hái trộm bưởi của bà! |
Chính vì hung dữ như vậy mà cụ ông cũng là nạn nhân của bà. Ông Kiên mặc dù là chồng nhưng cũng chỉ đóng vai trò là nhân vật thứ hai trong gia đình, còn bà mới là số một. Hai ông bà chỉ có mỗi cô con gái lấy chồng xa, thi thoảng mới về thăm bố mẹ, còn ngày thường thì hai ông bà ở với nhau. Lẽ ra như vậy thì vợ chồng già phải thương yêu và đùm bọc lấy nhau, nhưng giữa hai ông bà lại thường xẩy ra chiến tranh. Đó là những cuộc vùng lên khởi nghĩa của ông để chống lại ách áp bức quá đáng do bà áp đặt. Có áp bức thì có đấu tranh, âu đó cũng là quy luật và lẽ thường của cuộc đời này. Vì vậy mà người ta thường xuyên nghe tiếng chửi bới, rồi tiếng đập phá loảng xoảng trong nhà ông bà. Ở đây thì điều đó đã trở thành thông lệ, mỗi khi có cuộc chiến giữa hai ông bà thì người ta lại chép miệng bảo nhau:
- Vợ chồng ông Kiên lại lên đồng đấy!...
Ông Kiên trước đây là một cán bộ bên ngành lương thực của nhà nước. Ông đi làm xa, vì vợ chồng bất hòa nên ông ở lại cơ quan luôn, thi thoảng mới về thăm nhà. Ở cơ quan thì ông là người bộc trực, vì thế mà trở thành cái gai trong mắt những kẻ có chức quyền. Ông thường xuyên tố cáo những hành vi tham nhũng và việc làm sai trái của ban lãnh đạo. Đám quan tham này hận ông lắm, vì thế bàn với nhau kiểu gì cũng phải bứng ông đi chỗ khác hoặc tìm cách mà kỷ luật ông. Và rồi cơ hội hất cẳng ông Kiên cũng đến. Ấy là lần ông viết đơn lên cấp trên, tố cáo tay trưởng phòng và bộ sậu của hắn ta lợi dụng chức quyền để ăn bớt tiền xây dựng trụ sở cơ quan. Nhận được đơn tố cáo của ông, cấp trên cử đoàn thanh tra về để xem xét. Nào ngờ đám thanh tra này lại cùng phe cánh với tay trưởng phòng, vì vậy mà họ bao che cho nhau. Ban thanh tra kết luận không có việc ban lãnh đạo lạm dụng chức vụ để tham nhũng, vì thế mà đương nhiên ông Kiên trở thành kẻ vu khống và nói xấu lãnh đạo. Một cuộc họp cơ quan được triệu tập khẩn cấp, mà nội dung là để kỷ luật ông. Nhân dịp này, đám tay chân thân tín của tay trưởng phòng đấu tố cho ông đến nổi không còn mảnh giáp. Sau những lời chỉ trích và lên án gay gắt mà ban lãnh đạo chụp mũ, thì ông phải gánh chịu mấy tội danh sau: Làm mất đoàn kết nội bộ cơ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, vu khống lãnh đạo...và nhiều nhiều tội nữa mà ông không thể nhớ hết. Kết quả là ông phải gánh một mức án kỷ luật nặng nhất: Kỷ luật đảng và cho thôi việc (mà thời đó thường gọi một cách ví von và lịch sự là nghỉ mất sức, nghỉ hưu non). Và rồi cứ thế ông khăn gói về quê, không một chút luyến tiếc nào, biết làm sao được – thời buổi như thế mà. Điều ông phải dụng tâm nhiều nhất là hằng ngày phải đối mặt với bà vợ dữ dằn vốn bất hoà bấy lâu nay. Và quả là như thế thực, cuộc chiến giữa hai ông bà không lúc nào ngớt như một món nợ truyền kiếp vậy. Nhưng cũng từ đó mà ông trở nên nghiện rượu, đi đâu người ta cũng thấy ông cầm theo cái chai để mua rượu.
Lũ trẻ con trong xóm vừa reo hò vừa chạy theo chú Phước tiên tri để nghe đọc những lời sấm truyền bí ẩn. Chúng chẳng hiểu gì những câu sấm, nhưng nghe chú đọc hay như đọc thơ nên thích lắm. Chú Phước với dáng vẻ thất thểu, một bên ống quần thì xắn lên tận đầu gối, ống quần bên kia thì rách tả tơi, vừa đi vừa đọc to những lời mà người ta vẫn gọi là sấm truyền:
“Gió đông xuất hiện
Vàng xanh rợp trời
Sắc Đỏ hết thời
Lùi vào bóng tối
Hiện lên từ biển
Mặt trời hồng tươi
Hết thảy mọi người
Nhà nhà hạnh phúc...”
Tiếng sấm truyền vang lên đều đều như lời của một thầy phù thủy cao tay đang phù phép vậy. Chú Phước đi đến đâu thì lũ trẻ chạy theo đến đấy, đoàn người cứ thế rồng rắn nhau đi khắp xóm làng. Sau mỗi lời sấm thì lũ trẻ con lại reo lên: “Hê hê hê...” để phụ hoạ. Cảnh tượng thật là náo động.
Gió Đông |
Ngày thường thì chú Phước cũng tỉnh táo, chỉ khi nào thời tiết thay đổi thì chú mới phát bệnh. Vì thế mà chú hiểu nội tình hoàn cảnh gia đình ông Kiên. Người được chú dành thiện cảm ủng hộ là ông Kiên, còn bà thì được chú ví như gian thần Tào Tháo vì luôn ức hiếp ông. Còn đám cán bộ xã thì khỏi phải nói, ngán chú đến tận cổ vì cứ gặp tay nào ra dáng cán bộ là chú lại chửi tục và chạy theo ném đá. Vì thế mà chú trở thành khắc tinh của đám cán bộ, hễ cứ gặp chú là phải đi vòng tránh đường khác vì sợ bị mất mặt và ném đá.
Tiếng bà Kiên hét lên giận giữ, liền sau đó là tiếng ông:
- Ông đập nát cái nhà này cho mà coi, thì cút này, cút này...
Liền sau đó là tiếng loảng xoảng đổ vỡ, tiếng búa đập chan chát vào cửa. Lại tiếng bà Kiên:
- Ối giời đất ơi, ông Kiên ông ấy phá nhà tôi!...
Lần này thì có vẻ ông Kiên thắng thế, tiếng ông át cả tiếng bà:
- Ông đốt nhà, ông thì đốt nhà cho mà xem!
Thằng bé Giang trạc hơn mười tuổi, nhà ở gần đó, nghe ông Kiên nói như vậy liền ba chân bốn cẳng chạy sang nhà ông. Vừa hổn hển thở nó vừa hỏi:
- Ông Kiên ơi, khi nào thì ông đốt nhà?
Nó tưởng ông Kiên đốt nhà thật, và tưởng tượng ra cảnh lửa cháy bùng bùng như trong những cuốn phim màu truyện chiến đấu của Liên Xô mà nó được xem. Bởi vậy mà nó thích lắm và mong cho ông đốt nhà để xem. Ông Kiên đang nổi khùng cũng phải phì cười trả lời nó:
- Mai ông đốt, khi nào ông đốt thì sang mà xem...
Thằng Giang nghe ông nói vậy thì yên tâm, trước khi ra về nó còn ngoảnh lại dặn ông:
- Mai ông nhớ đốt nhà đấy nhé!
Vì tức cười với sự ngây thơ của trẻ con mà ông Kiên dừng cuộc chiến, tiếng đập phá và la hét cũng ngưng bặt.
Lúc này từ trong nhà, chú Phước nhìn qua cửa sổ vừa vỗ tay vừa đọc:
“Muốn thắng Tào Công
Phải dùng hoả công
Muôn việc đều đủ
Chỉ thiếu gió Đông”.
Rồi chú lại vỗ tay: Hê hê hê...để mà phụ hoạ. Thì ra chú cũng ủng hộ ông Kiên đốt nhà để cho bà vợ dữ tợn biết mặt.
- Chỉ tuyên truyền cho quân tham nhũng thì tài, không thấy tuyên truyền nổi khổ của dân bao giờ cả!...
“Gió đông xuất hiện
Vàng xanh rợp trời
Sắc Đỏ hết thời
Lùi vào bóng tối...”
27.6.2012
© Minh Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét