Việt Nam: Khi người tiêu dùng sùng bái ngôi đền siêu thị - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Việt Nam: Khi người tiêu dùng sùng bái ngôi đền siêu thị

ad728
Andrew Lâm - Huffington Post

Ở Việt Nam, hiện đang có một giới tiêu thụ với nguồn thu nhập vô tận và thói quen mua hàng xa xỉ và bất động sản ở nước ngoài. Với số ít nhưng ngày càng đông, họ theo bước chân của những người Trung Quốc trước đây với những chuyến du lịch mua sắm xả láng. Trong đầu họ là Gucci, Shiseido, Nokia và Ipod, cùng với những căn hộ cao cấp. Và Hải, một người bạn tôi quen biết vài năm trước ở Sài Gòn, đã trở thành một người như thế.

Mặc dù lưu lại vài ngày tại San Francisco, anh lại không muốn đến thăm Cầu Golden Gate, chẳng thích thăm phố Chinatown hoặc quan tâm đến bến Fisherman Warf. Bãi biển và công viên hay chuyến đi trên xe điện cũng chẳng làm anh thích thú. Và khi tôi chỉ đường chân trời mờ ảo của khu Russian Hill vào buổi hoàng hôn, anh chỉ chụp một bức ảnh lấy lệ. Ngoài ra thì anh thấy tẻ nhạt. Anh không muốn gì ngoài việc mua sắm, ăn uống ở những nhà hàng ngon nhất và bắt tôi chụp ảnh anh đang làm những việc ấy. Nếu không anh lên mạng hoặc nói chuyện trên điện thoại di động về việc duy nhất là mua sắm. Anh thăm dò giá cả bất động sản, chụp ảnh và gửi kèm tin nhắn đến bạn bè và đối tác thương mại của mình ở Việt Nam.

Và anh cũng có một danh sách về những mặt hàng cao cấp mà anh “cần mua”, và vì anh biết rất ít tiếng Anh, tôi trở thành người thông dịch, bên cạnh nhiệm vụ tài xế, chủ nhà và phó nhòm cho anh.

Cho đến vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và điên cuồng. Kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, và đặc biệt sau khi Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ với cựu thù của mình vào năm 1997, kinh tế Việt Nam đã phát triển một cách vững chãi. Trong gần một thập niên, tỉ lệ tăng trưởng GDP trung bình nằm trong khoảng từ 7 đến 10 phần trăm mỗi năm. Nó đã chậm lại trong vài năm qua nhưng mức độ giàu có vẫn giữ nguyên trong một thành phần. Thật thế, Việt Nam có thể vẫn mặc chiếc áo búa liềm bên ngoài nhưng trái tim đã đập theo nhịp độ của thương mại và tư bản.

Thay vì thế, đây là thời kỳ của giới tư bản đỏ. Và Việt Nam đang lao vào xã hội tiêu thụ với một tốc độ chóng mặt và không thèm nhìn lại phía sau. Nếu tôn giáo từng là thuốc phiện của quần chúng, và ý thức hệ là nguồn gốc của cách mạng, thì giờ đây tiền bạc đã thay chân cả hai và cải đạo mọi người, từ trẻ đến già, để thờ phượng một ngôi đền mới ở Việt Nam, đó là siêu thị.

Cuộc cách mạng mới này có từ ngữ riêng của nó.

Sống vộii: Sống nhanh và tiêu xài hết cả.

Đua đòi: Tranh đua, tham lam, muốn bằng chị bằng em.

Văn hoá tốc độ: Nền văn hoá của lối sống nhanh.

Lô Cồ: Từ mượn của tiếng Anh “local”, dùng để miêu tả người lạc hậu, quê mùa hoặc hàng rẻ sản xuất ở Việt Nam. Hải sẽ nói với bạn rằng anh chẳng có người bạn nào Lô Cồ. Anh thích dân Việt Kiều như tôi, những người Việt từ nước ngoài.

Sì Trét: “Stress”, người Việt dùng từ này để diễn tả tính năng động cao. Ví dụ một người bị Sì Trét có nghĩa đang là nhắn tin cho ai đó trong khi đang nói chuyện trên di động với một người khác về một thương vụ nào đấy.

Trong cái thế giới ấy, việc có thể chi 200 Mỹ kim cho một chai vang hoặc 340 Mỹ kim cho một chiếc áo hiệu Gucci đều làm mọi người thèm muốn. Đấy là thế giới của phong cách tay trên, nơi mà ở một buổi tiệc giữa bạn bè với nhau, việc đầu tiên người ta làm là rút di động đặt lên bàn để mọi người thấy mình vừa tậu được công nghệ mới nhất. Trên thực tế, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng di động bình quân đầu người cao hơn cả Trung Quốc - 130 triệu chiếc cho dân số 90 triệu người. Ở Việt Nam, làm giàu thật sự là vinh quang. Và giàu có bắt buộc phải khoe của - gần đây nhất là bằng cách du lịch và mua sắm ở nước ngoài.

Nói cho cùng, Việt Nam đã có tỉ phú đầu tiên, vừa được tạp chí Forbes xác nhận là Phạm Nhật Vượng. Những người khác cũng sắp có tên.

Giới tinh tuyển hậu ý thức hệ này - con cái của các gia đình thương nhân hoặc các thành viên cộng sản cao cấp - hiện đang sống trong một thế giới ngập tràn giàu có và xa xỉ, một thế giới mà cha mẹ họ không thể nào mường tượng trong một hoặc hai thế hệ trước, khi họ mặc đồ bộ màu đen và xếp hàng mua gạo ở các cửa hàng nhà nước.

Nhưng đây cũng là đất nước của sự giàu có chóng mặt và sự nghèo khổ đầy nhục nhã. Hàng nghìn nông dân đang bị di dời để Việt Nam có thể xây dựng 140 sân gôn. Trong khi nạn buôn người đang trở thành vấn nạn lớn trong nước, một thành viên bộ chính trị cộng sản thực thụ hiện nay không bao giờ thiếu xe Lexus và đồng hồ Rolex cùng ít nhất là năm người hầu trong biệt thự của mình. Trong khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 1.200 Mỹ kim vào năm 2010, những thương hiệu cao cấp như Shiseido, Prada, Bvlgari, Hermes đang ngày càng trở thành mặt hàng tiêu thụ phổ biến. Theo một thăm dò của một công ty tiếp thị và quảng cáo vài năm trước, 68% giới trẻ cho biết thương hiệu là mối quan tâm hàng đầu của họ khi mua sắm, và 73% sẵn sàng trả thêm tiền để mua hàng chất lượng cao.

Anh bạn Hải của tôi thì rất mê dây thắt lưng; anh có một bộ sưu tập của những nhà thiết kế cao cấp. Trong ngày mua sắm cuối cùng của anh, chúng tôi đã trải qua bốn giờ tại cửa hàng Hermes. Chúng tôi đã thử thách tính kiên nhẫn của cô bán hàng trẻ, cô đã phải gọi điện và tìm trên mạng để kiếm một chiếc thắt lưng màu xanh da trời với khoá bạc lớn hình chữ H trên cả nước trong khi chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê cappuccino của mình.

Khi cô gái không tìm được chiếc thắt lưng, Hải than phiền bằng tiếng Việt: “Tôi không biết là San Francisco quá ít hàng. Ở Bangkok thì đa dạng hơn nhiều.”

Tôi cố im lặng nhưng cô gái trẻ hỏi và tôi phải dịch. Cô xin lỗi. Và cô hỏi nhỏ. “Vậy anh cũng từ Việt Nam sang?”

Tôi muốn nói với cô rằng tôi đã bỏ chạy như một người tị nạn trước đây rất lâu. Đó là khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975 và được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền mới loại bỏ giai cấp tư sản như tôi và gia đình và đưa nhiều người vào trại cải tạo và những vùng kinh tế mới, nhà cửa chúng tôi bị tịch thu. Những người khác trốn chạy ra biển như những thuyền nhân. Nhiều người đã chết.

Nhưng nếu Hà Nội muốn tạo ra một xã hội phi giai cấp thì họ đã thất bại và điều ngược lại đã xảy ra. Họ thấy khó cưỡng lại cuộc sống cao sang trong những biệt thự bỏ hoang. Khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, cũng là lúc thời kỳ của việc chú trọng đến địa vị, thâu tóm tiền bạc, một xã hội đam mê vật chất và những điều tương tự mà Việt Nam chưa từng chứng kiến trước đây trong lịch sử lâu dài và khốn khổ của mình.

“Không,” tôi nói với cô bán hàng, nghĩ đến cuốn sách của Joan Didion về lòng tham và thói xa xỉ. “Nhưng đó là nơi xuất xứ của tôi.”

© Andrew Lâm
Diên Vỹ chuyển ngữ



Nguồn: Vietnam in Transition: When Consumers Worship at the Altar of the Shopping Mall - The Huffington Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages