Sinh ra trong một gia đình nghèo khó; đến nỗi: mẹ phải đi tù chỉ vì chưa chạy đủ số thóc để nạp thuế, em trai tử nạn trên đường đạp xe mang gạo đi bán để phụ giúp gia đình; anh là con thứ bẩy, mười tuổi, sáng đi học, chiều, đi chăn bò, tối, phải đi ngủ ở một chòi nhỏ cách nhà mười cây số để canh trộm thuê cho một chủ vườn cây trái ở Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đến khi lập nghiệp thì chỉ từ hai bàn tay trắng. Chính xác hơn, từ cái ống thụt cầu tiêu.
Sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966 tại Gia Định, Sài Gòn (nay thuộc quận Bình Thạnh – Tp. HCM), ngay từ năm học thứ ba, chàng sinh viên giỏi toán-lý này đã phải tạm lơi những ước mơ nghiên cứu khoa học xa vời để lao vào kiếm sống. Anh mày mò tự chế tác ra cái ống thụt cầu tiêu để tự đem đi bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm … Thế mà rồi chỉ ít năm sau, ở cái tuổi ngoài ba mươi, chính anh chàng đó đã bay sang Mỹ mua lại một công ty điện thoại internet đem về lập công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS (EIS, Inc.) với lời tuyên bố tự trao sứ mệnh: “Tiến công mạnh mẽ vào thị trường công nghệ thông tin quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới”.
Như thần thông biến hóa, cái anh chàng “ai mua ống thụt cầu tiêu ê” bỗng sử dụng được tiếng Anh lưu loát như Việt kiều khi đứng ngang mặt các doanh nhân tầm cỡ thế giới. Người đó chính là Trần Huỳnh Duy Thức.
Cuối năm 1992, nhờ chút ít vốn liếng thu được từ cái doanh nghiệp ống thụt cầu tiêu, Thức mới mở được một cửa hàng dịch vụ đánh máy thuê, photocopy và bán đĩa mềm để rồi từ đấy ước mơ khoa học của chàng kỹ sư công nghệ tin học THDT mới có dịp phục hồi. Chỉ sau vài tháng tiếp cận thị trường, Thức đã cập nhật được công nghệ rồi nhập linh kiện rời về ráp thủ công thành những bộ máy vi tính mang nhãn hiệu riêng của mình là EIS. Đến 1995 máy PC EIS của công ty TNHH Tin học Duy Việt (tên tiếng Anh là EIS Co., Ltd.) không chỉ chiếm phần lớn thị phần máy tính cá nhân lắp ráp cho hộ gia đình tại Tp.HCM mà còn mở rộng mạnh mẽ ra cả Hà Nội.
Nhớ lại, cho đến cuối năm 1997, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam còn dẫm chân trong tình trạng sử dụng công nghệ truy cập analog qua đường điện thoại cho nên dung lượng và tốc độ truy cập rất hạn chế. Công ty Duy Việt đã tiên phong đưa vào thị trường Việt Nam công nghệ truy cập digital, cho phép mở rộng nhanh dung lượng lẫn tốc độ truy cập nhiều lần so với công nghệ analog.
Tuy nhiên, do không tương thích giữa các chuẩn viễn thông, các thiết bị truy cập digital mà Duy Việt nhập về không vận hành được với mạng điện thoại của Việt Nam. Hãng Racal và Bay Networks với các chuyên viên đầy kinh nghiệm từ Singapore và Mỹ đã được vời sang để trực tiếp lắp đặt và tương thích hoá, nhưng đều thất bại. Công ty Duy Việt đứng trước nguy cơ vỡ nợ rất lớn.
Racal và Bay Networks thông báo rằng họ cần đến 3 – 6 tháng để xử lý vấn đề này từ khâu sản xuất. Một khoảng thời gian như thế đủ dài để đánh sụp mọi cơ hội còn lại của Duy Việt. Nói chi nữa đến ước mơ “chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới”!
Không cam chịu, Thức đã cùng một kỹ sư lúc đó chưa tốt nghiệp đại học mở lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, đảm đương công việc của các chuyên gia Singapore và Mỹ. Ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nhưng rồi công trình đã được hoàn thiện trong một thời hạn ngắn hơn.
Đến giữa năm 2002, đội ngũ nghiên cứu phát triển (R&D) của Duy Việt đã có mặt ở 3 nơi: San Jose (Mỹ), Sài Gòn (Việt Nam) và Singapore để đảm bảo vận hành thiết bị do mình cung cấp.
Cuối năm 2002, EIS, Inc. lập đồng thời 2 công ty con cùng mang tên One-Connection (Một kết nối) tại Việt Nam và Singapore để áp dụng công nghệ này (được đặt tên là Sáng tạo để đột phá) cung cấp dịch vụ điện thoại Internet. Tại Singapore One-Connection nhanh chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường Internet toàn cầu và đã ký nhiều hợp đồng làm đại lý bán hàng địa phương với các hãng viễn thông ở Malaysia, Nga, Mỹ. Các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế và Singapore đưa tin rầm rộ sự kiện công nghệ Việt Nam xuất hiện cạnh tranh vững chãi trên thị trường toàn cầu. Kênh truyền hình Channel Asia lớn nhất Singapore phát lại 3 lần bản tin về One-Connection trong vòng 24 giờ với thông điệp chính: “One-Connection từ Việt Nam thách thức các dịch vụ viễn thông truyền thống”. Các tạp chí công nghệ nổi tiếng thế giới thì giật tít “Việt Nam ghi bàn”, “Bước đột phá ngoạn mục trong cách sử dụng và mô hình kinh doanh điện thoại Internet từ Việt Nam”...
Với hàng trăm nhân viên và nhà khoa học, các Cty Global EIS và Cty OCI đã lập được các “Giác đấu trên đất Mỹ” và từng được báo chí của ĐCSVN đánh giá là niềm tự hào của Công nghệ Thông tin Việt Nam.
Kể về chiến công hiển hách trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp cuả hai người bạn chí cốt của Trần Huỳnh Duy Thức: luật sư Lê Công Định và kỹ sư Lê Thăng Long; đặc biệt là Lê Thăng Long. Long với Thức không chỉ chia ngọt sẻ bùi, chung lưng đấu cật mà còn dấn thân vì nhau. Họ như Lê Lợi – Lê Lai, Lưu Bình – Dương Lễ.
Tâm
Lúc chưa đầy 5 tuổi, khi đang nghe ba đọc một quyển truyện tranh kể về một ông tiều phu bị những kẻ ăn thịt người bắt, chuẩn bị cho vào nước sôi làm thịt, Thức giật lấy quyển truyện rồi nhằm vào những hình ảnh của những kẻ xấu mà bấu nát ra với thái độ rất phẫn nộ. Hỏi vì sao thì Thức nói là để cứu ông tiều phu.Lê Thăng Long – người bạn đồng môn của Thức – thì kể rằng, một hôm, trên đường đến văn phòng công ty, Thức thấy một bà lão ngã rụi bên vệ một bùng binh. Thức bảo lái xe dừng lại, tự mình xuống đỡ cụ dậy. Sau khi hỏi han để biết cảnh ngộ éo le, Thức đã vay tiền người lái xe biếu bà cụ rồi mời cụ lên xe của mình bảo lái xe đưa cụ đến bệnh viện. Hôm ấy Thức phải đi xe ôm đến Công ty.
Tháng 9 năm 2010 tại trại giam Xuân Lộc, trong một buổi thẩm vấn, các sĩ quan của tổng cục An ninh hỏi: “Chắc anh thù ghét những anh em bên an ninh lắm hả?”. Thức cười và đáp: “Các anh chỉ là những người thừa hành phải cố gắng thực hiện những chủ trương sai lầm. Tôi chỉ đấu tranh để thay đổi những đường lối đó để đất nước không rơi vào thảm họa và phát triển tốt đẹp như tôi đã từng làm ở lãnh vực viễn thông chứ chẳng bận tâm đến vấn đề cá nhân nào cả”.
Dễ mủi lòng trước cảnh khốn khó, thân ái với cả kẻ quấy nhiễu mình nhưng Trần Huỳnh Duy Thức rất quyết liệt với cường quyền. Trước phiên tòa dẫn đến bản án khắc nghiệt, bất công “16 năm tù giam, 5 năm quản chế” anh vẫn ngẩng cao đầu dõng dạc tuyên bố: “Tôi không lật đổ chính quyền gì cả. Tôi chỉ chống cường quyền và tôi sẽ còn chống nó đến khi nào còn thấy nó”.
Giao thừa Canh Dần 2010, trong lao tù, ta vẫn nghe như âm vang từ lồng ngực Thức giọng thơ sang sảng của Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ:
Canh Dần khai đại cuộc
Cứu chúng tầm chân như
Khí như tùng bách mộc
Vươn thẳng giữa trời cao
Chống cường quyền hung bạo
Đối mặt phá cuồng phong
Quyết không làm nô lệ
Xứng Nam quốc Lạc Hồng.
Tầm
Đầu năm 2006, sau gần 2 năm nghiên cứu nghiêm túc, nhóm nghiên cứu Chấn của Trần Huỳnh Duy Thức đã đưa ra một bản đánh giá toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tóm tắt của bản đánh giá này được viết thành bài “Khủng hoảng kinh tế – Nguy cơ và cơ hội”.
Ngày 21 tháng 03 năm 2006, Thức đã gửi một bức thư tâm huyết kèm bài viết trên cho ông Nguyễn Minh Triết – khi đó là Bí thư thành ủy Tp. HCM. Dù không được đoái hoài, ngày 14 tháng 4 năm 2007, Thức vẫn kiên trì gửi liên tiếp 2 lá thư đến TBT Nông Đức Mạnh và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bản đánh giá nêu những luận cứ khoa học và cảnh báo nghiêm túc về nguy cơ khủng hoảng kinh tế sẽ nổ ra sau chừng 2 năm nữa (tức sẽ vào khoảng 2008). Thức cho rằng nếu không thực thi một số giải pháp khoa học cấp thiết như được nêu để cải cách, ngăn chặn khủng hoảng, phát triển đất nước thì cuộc khủng hoảng còn kéo dài trên 5 năm nữa và dẫn theo những khủng hoảng xã hội, chính trị trầm trọng, làm cuộc sống của nhân dân khó khăn và đất nước bị lệ thuộc.
Hiện thực đang chứng minh tiên đóan của Thức.
Thời kỳ cuối năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam căng phồng như bong bóng. Không chỉ các công chức, doanh nhân ào ào lao vào các sàn chứng khoán, mà không ít bà nội trợ, không ít nông dân lam lũ cũng dốc hết những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình rót vào các phiên giao dịch chứng khóan để cầu may. Sự xuất hiện bài viết “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ về đâu” của Thức dưới bút danh Trần Đông Chấn đã như liều thuốc giải “say”, cứu vớt nhiều người thóat cơn khánh kiệt.
Bài “Đô-la ngoại sẽ đi tới đâu?” với hàng loạt số liệu cụ thể về tỷ trọng của GDP theo các thành phần kinh tế và tỷ trọng đầu tư từ các nguồn khác nhau đã chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài một cách thụ động. Bài viết cũng đồng thời chỉ ra tình trạng nhập siêu do hàng hóa trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa sẽ là nguyên nhân gây lạm phát ngày càng cao của kinh tế Việt Nam. Trần Đông Chấn cực lực phản đối chính sách kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất ngân hàng để giảm lượng tiền đang lưu hành của chính phủ vì cho rằng biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong nước, gây ra sự phá sản của các doanh nghiệp dẫn đến thất nghiệp của người dân cùng hàng loạt các hậu quả tai hại khác mà chính phủ không thể kiểm soát được.
Trong khi rất không hài lòng với những kẻ ngạo mạn vô lối dám thóa mạ không chỉ giới trí thức mà cả dân tộc Việt Nam thì tôi thật hỉ hả gặp được sự biểu lộ niềm tự hào tự tôn dân tộc thật sáng suốt của Trần Huỳnh Duy Thức: “Việt Nam có thế mạnh về địa thế, giá trị của nguồn nhân lực dồi dào, siêng năng, có văn hóa và nhanh thích nghi với cái mới. Việt Nam là đất nước thanh bình và cởi mở. Những điều này dẫn hướng đến một tầm nhìn lớn về chiến lược giao thoa văn hóa và giao lưu kinh tế giữa đông và tây. Đây thực sự là lợi thế về đặc tính của con người Việt Nam trong việc hấp thụ rồi tạo nên những thành tựu mới về văn hóa và kinh tế. Việt Nam là nước có nền văn hóa và tiếng nói phương đông nhưng lại có chữ viết theo kiểu phương tây, đó chính là những di sản do lịch sử tạo lợi thế cho dân tộc ta trong một môi trường đa phương toàn cầu của hệ thống quốc tế mới đang hiện hữu”.
Không biết có viển vông quá không, nhưng nếu niềm mơ ước sau đây của Thức có triển vọng hiện thực thì hãy ráng sống để được cùng góp sức cho đến hơi thở cuối cùng: “Nếu dân tộc Lạc Hồng ta tiên phong và thành công theo một tiến trình như vậy - tiến trình bắt đầu từ xây dựng sự tự tin và có ý thức của người dân sử dụng tối đa quyền làm chủ của mình như đã phân tích từ đầu – thì sẽ truyền cảm hứng cho người dân Trung Quốc và tạo niềm tin cho giới cầm quyền ở đó dẫn đến sự thay đổi tích cực. Lúc đó Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ lớn nhất thế giới. Là một nền dân chủ thực chất nên cũng sẽ là một trung tâm thịnh vượng nhất thế giới và cũng tất yếu tạo ra một nền văn minh phương Đông hiện đại mới, tạo nên những chuẩn tắc chung mới cho thế giới toàn cầu với sự ảnh hưởng cân bằng giữa Đông và Tây”.
Một cuốn sách – Một con đường – Một tấm gương
Đầu năm 2008, nhóm nghiên cứu Chấn quyết định viết quyển sách Con đường Việt Nam do Trần Huỳnh Duy Thức chủ biên, cùng phối hợp với Lê Công Định, Lê Thăng Long và dự định mời thêm nhiều nhân sĩ, trí thức cùng hợp tác. Cuốn sách đặt mục tiêu giải đáp hàng loạt câu hỏi lớn:
“Làm sao để Việt Nam phát triển bền vững, nhanh chóng thành một nước dân chủ thịnh vượng? Làm sao lý tưởng “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” trở thành thực tế? Làm sao để Việt Nam không bị biến thành một dạng nô lệ kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa? Vì sao Việt Nam đã đổi mới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 23 năm qua nhưng vẫn còn là nước nghèo? Vì sao rất nhiều nước đã có thể chế chính trị đa đảng hơn nửa thế kỷ rồi mà vẫn dậm chân ở mức thu nhập trung bình trong hơn 20 năm qua, thậm chí nhiều nước vẫn còn nghèo đói và đầy rẫy các vấn nạn tham nhũng cường quyền? Tại sao Trung Quốc chỉ có một đảng cầm quyền lại có thể tạo ra sự phát triển nhanh chóng liên tục hơn 30 năm qua, nhưng phải đến hơn 40 năm nữa (2050) mới chỉ tới được giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Liệu nước này có tránh được cái bẫy thu nhập trung bình nhiều nước đã bị mắc vào để tiếp tục phát triển đạt được sự dân chủ và thịnh vượng, hay sẽ sụp đổ bất ngờ như Liên Xô trong giai đoạn đầu phát triển đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và những thành tựu lớn hơn nhiều những gì Trung Quốc làm được 30 năm qua? Làm sao mà đảng Dân chủ tự do (LDP) tại Nhật và Hành động nhân dân (PAP) tại Singapore là đảng duy nhất cầm quyền liên tục trong một thời gian dài ở các nước này lại đưa đất nước họ phát triển bền vững, nhanh chóng trở thành các nước thuộc thế giới thứ nhất trong thời gian cầm quyền của những đảng đó? Vì sao mà nghèo đói, tham nhũng, cường quyền có thể tồn tại phổ biến và hoành hành tại bất kỳ nước nào dù ở đó có một hay nhiều đảng chính trị, bất chấp ý thức hệ chính trị khác nhau dù ý thức hệ nào cũng đều hướng tới những mục đích tốt đẹp vì con người và được khẳng định, bảo vệ bằng hiến pháp? Một nền dân chủ được hình thành chỉ bởi ý muốn chủ quan của con người hay tồn tại những quy luật khách quan chi phối sự vận hành của xã hội loài người trong quá trình vận động của nó để đạt đến một nền dân chủ? Và liệu một xã hội dân chủ có tất yếu dẫn đến một xã hội thịnh vượng không? Có hay không những quy luật khách quan chi phối sự vận hành của một thế giới toàn cầu hóa tương tự như quy luật kinh tế thị trường đối với các hoạt động kinh tế? Những đặc tính căn bản của toàn cầu hóa là gì, và có những đặc tính nào từ bản sắc và văn hóa của dân tộc Việt Nam phát huy được thế mạnh do phù hợp với đặc tính của toàn cầu hóa này hay không? Liệu sự hình thành và phát triển của các hình thái xã hội loài người từ lúc nguyên thủy đến phong kiến, tư bản…là tất yếu theo một quy luật khách quan nào đó bất chấp ý muốn chủ quan của con người, hay các hình thái này chỉ là sản phẩm của nhân sinh quan? Mức độ tồn tại và ảnh hưởng của các tính chất đối ngược nhau trong một xã hội (như lạc hậu và văn minh, cường quyền và dân chủ, tham nhũng và công bằng) có tuân theo những quy luật khách quan nào đó mà con người cần hiểu biết nếu muốn thiết lập những cơ chế hiệu quả để giảm thiểu cái xấu và phát huy cái tốt không? Có những chỉ dấu nào của một xã hội mà có thể đo lường được dễ dàng nhưng lại cho thấy và dự báo tốt mức độ ổn định/bất ổn, phát triển bền vững/khủng hoảng sụp đổ của xã hội đó không? Vì sao chủ nghĩa Mác bị mất tính hấp dẫn trong khi lý tưởng mà chủ nghĩa này hướng đến là rất cao đẹp, và Mác lại là người đầu tiên dự báo chính xác được hình thái và bản chất của thế giới toàn cầu hóa ngày nay? Diễn biến hòa bình là gì và vì sao Liên xô sụp đổ? Và đây là minh chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác hay đó là bài học quý giá để tránh sự giáo điều, duy ý chí, áp đặt quan điểm chủ quan (của những người vận dụng chủ nghĩa Mác) trở thành quy luật khách quan mà không hề đảm bảo tính logic biện chứng của chính Mác đưa ra? Vì sao khá nhiều nước liên tục thay đổi hiến pháp theo hướng tốt hơn nhưng vẫn bất ổn hoặc càng bất ổn, không phát triển được nữa? Những động lực gì sẽ dẫn đến sự thay đổi và phát triển xã hội một cách tốt đẹp và ngược lại? Làm sao để những động lực này thuần túy kinh tế có thể thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển xã hội một cách cân bằng và công bằng?”.
Đặt ra được hàng loạt câu hỏi tầm cỡ như vậy đã chứng tỏ một tầm tư duy thật lớn lao. Riêng dự kiến về một cuốn sách như thế đã là một giấc mơ vĩ đại.
Tiếc rằng vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 người ta đã bắt Trần Huỳnh Duy Thức, tiếp đó là Lê Thăng Long, ngày 04 tháng 6; rồi đến Lê Công Định, 13/ 6.
Người ta đã phá tan những giấc mơ đẹp, những hoài bão lớn lao mà thánh thiện!
Tôi may mắn được đọc bản thảo cuốn “Con đường Việt Nam” sắp phát hành trên mạng, nói về cuốn sách dở dang trên và về người chủ biên đang phải khắc khoải vật lộn với những ước muốn cao đẹp của mình trong tù và thấy không thể không phát biểu về nó.
Bài viết này nhắm khẩn khoản khuyến nghị các nhà lãnh đạo, những người đang có quyền quyết định đến sinh mệnh của Trần Huỳnh Duy Thức hãy bớt chút thời giờ đọc cuốn sách này để hiểu đúng về Trần Huỳnh Duy Thức, để xét lại quyết định xử trí sai lầm đối với một trong những hiền tài, đặng cứu lấy nguyên khí quốc gia.
Xin đồng bào hãy đọc để biết và cùng nhau lên tiếng đấu tranh giải thoát một ngôi sao của đất nước đang bị nhốt.
Mong các nam nữ thanh niên hãy tìm đọc đặng soi vào một tấm gương rất đáng noi theo để rèn luyện mình thành người có ích cho đất nước, cho nhân quần xã hội.
Hà Nội 6 tháng 4 năm 2013
© Nguyễn Thanh Giang
Mobi: 0984 724 165
Email: thanhgiang36@yahoo.com
Website: www.nguyenthanhgiang.com
Tác giả gửi đến VANGANH.INFO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét