Một chùm tính cách Việt: (1) Khởi thủy là đàn bà - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Một chùm tính cách Việt: (1) Khởi thủy là đàn bà

ad728
Đây là chùm bài mổ xẻ tích cách của dân tộc Việt dựa trên những nguyên mẫu tính cách dân gian của giáo sư Đỗ Lai Thúy. Bài đầu tiên, ông nói đến đặc tính nữ – đặc tính nguyên thủy của người Việt – đặc tính của vùng đất của những dòng sông lớn nhỏ đan xen chằng chịt để đổ ra biển. Thấu hiểu đặc tính ấy, ông khẳng định chính quyền lực mềm của những người phụ nữ Việt Nam, những người thực sự giữ rường cột của nước nhà, thật sự là yếu tố quyết định đến tồn vong của dân tộc.

Khởi thủy là Lời – Kinh Thánh


"Hai Bà Trưng"

Có người cho văn hóa Việt Nam (tức người Việt) không có huyền thoại. Tôi không nghĩ vậy. Dân tộc nào mà chẳng trải qua một “thời đại lớn” (chữ của M.Eliade”). Thưở ấy, người ta sống bằng huyền thoại, “suy nghĩ” và cảm nhận thế giới bằng huyền thoại, lưu giữ và truyền gửi thông điệp cho nhau và cho hậu thế cũng bằng huyền thoại. Có điều, không hiểu vì sao, khi từ tiền sử bước vào hữu sử, tổ tiên người Việt đã đánh vỡ hệ thống huyền thoại của mình. Bằng chứng là những mảnh vỡ của kim âu đó văng đi và còn găm vào những truyền thuyết, cổ tích.

Người ta cũng thường nói đến yếu tố nữ tính, thậm chí nguyên tắc nữ, trong văn hóa Việt Nam qua lễ nghi, phong tục và văn chương nghệ thuật. Nguyên lý này, nếu có, hẳn phải ảnh xạ vào huyền thoại, khởi điểm của mọi khởi điểm? Tôi thử lần tìm điều đó bằng việc lấy ba người đàn bà đầu tiên mà những mảnh vỡ của huyền thoại còn lưu giữ được. Dĩ nhiên, khái niệm “đầu tiên” chỉ là tương đối, Mỵ Nương trong “Sơn Tinh- Thủy Tinh”, Mỵ Châu trong “Mỵ Châu – Trọng Thủy” và Mỵ Nương trong “Trương Chi”

Mỗi thời đại đều “đọc” huyền thoại theo một cách riêng, và tìm thấy ở đó có những gì mà nó cần. Bởi lẽ, xét đến cùng, mỗi thời đều có cách sử dụng huyền thoại của nó và cho nó. Điều này vừa làm phong phú cho huyền thoại, bồi thêm sức sống cho nó, đồng thời cũng đẩy xa thông điệp ban đầu, thậm chí còn gây nhiễu. Chuyện kể về “tam Mỵ” nói trên, tôi nghĩ hẳn cũng không tránh khỏi số phận đó. Sự giải mã huyền thoại hiện nay chính là quá trình bóc tách những vỏ bọc đó để đi đến cái nhân đích thực, ban đàu.

Mỵ Nương trong “Sơn Tinh- Thủy Tinh”

Truyện “Sơn Tinh – Thủy Tinh” trước đây thường được hiểu như là một câu chuyện tình, “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” (Tản Đà), sau đó lại được hiểu như là cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại thiên tai lũ lụt… Có lẽ, đó là những ý nghĩa được gia ban về sau, hậu nghiệm. Thực ra người ta có thể tìm thấy ở đây mảnh vỡ của huyền thoại về Đại Hồng Thủy, ký ức xa xôi của nhân loại về thời kỳ tan băng hà. Cũng cảnh nước ngập mênh mông, gieo rắc ta họa, tưởng như ngày tận thế; cũng một đôi trai gái (Sơn Tinh và Mỵ Nương) còn sống sau nạn nước (hoặc chiến thằng nó), trở thành vợ chồng, thành tổ của một tộc người; ngọn núi Ba Vì nơi họ đến trú ngụ chơ vơ giữa biển nước như một con thuyền (Noé trong Kinh Thánh hay Vỏ trấu trong Sự tích hồ Ba Bể). Đồng thời, qua việc Thủy Tinh đánh đuổi Sơn Tinh để cướp lại Mỵ Nương cũng còn lưu lại ảnh xạ của tục cướp dâu, hiện tượng đọng lại trong phong tục của người Mông.

"Mỵ Châu - Trọng Thủy"

Mỵ Châu - Trọng Thủy không chỉ là câu chuyện cảnh giác, “trái tim lầm chỗ để trên đầu” (Tố Hữu), câu chuyện chiến tranh gián điệp…, mà thông qua câu chuyện tình bi thảm này, người ta thấy vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội. Mỵ Châu được cha giao cho giữ nỏ thần – vật thiêng liêng và quan trọng nhất trong cả nước. Nàng đã sống nặng vì mình, vì tình yêu của mình, còn Trọng Thủy thì nặng vì cha, vì đất nước của anh ta. Bi kịch của những người không xử lý được hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tình và lý.

"Mỵ Nương- Trương Chi"

Cũng vậy, bi kịch Mỵ Nương- Trương Chi không phải là bi kịch của sự giàu nghèo, của giai cấp, giữa một anh dân chài và một cô tiểu thư con quan thừa tướng mà là bi kịch của kẻ cầu toàn, kẻ đi tìm cái tuyệt đối. Mỵ Nương mê tiếng hát của Trương Chi nhưng lại không chấp nhận khuôn mặt xấu xí của anh ta. Cô muốn một sự hoàn thiện hoàn mỹ, cả cái này lẫn cái kia, mà cuộc đời lại chỉ cho phép chọn một.

Lược qua câu chuyện Tam Mỵ trên, tôi muốn gảy ra đây một vài thông điệp mà người xưa nhắn gửi trong huyền thoại Việt Nam.

Trước hết, ba người đàn bà đều có tên bắt đầu bằng chữ Mỵ. Mỵ có nghãi là đẹp. Mỵ còn được đọc là “mế”, “mệ”, chỉ người đàn bà trong tiếng tiền Việt – Mường, hoặc Việt cổ. Hơn nữa, Mỵ Nương, Mỵ Châu vốn không phải tên riêng, mà là tên chung chỉ đàn bà. Bởi vậy có thể đi đến hai kết luận: người đàn bà là đẹp. Người đàn bà là đẹp, đã đành, nhưng còn giữ vai trò quan trọng nữa. Mỵ Châu được giao giữ nỏ thần, một vật thiêng. Truyền thống “nội tướng”, “lệnh ông không bằng cồng bà”, “đội quân tóc dài” của người phụ nữ Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ đây.

Nếu đặt ba truyện theo thứ tự Sơn Tinh – Thủy Tinh, Mỵ Châu- Trọng Thủy, Trương Chi, chúng ta thấy diện mạo bên ngoài và diện mạo nội tâm của người phụ nữ ngày một rõ rệt hơn. Ở Sơn Tinh – Thủy Tinh, mặc dù là đối tượng của sự tranh chấp giữa thần núi và thần nước, nhưng người ta khong thấy rõ phản ứng, cũng như tâm lý của Mỵ Nương. Ở Mỵ Châu – Trọng Thủy, sự cá nhân hóa của người phụ nữ đã tiến lên một bước, bởi vì nhân vật phải đối diện với quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Và ở chuyện Trương Chi thì sự cá nhân hóa ở người phụ nữ đã phát triển đầy đủ. Câu chuyện giữa Mỵ Nương và Trương Chi là câu chuyện cá nhân với cá nhân. Trong cuộc đấu tranh với chính mình, thế giới nội tâm của Mỵ Nương đã bộc lộ đầy đủ, sâu sắc.

Người ta thường nói đến “cảm giác mức độ” của người Việt Nam, đến sự nhận thức về “ngưỡng” của văn hóa Việt nam. Những câu chuyện trên truyền đạt thông điệp đó một cách rõ ràng, sinh động và đầy sức thuyết phục. Mỵ Châu thì sống vì cá nhân mình (tức là tình yêu với Trọng Thủy) nên đã mất nỏ thân, dẫn đến mất nước, chết hàm oan dưới lưỡi gươm của cha. Trọng Thủy sống vì cộng đồng của anh ta, theo lời cha phản bội tình yêu của Mỵ Châu, cuối cùng cũng hối hận đâm đầu xuống giếng tự vẫn. Con đường sống của ncon người là đi tìm hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, điều mà Mỵ Châu, Trọng Thủy chỉ đạt được sau khi chết qua hình tượng lấy ngọc trai rửa nước giếng thì ngọc sáng ra. Trong Trương Chi, Mỵ Nương say mê tiếng hát, yêu vẻ đẹp tâm hồn của anh chàng dân chài nhưng lại không yêu nổi vẻ mặt xấu xí của anh ta. Nàng muốn sự hoàn thiện, đẹp cả người lẫn nết. Điều này đã gây ra cái chết của Trương Chi và sự đau khổ của nàng. Sự tận thiện tận mỹ, có lẽ chỉ có trong lý tưởng, trong ý niệ. Thực tế là trần tục, đầy sự khiếm khuyết. Nếu không chấp nhận, cầu toàn, ảo tưởng cũng dẫn đến sự hủy diệt ở hương diện này hay phương diện khác.

Sống hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa lý tưởng và thực tế không phải là thứ “triết lý để tồn tại” mà là một minh triết, một túi khôn dân gian. Thông điệp quan trọng này được tổ tiên nhắn gửi qua huyền thoại, truyền thuyết và cổ tích, qua số phận của những người đàn bà, của phụ nữ Việt nam, từ khởi thủy.

© Giáo sư Đỗ Lai Thúy

Trích “Phân tâm học và Tính cách dân tộc”


Nguồn: Book Hunter Club, VAOL minh họa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages