Hai chữ “tình nguyện” đang bị lợi dụng - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Hai chữ “tình nguyện” đang bị lợi dụng

ad728
Nhiều năm qua hoạt động tình nguyện của các bạn trẻ đã có đóng góp không nhỏ cho cộng đồng và xã hội. Tuy vậy, tâm sự của một “tình nguyện viên” năng động, nhiệt tình ở một trường trung học về sự vụ lợi trong hoạt động tình nguyện những ngày qua đã khiến dư luận xôn xao.

Tình nguyện để… đánh bóng tên tuổi

Mỗi năm có hàng nghìn bạn trẻ đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện. Tuy vậy, do số lượng tình nguyện viên được tuyển chọn là hạn chế nên không ít bạn thực sự có tâm huyết lại bị loại ra. Nguyễn Thảo Chi, 20 tuổi ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ quan điểm, ai cũng biết hoạt động tình nguyện là sẵn sàng giúp đỡ, đóng góp cho cộng đồng, xã hội, không vì vụ lợi cá nhân. Trong khi đa số các bạn trẻ tham gia tình nguyện với sự vô tư và mong muốn được cống hiến thì vẫn có bạn tham gia chỉ để…cho oai. Đáng buồn là có sinh viên hoạt động trong các câu lạc bộ tình nguyện chỉ vì bạn bè rủ rê, đi cho vui, chứ không thực sự “tình nguyện”. Họ coi những chuyến đi này chẳng khác gì những lần đi dã ngoại.

Còn theo Vũ Trí Dũng, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, những hoạt động tình nguyện được tổ chức với mục đích giúp đỡ cộng đồng và chỉ những sinh viên thực sự sôi nổi, năng động mới có thể tham gia có hiệu quả. Song việc tham gia tình nguyện những năm gần đây đã bị một bộ phận giới trẻ và sinh viên hiểu sai lệch.

Không ít bạn tham gia chỉ vì muốn chứng tỏ mình là người năng động. Bởi vậy, khi được giao việc, họ chỉ làm qua loa, lấy lệ. Bên cạnh đó, có những bạn còn chọn địa bàn khi tham gia tình nguyện. Họ chỉ hào hứng đến những thành phố, thị xã, thị trấn còn khi nghe nói phải về những vùng sâu vùng xa là…đánh bài chuồn. Ngoài ra, có người còn đi tình nguyện chỉ để… gần gũi, dễ dàng tiếp cận đối với cô bạn mình đang tán tỉnh cùng trong đội tình nguyện. Thậm chí một số bạn đi tình nguyện chỉ quan tâm đến việc đơn vị tài trợ là ai, sẽ được tặng những gì, có được hỗ trợ tiền hay được tặng giấy khen, được chụp ảnh đưa lên báo không. Hay có người tham gia hoạt động này chỉ nhằm đưa lên mạng khoe với mọi người, đánh bóng tên tuổi.

Một số trường học còn cộng điểm cho những sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đây cũng là lý do khiến số lượng sinh viên đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện luôn đông đúc. Một số người còn không ngần ngại nói rằng, cái lợi lớn nhất của việc đi tình nguyện không chỉ được cái “tiếng’’ mà còn là điểm số cộng thêm.

Khi tình nguyện mang tính vụ lợi

Liên quan đến hoạt động tình nguyện, những ngày qua, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ vô cùng ngỡ ngàng trước câu chuyện của bạn cựu học sinh trường TĐN (TP Hồ Chí Minh). Trong câu chuyện này, người bạn đó tâm sự: “Trước giờ mình chỉ biết mỗi có sách. Tình cờ trong một hội thảo du học, mình đã biết đến và bị ám ảnh bởi bốn chữ “hoạt động ngoại khóa” (một trong những yếu tố quyết định có được học bổng du học). Thế rồi, bất kỳ hoạt động tình nguyện nào mình cũng có mặt. Mọi người dần tín nhiệm, thay đổi cách nhìn về mình. Nhưng sâu thẳm trong trái tim, mình cảm thấy xấu hổ vì những việc mình làm chưa bao giờ vì hai chữ “tình nguyện” mà vì toan tính khác…”.

Sinh viên trên cũng thừa nhận bản thân đã nhiều lần bật khóc khi phải ép mình trở thành người khác và thấy mình không xứng đáng với niềm tin của mọi người, đồng thời luôn dằn vặt vì đã để toan tính đè nát đam mê. Sau bao day dứt, cậu bạn này đưa ra lời khuyên đối với các bạn đồng trang lứa: “Hãy sống thật với bản thân, đừng chạy theo “tiếng” hay “điểm cộng” sẽ đánh mất chính mình”. Chia sẻ trên nhận được những phản ứng trái chiều. Bên cạnh những ý kiến phản đối cho rằng bạn học sinh này đã quá vụ lợi khi tham gia tình nguyện thì bạn Lê Thanh Hải, 19 tuổi sinh viên Trường ĐH Văn hóa lại tỏ ra cảm thông vì theo Hải, trường hợp trên không phải là cá biệt. Bởi trên thực tế, vẫn có không ít bạn hoạt động tình nguyện chỉ nhằm mục đích như mở rộng mối quan hệ, ghi thêm vài dòng vào “bảng thành tích” để thuận lợi hơn cho vấn đề xin việc khi ra trường hay có thêm “điểm cộng” để đạt được học bổng.

Về vấn đề trên, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, nhiều bạn trẻ biết đến công việc tình nguyện khi còn là sinh viên. Đa số các bạn tham gia công việc này với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng nhân ái và mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cộng đồng. Khi tham gia hoạt động tình nguyện với tinh thần vô tư trong sáng, các bạn cũng biết rằng những lợi ích mà công việc này đem lại không hề nhỏ. Qua các công việc tập thể, các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm làm việc và dễ dàng biết được những sở thích mới của mình để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp, có thể gặp gỡ và thiết lập được rất nhiều mối quan hệ khác nhau, có thêm những kỹ năng mới mẻ và những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, hoạt động tình nguyện vô cùng có ý nghĩa và trên thực tế nó đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển cho xã hội. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi bạn trẻ cần hiểu đúng về hoạt động này. Do vậy, trước khi tham gia bạn cần suy nghĩ thật kỹ, chỉ nên đặt bút ký vào tờ đơn đăng ký khi bạn thật sự tình nguyện. Bên cạnh đó, để hoạt động này phát huy hết mặt tích cực của nó, các trường, những đơn vị tổ chức tình nguyện cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, tránh tình trạng người tình nguyện thực sự thì không được tham gia, còn người được tham gia lại không hề “tình nguyện”.


Huệ Linh
Theo ANTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages