Đi xuất khẩu lao động… miễn phí
Ngày 28/3/2013, báo Người đưa tin nhận được lá đơn tố cáo của gia đình chị Ngô Thị Loan (SN 1971) trú tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), về một đường dây môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã lừa con gái chị và một số cô gái khác sang Angola để làm "gái bán dâm". Điều đau lòng là "mắt xích" quan trọng trong đường dây môi giới đưa con gái chị đi XKLĐ trá hình đó lại chính là người bạn thân thiết gắn bó hơn chục năm, mà theo như chị Loan nói là thân đến mức "bát cơm cũng sẻ đôi" với gia đình chị.
Trong căn nhà tuềnh toàng vừa mới xây cất, một bà lão đã sắp bước qua ngưỡng tuổi "bách tuế" mon men theo tường đi ra chào chúng tôi, theo sau là một em gái với khuôn mặt còn mang vẻ buồn bã bước ra. Cô gái đó là em Trương Thị Thanh Th. (SN 1993) là sinh viên năm 2 của trường cao đẳng Nghề Việt - Đức, em là nạn nhân vừa thoát ra khỏi "động quỷ" nơi đất khách quê người.
Mẹ con chị Loan và em Th. đang kể lại câu chuyện cho PV nghe. Ảnh Điệp Văn |
Th. may mắn hơn biết bao nhiêu cô gái khác bị bán vào động quỷ, được giải cứu trở về gia đình. Nhưng chỉ hơn chục ngày lang thang bên xứ người, em từ một cô sinh viên xinh xắn, mập mạp, tươi tắn, hoạt bát đã trở thành một cô gái gầy gò xanh xao, có vẻ trầm tính, ít nói. Khi chúng tôi bước vào nhà Th. tỏ ra sợ sệt, người co rúm sau bức tường với ánh mắt lo sợ. Phải mất công lắm mẹ em mới dẫn em ra trò chuyện với chúng tôi.
Sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em, Th. là con thứ ba trong nhà, với đồng lương ba cọc ba đồng của một công nhân nhà máy gạch, anh Trương Xuân Lộc (1963), phải một mình vất vả gánh vác cả một gia đình với sáu miệng ăn và người mẹ già đã bước qua tuổi 95. Vì vậy, dù đang là sinh viên năm 2, thế nhưng Th. đã luôn mong muốn có thể giúp đỡ bố mẹ gánh vác gia đình và chăm sóc bà nội tốt hơn. Biết được mong muốn của chị Loan và con gái, chị Đào Thị Lệ Xuân (SN 1971), người bạn thân thiết nhất của gia đình đã mở đường cho chị bằng cách thuyết phục cháu Th. đi sang Angola làm thuê cho một gia đình người Việt mà Xuân quen thân.
Sau một thời gian dài nghe bạn thân khuyên nhủ, chị Loan cũng quyết định cùng Xuân đưa Th. đến quán cà phê Hằng Nga ở đường Nguyễn Huy Tự (TP. Hà Tĩnh) để gặp vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Xuyến (SN 1963) trú tại ngã ba Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bởi theo lời Xuân thì cả bốn người con của vợ chồng ông Sơn, bà Xuyến đều làm ăn sinh sống ở Angola đã nhiều năm nay. Nếu Th. quyết định sang Angola là làm việc thì em sẽ làm việc ở cửa hàng ăn uống của chị Nguyễn Thị Hương, con gái của bà Xuyến.
Đang kể lại sự việc, chị Loan ngậm ngùi khóc quay sang nhìn con gái và bảo: "Vốn tôi cũng chẳng định cho cháu đi đâu, vì nó còn đang học lại vừa mới lớn, chưa va chạm xã hội nhiều, tôi sợ sang bên đó nó không quen rồi vất vả, không biết cuộc sống nơi đất khách quê người thế nào? Nhưng sau nhiều lần gia đình bà Xuyến đến, thậm chí còn mời gia đình tôi vào nhà ông bà ấy chơi và còn để cho mẹ con tôi quen với một cháu gái tên Dung trước khi sang Angola đã đến nhà chơi, sau khi sang thì thường gọi điện về nói chuyện với tôi rất tình cảm và bảo cuộc sống bên đó rất tốt nên tôi mới quyết định cho cháu đi. Ai ngờ...".
Tháng 8/2012, khoảng thời gian Th. chuẩn bị nộp học phí cho năm học mới cũng là khoảng thời gian, gia đình em đã hết sức phân vân khi đồng ý cho em bảo lưu kết quả lại để đi XKLĐ sang Angola làm cho chị Hương. Em bảo: "Lúc đó em cũng suy nghĩ rất nhiều, qua những lần cô Xuân và bà Xuyến đến thăm gia đình em, rồi mẹ con em vào nhà ông bà ấy, ở đó em đã quen Dung, người bay sang trước em một tháng. Thỉnh thoảng nó lại điện thoại về nói làm ăn bên đó rất được. Phần vì muốn đi làm để phụ giúp gia đình, cho mẹ có thời gian chăm sóc cho bà nội, phần vì nghĩ học xong ra trường tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của bố mẹ không biết rồi em có xin được việc làm hay không? Hơn nữa, cô Xuân và bà Xuyến đều bảo đi không phải lo tiền đi, chị Hương lo cho hết rồi sang bên đó làm trừ dần cũng được...".
Bản hợp đồng mà chị Loan đã ký với bà Xuyến. Ảnh Điệp Văn |
Làm "gái" mà "trả nợ"
Sau khi bảo lưu kết quả tại trường, tháng 9/2012, chị Loan đưa con đi làm hộ chiếu và các thủ tục liên quan đến XKLĐ. Vẫn chưa hoàn toàn thấy yên tâm tin tưởng để con đi, ngày 20/9/2012, chị Loan quyết định làm hợp đồng với ông Sơn và bà Xuyến. Trong "bản hợp đồng tạo nguồn lao động" này có ghi rõ: Th. sang Angola "đảm nhiệm công việc phục vụ bàn" với mức lương khởi điểm là 1.000 USD/tháng, sau đó sẽ tăng dần theo thỏa thuận.
Ngày 7/3/2013, Th. cùng với mẹ là chị Loan, Xuân, bà Xuyến, ông Hải (bố chồng Hương, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) lên đường ra sân bay Nội Bài để bay sang Angola. Vào hồi 11h30' ngày 8/3/2013, Th. lên máy bay cùng bà Xuân và hai cô gái khác. Được biết, một người tên là Liên (SN 1984) trú tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và một người là Nguyễn Thị Thanh (SN 1988) trú tại Thạch Việt, Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Đến khoảng 12h30' ngày 9/3/2013, Th. và những người đi cùng đáp xuống sân bay Quatro de Fevereiro ở Luanda (Angola) và được vợ chồng Hương ra đón. Sau khi ra khỏi sân bay, bốn người được Hương đưa về một hàng ăn nhỏ ở Kamama, tại thủ đô Luanda. Đó là một hàng ăn nhỏ, chỉ có khoảng bốn đến năm chiếc bàn ăn, bên trong là năm phòng ngủ. Trong cửa hàng lúc đó ngoài việc gặp lại anh Hải (em trai Hương, người đã từng đến nhà Th. chơi khi về Việt Nam) thì còn có Dung - người sang trước Th. hơn một tháng và một ông đầu bếp kiêm bảo vệ cửa hàng.
Khi mọi người vừa bước vào bên trong cửa hàng, vốn có cảm tình với Th. từ trước nên Hải đã nhanh nhảu bảo Th. gọi điện thoại về báo tin cho gia đình, đồng thời bàn bạc xem sao vì Hải muốn Th. lên làm quán Photocoppy với mình. Bởi như lời Hải nói thì: "Em gọi điện thoại về bàn bạc với mẹ xem sao chứ ở đây thì chắc chắn là sẽ phải làm gái (gái mại dâm - PV)". Vừa nghe em trai nói dứt câu với Th., Hương ở ngoài bước vào đã lập tức mắng chửi Hải và đuổi Hải đi. Th. chưa hết bàng hoàng vì những gì mình vừa nghe từ Hải thì Hương đã vỗ tay gọi mọi người tập trung lại "họp".
Trong "cuộc họp kín" đó, Hương trao đổi thẳng thừng: "Trước khi sang đây là bay đã biết là sẽ phải làm gì rồi. Tao bỏ ra bao nhiêu tiền để lo cho bọn mày sang đây, bọn mày phải tiếp khách để kiếm tiền trả nợ cho tao. Công việc chính ở đây chủ yếu là "làm gái" còn việc hàng ăn chỉ là phụ lúc cần. Chúng mày ở đây mặt mày phải luôn tươi tỉnh, không được làm mất khách của tao nếu không tao bán sang "động" khác, làm trả tiền cho tao xong rồi muốn đi đâu thì đi!".
Khi nghe xong "lời tuyên bố" của bà chủ Hương, tất cả đều choáng váng, im lặng, sợ hãi. Ba người kia im lặng theo kiểu "chấp nhận". Riêng Th. sau một hồi choáng váng vì thông tin trái ngược với những gì mình tưởng tượng, Th. sợ hãi, kêu khóc, van xin bà Xuân và Hương cứu, nếu không Th. thà chết chứ không chịu làm cái việc đó. Sau những lời van xin bất lực, may sao trước khi đi Th. có cầm theo điện thoại nên em đã gọi điện về cho mẹ chỉ thốt lên được vài câu: "Mẹ ơi! Con bị lừa sang đây làm gái bán dâm rồi, mẹ nghĩ cách cứu con với...".
Nín thở giải cứu cô gái trẻ khỏi "động quỷ" nơi xứ người
Sau khi nghe những lời kêu cứu thảm thiết của người con gái vừa ra khỏi vòng tay mẹ mới chỉ được một ngày, chị Loan choáng váng, xây xẩm cả mặt mày, chân tay như rụng rời.
Lời kêu cứu qua điện thoại
Nghĩ là đã đưa Th. và ba người còn lại sang Angola trót lọt, bà Xuyến mừng rỡ ở lại nhà chị gái của chị Loan theo lời mời của chị để tiện cho việc sáng hôm sau đón tiếp thêm hai cô gái trẻ mà theo chị Loan cho biết tên là Hương và Thủy để đưa sang Angola giao cho Hương mà không hề mảy may sợ hãi. Trong ngày hôm đó, bà Xuyến còn mua tặng hai chị em nhà chị Loan hai chiếc áo để làm kỷ niệm.
Sáng ngày 9/3/2013, chị Loan đã hợp đồng thuê một chiếc taxi khứ hồi đưa bà Xuyến và chị Loan ra sân bay. Sau khi tiễn Hương và Thủy lên máy bay, trên đường trở về thì máy điện thoại của chị Loan rung lên réo rắt.
Chưa kịp mừng khi thấy số điện thoại nước ngoài, chắc là con gái đã sang đến nơi rồi điện về, chị vội vàng bắt máy thì đã nghe tiếng kêu khóc thảm thiết của Th. nức nở: "Dì Xuân và bà Xuyến lừa con sang đây xong bây giờ ép bọn con làm gái bán dâm để trả số tiền chị Hương lo sang đây là 7.000 USD. Nếu như không muốn làm gái thì chị sẽ đưa đến quán photocoppy ở cách đây 15km nhưng nếu bị hiếp, bị giết chị ấy sẽ không chịu trách nhiệm. Con thà chết chứ cũng không làm "gái" đâu mẹ ơi! Mẹ nghĩ cách cứu con với".
Tin nhắn của bà Xuân gửi về cho chị Loan vừa dọa dẫm vừa ngon ngọt nhằm lôi kéo Th. trở lại "động quỷ". |
Choáng váng nghe cái tin sét đánh từ cô con gái vừa gọi về, chị Loan nhất thời không nói được nên lời, mặt cắt không còn giọt máu. Bà Xuyến vẫn ngồi trên chiếc taxi cười nói vui vẻ mà không hề hay biết chị đang đứt từng khúc ruột vì thương và lo lắng cho con gái. Khi bà Xuyến nhận thấy dấu hiệu khác lạ trên khuôn mặt chị thì cũng là lúc chị bắt đầu lấy hết tinh thần để ổn định tâm lý, chị quyết phải cứu con gái cho bằng được và người đàn bà đang ngồi bên cạnh chính là vũ khí, là cơ hội duy nhất để chị có thể cứu được con gái mình. Không nghĩ ngợi nhiều, chị Loan tự nhủ nhất định mình phải giữ bình tĩnh trước con người nhẫn tâm này.
Trước ánh mắt và thái độ khác lạ của chị Loan từ sau cuộc điện thoại gọi đến, bà Xuyến dường như cũng nghĩ có chuyện chẳng lành nên một mực yêu cầu xuống Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) để bắt xe về Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chị Loan đã nhanh chóng liên lạc với người nhà và kịp thời giữ người đàn bà này lại ngay trong bến xe để yêu cầu bà Xuyến gọi điện sang cho Hương dừng ngay việc ép Th. làm gái nếu không gia đình chị sẽ báo công an để bắt bà Xuyến và ông Sơn về hành vi lừa đảo phụ nữ qua biên giới làm gái bán dâm.
Trước thái độ gay gắt của chị Loan và người nhà của chị, bà Xuyến buộc phải gọi điện thoại sang Angola cho con gái để dừng việc ép Th. lại và lo công việc cho Th. để kiếm đủ tiền về nước. Tuy nhiên, trong điện thoại Hương đã mắng chửi mẹ mình và kiên quyết cho rằng mình tốn tiền gửi về mà mẹ lại gây ra chuyện vô tích sự như vậy. Bởi trong thâm tâm, Hương vẫn nghĩ là những người như Th. trước khi sang là đã được bà Xuyến cho biết sẽ phải làm gì rồi (?!). Sau một hồi tranh cãi kịch liệt giữa hai mẹ con, cuối cùng Hương cũng tạm thời nhượng bộ chưa ép buộc Th. tiếp khách nếu như em chưa đồng ý.
Mặc dù chưa tin tưởng hoàn toàn những lời Hương nói, nhưng chị Loan cũng đành phải để cho bà Xuyến lên xe về Hà Tĩnh trước bởi chị không có quyền giữ người khi chưa có bằng chứng, nếu báo công an chị cũng sợ con gái mình sẽ có chuyện nên đành âm thầm nghĩ cách cứu con. Nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng đó, chị cho biết: "Lúc đó tôi đau đớn vô cùng, chỉ nghĩ làm sao để có thể cứu con về bằng mọi giá. Dù có phải bán hết tài sản, cả nhà đi ăn xin đi nữa thì cũng phải cứu con về Việt Nam an toàn cho bằng được, nếu không tôi chết cũng không thể nhắm mắt được".
Đơn tố cáo kiêm tố giác tội phạm của gia đình em Th. gửi đến cơ quan chức năng. |
Hành trình 10 ngày trốn chạy khỏi "động quỷ" xứ người
Với suy nghĩ sẵn sàng đánh đổi tất cả để cứu con gái, sau khi trở lại nhà chị gái ở Hà Nội, chị Loan không thiết ăn uống gọi điện nhờ hết người này đến người khác để hỏi thăm những gia đình có người thân làm ăn bên Angola, rồi xin số điện thoại liên lạc nhờ họ giúp đỡ.
May mắn là trong gia đình chị cũng có một số người quen ở bên đó làm ăn nên gia đình chị đã cầu khẩn giúp đỡ. Thật may mắn khi họ nhận lời sẵn sàng giúp đỡ hết sức mình. Cuộc giải cứu cô sinh viên nhỏ nhắn, xinh xắn bắt đầu khi em ngồi co ro sợ hãi trong căn phòng tại "quán ăn" kiêm "động quỷ" của Hương ở tại Kamama. Đó là buổi chiều ngày 10/3/2013, một ngày sau khi nhóm của Th. đặt chân đến Angola, chị Liên người đi cùng nhóm với Th. đang phải "tiếp" vị khách thứ năm ngay ở phòng cạnh bên.
Mới chỉ một ngày bước chân sang đất khách quê người, Th. còn chưa kịp tỉnh bởi cơn say máy bay đã phải chứng kiến cảnh mọi người "tiếp khách" với cường độ liên tục, điều đó lại càng khiến em sợ hãi hơn, em chỉ biết thu mình vào một góc phòng khóc ròng, rồi nhắn tin về gia đình kêu cứu. Nhận được tin nhắn của con chị Loan càng thêm thắt lòng, ngay trong ngày hôm đó chị liên lạc người "cứu viện", đồng thời vay tiền gửi sang nhờ họ lập tức cứu con chị ra.
Theo kế hoạch, ngay từ 7h sáng ngày 11/3, một chiếc taxi đã có mặt và lượn lờ ngay trước cửa hàng ăn của Hương. Khi đó mọi người trong nhà đang ăn sáng. Để dỗ dành Th. nghe lời mình, Hương hết dọa dẫm lại đến ngọt ngào, tình cảm, thậm chí còn chuẩn bị rất nhiều đồ ăn ngon dành riêng cho “con mồi” xinh xắn này. Nhận được tin nhắn sẽ có một chiếc taxi đến đón, trong lúc mọi người đang ăn sáng, Th. đã có cơ hội ra hiệu cho anh lái taxi được nhận diện đang túc trực quan sát. Nhưng đến mãi hơn 12h trưa, Hương mời đi vào phòng nghỉ trưa, Th. ngồi ở góc cầu thang, bà Xuân đang rửa bát và ông đầu bếp kiêm bảo vệ đang nằm vắt vẻo trên võng canh gác. Thấy thời cơ đã đến, Th. ra hiệu cho người lái taxi lùi xe lại đồng thời vội vàng mở chốt cửa, chạy thật nhanh ra phía chiếc taxi phía trong là người nhà đang đợi sẵn. Lúc đó, trên người em chỉ mặc duy nhất một bộ đồ ngủ và hộ chiếu lận ở trong lưng quần.
Chiếc xe taxi đưa Th. đến căn hộ của một người Việt có quen biết với người nhà để lẩn trốn, tránh sự truy đuổi của "tú bà" Hương.
Ngay sau khi Th. chạy trốn khỏi "động quỷ", bà Xuân đã lập tức gọi điện thoại về cho chị Loan, nói với những lời lẽ khi thì đe dọa, lúc lại mật ngọt rằng cháu Th. đã trốn ra ngoài. Người chị em tốt này khuyên chị Loan bảo Th. quay lại chứ chạy cũng không thoát, và dọa dẫm: "Ở đây, con Hương thuộc diện "trùm sỏ" ở vùng này, chỉ cần hô một tiếng thì cho dù có ở đâu thì cũng sẽ có người tìm ra".
Xuân còn nhắn tin cho chị Loan rằng: "Dì hãy tin tôi, tôi không lừa dì đâu. Bây giờ chỉ cần Th. ra sân bay là bị bắt, không về được đâu. Con Hương nó gán cho Th. tội ăn trộm 10.000 USD rồi bỏ trốn, công an ở đây đã dán truy nã khắp sân bay rồi".
Mặc dù, em Th. đã thoát khỏi hang ổ của Hương, nhưng, gia đình vẫn chưa thể cho về ngay vì những lời đe dọa liên tiếp nhận được. Trong lúc đó, Th. đang lẩn trốn trong một căn phòng của người quen, không dám bước chân ra ngoài. Mãi đến ngày 18/3/2013, khi chị Loan mua được vé ở sân bay Nội Bài và nhờ người liên lạc với một người bán vé máy bay ở Luanda đến đón Th. ra sân bay và về nước.
Trương Thị Thanh Th. bay về đến sân bay Nội Bài vào ngày 20/3, sau 10 ngày kinh hoàng bôn ba nơi xứ lạ. Trở về trong thân xác gầy gò, tái nhợt, Th. khóc nấc lên thành tiếng khi vừa bước chân xuống phi trường. Bởi giờ đây em đã có thể an toàn về tới quê hương, nhìn thấy được người thân đang đợi đón, cô gái nhỏ nhắn về hình thể nhưng lòng can đảm phi thường ấy đã ngất đi trong vòng tay của người cô và dượng khi họ thay bố mẹ em ra đón. Từ đây, những kẻ mang "bộ mặt quỷ" trong một gia đình của đường dây lừa đảo phụ nữ sang Angola làm gái mại dâm, đã được phát giác và tố cáo lên cơ quan chức năng nhằm đòi lại sự công bằng cho những người phụ nữ trẻ người, non dạ.
Sống chết cũng phải cứu con
Sau khi tìm hiểu chính xác nơi Th. ở, người quen của chị tại Angola đã lập sẵn một kế hoạch giải cứu, với hy vọng mong manh "một là sống, hai là chết". Chị Loan bảo: "Theo lời đứa cháu bên đó thì nếu cứu được thì sống còn nếu không cứu được thì chỉ có nước chết. Bởi đây là vùng đất cướp, giết, hiếp. Người ta có thể dễ dàng thuê giết một người chỉ với 500 nghìn đồng tiền Việt". Nhưng điều may mắn nhất của Th. là lúc đến nơi biết mình bị lừa em kêu khóc dữ quá, trong lúc Hương ép mọi người ký cam kết tự nguyện và thu lại hộ chiếu thì đã quên mất việc lấy lại hộ chiếu từ Th. biết vậy chị Loan đã nhắn tin dặn cháu lúc nào cũng phải dắt hộ chiếu bên mình.
Lời kể cô gái trở về từ động mại dâm lớn nhất thế giới
Tú bà Nguyễn Thị Hương (SN 1984) đã từng là nạn nhân bị đưa đẩy, đẩy đưa trong tay của những kẻ buôn người trong thân phận là một cô gái bán dâm ở nơi đất khách quê người. Cuộc sống của gái làng chơi đã biến ả trở thành một con người ranh ma, lọc lõi, có “số má” ở một đất nước phức tạp như Angola.
Tâm sự chua xót của những cô gái bị lừa
Đường dây lừa đảo của những kẻ trong một gia đình này đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào cốt sao... kiếm được tiền. Chính ông Sơn, bà Xuyến cũng dối gạt cả con gái của mình là Hương để lừa lấy những cô gái được Hương đưa sang “miễn phí” với danh nghĩa lấy tiền để chạy đi xuất khẩu lao động sang Angola làm việc. Chính những kẻ táng tận lương tâm ấy đã sẵn sàng dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt được mục đích, thậm chí vắt kiệt kinh tế lẫn thân xác của những cô gái bị chúng nhắm tới.
Theo lời kể của Th., mấy người chị đi cùng chuyến với em ngày hôm đó, dù chỉ vừa mới sang đến nơi chưa kịp nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài thì ngay ngày hôm sau đã phải tiếp khách mua dâm. Th. bảo: “Chị Liên đi cùng với em, sau cuộc họp kín ngày 09/3/2013 đó đã chấp nhận nhắm mắt đưa chân làm theo yêu cầu của chị Hương, chỉ trong một buổi chiều đã phải tiếp tới 5 khách”.
Những cô gái được giải cứu từ những “động quỷ” chịu sự đau đớn suốt đời cả về thể xác lẫn tinh thần. (Ảnh internet) |
Hay Dung - một cô gái còn rất trẻ (SN 1994), người đã sang trước Th. hơn một tháng kể với em rằng: “Ngay ngày đầu tiên đặt chân trên đất Angola, em đã phải tiếp tới 9 khách bởi em là “hàng mới về, đang được săn đón”. Do em này biết nghe lời tú bà Hương hơn những người trước đó nên cuộc sống của Dung có phần dễ thở hơn”. Th. kể, Dung đã từng khuyên em rằng: “Sang đây là phải làm gái, thôi thì chị em mình đành phải nhắm mắt xuôi tay thôi chị ạ”, nhưng Th. vẫn nhất quyết không đồng ý. Cô bé Dung này thường được Hương chỉ đạo phải đi tiếp khách ở xa, có khi đi cả tuần cho đến nửa tháng. Ngày Th. bỏ trốn cũng là ngày Dung lại khăn gói, chuẩn bị đi khách ở ngoài mà theo như cô ấy nói thì “vài ngày nữa mới quay lại”.
Theo nạn nhân, em và gia đình được miễn phí tiền đi bởi thân quen với ông bà Sơn - Xuyến. Còn những cô gái khác thì cái khoản “chi phí đi xuất khẩu lao động” ấy cũng không nhỏ nên đành phải cam chịu làm gái để mà kiếm tiền trả nợ. Có người đã chuẩn bị cả trăm triệu đưa cho bà Xuyến để lo thủ tục đi sang Angola cũng phải chịu cảnh nợ nần không nhỏ. Th. kể: “Chị Hương (một nạn nhân trùng tên tú bà - PV) là người sang sau em một ngày, khi mấy chị em ở cùng nhau thì chị ấy tâm sự rằng ở nhà chị đã phải vay mượn khắp nơi để có số tiền 130 triệu đồng để đưa cho bà Xuyến lo thủ tục chạy sang Angola với mong muốn “đổi đời”. Nhưng không ngờ, khi vừa sang đến nơi, chúng đã bắt chị phải tiến hành “làm gái” để trừ nợ giống như những người đi “miễn phí”, mà như chị này nói với Th. rằng: “Cứ như bà Xuyến chưa bao giờ cầm tiền của chị ấy vậy!”. Khi Hương dứt khoát không chịu làm thì chúng lại chửi bới, dọa dẫm, đánh đập, bắt phải làm nếu không sẽ bán sang động khác.
Ngày 27/3/2013, khi Th. vừa thoát khỏi “động quỷ” trở về quê nhà được mấy hôm thì nhận được tin nhắn hết sức xót xa của nạn nhân tên Thủy, người sang sau Th. một ngày gửi về với nội dung: “Em về Việt Nam rồi à? Chị mừng cho em! Chắc gia đình em mừng lắm nhỉ? Còn chị, giờ cũng đành chấp nhận nhắm mắt đưa chân để sống làm trả hết nợ rồi tính. Ông Sơn, lấy chị 40 triệu, giờ Hương nói không biết nên nó không trừ cho chị còn bảo về bên Lào mà lấy. Họ sao ác vậy em?”.
Nguyễn Thị Thanh Th. chua xót kể lại sự việc. |
Chân dung “tú bà”
Nguyễn Thị Hương (SN 1984), trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) mặc dù đã từng là một nạn nhân trong đường dây buôn người bị lừa sang Angola làm gái bán dâm cách đây khoảng chục năm. Chính khoảng thời gian bươn chải nơi đất khách quê người, ả đã biến thành một kẻ sừng sỏ, ranh mãnh và có máu mặt của vùng. Được biết, ở bên đó, ả đã sống chung với ba người đàn ông và đã có hai mặt con nhưng đến nay Hương vẫn chưa ổn định cuộc sống. Người chồng hiện tại của ả có gốc Nghệ An và hai người đã có với nhau một mặt con nhưng cũng chỉ là “chỗ tạm bợ”, thuộc diện thân ai nấy lo, đường ai người ấy chạy.
Theo dấu vết từ những thông tin gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Thanh Th. cung cấp, PV chúng tôi đã tìm gặp những người hàng xóm của gia đình ông Sơn, bà Xuyến (bố mẹ của “tú bà” Nguyễn Thị Hương - PV) ở ngã ba Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để tìm hiểu rõ hơn về ả “tú bà” xuyên biên giới này. Nhìn vào ngôi nhà tuềnh toàng, cũ kỹ và khá bừa bộn ấy thì không ai nghĩ được đây là gia đình với tất thảy con cái đều sống và làm việc ở nước ngoài, ở nhà chỉ có hai ông bà chăm hai đứa cháu nhỏ. Ông N. Đ. Nh., một người hàng xóm đã kể về một phần đời của Hương, khi cô gái đó còn sinh sống trên mảnh đất quê nhà.
Dù Hương đã bỏ nhà đi rất lâu, hàng xóm cũng không biết tin tức gì nhiều về ả. Tuy nhiên, ông Nh. còn nhớ: “Hương cũng là một cô gái xinh xắn, dễ thương, nhưng từ nhỏ con bé đã không thích học hành và có vẻ ham chơi. Mặc dù là con gái nhưng Hương không ngoan ngoãn như những đứa trẻ khác ở cùng xóm. Năm 13 tuổi, Hương đã bỏ nhà đi lang thang nay đây mai đó, gia đình đã phải đi tìm nhiều lần. Đến năm con bé khoảng ngoài 20 tuổi thì thấy mọi người bảo là Hương sang Angola làm ăn, từ đó đến nay có về nhà một vài lần và gửi con lại cho ông bà Xuyến nuôi giúp. Nghe đâu cũng ba đời chồng rồi mà chẳng thấy có lần nào cưới xin cả”.
Ở địa phương, do sống xa nhà đã lâu nên Hương rất kín kẽ, mọi người xung quanh ngoài việc chỉ biết Hương đang làm ăn bên Angola rất khá thì hầu như không biết ả làm gì bên đó. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Hương đã không từ bất cứ thủ đoạn nào kể cả việc lôi kéo bố mẹ và em trai mình tham gia giúp đỡ trong việc tìm kiếm nguồn hàng “mới” cho ả. Thỉnh thoảng, người ta thấy gia đình bà Xuyến lại có khách, chủ yếu là các cô gái với tuổi đời còn rất trẻ đến ở đó. Một số người dân sống gần đấy cho biết: “Cũng chỉ nghe nói là ông bà này thuê thay cho con gái để đưa sang làm phục vụ cho cửa hàng của Hương”. Không ai biết rằng, đó đều là những cô gái non nớt được gia đình Hương mồi chài, lừa sang để làm “gái”, kiếm ra những lợi nhuận khổng lồ cho ả. Những cô gái đó sau khi được ả vắt kiệt sức lực của thân xác hoặc không nghe lời đều được Hương cho “sơ tán” sang những động khác mà theo như lời rỉ tai của các “gái” là còn kinh khủng hơn đây gấp nhiều lần.
Mặc dù đã có rất nhiều đường dây lừa đảo, mua bán và môi giới phụ nữ làm gái bán dâm được các cơ quan chức năng bóc mẽ, phanh phui, làm rõ. Tuy nhiên, những đường dây lừa đảo, buôn bán phụ nữ xuyên biên giới vẫn rất khó được phát hiện, bởi chúng thường dựa vào sự nhẹ dạ, cả tin của những cô gái chân lấm tay bùn, gia đình có điều kiện hoàn cảnh khó khăn và ít va chạm xã hội để lừa đảo. Chính vì vậy, tú bà Hương đã không ngần ngại cho “những người mới đến” sử dụng điện thoại thoải mái mà không cần đề phòng bất trắc. Cũng nhờ chiếc điện thoại đó, mà Th. mới có thể thoát ra khỏi “động quỷ” với sự hỗ trợ của gia đình. Nhưng không phải ai cũng may mắn được như Th., bởi đã có rất nhiều cô gái đành ôm thân cam chịu số phận trớ trêu của mình, đành nhắm mắt đưa chân để làm mà trả món nợ “không vay mà phải trả” ấy cho “tú bà” Hương.
“Tú bà” đã có kế hoạch tẩu tán và di chuyển “động quỷ” đến nơi khác
Theo thông tin mới nhất từ gia đình chị Loan cho biết, chị nhận được một cuộc điện thoại của một người Việt Nam làm xây dựng bên Angola gần nơi “động quỷ” của tú bà Hương. Người này được một cô gái nhờ gọi điện về báo tin. Sau sự việc Th. bỏ trốn về nước, đã đánh động khiến Hương sợ hãi và đã tịch thu toàn bộ điện thoại cũng như giấy tờ tùy thân của các cô gái ở đó và đang xúc tiến chuẩn bị tẩu tán, di chuyển “động quỷ” đến nơi khác.
Phóng sự điều tra của Điệp Khánh Văn
Người Đưa Tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét