- Xem thêm: » Một chùm tính cách Việt: (1) Khởi thủy là đàn bà
Cơ cấu sản sinh hiện tượng Chí Phèo
Chí Phèo – Thị Nở |
Câu chuyện Chí Phèo xảy ra trên mảnh đất chật, khép kín sau lũy tre xanh của làng Vũ Đại. Nhưng chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn cả và cũng ít hữu hình hơn là sự đóng kín của bản thân cấu trúc làng xã. Ở đay mỗi dân làng không tồn tại như một cá thể, mà chỉ như một yếu tố vừa phụ thuộc vào cộng đồng, vừa phụ thuộc lẫn nhau, và bị phân cấp theo hệ thống thang bậc xã hội. Chiếm giữ vị trí hàng đầu trong bảng giá trị đó là các vị tiên chỉ, thứ chỉ – một dạng tha hóa của chế độ già làng; sau đó là lý trưởng và các hào lý khác, cuối cùng là thứ dân các hạng. Như vậy, giá trị của người dân không chỉ ở phẩm cách đích thực của cá nhân anh ta, mà ở chỗ anh ta ở ngôi thứ nào, chức vị gì, tài sản ra sao, họ hàng với ai… Điều đó đã mặc nhiên được luật lệ hóa bởi cách xưng hô không gọi tên trần trụi, mà phải kèm theo những từ nêu rõ danh phận: Lý Cường, Bá kiến, Đội Tảo, anh cu, chi đĩ… Đó là thân phận xã hội của người nông dân. Chính sự khép kín của cấu trúc này đã đóng vai trò “cơ chế” để chuyển những giới hạn của không gian địa lý lũy tre, con đê, dòng sông… thành giới hạn của không gian tâm thức của các nhân vật trong làng. Với họ, làng là vũ trụ, là đơn vị đo giới hạn (hách nhất làng, giàu nhất làng) làng đóng dấu lên mọi vật “cổng làng, ruộng làng, giếng làng…) tạo ra khuôn mẫu sống, khuôn mẫu tư tưởng… Như một chiếc bào nang, làng xã do tính chất khép kín của nó không vận động trong thời gian. Những “lớp sóng phép hưng” của lịch sử chỉ bấm móng lên bề mặt của nó, chứ không thay đổi gì được nội bộ cấu trúc. Làng xã vẫn cứ tồn tại và vận động theo những quy luật của riêng bản thân nó và trong bản thân nó.
Cái ước mơ được “lột xác” như con rắn trong cổ tích được hóa kiếp để chuyển kiếp trong vòng luân hồi của thứ đạo phật được dân gian hóa là sự khúc xạ của ước vọng day dứt hàng ngày được thay thân đổi phận của đa số những người dân ở chót bảng giá trị, ở vành ngoài cấu trúc. Họ tiết kiệm để làm giàu, tìm mọi cách gắn được mình vào bộ máy làng xã; thậm chí bán cả mành vườn sào ruộng do ông cha để lại cốt mua lấy một cái danh vị hão để thoát khỏi chân bạch đinh, hạng người mà ai cũng có quyền bạt tai đá đít, và được ăn một miếng giữa làng. Cuộc đua tranh này đã làm họ ghen ghét, tị hiềm và kiện tụng lẫn nhau. Bọn cường hào trong làng thường khuyến khích tâm lý đó, để thừa cơ “đục nước béo cò”. Thế là mỗi lần người nông dân muốn ngoi lên thì họ lại tụt xuống thêm một bậc nữa. Kinh nghiệm đó làm nảy sinh ở họ tâm lý an phận, đèn ai nấy rạng. “chỉ nghĩ đến sự yên ổn của mình”, và đối với bọn hào lý, thì mang một cái sợ cố hữu trong lòng. Đó là cái sợ bị hất ra khỏi cộng đồng làng xã, bị lột hết các lớp “áo xiêm” giá trị, phơi ra cái cá nhân trần trụi vô giá trị của mình. Cảnh sống vất vưởng của những kẻ ngụ cư, của những Chí Phèo ở nơi ngoài đê, ngoài bãi với họ là một ám ảnh, một “địa ngục miền nhân gian”
Một kẻ có lý lịch “bốn đời làm tổng lý” có con đang làm lý trưởng, bản thân ăn tiên chỉ làng như Bá Kiến đã nhận ra và lợi dụng quy luật đó. “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng… Đè nén con em đến nỗi nó không chịu đựng được phải bỏ làng đi là dại…”, bởi lẽ thoát khỏi sự kiềm chế của tư tưởng công xã, người nông dân lưu tán được suy nghĩ tự do hơn. Thời loạn, họ dễ theo các toán ướp. Thời yên ổn, nếu không sống nổi ở thành thị hay kiếp sống ngụ cư ở làng khác, họ buộc phải quay đầu trở về làng, nhưng “với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được ở phương xa” và cái đầu quen được tự do suy nghĩ.
Tuy nhiên, Bá Kiến cũng chỉ là một con người bằng xương bằng thịt. hắn cũng có những cái ghen, cái tức, cái hống hách thường tình, cho nên nhận ra quy luật mà vẫn cứ phạm như thường. Do đó mới có những Năm Thọ, Binh Chức và Chí Phèo. Nhưng Bá Kiến hơn người ở chỗ “không cần thở than” và biết cười “cái cười Tào Tháo” để xoay đảo tình thế. Lấy độc trị độc, hắn dùng ngay bọn họ để trị lại những phe nghịch như đội Tảo, tư Đạm, bát Tùng…
Trong số những đồng loại sống ngoài cấu trúc làng xã, nếu Binh Chức còn có vợ con thì Chí Phèo “trắng tay” hơn, trần trụi hơn cả với con người cá thể vô giá trị của hắn. Nhưng, thật là nghịch lý, đúng lúc hắn mất tất cả ấy, hắn lại được giải phóng khỏi sự trói buộc của những giá trị làng xã. Không còn gì để mất nữa, hắn trở thành không biết sợ. Hắn trở thành kẻ mạnh, cái mạnh của kẻ cố cùng liều thân. Trong chế độ cũ còn một loại người nữa cũng thoát khỏi bảng giá trị làng xã nhưng thoát ra ở đầu trên: đó là kẻ anh hùng. Anh hùng cá nhân bao giờ cũng đứng trên xã hội: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ nhìn sợ kẻ cố cùng liều thân”. Ngạn ngữ của phương Tây có nói: điểm đầu và điểm cuối thì gặp nhau. Chí Phòe là anh hùng của làng Vũ Đại. Sau khi ở nhà đội Tảo về, hắn vỗ ngực: “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Đó là cái oai của hắn, cái triết lý tồn tại của kẻ khốn cùng. Bá Kiến đã biết hướng sự nổi loạn chính đáng và cái mãnh lực tối tăm ở con người Chí Phèo vào những mục đích tối tăm. Thế là từ đó cuộc đời hắn trượt dài trên những cơn say. “Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, dập đầu rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống trong lúc say để rồi say nữa, say vô tận… hắn đâu biết hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đập đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Nhưng Chí Phèo không phải là câu chuyện về kẻ say, kẻ khùng, của những con thú người. Là một nhà nhân đạo lớn, Nam Cao thích đi sâu vào những nhân vật tưởng như đã mất hết tính người như Trương Rự (“Nửa đêm”) để chứng minh cho được nhân tính con người, dù bị tha hóa đến đâu, vẫn còn là một cái gì đó khá bền chặt, bởi lẽ nó cũng có nguồn gốc khá sâu xa, từ lúc con người nguyên thủy đứng được trên hai chân mình để ngẩng mặt lên nhìn thấy cái đẹp của bầu trời. Nhưng ở truyện ngắn này cũng không hẳn nguyên tắc. Trên kia chúng ta đã thực sự bắt đầu từ chỗ “một anh đi thả ống lươn” vậy thì đoạn “hắn vừa đi vừa chửi..” chỉ là một thủ pháp tiểu thuyết quen thuộc gẩy từ giữa truyện ra và để lên đầu một đoạn gây ấn tượng nhất để câu sự chú ý của độc giả. Nhưng ở truyện ngắn này không chỉ đơn giản có vậy. Trong những lời chửi của Chí Phèo, Nam Cao có cất giấu chìa khóa – mã để giúp bạn đọc tìm ra ẩn số về nhân vật của mình.
Trong dân gian những lời chửi rủa, nguyền rủa cũng là một loại hình folklore, nghĩa là chúng cũng có những sắp xếp nghệ thuật phù hợp với nội dung triết lý xã hội mà chúng chuyển tải. Lời chửi của Chí Phèo cũng vậy, nó được xếp đặt theo một logic chặt chẽ: từ cái khái quát nhất đến cái cụ thể nhất, từ cái rộng nhất đến cái hẹp nhất, từ chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi những kẻ không chửi nhau với hắn đến chửi cái đứa đẻ ra hắn, tức chửi cha hắn. Theo tập quán kiêng kỵ của người Việt, chửi cha là một tội đáng nguyền rủa, bởi vì nó xúc phạm nặng đến tục thờ tổ tiên của mỗi người và của cả cộng đồng. Người cha còn là người trực tiếp cho ra đời một người con – con người không chỉ với tính cách là một sinh vật, mà quan trọng hơn là một thân phận xã hội bị chế định bởi những tài sản, chức tước, địa vị và cả quan hệ họ hàng mà hắn được kế thừa. Chí Phèo chửi cha nghĩa là chửi vào chính bản thân hắn, bởi sự không cha không mẹ không họ hàng thân thích đã đẻ ra cái số phận khốn nạn của hắn. Rõ ràng, ngôn ngữ của Chí Phèo ở đây không phải là thứ ngôn ngữ lộn xộn, chuyện nọ xọ chuyện kia, của kẻ say hoặc điên. Đó là ngôn ngữ tỉnh lạnh của kẻ đang tự nguyền rả mình, đang tự đối thoại với chính mình.
Chí Phèo – Thị Nở trong vỡ kịch "Làng Vũ Đại ngày ấy" |
Người nông dân trong làng xã vốn chưa từng quen sống với cái tôi của mình, thậm chí có khi cũng không ý thức được sự tồn tại của nó, cho đến khi bị đẩy ra ngoài cộng đồng. Khi có ý thức về mình như một cá nhân, Chí Phèo cũng ý thức được toàn bộ sự bế tắc của mình. Hắn muốn lảng tránh bản thân bằng rượu, bằng triết lý anh hùng của kẻ liều, thậm chí bằng cả hành động tội ác. Đó là bi kịch của sự tự ý được cái bế tắc của thân phận xã hội của một kẻ bị đẩy ra ngoài hệ thống gái trị. Nhưng chính sự cảm nhận bi kịch đó đã ngăn giữ Chí Phèo ở lại bên này ranh giới con người – con vật và luôn luôn chờ cơ hội để tỉnh thức
Cơ hội đó là một ánh sáng. Đây là ánh sáng duy nhất trong cái làng Vũ Đại tối tăm. (“Mấy cái ngõ tối xung quanh đùn ra biết bao nhiêu người”.) ở Nam Cao, ánh trăng bao giờ cũng đi liền với một sự thức nhận một điều gì đó (“Trăng sáng”). Soi vào “ánh trăng chảy trên tường trắng tinh”, Chí Phèo nhận ra được cái “vật đen, xệch xọc, cứ quần quật dưới chân hắn” chính là cái bóng của hắn, chính là diện mạo của bản thân hắn. Hắn “đứng lại và nhìn nó và ngả nghiêng cười”. Đối mặt với mình, cái ý thức về mình sống dậy.
Sau đó, trong cuộc đối ẩm với Tự Lãng, Chí Phèo hoàn toàn tỉnh táo, mặc dù hắn uống rất hăng, thậm chí “càng uống càng tỉnh”, “tỉnh ra, chao ôi buồn”. Y lẳng lặng nghe Tự triết lý về cuộc đời, vật ngửa lao Tự đang say bò lê bò càng rồi bỏ đi, cảm giác về bản thân liên tiếp trỗi xuống bờ sông, Chí Phèo “tò mò nhìn những tàu lá chuối… nằm ngửa, ưỡn cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như ướt nước, thỉnh thoảng lại bị gió lay lại giãy lên đành đạch như hứng tình”. Bút pháp phân tích nội tâm sâu sắc, tinh tế của Nam Cao đã mô tả được quá trình thức tỉnh ý thức về bản thân của Chí Phèo, mà cuộc giao tình với Thị Nở là đỉnh điểm.
Được nếm trải cuộc sống “vợ chồng” bình thường nhỏ mọn với Thị Nở, Chí Phèo khát khao được trở lại cộng đồng, làm một người bình thường “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải (…) một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng”. Và Thị Nở chính là cái phao đưa kẻ chết đuối như Chí Phèo cập mình vào cái bến của mọi người. Nhưng hóa ra muốn được làm một người “lương thiện” cũng rất khó. Không ai chấp nhận cho hắn được làm người lương thiện, thậm chí cả một kẻ cùng khổ như bà cô Thị Nở, phải sống ở rìa làng, cũng cậy mình là kẻ trong đê không chịu để cho cô cháu gái dở hơi quá lứa lấy một kẻ ngoài đê như Chí Phèo.
Không được cộng đồng chấp nhận, Chí Phèo lại sa vào một sự chấn động lớn. Lần này thì có lẽ không một thứ rượu nào có thể làm hắn say được, không có thứ gì có thể làm hắn ngủ quên trong dòng đời được. Chí Phèo giết Bá Kiến, kẻ trực tiếp tạo ra số phận hắn. Giết Bá Kiến rồi sau đó tự sát là một hành động nổi loạn một cách tuyệt vọng, bởi vì hành động đó không phá vỡ được cấu trúc làng xã – nguyên nhân của những nguyên nhân tạo ra những bi kịch Chí Phèo. Nam Cao đã chỉ ra điều đó rất sinh động, sáng rõ qua lời bàn tán của dân làng. Có người nói: “Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng”. Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: “Tre già thì măng mọc”, thằng ấy chết còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu…”
Nam Cao kết thúc truyện ngắn của mình bằng cái chết của Chí Phèo và sự lặp lại hình ảnh chiếc lò gạch cũ. Nhưng không vì thế mà Chí Phèo của ông gây ấn tượng là câu chuyện của một con người cụ thể ở một làng cụ thể. Bởi lẽ Chí Phèo tuy chết nhưng đã kịp để lại một Chí Phèo con, một sự “tre già măng mọc” theo nghĩa trực tiếp, mặt khác, quan trọng hơn là hiện diện phổ biến của chiếc lò gạch ở một làng quê – một yếu tố tượng trưng cho sự lặp lại của cấu trúc làng xã. Hơn nữa, Việt Nam xưa là đất nước của những người nông dân bởi sự áp đảo tuyệt đối của họ về dân số và diện tích địa bàn cư trú đối với các thành thị phương Đông tiền tư bản chủ nghĩa, thường chỉ là nơi đầu não hành chính, cho nên cơ sở kinh tế của nó là kinh tế tiểu nông, cấu trúc xã hội của nó là cấu trúc làng xã. Và chính cái cấu trúc của làng xã tiểu nông này là cơ chế đẻ ra Chí Phèo, đẻ ra hiện tượng Chí Phèo.
Được chiếu rọi bởi ánh sáng của cái nhìn đó, hình tượng Chí Phèo bỗng vụt lớn lên, bước ra khỏi mảnh đất chật hẹp của một làng nói chung nào đó, để rồi lấy vóc dáng tạo nên xã hội. Đồng thời và ngược hướng với sự phát triển theo chiều kích vĩ mô trên, hình tượng Chí Phèo còn phát triển theo chiều kích vi mô. Nó thu nhỏ lại từ diện mạo cụ thể đến vô diện mạo, từ hữu hình đến vô hình. Nó tạo thành một cái gọi là chất chí phèo, gia nhập họ hàng với những chất AQ, chất Oblomob, chất Đông Ky Sốt… lẩn quẩn đâu đó trong mỗi con người, mà đôi khi trong những điều kiện nhất định, người ta thoáng nhìn thấy, thoáng nghe thấy một hình dáng, một hành vi, một sự ăn nói kiểu Chí Phèo… Chí Phèo sống với chúng ta, sống giữa chúng ta, sống trong chúng ta vậy.
© Giáo sư Đỗ Lai Thúy
Trích “Phân tâm học và Tính cách dân tộc”
- Xem thêm: » Một chùm tính cách Việt: (1) Khởi thủy là đàn bà
Nguồn: Book Hunter Club, VAOL minh họa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét