Tôi quen má Năm trong một dịp đi công tác Miền Nam. Má có một cái quán nước nhỏ ở gần Cầu Ngang thuộc Lái Thiêu tỉnh Bình Dương, gần chỗ tôi dạy học. Dù đã ngoài 80 nhưng nhìn má ở ngoài đời ai cũng tưởng má là một mệnh phụ giàu có mới ngoài 70 vì trông má sang trọng và vẫn còn đẹp lắm.Thật bất ngờ khi nghe được câu chuyện cuộc đời ba chìm bảy nổi của má. Sau 30 tháng Tư 1975, từ một cô giáo dạy văn trung học, má phải bỏ nghề rồi bán dần tài sản trong nhà để đi thăm nuôi chồng trong các trại tù “cải tạo” hơn 10 năm trời. Giờ đây, má chỉ còn biết trông chờ vào cái quán nước nhỏ này sống những năm cuối đời để chăm sóc mộ chồng và mộ con trai. Má nói, “Là do hồng nhan bạc phận!” nhưng tôi nghĩ, có lẽ còn do cả những biến động lịch sử của đất nước và dân tộc nữa. Nhân sắp tới dịp kỉ niệm 58 năm ngày kí Hiệp Định Genève 20/7/1954, tôi xin trân trọng sẻ chia cùng quí vị bài viết này để kính tặng má Năm và những Bà Mẹ Miền Nam khác có số phận thương tâm như cuộc đời của má.
Bà Mẹ Miền Nam!
Hỡi ôi Bà Mẹ Miền Nam!
(Viết tặng Má Năm)
Má nhớ lại, năm mươi tám năm về trước
Bến Sông Đốc lưu luyến tiễn chân chồng
Đi tập kết trên con tàu định mệnh(1)
Cầm tay con nước mắt chảy vào trong!
“Nguyện chung thủy đời đời!” khi nói lời ly biệt
Má trở lại chốn xưa phụng dưỡng bố mẹ chồng
Trời thấu chăng nỗi lòng “người cô phụ”
Nay một mình lo toan được hay không?
Ôi có những người trai theo má đi từng bước!
“Chào cô giáo tới trường, xinh quá gái một con!”
Rồi nhiều năm cách xa không thư từ tin tức
Ai thấu được niềm đau làm lòng má héo hon!
Bỗng một ngày được tin, chồng má vừa lấy vợ:
“Cưới con một cán bộ cao cấp cùng du học bên Nga”
Bao hờn tủi, xót xa tám năm trời chờ đợi!
Sao ai nỡ phũ phàng lời hẹn ước lúc chia xa?
Thời gian trôi má nuốt hận và đi thêm bước nữa
Với người bác sĩ quân y của Quân Lực Cộng Hòa
Má được sống những tháng năm hạnh phúc
Như xuân về cây trái nở ngàn hoa!
Người bác sĩ thương con má như con ruột
Cho cậu học Quân Y đến tốt nghiệp ra trường
Và cậu đã trở thành một bác sĩ quân y dũng cảm
Rồi má tột cùng đớn đau khi cậu tử trận tại Bình Dương!
Sau 30 tháng Tư, lúc Chế Độ Sài Gòn sụp đổ
Gặp lại “người xưa” má giao giả bố mẹ “chồng”
Ôi đâu rồi chàng Việt Minh thuở hàn vi khiêm tốn?
Nay trở về là một vị chỉ huy đề huề vợ cùng con!
Rồi chồng má bị “người xưa” bắt đi tù “cải tạo”
Hết Trảng Lớn, Sơn La rồi Vĩnh Phú, Thanh Phong(2)...
Má đi thăm nuôi mười năm quen biết bao người vợ
Phải bán dần đồ đạc tư trang đi tiếp tế cho chồng!
Ôi những người Vợ Miền Nam đầy bao dung nhân hậu!
Lội suối trèo non thăm nuôi chồng dạ son sắt thủy chung
Có những người đến nhà tù mới hay tin chồng đã mất
May má còn kịp vuốt mắt chồng khi đến trại Thanh Phong!
Nhưng số phận đâu đã buông tha đời má
Khi có một tiểu thư tới gào khóc và gọi má tại nhà:
“Mẹ Miền Nam ơi! Ba, mẹ cùng anh con vừa chết thảm
Trong một tai nạn xe hơi tại Đèo Cả tối hôm qua!”
Má lại phải đứng cùng “gia đình chồng” ở trong tang lễ đó
Phải khóc thương kẻ đã phụ tình với chính má ngày xưa
Chua xót quá kiếp làm người trời đã dành cho má!
Chắc đã có từ khi mới lọt lòng nghe mẹ hát “Ầu ơ!”
Hỡi ôi Bà Mẹ Miền Nam! Trải một thời gian khó
Nay tuổi già quạnh hiu còn tần tảo qua ngày
Mà vẫn tha thiết sống để chăm lo phần mộ
Cho chồng, con từ mấy chục năm nay!
Ai đã làm nên cái “Hiệp Định Genève” để chia cắt đất nước(3)
Gây cuộc chiến huynh đệ tương tàn hai mươi mốt năm nay(4)
Để nhiều người vợ phải lìa chồng, bốn triệu người bỏ xác
Làm bao Bà Mẹ Miền Nam giờ phải sống lắt lay?
Tôi đã gặp nhiều Bà Mẹ Miền Nam thế này trên nửa nước
Mà lòng nặng trĩu quặn đau không biết ngỏ cùng ai!
Cũng là Người Mẹ Việt Nam thiết tha cùng xứ sở
Mà phải sống cuộc đời không biết có ngày mai!
Hà Nội, tháng 7/2012
Ts. Đặng Huy Văn
© VAOL
-----------------------------------
(1) “Con tàu định mệnh”: có lẽ là tàu Jan Kilinski của Ba Lan chở cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sông Đốc, Cà Mâu.
(2) Trại “cải tạo” Trảng Lớn thuộc tỉnh Tây Ninh, còn Thanh Phong là một trại tù rất khắc nghiệt tại tỉnh Thanh Hóa dùng để đày đọa những sĩ quan VNCH còn “ngoan cố”
(3) Được sự sắp đặt và chỉ đạo tận tình của cố thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc), ngày 20/7/1954, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và chính phủ Pháp đã kí Hiệp Định Đình Chiến Genève chia cắt nước Việt Nam thành hai miền lấy Vĩ Tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Sau ngày 20/7/1954, đã có hơn một triệu người Miền Bắc di cư vào Nam chủ yếu qua cảng Hải Phòng bằng tàu thủy của Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Ba Lan... và mười bốn vạn người Miền Nam tập kết ra Bắc tại 3 điểm tập kết Bình Định, Hàm Tân và Cà Mâu bằng tàu thủy của Ba Lan, Liên Xô và Pháp.
(4) Cuộc chiến 21 năm kể từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975 đã làm hơn 4 triệu người Việt Nam cả hai miền thiệt mạng, làm bao cặp vợ chồng phải tan vỡ chia lìa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét