Trung Quốc đã bắt đầu công trình nạo vét, bồi đắp vào đầu năm nay ở đảo Bắc (North Island), cách Phú Lâm khoảng 12 cây số về phía bắc. Phú Lâm là nơi Trung Quốc có một căn cứ quân sự và năm nay đã đặt giàn hỏa tiễn địa đối không.
Ảnh vệ tinh chụp hồi tháng Hai và Ba cho thấy tàu nạo vét đang hoạt động để xây dụng một cây cầu cát dài 700 mét nối đảo Bắc với đảo Trung (Middle Island) lân cận.
Tuy nhiên, hình ảnh chụp được sau 2 trận bão lớn thổi qua khu vực vào tháng 10, cho thấy hầu như toàn bộ dải cát hẹp đã bị quét đi.
Trung Quốc đã không bình luận về công trình ở đảo Bắc, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi của Reuters.
Toàn bộ Hoàng Sa đã bị Trung Quốc kiểm soát sau trận hải chiến năm 1974 với Hải Quân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo này được cho là có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đội tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ở Hải Nam.
Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền sở hữu của họ từ xa xưa. Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 08/12/2016, nước này đã long trọng kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay Nhật Bản.
Trang tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV nhắc lại rằng trong hai tháng 11 và 12 năm, chính quyền Trung Quốc thời đó đã phái 4 chiếc tàu đến tiếp quản hai quần đảo mà họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) đã bị Nhật Bản chiếm đóng.
Cần nối rõ, chính quyền Trung Quốc thời năm 1946 là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, chứ không phải là chính quyền của đảng Cộng Sản như từ năm 1949 đến nay.
Trọng Nghĩa
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét