Không phải nói nhiều: Sự rối như canh hẹ trong việc nói “Có” rồi bảo “Không” tiền hậu bất nhất đang cho thấy, đối với Bộ Giáo dục, một Đỗ Việt Khoa, một Đồi Ngô đã là quá đủ.
Chưng hửng nhất có lẽ là các nhà báo.
“thì tương lai” chết yểu sau 24h |
Câu nào cũng được bắt đầu hoặc chứa trong nó một từ “sẽ” của thì tương lai với biết bao nhiêu mơ ước về sự tốt đẹp, sự trung thực. Nhưng “thì tương lai” đó chết yểu sau chỉ 24h.
Thế còn tờ công văn hỏa tốc “Nói Không với con mắt máy” của đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục?
Tại trận bán kết đơn nữ tenis tại giải US Open năm 2004, trọng tài, với con mắt “phàm trần”- đã mắc những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, khiến tay vợt Serena Wiliams bị loại một cách tức tưởi. Trọng tài cũng là con người, tức cũng có thể mắc sai lầm. Mắt người chứ không phải mắt máy để không phải lúc nào cũng có thể nhìn rõ trong- ngoài những cú đánh bóng với vận tốc có khi lên tới 200km/h. Nhưng đây là một trận đấu điểm nhấn- nơi mà sai lầm của “con mắt phàm trần” đã vượt quá sức chịu đựng của sự công bằng, và không thể chấp nhận thêm được nữa so với lòng nhân ái vị tha bao la của con người. Tới tháng 3-2006, công nghệ mắt diều hâu (Hawk-Eye) chính thức sử dụng lần đầu tiên tại giải Nasdaq-100 Open. Hawk-Eye sau đó được đưa vào giải Mỹ mở rộng (US Open), rồi sau đó là Australia Open và Wimbledon. Những cuộc tranh luận trước và sau đó đều thống nhất cho thấy: “Con mắt máy”, với hiệu quả gần như tuyệt đối, đáng lẽ phải được áp dụng từ rất lâu- khi mà những gì có thể được nhận biết, phân định vượt quá khả năng của con mắt người phàm tục.
Đôi khi thật lạ. Con người buộc phải phán xét thông qua con mắt máy khi không tin vào sự phân định của “con mắt người”. Tất nhiên, trong tenis, sự phân định này chỉ thuần túy ở khía cạnh vật lý, khía cạnh kỹ thuật, chứ không phải là vấn đề đạo đức như trong ngành giáo dục Việt Nam.
Chẳng hạn như trong “sự kiện Đồi Ngô”. Nếu không có những đoạn clip được “con mắt máy” ghi lại, những lời tố cáo đương nhiên “khẩu thiệt vô bằng”. Có ai tin vào con mắt của một thầy giáo dù trung thực, có ai tin rằng một học sinh nào đó “sẵn sàng ra đường làm phụ xe”, chỉ để đổi lấy niềm tin rằng mình đang làm một điều tốt đẹp.
Vấn đề của Bộ Giáo dục, y như một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, là thà nhìn bằng con mắt phàm tục để có thể hỏi ngược trở lại rằng “bằng chứng đâu”, còn hơn nhìn cặn kẽ những tế bào đang giãy chết dưới con mắt máy. Hay nói đơn giản hơn: Ý nghĩa, “ảnh hưởng danh dự” của tỷ lệ tốt nghiệp 97,63% trong“kỳ thi Đồi Ngô” năm nay, bất chấp sự kiện Đồi Ngô - đối với Bộ Giáo dục rõ ràng dễ chịu hơn rất nhiều so với tỷ lệ 66,72% của năm 2007, năm mà Bộ Giáo dục dưới thời Bộ trưởng Nhân thực hiện “Hai không”: Không thành tích, Không tiêu cực.
Còn nhớ hồi tháng 3 năm ngoái, sau khi đoạn clip “cô giáo chửi học trò như hát hay” suốt 18 phút được tung lên youtube, Sở GD và ĐT Hải Phòng dọa sẽ ra văn bản cấm học sinh sử dụng điện thoại, máy ghi âm, ghi hình trong giờ học. Thế có nghĩa là việc ghi âm, ghi hình bất cứ gì, có xấu xa tệ hại đến đâu cũng không được, không đáng để các thầy xem xét, vì logic như phát biểu của một vị quan chức “Không thể chống tiêu cực bằng một hành vi tiêu cực”.
Bây giờ, nếu là Hiệu trưởng, là Giám đốc Sở, hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bạn hãy chọn đi, giữa: Sự yên ổn, hình ảnh đạo đức và thành tích - dù đó là sự yên ổn giả tạo, dù đó là đạo đức ngoài miệng, và dù đó là thứ thành tích ảo, hay là mỗi tháng một clip “cô giáo chửi học sinh, thầy giáo văng tục”, mỗi kỳ thi lại xuất hiện cả “rừng ngô”?
Nhưng còn sự trung thực?
Trong SKG Tiếng Việt lớp 4 có tác phẩm “Bài văn bị điểm không” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đó là bài văn có đề “Tả bố em đang đọc báo”. Bài văn bị điểm “Không” là bài văn không tả gì hết. Để giấy trắng. Đơn giản là đứa trò nhỏ không có bố. Sự trung thực, theo cách hiểu của học trò đôi khi không trung thực lằng nhằng như người lớn: Không có bố thì không thể tả bố người khác. Không thể bịa.
Sự trung thực giờ phải hiểu ra sao khi thầy Thứ trưởng nói Có, nói cho phép mang theo “con mắt máy” để “quyết tâm cao”, “chống gian lận, tiêu cực”, hướng tới một kỳ thi “trung thực nghiêm túc”. Còn thầy Bộ trưởng lại nói: Không.
Thưa thầy Hiệu trưởng, thầy Giám đốc sở và thầy Bộ trưởng, có hay không cho phép mang những “con mắt máy” vào phòng thi đâu phải là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng là việc bảo vệ hình ảnh của người thầy, hình ảnh của nền giáo dục phải là trước những con mắt học trò, chứ không phải trước những con mắt máy. Mà việc đầu tiên cần làm là sự trung thực, là sự công bằng của những người thầy, chứ không phải là việc “bưng tai bịt mắt”, “sáng nắng chiều mưa” như dư luận vừa chứng kiến.
Bởi khác với trò chơi tenis, sẽ không có một “con mắt máy” nào có thể phát hiện tiêu cực hơn con mắt học trò, đơn giản là bởi “con mắt máy” được nhìn qua con mắt học trò. Bởi có “con mắt máy”, tiêu cực cũng không thể nhiều lên khi những người thầy sẽ phải nghiêm túc hơn trong việc bảo vệ hình ảnh chính mình. Trong khi không có con mắt máy, thầy Hiệu trưởng, thầy Giám đốc sở, và thầy Bộ trưởng sẽ không bao giờ nhìn thấy những điều mà bất cứ một đứa học trò nào cũng có thể thấy.
Đành an ủi rằng dẫu sao thầy Bộ trưởng cũng nhất quán tuyệt đối khi cố gắng “không quan tâm đến việc tạo dấu ấn cá nhân”, dù trong thực tế, với việc “Nói không”- không phải là Không tiêu cực, Không thành tích - ông thực sự đã tạo dấu ấn cá nhân.
© Đào Tuấn
Theo blog Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét