UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cứ khăng khăng việc cấp phép đầu tư ở Cửa Khẻm, đèo Hải Vân là “đúng quy trình” nhưng “tỉnh sẽ chấp hành (dừng dự án) nếu Thủ tướng chỉ đạo”. Trong ảnh là dự án ở đèo Hải Vân. |
Chỉ trong vòng mấy chục ngày, tỉnh Thừa Thiên Huế có hai vụ việc hao hao giống nhau. Ông Hiệu trưởng một trường THCS thu sai tiền của học sinh, khi bị phóng viên chất vấn đã trả lời tỉnh khô: Chừ thu tiền sai thì trả lại thôi! Gần giống như thế về hình thức nhưng vô cùng nghiêm trọng về tổn thất, hệ lụy là chuyện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cứ khăng khăng việc cấp phép đầu tư ở Cửa Khẻm, đèo Hải Vân là “đúng quy trình” nhưng “tỉnh sẽ chấp hành (dừng dự án) nếu Thủ tướng chỉ đạo” (Một Thế Giới, 09:56, 20.11.2014)(!?)
Làm lãnh đạo, quản lý mà chẳng hề băn khoăn, ‘day dứt’ một chút gọi là khi vì sự yếu kém (hoặc có thể là do thiếu công minh) gây thiệt hại đến cuộc sống của người dân, thậm chí là gây nguy hại lâu dài cho an ninh xã tắc thì quả là điều xót xa.
Chuyện ở một trường THCS dù sao cũng chỉ là chuyện rất nhỏ nhưng việc cho người Trung Quốc thuê đất có tầm quan trọng chiến lược những nửa thế kỷ thì quả là không tài nào hiểu nổi.
Đã xảy ra vô số trường hợp sai thì dừng, sai thì sửa, sửa lại sai, sai lại sửa… |
Đây cũng không phải là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch, cho phép đầu tư phát triển sai mà nó dường như là một căn bệnh của cách nhìn ngắn, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà ‘quên’ đi những hậu quả dài lâu.
Còn nhớ, đã có một thời tỉnh Thừa Thiên Huế cho đầu tư xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh – khiến cho báo giới tốn không biết bao nhiêu là giấy mực vì nó xâm phạm cảnh quan, nó chạm đến tâm linh, nó sẽ làm tổn hại môi trường…
Câu hỏi đặt ra là: Việc cấp phép từ tháng 10.2013 – có nghĩa là đã lâm vào tình trạng ‘con mọc răng nói năng chi nữa’ từ hơn một năm nay, ai sẽ gánh chịu những hệ lụy đó? Hàng chục tỉ đồng đầu tư cho việc mở đường đã làm, nhiều công trình đã được xây dựng và dự án hàng trăm triệu USD đã được cấp Chứng nhận đầu tư, chắc chắn khi dừng lại sẽ phải bồi thường hàng triệu USD!
Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế thì hàng triệu người gánh – cũng tạm coi là ‘san sẻ’ nhưng cái khó chấp nhận là cả bộ máy chính quyền địa phương với rất nhiều ban bệ, tốn kém lại không có một ai từ chức hay bị cách chức thì quả là điều mà dư luận không hiểu?
Xin nhấn mạnh rằng đây cũng không phải là lần đầu vì còn có sự việc tày trời hơn nữa: Cả một hệ thống từ trên xuống dưới ra sức làm cho đẹp, cho ‘đúng’ hồ sơ gả mạo của ôông quan đầu tỉnh (cả tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây đều gọi Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn là ôông) để cho ôông được phong anh hùng, cho đến tận hôm nay nghe đâu vẫn chỉ có kiểm điểm, phê bình mà không một ai bị kết tội giả mạo, dối trá. Gây tổn thất trầm trọng về mặt văn hóa, đạo đức cho xã hội một ‘tai nạn’ động trời như thế mà chẳng có ai can chi thì quả là chuyện lạ! Đọc báo thấy nói dân Bến Tre xấu hổ vì ông Trần Văn Truyền, người Huế nghĩ sao?
Không thể chấp nhận cái cảnh hết lần này đến lần khác lãnh đạo làm sai, dân phải è cổ ra mà gánh còn những vị lãnh đạo liên đới trách nhiệm vẫn yên tâm tại vị. Đã xảy ra vô số trường hợp sai thì sửa, sửa lại sai, sai lại sửa…
Còn bao che, xuê xoa cho mọi sự sai trái, kém cỏi như thế thì Huế chẳng bao giờ khá lên được. Là một người yêu Huế, thiết tha với Huế, bạn có đau không khi đọc đi đọc lại mãi hai câu thơ: Dạ thưa Xứ Huế bây chừ/ Vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương?…
Hà Văn Thịnh
Theo Một thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét