tức nước vỡ bờ” xuống đường biểu tình hay bạo động. Điều đó đã từng xảy ra tại Campuchia (năm 1998).
Theo các nhà khoa học, vào thời điểm này khi gió Tây Nam đưa dòng nước biển (tầng nông) qua phía đảo Hải Nam, nên hiện tượng cá chết chưa kịp lan xuống Nam Trung Bộ. Hơn nữa nguyên nhân làm cá chết là do độc tố trong nước thải đổ ra biển hầu hết có tỷ trọng nặng hơn nước biển, nên lắng xuống đáy làm cá dưới tầng sâu bị chết nhiều. Vì vậy, dựa vào “thủy triều đỏ” để lý giải cá chết là do rong tảo trôi nổi trên biển (tầng nông) là không logic và không thuyết phục. Theo quy luật dòng hải lưu chảy theo mùa và khí hậu biển như trên, thì chất độc trong nước biển không chỉ tồn tại ở vùng biển 4-5 tỉnh Miền Trung (như hiện nay) mà còn có nguy cơ tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, đến tận Phú Quốc. Vì vậy, Thảm họa môi trường này cực kì lớn đối với cả nước, với hệ quả trực tiếp và gián tiếp khôn lường.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Quang, nước thải từ đường ống ngầm có chứa ammonia (NH3)/ammomium (NH4+) ở nồng độ cao. Có hai bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy để kết luận như thế. Thứ nhất, Formosa là một nhà máy luyện thép, nên phải luyện than đá thành than coke. Nước thải trong quá trình này chứa nhiều chất ô nhiễm vô cơ, trong đó có ammonia (NH3) ở nồng độ cao. Theo một nghiên cứu, nồng độ của ammonia (NH3-N) trong nước thải từ tiến trình luyện than coke thay đổi từ 230 đến 668 milligrams per liter (mg/L). Thứ hai, kết quả phân tích mẫu nước thu thập ở khu vực đầm Lập An (Lăng Cô) cho thấy nồng độ của ammomium (NH4+-N) trong nước biển vượt quá tiêu chuẩn (khoảng 0,4 mg/L so với 0,1 mg/L). Trong thực tế, nồng độ của ammonia (NH3) trong nước biển cao hơn rất nhiều vì chỉ có một phần rất nhỏ ammonia biến thành ammonium (NH4+). Như vậy, sự có mặt của ammonia trong nước biển phù hợp với sự có mặt của ammonia trong nước thải từ dự án Formosa.
Trong khi Biển Đông lại đang dậy sóng, đe dọa chủ quyền quốc gia và cuộc sống của ngư dân, trong khi đồng bằng sông Mekong đang bị khô hạn và ngập mặn, đe dọa vựa lúa của cả nước, thì bờ biển các tỉnh Miền Trung lại bị nhiễm độc, đe dọa nguồn sống của hàng triệu ngưòi, bởi thảm họa môi trường do con người gây ra. Có lẽ người dân đã quá quen (và mất lòng tin) vào cách giải thích vô lý và thái độ ứng xử vô cảm của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền (nhưng vô trách nhiệm). Người dân đang kêu cứu tuyệt vọng, “họ bỏ mặc chúng tôi!”. Lúc này người dân vùng bị nạn cần được trợ giúp kịp thời bởi các tổ chức dân sự trong nước và quốc tế. Thảm họa này, cần được “xã hội hóa” và “quốc tế hóa” nhằm giúp điều tra nguyên nhân và cứu trợ nhân đạo kịp thời (để tránh bạo động khi người dân tuyệt vọng). Không sợ nguy cơ “thủy triều đỏ” trên biển, mà nên sợ nguy cơ “thủy triều đỏ trên bờ”.
Những tảng băng chìm: Quá rủi ro (high risks)
Rủi ro tiềm ẩn về môi trường:
Một khu kinh tế lớn như Vũng Áng với những ngành công nghiệp nặng (như luyện thép) có nguy cơ rất lớn về ô nhiễm môi trường, đe dọa nền kinh tế biển, nhất là khi vẫn chấp nhận công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, để sản xuất mỗi tấn thép thô sẽ tạo ra 3m3 nước thải độc hại. Với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm (giai đoạn 1), Formosa có thể thải ra hơn 31 triệu m3 nước thải độc hại và 6 triệu tấn chất thải rắn nếu không qua xử lý. Ngoài ra, lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại….
Hiện nay, nước biển tại các tỉnh Miền Trung đã và đang chứa một lượng hóa chất cực độc có thể giết mọi sinh vật (kể cả người). Không phải chỉ có các loài thủy sinh dưới biển (như tôm, cá, cua, ngêu, sò), mà các loài chim biển trên bờ (như đảo chim “Hòn Gió”) và rừng ngập mặn (như sú vẹt) đã và đang chết với quy mô lớn. Nếu người dân các tỉnh Miền Trung không dám ăn tôm cá, không dám tắm biển (vì sợ ngộ độc) thì ngành hải sản và du lịch Việt Nam sẽ tiêu điều. Khi hàng triệu ngư dân không có việc làm để kiếm sống, sẽ tuyệt vọng kéo về thành phố thì đất nước này sẽ bất ổn. Điều đó tiềm ẩn một tai họa khôn lường.
Trong lúc chờ kết luận chính thức của chính phủ, chúng ta có thể dựa vào kết quả xét nghiệp sơ bộ của sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế, kết hợp với kết quả xét nghiệp độc lập tại nước ngoài của một số nhà nghiên cứu, và ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong/ngoài nước để đánh giá và kết luận sơ bộ, làm cơ sở để chế rủi ro và giảm thiểu tâm trạng bức xúc của người dân. Tuy các ý kiến còn có điểm khác nhau, nhưng đều khẳng định cá chết là do nhiễm độc bởi các độc tố trong nước biển như: kim loại nặng, cyanide, hoặc ammonia.
Trong trường hợp xấu nhất, Vũng Áng có nguy cơ trở thành Vịnh Minamata (Nhật Bản) là một thảm họa về môi trường, được Nhật Bản và thế giới ghi nhận như một bài học điển hình để cảnh báo. Tại Minamata, hàng ngàn người đã bị chết và hàng vạn người đã bị tàn phế do nhiễm độc kim loại nặng (thủy ngân hữu cơ) bị xả thải ra môi trường biển mà không được xử lý, không có giám sát và kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến hệ quả lâu dài và nan giải cho môi trường/môi sinh, sức khỏe con người, làm thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội …
Rủi ro tiềm ẩn về lợi ích kinh tế:
Tại Diễn đàn Kinh tế Biển (tại Hà Tĩnh, 7/6/2013) ông Chu Phạm Ngọc Hiển (Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53-55% GDP. Ông Hiền sẽ nói thế nào sau thảm họa môi trường này? Chắc chắn VN sẽ mất một nguồn thu lớn cùng thương hiệu xuất khẩu hải sản (ước tính mỗi năm khoảng 7 tỷ USD). Bên cạch đó, gần như chắc chắn các địa phương này sẽ thất thu lớn về nguồn khách du lịch (cả nước ngoài lẫn trong nước). Trong thời đại internet, hy vọng có thể bưng bít thông tin và tuyên truyền theo kiểu tuyên huấn để trấn an dư luận là ngớ ngẩn và phản tác dụng.
Ngoài ra, còn một rủi ro tiềm ẩn khác là có thể bị thất thoát tài nguyên (như kim loại quý) do bị khai thác trộm mà không biết. Tuy chưa có chứng cớ, nhưng đây là một nghi vấn cần xác minh. Theo các nhà khoa học, đá ở khu vực Vũng Áng rất giống loại đá phosphorite, và nước thải từ dự án Formosa rất giống nước thải từ quá trình khai thác vàng. Khi khai thác đá phosphorite, sẽ giải thoát một lượng lớn PO4, ion Ag cũng như một số kim loại nặng vào nước thải. Được biết tại khu vực Miền Trung có nhiều mỏ vàng và kim lọai quý hiếm, do đó khả năng chất thải từ việc khai thác vàng và kim loại quí hiếm cũng không phải thấp.
Trong kỹ thuật khai thác mỏ kim loại, NaCN thường dùng để chiết xuất vàng và các kim loại quí hiếm. Thí dụ trong trường hợp chiết xuất vàng từ quặng, NaCN giúp biến vàng thành chất có thể tan trong nước theo phản ứng sau và đồng thời sản xuất NaOH, một bazơ mạnh theo phương trình sau: 4 Au + 8 NaCN + O2 + 2 H2O → 4 Na[Au(CN)2] + 4 NaOH. NaCN là một loại muối rất dễ tan trong nước. Nếu không kết hợp với kim loại thì ion cyanua sẽ xuất hiện ở dạng ion trong nước thải. Vì phản ứng hóa học thải ra NaOH do đó nồng độ pH của nước sẽ tăng (phù hợp với báo cáo của Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế).
Rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc phòng:
Khu vực Vũng Áng và Sơn Dương có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Cách đây gần 500 năm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Theo KS Doãn Mạnh Dũng, (phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển) thì Sơn Dương là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ Việt Nam từ hướng biển, đuợc xếp theo thứ tự: Cam Ranh, Sơn Dương, Nam Du và Côn đảo. Bốn yếu huyệt này được xác định dựa vào những yếu tố địa lý tự nhiên. (Người Đô Thị, 29/4/2016).
Cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng, cùng vĩ tuyến với quân cảng Du Lâm (Tam Á, Hải Nam) là nơi hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc neo đậu. Vũng Áng chỉ cách Tam Á hơn 300km. Sơn Dương nằm ngay phía bắc đèo Ngang, nơi Quốc Lộ 1A đi qua đèo và đường hầm xuyên qua núi. Sau khi xây đê chắn sóng dài 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì cảng này vừa kín gió, vừa rộng, lại vừa sâu (trên 16m). Vì vậy, cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm soát đường biển và đường bộ từ Miền Nam và Miền Trung ra Miền Bắc. Cảng Sơn Dương phía Nam Vũng Áng là vị trí duy nhất của cả miền Bắc có thể đón tàu sân bay cập bến được. Vị trí này nằm cạnh Đèo Ngang, có hầm Đèo Ngang là con đường độc đạo, “chỉ cần hai trung đội là đủ để cắt đôi đất nước”. Trong khi đó, số người Trung Quốc làm ở Vũng Áng là hơn 4.000 người (tương đương 2 sư đoàn).
Vị trí Sơn Dương là đắc địa đối với hải quân Việt Nam, phải dành cho Hải quân Việt Nam để bảo vệ đất nước (chứ không được dành cho nước ngoài). Thật vô nghĩa nếu chúng ta dành vị trí đắc địa này cho Trung Quốc, trong khi mua tàu ngầm Kilo và máy bay Su-30MK để đối phó với Trung Quốc. Một nước nhỏ và nghèo như Việt Nam phải biết tận dụng những lợi thế địa lý tự nhiên của mình. Hải quân Việt Nam phải có các căn cứ hải quân đủ khả năng phòng ngự hay tấn công, có độ sâu và độ rộng thích hợp để tiếp nhận được nhiều loại tàu quân sự, và có núi cao để che chắn bảo vệ. Vì vậy, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài về kinh tế ở các vị trí đắc địa như Sơn Dương cần cân nhắc kỹ đến nhu cầu an ninh quốc phòng (khi xảy ra chiến tranh). Việc để cho nhà đầu tư Đài Loan (hoặc Trung Quốc) đầu tư lâu dài tại Sơn Dương là một sai lầm. Làm kinh tế là để sống, “chứ không phải làm để chết”!
Trong bài “tam giác căn cứ quân sự Du Lâm-Vũng Áng-Cửa Việt” (BVN, 2/3/2014) tác giả Nguyễn Hữu Quý cho rằng việc tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) quyết định rút khỏi dự án thép 5 tỉ USD tại Vũng Áng (năm 2014) và việc tập đoàn Formorsa quyết định tăng quy mô dự án thép của họ lên 28,52 tỷ USD hầu như chắc chắn có bàn tay của Trung Quốc. Họ muốn gạt Ấn Độ ra khỏi địa bản này và mua lại cổ phần Formosa để thao túng Vũng Áng. Theo nhiều nguồn tin, Formosa đã bán lại cổ phần tại Vũng Áng cho Trung Quốc.
Formosa Ha Tinh (Cayman) Limited được thành lập và mua lại 100% cổ phần của FHS. Các cổ đông của FHS thay vì sở hữu trực tiếp thì nay sở hữu gián tiếp qua Formosa Ha Tinh (Cayman) được thành lập tại quần đảo Cayman (một thiên đường trốn thuế nổi tiếng trên thế giới). Việc tái cấu trúc sở hữu giúp các cổ đông của FHS có thể mua/bán cổ phần dễ hơn…Theo Taipei Times (28/9/2013) Formosa Plastics Group (FPG) chỉ còn nắm 59% cổ phần của Formosa Hatinh Steel thông qua 4 công ty con là Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp và Formosa Petrochemical Corp, mỗi công ty con này đã giảm sở hữu cổ phần từ 21,25% xuống 14,75%. Việc chuyển nhượng cổ phần này diễn ra một cách mờ ám. Một quan chức Formosa Hà Tĩnh cho biết, tất cả nhân viên của Formosa Hà Tĩnh đều bị cấm đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc chuyển nhượng cổ phần nói trên…
Việc người Việt Nam (kể cả cơ quan chức năng) không được tự do ra vào dự án của Đài Loan (hay của Trung Quốc) tại khu kinh tế Vũng Áng, để kiểm tra và giám sát an toàn môi trường, đã bộc lộ những ý đồ bí mật của Trung Quốc. Formosa Hà Tĩnh không chỉ là một dự án có nhiều rủi ro tiềm ẩn về môi trường mà còn có nhiều rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc phòng. Nó đang trở thành một đặc khu bất khả xâm phạm (như nhượng địa) được “Hán hóa” ngay tại Việt Nam. Có lẽ vì nhận thấy nguy cơ về an ninh quốc gia tại vị trí xung yếu này, ngày 21/02/2014, Bộ Quốc Phòng đã nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng-Sơn Dương. Nhưng qúa ít và quá muộn (Too little too late)!
01/05/2016
Nguyễn Quang Dy
Viet-studies
Tài liệu tham khảo
- “Chuyện bé như hạt gạo hay thảm họa quốc gia: Nguy cơ ngộ độc kim loại nặng ven biển miền Trung và những tác hại lâu dài”, Gs.Ts Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, USA), Thiều Mai Lâm (Đại học Virginia, USA), ThS. Trần Thị Thanh Thỏa (Đại học Tokyo, Japan), Vietnam Journal of Science, April 26, 2016.
- “Thảm họa biển Miền Trung: Một cái nhìn toàn cảnh”, FB Lãng Anh, 23/4/2016
- “Phải mở chuyên án điều tra nghi vấn phá hoại môi trường”, PetroTimes, 25/4/2016
- “Formosa Hà Tĩnh và 5 tai tiếng để đời ở Việt Nam”, Café F, 25/4/2016
- “Campuchia từng gửi trả Formosa chất độc”, BBC, 25/4/2016
- “Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm”, Dân trí, 26/4/2016
- “Việt Nam trước thảm họa môi trường”, RFA, 29/4/2016
- “Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc”, Người Đô Thị, 29/4/2016
- “Formosa hủy hoại môi trường khắp thế giới”, Đại Kỷ Nguyên, 30/4/2016
- “Bộ trưởng Trần Hồng Hà buộc Formosa đưa ống xả thải lên”, Tuổi Trẻ, 30/4/2016
- “Từ hiểm họa đến vực thẳm”, Tô Văn Trường, BVN, 1/5/2016
- “Vì sao cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung”, Nguyễn Minh Quang, BVN,1/5/2016
- “Thảm họa môi trường miền Trung và câu hỏi về một số quy chuẩn VN”, FB Phạm Hồng Phong, 1/5/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét