Không đủ nội lực, sẽ khó giữ chủ quyền - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Không đủ nội lực, sẽ khó giữ chủ quyền

ad728
Hai cuộc trò chuyện với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà báo Hữu Thọ về quá khứ, hiện tại, tương lai đất nước nhân kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thật sự khơi gợi cho chúng ta trong ngày 2-9 hôm nay rất nhiều điều.

Bà đúc kết một điều trong hồi ký của mình: “Giành chính quyền, đòi độc lập dân tộc là cực kỳ khó, nhưng để đem đến cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân còn khó hơn biết bao lần”.

Trò chuyện với Tuổi trẻ nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Quốc khánh 2-9, bà Nguyễn Thị Bình nói: Cách mạng Tháng Tám và sự hình thành Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn, nhưng theo tôi, bài học quan trọng nhất là cách mạng muốn giành thắng lợi phải có đại đoàn kết dân tộc với sự thống nhất ý chí từ trên xuống dưới, từ các nhà lãnh đạo cao nhất cho đến mỗi người dân. Trong Cách mạng Tháng Tám, chỉ có 5.000 đảng viên mà làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất suốt một dải non sông, đó là nhờ sức mạnh vô biên của ý chí giành độc lập thống nhất của hàng triệu con người đoàn kết một lòng dưới một sự lãnh đạo sáng suốt. Đây cũng là điều quan trọng số một đối với chúng ta hiện nay.

* Nhưng hoàn cảnh và mục tiêu của đất nước hiện nay đã khác, bài học lịch sử đó có còn phù hợp nữa không?

- Ngày nay chúng ta đã giành được độc lập rồi, nhưng có lẽ chúng ta đều thấy ở dưới tên nước luôn có dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”? Có hòa bình và độc lập rồi, trong dựng xây đất nước phải có tự do dân chủ thì mới có điều kiện để phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Tôi nhớ Tổng thống Nelson Mandela, nhà chính trị lỗi lạc của Nam Phi đã từng nói: “Khi ta giải phóng được đất nước, ta mới giành được quyền để có tự do chứ ta chưa thực sự có được tự do”. Nhìn lại chặng đường vừa qua, đất nước đã có những bước phát triển với nhiều thành tựu đáng phấn khởi về kinh tế, đó là sự phấn khởi so với điểm xuất phát của chúng ta, nhưng nếu so với các nước bạn bè trên thế giới và ngay trong khu vực thì chúng ta còn phát triển chậm lắm. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, nếu đất nước không lớn mạnh nhanh chóng thì sẽ không có đủ nội lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia, đến lúc đó không những khó đảm bảo tự do, hạnh phúc cho người dân mà còn không bảo vệ được độc lập, chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy, ngày nay mục tiêu có thể khác so với trước, nhưng vẫn phải có tinh thần đại đoàn kết và thống nhất ý chí mạnh mẽ để phát triển đất nước nhanh và vững bền thì mới đưa dân tộc đi lên được.

* Bà vừa nhắc đến vấn đề chủ quyền quốc gia. Từng là nữ bộ trưởng ngoại giao, bà suy nghĩ như thế nào về vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế hiện nay?

- Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta luôn biết phát huy cao nhất nội lực, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể nói phong trào đoàn kết quốc tế là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhưng chúng ta cũng hiểu tinh thần quốc tế không đồng nghĩa với lợi ích quốc gia. Nước nào cũng có lợi ích quốc gia của mình, tinh thần đoàn kết quốc tế lên cao khi cuộc chiến đấu của ta là chính nghĩa và phù hợp với nguyện vọng của bạn, nhưng nói đến lợi ích quốc gia thì khác. Không phải là không có những lúc chúng ta nhầm lẫn đánh đồng tinh thần đoàn kết quốc tế với lợi ích quốc gia. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, chúng ta không xâm phạm lợi ích quốc gia của nước khác, nhưng phải kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cơ bản và chính đáng của mình.

Không có đoàn kết khi xuất hiện “nhóm lợi ích”

* Gần đây từ các nhà lãnh đạo cấp cao cho đến nhiều trí thức tên tuổi thường nói đến vấn đề “nhóm lợi ích”, liệu có sự “thống nhất ý chí” hay không trong bối cảnh xuất hiện “nhóm lợi ích”?

- Đã là nhóm lợi ích thì anh chỉ nghĩ đến lợi ích của nhóm anh, lợi ích của số nhỏ và suy cho cùng là lợi ích cá nhân, như vậy là đối lập với lợi ích của số đông, đối lập với lợi ích chung. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta cần phải đấu tranh mạnh mẽ chống sự xuất hiện và hoạt động của các “nhóm lợi ích” gắn kết với nạn tham nhũng. Trong lúc số đông đồng bào, qua nhiều thế hệ tranh đấu và hi sinh, luôn mong muốn nước nhà có “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, thì các “nhóm lợi ích” không băn khoăn gì đến những nghĩa lớn ấy mà chỉ biết bon chen cho lợi ích, giàu sang của phe nhóm và bản thân. Một khi đã hình thành các “nhóm lợi ích” không thể có đoàn kết và thống nhất ý chí được, đó cũng là mầm mống của sự chia rẽ và phân hóa.

* Nhiều người đồng tình phải đấu tranh chống “nhóm lợi ích” đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, nhưng qua bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đến nay, có ý kiến cho rằng địa chỉ cụ thể của “nhóm lợi ích” vẫn chưa rõ?

- “Nhóm lợi ích” chỉ có thể xuất hiện ở những nơi nắm quyền lực, những nơi nắm tài sản, có nghĩa là những người nằm trong nội bộ bộ máy Đảng và Nhà nước. Nước Việt Nam chỉ có một Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng quyết định vận mệnh của đất nước. Những tệ nạn nguy hiểm như "nhóm lợi ích", "tư duy nhiệm kỳ", "địa phương chủ nghĩa", "chủ nghĩa cá nhân ích kỷ"... làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm niềm tin trong Đảng và trong nhân dân, ảnh hưởng to lớn đến sự đoàn kết nhất trí, là mảnh đất cho sự tấn công của các lực lượng thù địch. Phải ngăn chặn, xóa bỏ những tệ nạn đó Đảng mới có thể “trong sạch, vững mạnh”, mới đảm đương được nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, đáp ứng được đòi hỏi của thời đại. Và như tôi đã nói, muốn chống được “nhóm lợi ích” thì hãy nhớ lại bài học lịch sử chưa xa, để thấy rằng hơn bao giờ hết cần phải có đại đoàn kết toàn dân tộc với một ý chí thống nhất từ trên xuống dưới, phải đặt lợi ích nhân dân lên trên tất cả.

* Vậy theo bà, hiện nay chúng ta đã có một mục tiêu rõ ràng chưa?

- Nếu nói chung chung thì có. Nhưng chúng ta cần có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng với sự đồng thuận của cả đất nước, cả xã hội, và nếu được như vậy tôi tin rằng nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước nồng nàn và trí thông minh, sáng tạo nhất định sẽ đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

* Về mục tiêu thì chúng ta vẫn nói là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”?

- Mục tiêu cụ thể bây giờ là gì? Thật ra đường lối chính sách đều có cả rồi, nhưng phải xác định rõ mục tiêu trước mắt thế nào và từ trên xuống dưới phải kiên quyết thực hiện. Chẳng hạn nói vấn đề kinh tế đang rất khó, phải tái cơ cấu, nhưng mà ngay đến các cơ quan có trách nhiệm làm còn rất lúng túng, chậm chạp. Tất nhiên có vấn đề do trình độ , nhưng bên cạnh đó còn vấn đề gì khác không? Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là một mục tiêu rất đẹp, nhưng phải có sự chỉ đạo cụ thể của nhà nước, có sự vận động trong nhân dân. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với công cuộc chỉnh đốn Đảng, mong muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Rất nhiều việc đòi hỏi phải làm mạnh mẽ, làm thật sự với quyết tâm cao hơn.

Không chuyển biến sớm sẽ trả giá đắt

* Cách mạng Tháng Tám còn để lại bài học nữa về lòng dân, sao cho người dân một lòng tin và đi theo cách mạng. Bà thấy câu chuyện lòng dân hiện nay thế nào?

- Nói đại đoàn kết dân tộc chính là nói đến lòng dân, bởi vì lòng dân như thế nào thì mới có đại đoàn kết được. Nếu mà khẩu hiệu và hành động không phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của người dân thì không thể có đoàn kết được. Bài học đó hiện nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

* Trong hồi ký của mình, bà tâm sự rằng: “Đời sống vật chất của chúng ta đã khá hơn nhưng xã hội xem chừng lại phức tạp hơn bao giờ hết”. Phải chăng khi xã hội không còn thuần nhất như trước, nói đến thống nhất ý chí từ trên xuống dưới là rất khó?

- Công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây hết sức gian khó và ác liệt, nhưng phải nói rằng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là cực kỳ phức tạp. Tình hình thế giới cũng không còn như trước. Vậy nên, chúng ta chia sẻ với lãnh đạo trong bối cảnh như vậy có rất nhiều khó khăn, thách thức. Để hiện đại hóa một nước có xuất phát điểm thấp như nước ta, để Việt Nam tiến lên ngang hàng với các nước đi trước trong khu vực cũng như trên thế giới đòi hỏi trí tuệ rất cao và rất rộng. Chính vì vậy, lãnh đạo ngày nay đứng trước nhiệm vụ to lớn và nặng nề, không đơn thuần là câu chuyện lòng dân mà còn phải biết phát huy, tập hợp trí tuệ của dân, của các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia hàng đầu trong nước, ngoài nước, tạo điều kiện thực sự cho người có tài, có lòng yêu nước được đóng góp cho Tổ quốc.

* Sau chiến tranh, nhiều nước trong khoảng 30 năm là cơ bản tiến hành xong công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Việt Nam đổi mới từ năm 1986 đến nay cũng gần 30 năm, bà có thấy sốt ruột?

- Những cuộc chiến tranh liên miên và tàn khốc đã tàn phá đất nước ta không những về cơ sở vật chất mà cả con người, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho đến nay chưa giải quyết xong. Cho nên Việt Nam có những cái khó khách quan. Tất nhiên không vì thế mà chúng ta rũ bỏ trách nhiệm chủ quan của mình, không vì thế mà chúng ta làm ngơ trước những yếu kém, khuyết điểm của mình. Theo tôi, trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến một sự lãnh đạo sáng suốt, vững mạnh và thống nhất để phát huy sức mạnh về tinh thần và vật chất của toàn dân và tập hợp được trí tuệ của cả dân tộc

Nếu không sốt ruột với tình hình đất nước hiện nay, có phải chúng ta vô cảm với số phận của dân tộc không?

* Với tình hình hiện nay, bà có lạc quan hay không?

- Hiện nay không thể nói rằng tôi lạc quan, phải nói trung thực là tôi rất lo lắng, lo cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước ta. Nhưng tôi tin ở vận mệnh của Tổ quốc mình. Một dân tộc đã chiến đấu anh hùng như nhân dân ta xứng đáng có một tương lai tươi sáng, và chắc chắn chúng ta có đủ ý chí cùng sức mạnh để làm nên tương lai đó. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, tôi tin tưởng là sẽ có chuyển biến theo hướng tốt hơn, và mong rằng sự chuyển biến sẽ đến sớm, nếu không cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Giới trẻ có hiện tượng không hay có khi do người lớn

Bà Nguyễn Thị Bình
Nói về tuổi trẻ hiện nay, xã hội có hai cách nhìn. Có người cho là tuổi trẻ ít quan tâm và ít hiểu biết cuộc chiến đấu của cha ông trước kia, nhưng cũng có người nói không phải vậy. Theo tôi, truyền thống dân tộc có ở trong mỗi con người, khi có điều kiện thì truyền thống đó sẽ bùng lên. Tôi từng suy nghĩ nhiều về hai chữ truyền thống, truyền thống là cái gì, có thật không? Trải qua thực tế tôi thấy rằng truyền thống là cái gì bền vững sâu xa, hình thành khách quan theo quá trình lịch sử dân tộc.

Đúng là hiện nay có những hiện tượng không hay trong giới trẻ, nhưng bình tĩnh xem lại có khi là lỗi tại người lớn. Tôi rất không đồng tình với việc đưa nội dung chống tham nhũng vào trong trường học. Ta nên dạy các cháu những đức tính cơ bản về trung thực, thật thà… còn tham nhũng không phải là bản chất của xã hội ta, nó tồn tại trong một tình hình xã hội nhất định. Người lớn phải làm gương, trong gia đình thì bố mẹ hãy làm gương. Mặc dù hiện nay chúng ta còn phải làm nhiều việc để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, nhưng tôi tin tưởng rằng thế hệ học sinh, sinh viên được học tập và mang trong mình truyền thống yêu nước, yêu dân tộc sẽ có trách nhiệm với đất nước. Các bạn trẻ có quyền đòi hỏi ở các thế hệ đi trước, có quyền đòi hỏi ở những người lãnh đạo, nhưng trước hết tự mỗi người trong các bạn cũng phải thấy được trách nhiệm của mình đối với những khó khăn của nước nhà. Tôi vẫn tin tuổi trẻ Việt Nam là người chủ tương lai, sẽ tiếp nối xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của ông cha mình. Chúc các bạn dũng cảm, sáng tạo, dám xông pha vào khó khăn, thử thách để làm cho đất nước có hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc, như mọi người chúng ta đều mong muốn.

Đà Trang, Võ Văn Thành thực hiện

Nhà báo Hữu Thọ (nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương):

Đồng thuận cao hơn đạt đến chữ “đồng”

Ông Hữu Thọ
Có thể chưa bằng lòng với việc này việc khác nhưng không ai có thể phủ nhận những gì đã làm được, rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 68 năm qua. Đất nước đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong hơn 20 năm đổi mới. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu đã trở thành nước có thu nhập ở mức trung bình. Nhìn lại gia đình mình, làng xóm mình, mỗi người trung thực đều thấy những đổi thay to lớn đó.

Đã có nhiều tài liệu và thực tế chứng minh, tôi không nói thêm. Tuy nhiên, không chỉ có những thành tựu mà còn cả những mặt không thành công, thậm chí thất bại, có những vấn đề trở thành nỗi bức xúc của xã hội. Người dân chưa hài lòng khi thấy sự phát triển thiếu bền vững, bệnh phô trương, hình thức, thiếu trung thực rất nặng nề; tệ lãng phí, tham nhũng chưa được ngăn chặn, có mặt phát triển; không ít cán bộ ngày càng xa dân, không những không gần gũi tôn trọng mà hách dịch, thậm chí áp bức nhân dân.

Hiện nay đất nước ta đang gặp khó khăn mà chúng ta đang cố gắng vượt qua. Thách thức rất lớn nhưng với những người lạc quan thì lại tìm thấy trong thách thức xuất hiện thời cơ cho các quyết sách tiếp tục đổi mới. Để nắm được thời cơ, vượt qua thách thức cần có bản lĩnh, trí tuệ và đặc biệt là ý chí của toàn dân. Còn nhớ sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Bác Hồ về nước chủ trì hội nghị trung ương tại Pắc Bó quyết định tổng khởi nghĩa thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết toàn dân đứng lên giành chính quyền. Tuyên truyền cho chương trình Việt Minh, Bác làm một bài thơ đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, trong đó có câu “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”. Nhưng phải có chính sách hợp lòng dân thì dân mới đồng lòng, cán bộ, công chức phải gương mẫu, hết lòng vì dân thì dân mới đồng lòng nghe theo. Điều đó lại liên quan đến tầm nhìn xa, khả năng trí tuệ và tấm lòng vì nước vì dân của các cơ quan lãnh đạo, quản lý.

Lúc này xã hội đang có nhiều điều bức xúc, chúng ta, trong đó có tôi, còn có những chuyện không vừa lòng, băn khoăn, thậm chí bực dọc về chuyện này, chuyện khác nên cần tiếp tục góp ý phản biện, tranh luận thẳng thắn, có khi gay gắt nhưng để tạo ra sự đồng thuận cao hơn, đến được chữ “đồng” của Bác Hồ chứ không phải để chia ly, chia bè. Thời nào trong lúc khó khăn cũng có người dao động, thậm chí trở cờ, nhưng cũng xuất hiện thêm những người kiên định, sáng tạo, có trách nhiệm vì sự ổn định và phát triển của đất nước. Điều đó đã được lịch sử trung đại, hiện đại chứng minh. Tuy nhiên, những lúc khó khăn mà để phân tâm thì rất nguy hiểm.

V.V.THÀNH ghi

Theo báo Tuổi Trẻ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages