Tư duy Tàu chống Tàu - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Tư duy Tàu chống Tàu

ad728
Note này là để nói thêm cho cái status của tôi hôm qua nhận xét về bài “Xin đừng quăng quật” bên blog “Dr. Nikonian”. Cái status viết, “[tôi] thật sự lo ngại với những bài viết như thế này. hãy khoan nói đến các yếu tố lịch sử (được nhào nặn qua lăng kính của chủ nghĩa dân tộc), kích động sự thù hận, ngay cả khi nhân danh bảo vệ quyền lợi quốc gia, không bao giờ là điều nên khuyến khích.
Chủ nghĩa dân tộc. ..ảnh nguồn ekantipur.com
Các bạn ST, TH, và DN có ý kiến phản hồi, cho rằng tôi không có lý do gì phải lo ngại cả. Các bạn là những người mà tôi rất quý mến. Tôi thấy mình nên viết vài dòng, nếu không để hiểu nhau hơn thì chí ít cũng là để nói thêm điều mình muốn nói. Tôi chưa có dịp được quen biết blogger “Dr. Nikonian” nhưng đọc qua những bài viết trên trang web, tôi thật sự cảm mến tác giả. Cái note này nếu có phê bình tác giả đôi điều thì cũng chỉ là mượn một vài đoạn trong bài viết rất hay đó để minh họa cho vài ý tưởng của tôi thôi. Tôi có thể mượn một bài viết khác, của người khác, nhưng câu chuyện bắt đầu từ bài viết này thì thôi cứ tạm mượn bài viết này đi. Nếu có lúc nào đó có dịp được gặp, xin rót một ly rượu tạ tội với tác giả.

Bài viết có ba phần, phần đầu là hình ảnh của lá thư Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Chơn gởi bà quả phụ Lê Kim Chiêu sau khi chồng bà, Đại úy Thạch, cùng đồng đội trên chiến hạm Nhật Tảo hy sinh trong trận chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ở Hoàng Sa năm 1974. Tác giả nhắc lại những kỷ niệm thời niên thiếu trong những ngày sôi động đó cũng như những sự kiện của năm năm sau, 1979, khi Trung Quốc lần nữa xua quân xâm chiếm biên giới phía Bắc. Phần cuối là những xác tín niềm tin và tình yêu của tác giả đối đất nước. Tác giả hứa nguyện sẽ xuống đường làm nhân chứng cho niềm tin và tình yêu đó.

Nếu bài viết này chỉ dừng lại ở hai phần này thôi thì đây là một bài viết tuyệt vời. Nó chứa đựng đầy đủ những điều cần nói - ký ức, niềm tin, tình yêu đối với đất nước - và được nói một cách chân thành, súc tích, và đầy nhiệt huyết. Nhưng rất đáng tiếc, cũng như sự đáng tiếc thường thấy trong các bài viết có cùng chủ đề, tác giả vay mượn những ý tưởng đã được cái khuôn thước ý thức hệ dân tộc nhào nặn từ gần một thế kỷ qua. Sự vay mượn này hoàn toàn không cần thiết vì không có nó bài viết của tác giả cũng đã đầy đủ. Nhưng sự hiện diện của chúng tố cáo một lối mòn tư duy mà ở thời đại của chúng ta, khi chúng ta cùng lúc đang đấu tranh cho tự do và công lý, đã trở nên nguy hiểm. Tình trạng khuất lấp đối với những ý tưởng nguy hiểm này có lẽ bắt nguồn từ những nhu cầu chính trị xã hội ngắn hạn như kêu gọi biểu tình phản đối nhà nước độc tài hay thế lực ngoại xâm chẳng hạn. Ý tưởng, như những hạt giống, một khi đã nảy mầm và phát triển thì chúng có cuộc sống riêng của chúng. Là nạn nhân triền miên của những ý tưởng độc hại, hơn ai hết, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta sẽ trả một giá rất đắt cho thái độ thỏa hiệp với mầm mống của các ý tưởng nguy hiểm. Hãy đi vào phần hai của bài viết để xem tác giả nói gì.
Ghét Tàu thì không cần cố gắng và tranh luận. Khác với những nền đô hộ mà sự xâm lược luôn đi kèm với một chút khai sáng, 10 thế kỷ đô hộ của người Tàu trên đất nước hình chữ S không hề mang lại điều gì tốt đẹp, trừ công khai hóa về nông nghiệp của Sĩ Nhiếp. Tàn ác như thực dân Pháp mà còn có được Viện Viễn Đông Bác cổ, hội Đô thành hiếu cổ… để nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa của chính dân tộc mà họ đô hộ. Đó là chưa kể Trường Đại học Y Hà nội, Trường Mỹ thuật Đông dương… đã để lại trong lịch sử Việt nam những cái tên sáng chói của những trí thức Tây học ngang tầm thế giới.
Một đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc các loại là cố gắng nhào nặn lịch sử cho phù hợp với khuôn thước và nhu cầu đương đại. Nhưng ngay ở đây, sự nhào nặn lại quá vụng về. Người Pháp không chỉ đem lại cho Việt Nam các trường đại học hay những gương mặt học thuật sáng giá như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Chính qua người Pháp chúng ta đã được làm quen với những ý tưởng đầu tiên về bình đẳng và tự do, về quyền và chủ quyền quốc gia, về dân tộc và độc lập, về nhà nước và mô hình nhà nước-quốc gia, về hàng loạt những khái niệm khác làm nền tảng cho tư duy chính trị đương đại. Tương tự, những triều đại đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc của Đại Việt được đặt trên khuôn mẫu chính trị của kẻ đô hộ phương Bắc. Những cuộc khởi nghĩa trước đó của Lý Bí, của Dương Đình Nghệ, của Ngô Quyền cũng hoàn toàn dựa trên tư duy chính trị phương Bắc. Nền “văn hiến chi bang” mà chúng ta ngày nay vẫn tự hào cũng là kết quả của sự chung đụng với văn minh phương Bắc. Có thể nói, chính cái tư duy chính trị vương quyền chúng ta học được từ kẻ đô hộ đã giúp cho quốc gia Việt Nam hiện đại có một lãnh thổ thống nhất từ Nam Quan (nay đã mất) đến Cà Mau, dù rằng chúng ta đã làm điều đó trong sự hủy diệt đối với văn hóa thiểu số. Cha ông chúng ta chống Hán xâm lược nhưng chưa bao giờ từ chối không gian văn hóa Hán. Thái độ thù nghịch với lịch sử và văn hóa Hán chỉ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.

Xin đọc tiếp,
Còn người Tàu ư? Có dân tộc nào thâm hiểm đến độ đốt sách, chôn nho sĩ… để tuyệt diệt cội rễ văn hóa của dân tộc chúng ta như họ? Có kẻ xâm lăng nào tham lam đến độ ngoài các sản vật thời trân của đất nước, còn bắt cha ông ta phải tiến cống cả danh sĩ, mỹ nữ…, những nguồn gene ngoại hạng của đất nước sang Tàu? Và dù mê tín, cột đồng mà Mã Viện dựng lên với lời nguyền độc địa “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” là khẳng định chắc chắn nhất của dã tâm tuyệt diệt trăm họ Bách Việt trên đất nước chúng ta.
Trong một xã hội văn minh, những lời kêu gào thống thiết ở đoạn văn trên có thể bị coi là những kích động hận thù. Một phần chúng vẫn là thói quen nhào nặn các sự kiện lịch sử cho phù hợp với nhu cầu tập quần của chính trị đương đại, phần khác là tập quán đẩy các khái niệm dân tộc/chủng tộc đi đến tận cùng của sự phân hóa mà kết quả của nó không có gì khác hơn là sự xung đột giữa các cộng đồng quốc gia. Nếu cuộc đốt sách của Minh Vĩnh Lợi đối với Đại Việt được coi là “tuyệt diệt cội rễ văn hóa” thì hành xử của các triều đại Đại Việt đối với Champa phải được coi là gì? Sự hủy diệt đối với các triều đại trước bởi các triều đại sau của Đại Việt/Việt Nam, mà gần đây nhất là hành xử của những người thắng trận miền Bắc đối với người anh em bại trận miền Nam sau cuộc chiến 1975 phải được coi là gì? Đoạn văn trên là bằng chứng thường thấy của sự lựa chọn và kiến giải các sự kiện lịch sử có chủ định để cám dỗ niềm đam mê hoang dã mang tính bộ lạc của chủ nghĩa dân tộc.

Và cuối cùng, vẫn là một tâm thức kiêu ngạo đầy mặc cảm tự ti. Hãy đọc tiếp,
Với những ký ức ghê sợ như thế, đừng ngạc nhiên khi thấy não trạng đề kháng ngoại xâm đã là một phần của căn tính Việt. Vì sao dân tộc chúng ta có thể tồn tại mà không bị đồng hóa sau 10 thế kỷ dưới ách một dân tộc hung hãn như vậy, tự nó là một phép lạ lịch sử ngoại hạng và chưa từng có ở bất cứ dân tộc nào khác.
Ở đây tư duy dân tộc chủ nghĩa bộc lộ trọn vẹn sự đáng thương của nó: nó đang thủ dâm.

Tư duy chống Tàu

Lữ Phương, trong một bài viết gần đây, đã vạch ra những hệ lụy trong việc chọn lựa của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam để rơi vào trong quỹ đạo của Cộng sản Trung Quốc hồi những năm ’50 đối với vấn đề bá quyền Trung Quốc mà chúng ta đang phải đối diện hiện nay. Thực ra, kể từ Lê Thánh Tông đến nay, ngoài 80 năm thuộc Pháp, chúng ta chưa bao giờ có ý định thoát ra khỏi quỹ đạo chính trị Trung Quốc. Ngay cả khi chúng ta đã thắng trong các cuộc chiến chống xâm lược thì chúng ta lại tự nguyện lún sâu vào trong quỹ đạo chính trị của họ. Những triều đại độc lập của Đại Việt, và của Việt Nam hiện đại, vẫn là phên dậu, là phiên thuộc của vương quyền phương Bắc.

Điều này làm cho cuộc chiến chống Trung Quốc lần này mang một ý nghĩa khác: chúng ta muốn một lần và mãi mãi vượt ra khỏi ảm ảnh làm phên dậu của Trung Quốc, chúng ta muốn một lần và mãi mãi thoát ra khỏi quỹ đạo chính trị Trung Quốc. Chúng ta muốn tự do. Chúng ta muốn có công lý giữa các cộng đồng quốc gia láng giềng. Chúng ta đòi được đối xử bình đẳng. Chúng ta đòi được đối xử với danh dự. Chúng ta muốn giữ nguyên vẹn không gian sinh tồn này cho con cháu mai sau.

Những điều đó đã đủ xứng đáng cho một cuộc chiến. Chúng ta không cần phải viện dẫn một hiện hữu nào cao hơn chúng và cao hơn chúng ta. Mỗi cá nhân đã là một hiện hữu cao nhất. “Dân tộc”, nếu khái niệm này xứng đáng tồn tại thì nội hàm của nó không thể vượt lên trên tổng lực của những hiện hữu cao nhất đó. Tổ quốc không trên hết. Mỗi cá nhân của chúng ta mới là trên hết. Chúng ta từ chối nuôi dưỡng sự tồn tại của bất cứ khái niệm “dân tộc”, “tổ quốc” nào cao hơn quyền sống của mỗi cá nhân.

Cuộc chiến chống Trung Quốc lần này, do đó, là một phần của cuộc chiến giành lại tự do và công lý cho từng mỗi cá nhân và cho từng mỗi cộng đồng quốc gia. Chúng ta nhất định không để cho lý tưởng cao thượng đó bị đánh tráo bởi những tư duy hận thù lẩm cẩm của chủ nghĩa dân tộc nhằm tôn thờ một hiện hữu, thật ra là những ảo giác, nào đó cao hơn mỗi cá nhân. Chúng ta nhất định không để bị cuốn vào trong những đam mê thù hận, ngay cả thù hận kẻ lấn ép mình. Phải khẳng định rằng chúng ta không ghét người Tàu, cũng như chúng ta không ghét bất kỳ một cộng đồng dân nào. Phải khẳng định rằng chúng ta không phủ nhận không gian văn hóa Hán mà cha ông chúng ta đã góp phần xây dựng nên. Chúng ta quý mến người Tàu nhưng sẽ làm họ phải khuất phục trước ý chí không khuất phục sức mạnh bá quyền của chúng ta. Chúng ta tôn trọng họ nhưng sẽ làm nổ tung bất cứ một giàn khoan nào phiên lưu trên Biển Đông. Đây là một cuộc chiến đòi hỏi ý chí và sự tỉnh táo, đòi hỏi sự kiên quyết và bao dung. Chỉ có một cuộc chiến được đặt trên nền tảng của những giá trị lớn của tự do và công lý thì chúng ta mới thành công trong cố gắng vượt ra khỏi bóng đè của họ.

Chống một chủ nghĩa dân tộc lớn bằng một chủ nghĩa dân tộc nhỏ hơn là vô vọng. Những đam mê cảm tính được kích dục từ sự nhào nặn lịch sử để nuôi dưỡng thù hận sẽ không giúp được chúng ta. Hơn thế, chúng chứa đựng nguy cơ phản bội các giá trị và bị phản bội bởi quyền lực.

(sẽ viết về nguy cơ phản bội và bị phản bội của tư duy dân tộc chủ nghĩa trong cái note kế tiếp)

© Trần Minh Khôi
Theo Trần Minh Khôi Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages