Tệ độc đoán và chuyên quyền - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tệ độc đoán và chuyên quyền

ad728
Điều đáng nói hiện nay là vẫn còn không ít hiện tượng cán bộ các cấp lợi dụng chức quyền để làm những điều sai trái, dẫn đến tệ độc đoán và chuyên quyền. Độc đoán là tự mình quyết đoán mọi việc, không thèm nghe ý kiến của mọi người xung quanh. Chuyên quyền là thâu tóm mọi quyền hành, tự cho mình có quyền muốn làm gì thì làm, bất chấp tổ chức. Độc đoán và chuyên quyền thường đi đôi với nhau như hình với bóng, cái này vừa là nhân, vừa là quả của cái kia.

Cán bộ nào cũng vậy, khi được Đảng và Nhà nước giao cho một chức vụ nào đó thì đồng thời cũng dành cho họ những quyền hạn cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đối với cán bộ phụ trách một địa phương, đơn vị có quyền ban hành các quyết định, kiểm tra việc thực hiện các quyết định đó, lựa chọn người cộng sự, đề bạt, khen thưởng, tuyển dụng hoặc xử lý kỷ luật cán bộ, nhân viên dưới quyền theo quy định của pháp luật, v.v… thiếu các quyền đó thì người phụ trách khó mà đảm đương được nhiệm vụ của mình. Một người lãnh đạo, phụ trách được coi là công minh chính trực là người biết lắng nghe đầy đủ ý kiến của những người cộng sự, cân nhắc các phương án khác nhau để có những lựa chọn, quyết đoán sáng suốt và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Đó là biểu hiện cụ thể, đúng đắn của nguyên tắc tập trung dân chủ. Như vậy, chức và quyền đi đôi với nhau, hổ trợ cho nhau. Có chức phải đi đôi với trách. Cái chức (quyền) để thể hiện một vai trò, vị thế thực thi trách nhiệm, không phải dựa vào đó để "vác cái mặt làm quan cách mạng' - như bác Hồ đã nói. Quyền giúp làm tròn chức vụ, chức vụ bảo đảm pháp lý cho quyền. Quyền đảm bảo hiệu lực công tác giữ vững nguyên tắc, kỷ cương trong nội bộ Đảng và Nhà nước. Nó giúp cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý có cơ sở pháp lý để thực thi nhiệm vụ, chủ động đứng mũi chịu sào để giải quuyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm, công tác của mình. Vì vậy, đối với cán bộ lãnh đạo phụ trách nắm vững quyền và trách nhiệm là điều cần thiết. Buông lỏng quyền được giao là trốn tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là vẫn còn không ít hiện tượng cán bộ các cấp lợi dụng chức quyền để làm những điều sai trái, dẫn đến tệ độc đoán và chuyên quyền. Độc đoán là tự mình quyết đoán mọi việc, không thèm nghe ý kiến của mọi người xung quanh. Chuyên quyền là thâu tóm mọi quyền hành, tự cho mình có quyền muốn làm gì thì làm, bất chấp tổ chức. Độc đoán và chuyên quyền thường đi đôi với nhau như hình với bóng, cái này vừa là nhân, vừa là quả của cái kia.

Chúng ta hãy xem sự phát triển và diễn biến của tệ độc đoán chuyên quyền. Khi một cán bộ nào đó được giao một chức vụ mới, thường trong thời gian đầu anh ta vẫn giữ được tính khiêm tốn, biết lắng nghe ý kiến những người chung quanh, biết tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ (sự dè chừng thăm dò, nhận diện mọi người nhiều hơn khiêm tốn). Nhưng đến một lúc nào đó, anh ta thấy rằng mình được những người chung quanh vì nể, thậm chí nịnh hót, bợ đỡ vì mình có quyền. Và như vậy anh ta thấy rằng có thể sử dụng quyền đó để làm những điều có lợi cho bản thân, gia đình mình thay vì sử dụng quyền đó vì lợi ích tập thể cơ quan, đơn vị. Xu nịnh là thứ chất xúc tác rất lợi hại kích ứng cho tính độc đoán chuyên quyền. Từ đó, nếu không giữ được mình, thiếu sự kiểm tra của tập thể, anh ta bắt đầu thâu tóm và kiếm chác bằng chức quyền của mình. Sau những đợt làm thử bằng những việc sai trái dễ được nguỵ trang như: Buộc cấp dưới phải răm rắp làm theo ý mình, cô lập những kẻ tỏ ra “bướng bỉnh”, “ban ơn” cho những kẻ cùng “cánh hẩu” với mình, lạm dụng tiêu chuẩn đãi ngộ về vật chất… lâu dần thấy trót lọt, “ngon ăn”, cứ thế mà trượt dài trên con đường sai lầm.

Và, do đó, nhiều hành động sai trái nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra. Chẳng hạn khi đề ra kế hoạch công tác thường xuất phát từ ý chí chủ quan của mình, coi thường chủ trương, chính sách của Đảng, phớt lờ ý kiến của những người cộng sự. Trong việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên, thì vin vào quyền chủ động, sáng tạo của địa phương, coi thường sự chỉ đạo của cấp trên. Thậm chí có lúc còn coi địa phương, đơn vị mhình phụ trách như là một “giang sơn” riêng. Trong công tác thì dùng mệnh lệnh, cưỡng bức hơn thuyết phục, cho ý kkiến của mình là chân lý tuyệt đối; coi người cộng sự như là kẻ tay sai, dung dưỡng những kẻ nịnh hót, bợ đỡ; đưa tay chân, bậu xậu của mình vào những cương vị công tác chủ chốt trong cơ quan, đơn vị để vây cánh, dễ bề lũng đoạn tổ chức. Đồng thời tìm mọi cách để bưng bít sự thật, bao che cho những hành động tiêu cực; cô lập những người chính trực, trù úm những ai có ý thức đấu tranh chống lại. Thế là anh ta tự biến mình thành một con người khác với mọi người, thành một thứ người mà sinh thời Bác Hồ đã từng phát hoạ chân dung và lên án một cách nghiêm khắc: “ Khi phụ trách một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh hoẹ. Đối với cấp trên thì coi thường, đối với cấp dưới thì độc quyền lấn áp, đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu “ông tướng” “bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ…”

Tệ độc đoán chuyên quyền do nhiều nguyên nhân. Có người do tự cao tự đại, đặt mình cao hơn những người chung quanh; có người do đầu óc gia trưởng, dựa vào chút công lao, lên mặt cha chú đối với những người cộng sự; có người do động cơ xấu, muốn lợi dụng quyền hành để thực hiện những mưu toan cá nhân…Bất kỳ nguyên nhân nào, độc đoán chuyên quyền cũng là một tội lớn. Vì nó gây những tác hại, những tổn thất nghiêm trọng cho bộ máy của Đảng và Nhà nước. Nơi nào có tệ độc đoán chuyên quyền thì ở đó tính chủ động, sáng tạo và năng lực của cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kìm hãm, họ thường sợ sệt, không dám phê bình người phụ trách, hoặc nể nang e dè, bỏ qua cho xong chuyện khuyết điểm của cơ quan, đơn vị nhất là của người phụ trách. Ở đó, quyền làm chủ của tập thể chỉ là hình thức, tiếng nói của những người tích cực dám thẳng thắng đấu tranh thường bị xem là “tiêu cực”.

Thực tế cho thấy, để che giấu tội lỗi, những kẻ độc đoán chuyên quyền thường không từ một thủ đoạn nham hiểm, xảo trá nào. Họ giữ quyền bằng cách tìm những chiếc ô che, cho nên họ rất khéo bợ đỡ, nịnh hót cấp trên. Họ dùng quyền để giữ quyền. Vì vậy họ ngày càng độc đoán, càng tàn nhẫn. Họ giữ quyền bằng vây cánh, bằng cách lừa bịp quần chúng, khéo mị dân.

Để phòng ngừa và khắc phục tệ độc đoán chuyên quyền ở các cấp, các ngành thì có nhiều việc phải làm đồng bộ: Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; Phát huy dân chủ nội bộ, đề cao tự phê bình và phê bình; đẩy mạnh công tác kiểm tra của Đảng; xử lý kịp thời và nghiêm minh những kẻ độc đoán, chuyên quyền…Cùng với những công việc đó, phải không ngững cải tiến công tác tổ chức, xây dựng và chỉnh đốn nội bộ đảng, xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc ở từng cấp, từng ngành; xác định trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân một cách rõ ràng, rành mạch.

Một tổ chức, bộ máy mạnh, hợp lý, với những quy định rõ ràng về chức trách, ngguyên tắc và lề lối làm việc sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc phòng ngừa và kiềm chế tệ độc đoán, chuyên quyền. Khi những người trong cộng đồng, trong một bộ máy không biết, hoặc coi nhẹ và cả không được thực thi quyền dân chủ, lối sống ai cũng co lại cá nhân, thiếu đoàn kết thì độc đoán chuyên quyền có cơ hội, kẽ hở phân rã tập thể, kéo bè kết cánh, ‘miếng đất mỡ màu’ sinh ra độc đoán chuyên quyền. Vấn đề đặc biệt lưu ý là phải coi trọng phát huy quyền làm chủ và lắng nghe ý kiến của quần chúng. Với sự nhạy cảm rất tài tình của quần chúng, chúng ta dễ dàng nhận diện “chân tướng” của những biểu hiện độc đoán chuyên quyền mà lên án, gạt bỏ những kẻ lợi dụng chức quyền để thoả mãn những dục vọng, những mưu toan vì lợi ích cá nhân để không ngừng xây dựng tổ chức, bộ máy của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh.

Mạnh Minh Tâm
Theo blog Bùi văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages