Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị xử lý: kết cục của một kẻ tận trung với TQ - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị xử lý: kết cục của một kẻ tận trung với TQ

ad728
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói chuyện với các phóng viên sau một cuộc họp báo ở Hà Nội, 4/8/2015.

Truyền thông nhà nước hôm 3/11 vừa qua đồng loạt đưa tin: cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Đồng thời, Ban Bí thư còn đề nghị bên Chính phủ, Quốc hội cùng chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính với ông Vũ Huy Hoàng đồng bộ với kỷ luật Đảng.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định, nếu không tìm ra được một “con dê” nào để “tế thần” thì e rằng nó sẽ như quả bóng bị xì hơi. Và cho dù đã về hưu được mấy tháng nhưng một cựu bộ trưởng như ông Vũ Huy Hoàng vẫn được xếp vào diện “hổ nhỡ”.

Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của TBT Nguyễn Phú Trọng được cho là lấy “cảm hứng” từ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc dưới “triều đại” Tập Cận Bình. Ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật thân Tàu đến mức hầu như ai ai cũng biết, và bản thân ông ta cũng chẳng thèm che dấu điều đó. Trong đoàn quan chức tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9/2016 có sự hiện diện của ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Việc một Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có mặt trong phái đoàn của Tổng Bí thư công du nước ngoài là chuyện bình thường, nhưng việc ông ta hiện diện trong phái đoàn của Thủ tướng là điều bất thường, xưa nay chưa từng xẩy ra. Ông Trần Quốc Vượng được coi là cánh tay mặt của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo hai nước.

Vì vậy, người ta có cơ sở để tin rằng việc ông Vũ Huy Hoàng bị xử lý là có sự đồng thuận, nếu không muốn nói là sự chỉ đạo, của Bắc Kinh. Và theo một số người, chẳng hạn như blogger Người Buôn Gió, lý do là vì ông Vũ Huy Hoàng nằm dưới trướng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (một nhân vật được cho là “thân Mỹ”, “bài Tàu”), đồng thời là người thay mặt chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do đó, ông ta là đối tượng mà Bắc Kinh cũng như đám tay sai ở Việt Nam muốn trừng trị. Tuy nhiên, thực tế thì thế nào? Liệu ông Vũ Huy Hoàng có phải là một nhân vật có tư tưởng chống Trung Quốc hay không?

Ông Vũ Huy Hoàng được Quốc hội khoá XII phê chuẩn làm Bộ trưởng Công Thương từ ngày 2/8/2007 và chính thức rời khỏi chiếc ghế này từ ngày 8/4/2016. Trong cơ cấu bộ máy chính phủ ở Việt Nam, Bộ Công Thương là một bộ trọng yếu, quán xuyến hai lĩnh vực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là công nghiệp và thương mại. Trong các cuộc gặp giữa các bộ trưởng kinh tế các nước thì đại diện của chính phủ Việt Nam chính là Bộ trưởng Công Thương. Chừng đó đủ cho thấy vai trò của Bộ trưởng Công Thương đối với nền kinh tế Việt Nam.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc thể hiện rõ nét nhất qua số liệu xuất nhập khẩu giữa hai nước, lĩnh vực thuộc quyền quản lý của ông Vũ Huy Hoàng. Vậy trong gần 9 năm làm Bộ trưởng Công Thương ông Vũ Huy Hoàng đã thể hiện tinh thần “bài Tàu” như thế nào?

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 – 2015. (Số liệu do tác giả tập hợp và tính toán từ niên giám thống kê 2000 – 2012 và báo chí nhà nước.)

Năm 2007, năm ông Vũ Huy Hoàng bắt đầu ngồi lên chiếc ghế Bộ trưởng Công Thương, đánh dấu sự gia tăng đột biến của kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc: kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 72% so với năm 2006; nhập siêu từ Trung Quốc tăng 118,5% so với năm 2006; tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 16,5% lên 20,3%. Từ năm 2008 đến 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến gần 33 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2006, còn tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến gần 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu (tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu hầu như không thay đổi qua các năm, luôn xấp xỉ 10%). Gần 9 năm dưới thời Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Việt Nam gần như trở thành thị trường độc quyền của hàng hoá “made in China”.

Chưa hết, Bộ Công Thương cũng là bộ chủ quản của hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, mà hầu hết trong số đó đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Xin đơn cử, ngành công nghiệp xi măng với 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

Trong bài “Phải truy cứu hình sự cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng” ngày 24/4/2016, TS kinh tế Phạm Chí Dũng khẳng định ông Vũ Huy Hoàng là một trong những kẻ tận trung với giặc, nối giáo cho Trung Quốc, và “cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng còn phải chịu trách nhiệm về một thực tế quá khốn quẫn: Nền kinh tế và sản xuất của Việt Nam đã phụ thuộc ghê gớm vào Trung Quốc”.

TPP được coi là chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh nợ công đã tăng đến ngưỡng báo động, ngân khố trung ương ngày càng cạn kiệt, còn động lực tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ thì càng lúc càng đuối sức. Việc ông Vũ Huy Hoàng ký kết TPP chỉ thuần tuý là vấn đề thủ tục, hiện thực hoá ý chí của ban lãnh đạo Việt Nam dưới áp lực của cả nền kinh tế, nên không thể coi đó là bằng chứng về tư tưởng “bài Tàu” của ông ta.

Tóm lại, việc cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị “lên thớt” là kết cục của một Hán nô trung thành, tận tụy: khi đã hết thời cung cúc phục vụ các ông chủ Trung Nam Hải thì bị biến thành con dê tế thần hầu giúp gỡ gạc “uy tín” và đánh bóng "tên tuổi" cho ông trùm Hán nô ở Việt Nam.

Lê Anh Hùng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages