Đừng chờ ai hết. Mọi thay đổi cho xứ sở và dân tộc này khởi đầu từ chính bạn. Hãy hành động. Trước hết là kể những điều bạn biết, chia sẽ những điều bạn nghĩ với những người quanh bạn. Bạn không cần chỉ dẫn hay thuyết phục họ nên nghĩ gì, làm gì. Khi đã có thông tin, chính họ sẽ đối chiếu chúng với thực tế, với xã hội và hoàn cảnh, cũng như nhu cầu cá nhân của họ. Tự họ sẽ thấy họ nên làm gì, làm như thế nào. Bạn sẽ không cảm thấy lẻ loi, cô độc.
Mình vừa nhận được email của một bạn làm báo. Bạn cho biết, hệ thống truyền thông mới nhận được lệnh: (1) Phải bám theo… Thông tấn xã khi tường thuật vụ án Đoàn Văn Vươn. (2) Ngưng thông tin về vụ tàu đánh cá Việt Nam bị bắn cháy trên biển Đông. (3) Không bàn thêm về chuyện xăng tăng giá!
Đọc email, mình biết bạn uất. Ở xứ mình, báo chí là một trong những lĩnh vực thường xuyên bị Đảng dồn ép cả về tinh thần lẫn nghề nghiệp. Ngoài bạn, mình còn quen vài người cũng làm báo. Các bạn giống nhau: Khởi đầu, bên cạnh mong muốn kiếm đủ cơm ăn, áo mặc, do đặc điểm nghề nghiệp, còn nuôi hi vọng làm được những điều có ích cho đời, cho người. Theo thời gian, cơm áo có thể dư nhưng hi vọng làm được những điều có ích từ từ lụi tàn. Trăn trở giảm dần theo thâm niên. Bất bình thoáng qua rồi vụt tắt. Cam chịu trở thành thuộc tính. Cũng vì vậy, những cơ quan kiểu như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông luôn luôn làm nhục các bạn.
Đến giờ, chính thực tế cho thấy, những “chỉ đạo” về chuyện nói và nín không chỉ vô hiệu hóa vai trò của toàn bộ hệ thống truyền thông mà còn là sự lăng mạ báo giới. Họ khinh các bạn nên mới dám đưa ra những “chỉ đạo”. Ngoài một vài quốc gia có thể chế chính trị giống như chúng ta, ở những xứ còn lại, chẳng “ông” nào, “bà” nào dám làm như vậy với báo giới.
Trong mắt công chúng, các bạn – “quyền lực thứ tư” – bị họ biến thành những kẻ vừa tồi, vừa vô tâm. Dẫu cho các bạn là một trong những nhóm hiểu rất rõ sự bất toàn của hệ thống chính trị và biết rất tường tận rằng, sự bất toàn đó đang khiến kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế bất ổn ra sao. Chẳng riêng nông dân, công nhân, người nghèo thành thị mà chính các bạn, cũng như thân nhân các bạn cùng phải gánh chịu hậu quả. Không có ngoại lệ!
Nhiều người trong số đồng bào của các bạn đang chứng mình, chia sẻ thông tin, nêu chính kiến là những quyền bất khả tước đoạt. Còn các bạn – những nhà báo? Lúc nào các bạn sẽ sử dụng những quyền đó vừa như một công dân, vừa để chu toàn chức trách nghề nghiệp của mình? Đứng về phía nhân dân, lên tiếng vì những lợi ích thật sự và lâu dài cho chính mình, cho cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè,… của mình đi các bạn!
© Đồng Phụng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét