Tin đồn đổi tiền: Khi nào Việt Nam có thể đổi tiền? - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Tin đồn đổi tiền: Khi nào Việt Nam có thể đổi tiền?

ad728
Có lửa mới có khói. Không loại trừ những thông tin bàn bạc trong nội bộ Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về kịch bản đổi tiền cho những năm tới đã bị tiết lộ ra ngoài, rơi vào tầm ngắm của các nhóm đầu cơ.

Tin đồn đổi tiền: Khi nào Việt Nam có thể đổi tiền? (Ảnh minh họa: Nguồn tư liệu)

Có lửa mới có khói

Cho dù Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chính thức bác bỏ tin đồn xuất hiện vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm nay về việc cơ quan này sắp cho đổi tiền, nhưng thị trường và xã hội vẫn không bớt bị ám ảnh về một tương lai tiền đồng trượt giá thê thảm.

Bằng chứng đang hiển hiện là bất chấp thị trường bất động sản từ Bắc chí Nam vẫn tồn kho vài ba chục ngàn căn hộ cùng đất nền bao la, vẫn xuất hiện một dòng tiền chảy vào khu vực này trong những tháng qua. Bằng chứng rõ ràng hơn là xu hướng người dân đã rút tiền gửi tiết kiệm để mua đất đang tăng dần với lý do hết sức đơn giản “Ôm đất thì đất còn đó, chứ giữ tiền thì chẳng biết còn lại được bao nhiêu”.

Đã từ lâu, chẳng có mấy người tin vào Ngân hàng nhà nước bởi cơ quan này đã quá nhiều lần bất nhất về “sáp nhập ngân hàng”, “giảm nợ xấu ngân hàng”, “giảm lãi suất cho vay”…, và còn nhiều dấu hiệu Ngân hàng nhà nước liên quan mật thiết với các nhóm lợi ích ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản và ngoại tệ.

Cách đây 30 - 40 năm, đã vài lần Ngân hàng nhà nước kiên định bác bỏ tin đồn đổi tiền, nhưng sau đó việc đổi tiền vẫn xảy ra và làm tuyệt đại đa số dân chúng hụt hẫng, khiến đời sống bị đảo lộn một thời gian khá dài.

Trong vòng gần 4-5 năm trở lại đây, vào một số lần thị trường chứng khoán hay bất động sản được giới đầu cơ nhăm nhe “đánh lên”, từ một ngóc ngách tối đen nào đó lại bùng ra tin đồn đổi tiền. Cho dù Ngân hàng nhà nước bao giờ cũng lên tiếng phủ nhận tin đồn này, nhưng mọi việc vẫn quá trễ: nhóm “cá mập” đã ăn đủ khi xả hàng lên đầu những kẻ ngờ nghệch.

Còn lần này thì sao?

Có lửa mới có khói. Không loại trừ những thông tin bàn bạc trong nội bộ Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về kịch bản đổi tiền cho những năm tới đã bị tiết lộ ra ngoài, rơi vào tầm ngắm của các nhóm đầu cơ.

Một trong những nhóm đầu cơ đang tỏ ra hưng phấn là nhóm “đánh lên” USD và vàng.

Trong những ngày qua, giá USD trong ngân hàng và chợ đen bất thần tăng mạnh, được lý giải là “tăng theo thế giới”. Còn giá vàng trong nước thêm một lần nữa chênh cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 4 triệu đồng. Nhưng cứ nhìn vào cách ứng xử mập mờ và bất nhất của Ngân hàng nhà nước, nhiều người nhận ra đợt tăng USD và vàng lần này là một cú “đánh lên” của “nhà cái”.

Một lần nữa giới quan chức lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước tuyên bố “quyết tâm chính trị” về việc sẽ tung quỹ dự trữ ngoại hối đến 40 tỷ USD để cân bằng thị trường ngoại tệ, song giá USD chợ đen đã vọt mạnh qua mốc 23.000 đồng/USD.

Chẳng ai lạ gì xứ Việt Nam thời tư bản hoang dã. Bối cảnh kinh tế đang suy yếu và suy sụp, các thị trường chứng khoán, bất động sản hầu như tê liệt. Chỉ còn vàng và USD. Nếu không “đánh lên” USD và vàng thì nguyên năm 2016 sẽ chẳng làm ăn được gì.

Tháng 8 năm 2015 cũng có một đợt “đánh lên” USD và vàng, và theo một quy luật nào đó thì mỗi năm cần phải tạo ra một đợt tăng giá giả tạo.

Rất có thể nhóm đầu cơ USD đã lợi dụng kịch bản đổi tiền để tung tin đồn đổi tiền, khiến thị trường ngoại tệ xáo động mạnh và làm cho bà con nháo nhào đổ tiền đồng ra để mua USD và vàng.

Những vớt vát cuối cùng

Niềm an ủi duy nhất dành cho chút uy tín còn lại của Ngân hàng nhà nước khi thông báo bác tin đổi tiền là khách quan mà xét, hiện thời chưa có lý do nào đủ thuyết phục để đổi tiền.

Lý do cấp bách nhất để tiến hành đổi tiền là mức độ trượt giá ngoài tầm kiểm soát của đồng nội tệ so với ngoại tệ mạnh. Trong hai đợt đổi tiền năm 1978 và năm 1986, lạm phát ở Việt Nam đều tăng vọt từ 50% đến 700%. Chiến dịch “giá - lương - tiền” được chủ xướng bởi Tố Hữu - một nhà thơ đi làm chính trị và tệ hơn nữa là điều hành kinh tế - đã khiến cả xã hội kinh hoàng. May mà hồi đó mới “giải phóng” nên vị thế của những người cộng sản vẫn chưa mấy suy suyển, chứ nếu thời này mà lạm phát vài trăm phần trăm và lại cộng thêm một ủy viên Bộ Chính trị như Tố Hữu thì không biết sự thể sẽ hỗn loạn đến đâu.

Còn hiện thời, tình hình vẫn tạm nằm trong vòng tay kiểm soát của chính quyền. Trừ năm 2011 là thời điểm mà chính quyền buộc phải thừa nhận tỷ lệ lạm phát đã lên gần 20% (trong khi mặt bằng giá cả thực tế lên ít nhất gấp rưỡi), mức lạm phát năm 2016 chỉ khoảng 5% (theo báo cáo của chính quyền).

Tuy nhiên theo ước tính thực tế của một số chuyên gia độc lập cùng các bà nội trợ phải đi chợ hàng ngày, mức trượt giá của đồng Việt Nam có thể lên đến 30% trong năm 2016.

Tuy thế, 30% vẫn chưa phải là cái gì quá đáng, cho dù vì thế mà tăng trưởng GDP thậm chí có thể âm dữ dội. Một trong những sở đoản của Ngân hàng nhà nước là cần thiết thì in tiền, và càng cấp bách thì in càng nhiều tiền. Không phải ngẫu nhiên mà sau lời than thở chưa từng có của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015: “Ngân sách chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”, từ đầu năm 2016 đến nay nhiều cán bộ hưu trí cho biết họ nhận lương hưu bằng tiền mệnh giá 500 ngàn đồng mới cứng, chắc chắn chưa qua lưu hành. Cũng nhiều người chắc mẩm là loại tiền này chỉ mới được in ra cấp thời.

Không có gì lạ, trong lúc các báo cáo vẫn cố “nén” mức lạm phát dưới 5%, giá cả nhiều mặt hàng ngoài chợ vẫn tăng đều đặn từ 30 - 50% mỗi năm. Thậm chí vào những thời điểm xảy ra bão lũ hoặc có tin tăng lương cơ bản cho công nhân viên chức, chợ búa lại như sốt hàng với những cú nhảy vọt gấp đôi.

Nhưng với Ngân hàng nhà nước, vẫn còn một yếu tố nữa để có thể giúp đôi chút cho nhiệm vụ “bình ổn tỷ giá”, đó là kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng đến 40 tỷ USD. Tuy con số 40 tỷ USD này vẫn chưa hề được Ngân hàng nhà nước công khai về kết cấu của nó (bao nhiêu USD, bao nhiêu vàng, bao nhiêu trái phiếu quốc tế…), song đây là một yếu tố tâm lý mà không làm cho thị trường ngoại tệ quá khan USD, do đó có thể duy trì nhiệm vụ “kềm chế lạm phát”.

Khi nào đổi tiền?

Nhưng kho dự trữ ngoại hối quốc gia không phải là bất biến, càng không phải là cái thùng không đáy.

Vào cuối năm 2015, kho dự trữ này đã tuột từ 38 tỷ USD xuống còn 30 tỷ USD. Dù Ngân hàng nhà nước không dám đưa ra bất kỳ giải thích nào cho hiện tượng “không cánh mà bay” này, nhưng rất nhiều người nghi ngờ về tình trạng thâm lạm và cạn kiệt ngân sách đã khiến Chính phủ phải vay mượn vô tội vạ từ quỹ dự trữ ngoại hối. Một trong những bằng chứng hiển nhiên lộ ra từ cơ chế vay mượn này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ đạo Bộ Tài chính vay 1 tỷ USD từ Ngân hàng nhà nước để “bù đắp khó khăn ngân sách”.

Thế nhưng từ năm 2014, quỹ dự trữ ngoại hối đã không còn được chia năm xẻ bảy thoải mái như trước. Từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã thực sự bước vào nhiệm vụ chuyên trách trả nợ nước ngoài. Nhiều khả năng trong nguyên năm 2016, Ngân hàng nhà nước phải “gom” USD từ các ngân hàng thương mại và nguồn trôi nổi trên thị trường để có đủ 12 tỷ USD trả nợ cho các chủ nợ quốc tế và trong nước theo đúng lịch thanh toán.

Trong lúc đó, kinh tế Việt Nam lại đang đối mặt với đủ vấn đề: nợ công, nợ xấu, ngân sách và lạm phát.

Nhưng nếu lạm phát những năm sau vẫn tiếp tục tăng đều đặn như năm 2016, khả năng đổi tiền có thể xuất hiện vào cuối năm 2017 hoặc sang năm 2018.

Mà kịch bản lạm phát vượt mặt lại khá dễ xảy ra. Chưa xét đến xu thế tăng dần, lập kỷ lục và có vẻ khá ổn định của đồng đôla Mỹ, cú trượt giá về đáy 8 năm của đồng Nhân dân tệ mà do đó đồng Việt Nam bắt buộc phải bị trượt giá theo, tình trạng suy thoái kinh tế còn lâu mới ngóc đầu lên được ở Việt Nam sẽ khiến các khu vực sản xuất và kinh doanh tiếp tục đình trệ, nguồn thu thuế từ doanh nghiệp và từ dân giảm mạnh, càng sinh thêm nạn in tiền bừa bãi và kích thích lạm phát. Trong quang cảnh đó, nếu hệ thống ngân hàng bị bùng vỡ một bộ phận và tệ hơn nữa là dẫn đến phản ứng dây chuyền trong phần lớn hệ thống này, sẽ không còn gì có thể kìm giữ tương lai của khủng hoảng kinh tế.

Khi đó, đổi tiền sẽ chỉ là một trong những “nhiệm vụ cấp bách” phải làm, nhưng có khi chỉ là “chuyện nhỏ” nếu so sánh với “nguy cơ tồn vong của chế độ” như nỗi lo lắng khôn nguôi của Tổng Bí thư Trọng và ê kíp “tư bản cuồng nhiệt” của ông…

Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages