Anh thợ cán và cô hàng cà phê - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Anh thợ cán và cô hàng cà phê

ad728
Gần nhà anh thợ cán có một khu nhà to trước kia là của hợp tác xã xây dựng. Tuổi thơ của anh với bao trò chơi ở khu nhà đó, nơi có một đống cát rất to do những chiếc xe bò chở đến. Một cái bể để tôi vôi và một cái kho rơm. Công nhân ở đây ngâm rơm ướt rồi lấy dao thớt băm rơm vụn ra, trộn với vôi thành một thứ vữa để trát lên những ngôi nhà vách tre. Hoặc họ trộn cát với vôi để làm vữa. Sau đó những chiếc xe bò quây nứa làm thùng sẽ đến chở những thứ đó đi đến một công trình nào đó.

Đấy là nơi mà tuổi thơ anh thợ cán thường chơi những trò trẻ con của mình. Đào hố , đắp thành trên đống cát. Nhảy trên mái nhà xuống đống rơm làm lính dù và bơi trong bể tôi vôi mỗi khi chưa có vôi tôi.

Ngày nọ anh đi lính về, ngôi nhà hợp tác xã đã biến thành những căn nhà phân cho cán bộ thành phố. Cái phố của anh nằm trong phố cổ, các ngồi nhà được phân chia từ ngồi nhà hợp tác xã đều có mặt tiền dài 3 mét. Anh lính trẻ ra quân xin được một việc làm. Đó là chân thợ cán cao su tại một xưởng cán ngoài bãi sông Hồng. Công việc anh làm vào ban đêm, chỉ một mình bên hai quả lô sắt to bằng thùng gánh nước được chuyển động bằng một mô tơ lớn điện ba pha qua những bánh răng sắt dày cộp. Anh phải uống trà đặc hàng đêm để chống chọi cơn buồn ngủ. Nghề cán cao su là một nghề nguy hiểm, chỉ cần thiếu tỉnh táo, bất cẩn đã khối người cho tay vào quả lô và bị nát nhừ mất hẳn cánh tay. Lại nữa là bụi của các loại hoá chất pha trộn vào mủ cao su để thành nhựa cao su sống chờ lưu hoá.

Mỗi buổi sáng cán xong, người thợ cán đen nhẻm từ đầu đến chân bởi bụi của bột loa, mùn. Anh thợ cán nhảy xuống sông Hồng vùng vẫy một hồi, rồi về nhà ăn sáng và đi ngủ.

Bỗng nhiên ở dãy nhà mới từ mảnh đất hợp tác xã xây dựng mở một hàng cà phê. Anh thợ cán mừng lắm, hàng đêm trước khi đi làm, anh ghé vào quán làm một tách cà phê đặc rồi mới đi. Bà chủ quán tuổi ngoài năm mươi, có vẻ như cán bộ về hưu non hay về chế độ một cục mà thời đó hay có. Bà chủ quán có vẻ sắc sảo. Bà bán hàng một mình lúc đầu được chừng nửa tháng thì cô con gái ra bán giúp bà.

Cô gái trạc mười tám tuổi, cô có khuôn mặt xinh xắn và hiền dịu. Đôi mắt cô to và đen, mi dài. Miệng cô cười rất tươi, đôi môi cô đẹp như nét vẽ. Anh thợ cán thấy vui vui trong lòng. Từ khi có cô con gái bán, thời gian ra quán ngày một sớm hơn. Anh ngồi lâu hơn, từ một tách cà phê anh uống thành hai tách. Buổi tối ông bố cũng ra quán, bây giờ quán đã có thêm khách. Khách là những người đàn ông đứng tuổi giàu có, họ đi những chiếc xe Cúp 81, 82, DD và quen biết vợ chồng chủ quán. Buổi tối ông bố hay chở cô con gái về học bài, sau đó lại chở cô lại quán giúp mẹ bán hàng.

Anh thợ cán bấy giờ không những chỉ uống cà phê buổi tối để tỉnh táo khi đi làm, mà anh còn chuyển sang uống cà phe buổi sáng khi đi làm về. Lúc đó trong quán vắng khách, bố mẹ cô gái chưa ra quán. Chỉ có anh và cô, khách hàng ngày đấy cũng ít người đến ban sáng. Anh nại lý do uống cà phê thành nghiện, nên sáng uống rồi vẫn về ngủ được như thường. Những buổi sáng như thế họ có thể chuyện trò thoải mái, không như buổi tối cô gái phải e dè nhìn bố mẹ cô. Anh thợ cán từ lúc nào đã thay đổi ăn mặc. Anh mặc những bộ quần áo tươm tất trước khi đi làm, mặc dù cái nghề của anh đầy bụi bẩn. Anh trở nên cầu kỳ hơn, khi làm xong lúc trước anh nhảy xuống sông kỳ cọ rồi vẫy vùng bơi vài vòng lên bờ là xong. Giờ anh bơi sông xong còn quay về xưởng tắm bằng xà phòng Ca May lần nữa. Sau đó áo bỏ trong quần, anh tề chỉnh đến quán cà phê, gọi ly cà phê vài điếu thuốc. Anh vận dụng hết những hình ảnh nhân vật trong các cuốn sách tiểu thuyết anh đọc để làm cho mình một vẻ lịch sự, chững chạc. Nhiều lúc đang chuyện, cô gái phải làm gì , anh giả bộ đăm chiêu, trầm tư như trong đầu chất chứa những hoài bão hay ưu tư lớn lao lắm.

Thấy thế chưa đủ, buổi sáng anh còn mang cuốn sách dày cộp đến quán, giở ra trầm ngâm đọc, tay anh khuấy nhẹ ly cà phê, tay anh lật trang giấy, miệng anh nhả khói thuốc. Gương mặt anh sâu xa và bí ẩn. Anh phải nghĩ những câu nói dí dỏm với cô hoặc những câu đầy triết lý. Lâu dần cô gái cũng mến anh, một sáng anh không đến quán vì có việc khác. Hôm sau anh đến, co tỏ vẻ hờn giận, nói mỉa chắc hôm qua anh đi chơi cả đêm không đi làm, nên sáng không đến quán. Kiểu hờn giận của người chưa có gì với nhau rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất hâm hực. Sáng đấy về anh vui lắm, sách anh đọc người ta bảo hờn thế là đã có gì đó rồi. Anh nhớ cái nguýt của cô khi lườm anh.

Cô gái con bà chủ quán lành lắm, không sắc sảo như bố mẹ cô. Cô lễ phép, đi lại nhẹ nhàng, khép nép. Quần áo của cô cũng nền nã, giản dị nhưng vẫn toát được vẻ đẹp của cô. Chỉ cần cô ngồi yên, đôi mắt mở to nhìn ra đường phố, cặp lông mi dài thoảng chớp cái cũng quá đẹp rồi, chưa cần cô nhoẻn miệng cười. Anh thợ cán quyết tiến thêm bước nữa. Anh nói chuyện về ca nhac, phim ảnh làm cô thích thú nghe. Rồi anh ngỏ lời mời cô hôm nào đó sẽ đi xem ca nhạc hay phim. Cô gái thoáng giật mình, rồi cô băn khoăn ấp úng nói cô phải học buổi tối, may lắm trong tháng cô được rảnh vài tối thôi. Không biết bố mẹ cô có cho không, nói đến đó cô cúi đầu giấu vẻ buồn hiện thoáng trên mặt.

Mùa hạ qua, mùa thu cũng qua và mùa đông đến. Mùa đông là mùa cực nhọc nhất của người thợ cán, vì dù thế nào thì làm xong cũng phải tắm. Nước sông ngày cành lạnh, gió bấc mỗi ngày lại cắt da thịt thêm. Mỗi lúc làm ra sông tắm xong, lên bờ răng đánh lập cập. Nước ở xưởng là nước mưa, chỉ để tráng người và gội đầu. Anh thợ cán trẻ tuổi hàng sáng sớm vẫn phải nhảy xuống sông tắm. Nhưng thế nào anh vẫn đến quán của cô hàng cà phê vào mỗi sáng trong vẻ tươm tất và mạnh mẽ. Anh ước mơ mùa đông này sẽ đưa cô đến rạp xem phim, trong khoảng thời gian bộ phim chiếu, anh sẽ quyết tâm nắm bàn tay thon thả và mịn màng của cô. Nếu cô không gạt ra, anh sẽ nói điều anh nung nấu.

Một tối như thường lệ trước khi đi làm, anh ra hàng cà phê, bỗng thấy lố nhố, xôn xao người trước cửa. Anh len vào thấy công an bên ngoài và bên trong quán. Anh thấy bố mẹ cô đang cúi gằm mặt, cô gái đang khóc nức nở, người khách đứng tuổi mặt mũi xám ngoét. Công an đang viết ghi chép và hỏi bố mẹ cô điều gì. Anh định vào quán thì công an đẩy anh ra, bảo quán này từ giờ đóng cửa. Ra đến nhoài anh nghe người xem nói loáng thoáng.

- Ôi hoá ra quán này chứa phò, con mụ này kinh thế, công an không bắt thì không biết.

- Nó giả vờ đóng giả mẹ con, con bé kia là đĩ, mụ này là chủ chăn.

- Thảo nào quán chả có khách mấy, ngày bán mấy cốc cà phê mà vẫn ung dung sống, ở đây đéo ai uống cà phê chỉ có uống sữa tươi thôi.

Tai anh thợ cán trẻ ù ù , anh choáng váng một lúc. Rồi anh len vào khi thấy công an dẫn mọi người ra. Cô gái nhìn anh với đôi mắt buồn thăm thẳm như muốn giãi bày trong đau đớn. Anh định len lại gần cô, muốn chạm vào người cô để nói một điều gì đó anh nung nấu. Những người công an đã gạt anh đi. Người ta khoá cổng quán lại, dẫn tất cả người liên quan đi. Cô gái cúi đầu lầm lũi đi giữa hai người công an, cô ngoái nhìn anh khi bước lên xe ô tô công an.

Chiếc xe chở cô đi rồi, anh thợ cán đứng nhìn cái quán cà phê khoá cửa.

Giờ anh mới nhớ ra mỗi lần '' ông bố '' buổi tối đến chở cô đi hoc, toàn lúc sau khi những người đàn ông khá giả đứng tuổi kia đi một lúc.

Đêm đó không có cà phê, anh pha trà thật đặc. Trong lúc nhồi mủ cao su vào quả lô sắt đang lầm lũi quay nặng nề, anh thấy tay mình run run. Anh phải ngừng lại để quả lô chạy không nhiều lần.

Sáng hôm sau, anh xin nghỉ làm. Bởi mỗi khi anh đưa cao su vào cán, anh lại thấy bàn tay trắng mịn màng của cô bê tách cà phê đặt nhẹ nhàng trước mặt anh.

Anh chẳng gặp lai cô, chàng thợ cán sau này trở thành một gã giang hồ du thủ du thực, phạm nhiều tội lớn phải vào nhà tù. Có những mùa đông khổ sai cải tạo, xé áo cuốn đôi tay phồng rộp vì cuốc đất, anh ta nhớ đến đôi bàn tay của cô hàng cà phê năm nào. Chắc bàn tay thon thả và hiền dịu ấy đang chai sạn vì khâu giày trong một trại phục hồi nhân phẩm nào đó. Đôi bàn tay cô gái đẹp dịu hiền ấy theo anh trong những năm tháng tù đằng đẵng cùng với ước mơ được ngồi trong quán nhâm nhi tách cà phê, mỗi lần giở trang sách lại liếc trộm nhìn cô hàng cà phê xinh xắn và thuỳ mị.

Bây giờ thì bàn tay người thợ cán năm xưa không còn chai sạn, anh ta làm việc nhẹ nhàng trên những bàn phím của chiếc máy tính giá cả ngàn USD. Nhưng chợt khi mùa đông đến, trong căn phòng có máy sưởi hiện đại, cửa kính hai lớp. Anh vẫn nhớ như in đôi bàn tay trắng mịn và hiền hậu của cô hàng cà phê.

Sẽ chẳng bao giờ anh biết được đôi bàn tay đẹp ấy ra sao, kể từ ngày chia ly ấy

Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages