A – Lựa chọn tự đưa ra quyết định và B – Miễn cưỡng chọn lấy 1 quyết định theo tư tưởng của ai đó. Nhưng chung quy thì bạn vẫn luôn có quyền lựa chọn.
Có thể có bạn sẽ cho rằng tôi hơi viển vông, duy ý chí (mặc dù tôi cũng không thích những người có kiểu duy ý chí thái quá, trong những vấn đề khách quan), những điều tôi viết dưới đây hoàn toàn là suy nghĩ sau khi đã bỏ qua những định kiến, những cảm xúc cá nhân. Và tôi tin rằng : cuộc sống không bao giờ thiếu sự lựa chọn, cho đến khi ta chết đi.
1. Những câu chuyện
Tự nhiên tôi lại nghĩ đến tiêu đề quyển sách Thay thái độ – đổi cuộc đời. Quyển đó nằm chễm chệ trên tủ sách mà chưa khi nào tôi lấy ra đọc, đúng hơn là lâu rồi không sờ đến.
Ngoài ra tôi lại nghĩ đến câu chuyện Tái ông thất mã. Chuyện này khá hay. Đại khái có ông già mất một con ngựa. Người làng thì cho đó là điều đen đủi, ông già lại nghĩ biết đâu đấy. Vài hôm sau con ngựa kia về, dắt thêm một con ngựa mới. Người dân lại cho đó là điềm may, ông già lại nói :”Biết đâu đấy?” Đúng vậy. một hôm anh con trai của ông thử cưỡi con ngựa mới, thì bị nó hất đến độ bị thương nặng. Trong khi người dân chia buồn với ông, nói ông xui xẻo, thì ông vẫn xài một câu: “Biết đâu đấy?” Ít lâu sau, triều đình ban lệnh tập trung trai tráng đi lính, sau đó thua trận chết rất nhiều, thì con trai ông được miễn vì vẫn bị thương. Biết đâu đấy?
Rồi thì nhà bác học Albert Einstein cũng có một câu, đại loại là: Mọi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội. Ý nghĩa chính thì chắc ai cũng hiểu. Chúng ta trước giờ có lẽ ít ai có thể nhìn ra một cơ hội trong những khó khăn. Nhưng việc nhìn ra nó cũng lại do ta lựa chọn. Ta có thể chọn việc tìm ra cơ hội, nhưng hầu hết lại chọn bó tay và phàn nàn trước khó khăn. Ấy là tôi nghĩ vậy.
Cả câu chuyện và câu nói trên có ý nghĩa chính là chỉ cho ta cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng: cả tích cực và tiêu cực (thường thì người ta hay ủng hộ nghĩ tích cực – trong khi kiểu gì ban đầu cũng nghĩ tiêu cực trước, mâu thuẫn thật!) Tuy nhiên nó còn có ý nghĩa là lựa chọn cách thức đối mặt với vấn đề.
2. Thứ một cá thể sống thực sự sở hữu…
… là quyền được lựa chọn. Căn bản mọi loài sinh vật đều sở hữu quyền này (nhiều người vẫn có ý nghĩ : động vật thì không được phép bình đẳng như con người, vậy nên động vật không được, và cũng không cần ban cho quyền gì hết, ngoài quyền bị con người điều khiển. Thế mà họ vẫn quên mất con người cũng là động vật!) có điều hầu hết không ý thức được bản thân có quyền đó và đang thực hiện chọn lựa theo một cách hết sức bản năng thôi.
Ở động vật, thì lựa chọn căn bản của nó là có muốn tiến hóa hay không. Ngoài ra thì có lựa chọn bạn tình v.v…
Tôi đọc đâu đó có chuyện: Một con đại bàng khoảng 40 tuổi, mỏ nó trở nên yếu đi. Bộ lông trở nên quá dày và nặng, rất khó để có thể bay nhanh và cao lên không trung. Đây là lúc mà nó phải đưa ra quyết định: hoặc là chờ chết, hoặc phải tự trải qua một cuộc lột xác đau đớn dài 150 ngày. Nếu chọn lột xác, nó sẽ đập mỏ vào mỏm đá cho đến khi gãy rời ra. Khi mỏ mới hình thành, nó lại bắt đầu bẻ gãy hết toàn bộ móng vuốt. Khi móng vuốt mới đủ chắc, nó lại tự nhổ đi từng sợi lông cho đến khi nhẵn nhụi và chờ lông mới hình thành. Khi đó nó được hồi sinh và tiếp tục tung hoành thêm 30 năm nữa.
Theo tôi, từ thời cổ xưa, tổ tiên loài người đã quyết định lựa chọn (trong vô thức hoặc bằng trực giác) được lao động, lựa chọn tư thế đối mặt và chinh phục thiên nhiên (giờ thì có vẻ đang cố gắng xoa dịu và làm bạn với nó), thay vì lựa chọn tư thế trốn tránh, sợ hãi, lệ thuộc vào nó.
Chung quy lại thì, trừ việc cha mẹ sinh ra ta, hoàn cảnh từ khi ta bắt đầu chào đời, còn từ khi có ý thức, mọi điều xảy đến đều là hệ quả của quyết định mà ta lựa chọn. Tuy nhiên, hãy cứ coi đó như điểm khởi đầu của một hành trình. Muốn đi đâu thì cũng phải có nơi bắt đầu. Công việc tiếp theo chính là lựa chọn lối đi. Dĩ nhiên lựa chọn ở đây mang ý nghĩa khách quan, nghĩa là nhìn vào địa hình mà chọn lối đi, chứ không phải là kiểu duy ý chí, nghĩ ra đường là có đường để đi đâu. “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome” chứ không phải là “Mọi cách nghĩ đều dẫn tới thành Rome”.
Ngày xưa thì người ta có ý thức về sự lựa chọn như thế. Còn thời đại này, khi mà căn bản mọi nhu cầu sinh tồn đã được đáp ứng, người ta dường như lại quên đi việc ý thức về quyền căn bản của mình: Quyền được lựa chọn. Bản thân nó là thứ mà nhiều người mặc nhiên bỏ qua hoặc có để ý nhưng có lẽ chưa ý thức được hết giá trị của nó, trong khi họ thực sự sở hữu nó, mà không phải đánh đổi cái gì.
3. Chúng ta nghĩ gì khi lựa chọn và đưa ra quyết định?
Chúng ta có thể dễ dàng chọn cho mình một đôi giày từ hàng vạn thiết kế, chọn một công việc yêu thích trong hàng vạn ngành nghề. Chúng ta dễ dàng lựa chọn những thứ đó, vì ban đầu chúng không thuộc về ta (nói thế, chứ những thứ như sự vật hay con người thì chưa bao giờ thực sự là của ta cả, ngay cả thân thể ta, chỉ là ta mặc nhiên sở hữu nó mà chưa vấp phải sự kháng cự hay phản đối nào thôi.) Nói cách khác, là chúng ta dễ dàng nhìn thấy những thứ ở xa. Có lẽ đó là bản năng ham muốn chinh phục và chiếm đoạt. Nhưng chúng ta lại lúng túng trong việc lựa chọn cảm xúc và thái độ của chúng ta, những thứ ta có sẵn trong tay, những thứ thực sự thuộc về ta, nhưng nhiều lúc cứ nghĩ là nó vô dụng, hoặc tưởng như mình chưa bao giờ nghe đến hay có nó.
Nhiều lúc ta ý thức được sẽ chọn một thứ, nhưng chẳng mấy ai nghĩ rằng “Liệu chọn cái này sẽ đem lại điều gì?” Ta hầu hết đều mặc nhiên quyết định theo ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu, và sau đó “OK!” mặc nhiên chấp nhận hậu quả và đổ tại số, tại đủ thứ, tại người ta, tại yếu tố bên ngoài, tại nó thế.
Với các nhà ngoại cảm hay các nhà phong thủy, họ đều có chung quan điểm: bản thân mỗi cá thể, theo một cách nào đó, đều phát ra ngoài vũ trụ một nguồn năng lượng. Tùy vào sự tương tác của năng lượng đó với tổng thể toàn cục mà vũ trụ cũng sẽ truyền lại cho mỗi cá thể đó một nguồn năng lượng tương ứng. Đó cũng là ý nghĩa của sự lựa chọn. Mỗi lựa chọn của ta đều đã tạo ra một kết quả tương ứng.
Hay là cứ nói như các cụ nhà ta từ xưa “Gieo nhân nào gặt quả ấy” cho đơn giản.
4. Cái gì ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của chúng ta?
Điều kiện ngoại cảnh, hay quyết định chủ động của bản thân?
Chúng ta trước nay (và mai sau nữa) vẫn cáu gắt với hoàn cảnh ngặt nghèo, về những điều đen đủi. Và chúng ta thi thoảng cũng cảm thấy may mắn vì mình nhận được những điều có lợi cho bản thân, cho người thân, hay gọi là phe mình.
Chúng ta vui mừng khi thi đỗ, khi được thăng chức, lên lương, khi nhận được một món quà quý giá, khi được người ta tỏ tình – hay được chấp nhận lời tỏ tình. Lúc đó có lẽ người ta đang chú tâm vào việc tận hưởng chứ ít ai đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại có những điều tuyệt vời như thế?” Họ mặc định là do tự nhiên, do may mắn, mà không thử nghĩ xem, mình đã lựa chọn cách gì, chọn hi sinh những gì, đã làm những gì để có được những thành tựu đó.
Chúng ta bất mãn về chế độ chính trị, hệ thống giáo dục, giao thông đường sá, thể chế kinh tế, đạo đức và lối sống của người dân xung quanh… mà dường như quên đi mất rằng chúng ta có nhiều lựa chọn, có nhiều lối đi hơn là bất mãn như thế. Chúng ta đã có quyền lựa chọn môi trường. Khi lựa chọn môi trường, nếu không thấy thích hợp, ta lại có quyền tiếp tục hay từ bỏ nó (Tuy nhiên thì cơ hội không đến quá nhiều lần với những người chọn lựa vô tư mà không suy tính đâu!)
Chúng ta buồn phiền vì chúng ta xấu xí, lùn tịt, tàn nhang, tóc tai xơ rối, da dẻ xám xịt, ấy là vì chúng ta lựa chọn con đường làm cho mình xấu. Người ta vẫn có thể chọn làm cho mình đẹp lên, tuy nhiên có một số người đã không chọn con đường đó. Vì nhiều lí do: tôi không thể, tôi không có điều kiện, người ta không cho phép tôi, chả ích gì đâu, trời cho thế rồi thay đổi được gì đâu….
Khi chúng ta bị ai đó lừa gạt, nhất là khi người lừa ta lại là người mà ta tin tưởng, thì chúng ta cáu giận, thất vọng, đau đớn. Vậy thì người có lỗi là ai? Có hẳn là người lừa ta không? Có lẽ, nhưng còn một nhân vật nữa cũng có lỗi. Là chính ta – người bị lừa.
Sao chúng ta không nghĩ như thế này: Chúng ta bị lừa, vì chúng ta tin họ. Nhưng đúng ra, là chúng ta đã lựa chọn như thế, trong một tình huống bất kỳ mà ta luôn có 2 lựa chọn là Tin và Nghi ngờ. Cần nói thêm ở đây răng, nghi ngờ không phải điều xấu. Trong Triết Học Đường Phố đã có bài nói về việc này rồi. Và tôi cũng đồng ý rằng việc nghi ngờ là một điều tốt mà chúng ta có thể làm cho người khác. Nhưng kết quả là chúng ta thường chọn Tin, vì ít nhất là 3 lí do: A. Ta không muốn suy nghĩ nhiều, B. Ta không ý thức được về sự lựa chọn và C. Người ta hay cảm thấy tội lỗi khi nghi ngờ một người thân quen. 3 lí do sai lạc và ngụy biện đó, nó đánh lừa trí não ta. Nó gây ra sự ám thị và lối mòn tư duy, khiến ta mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Tự gặm nhấm nỗi đau đớn về chuyện đã qua, ta sẽ không rút ra được bài học gì từ những lựa chọn sai lầm đó, mà cứ thế lặp lại cái vòng luẩn quẩn Tin -> Bị Lừa -> Đau -> (Nhưng lần sau, vì không có bài học kinh nghiệm, nên vẫn) Tin (vòng luẩn quẩn này dành cho những ai cực kỳ đen đủi – bị người khác lừa không những một mà n lần).
Thay vì chọn một điều gì đó thực sự có lý, chúng ta lại mặc định làm một điều quen thuộc, hoặc cho rằng nó hợp lý mà không suy xét kỹ lưỡng.
Bộ não chúng ta có xu hướng lựa chọn xử lý những vấn đề đơn giản hơn, những vấn đề xuất hiện ngay trong đầu như một phản xạ vô điều kiện, những cái tự tìm đến, chứ không chủ động đào sâu tìm tòi và xử lý các vấn đề phức tạp lẩn khuất, trừ khi bị bắt buộc. Vì thế, vì thiếu đi tầm nhìn xa về hệ quả của sự lựa chọn mà chúng ta hay rơi vào tình trạng: Chọn lựa sai lầm -> Đau khổ, than phiền -> Từ chối tìm giải pháp (đó cũng là lựa chọn sai lầm!) Đó lại là một vòng luẩn quẩn nữa. Và chúng ta không nhận ra một điều, rằng mỗi giai đoạn kể trên, dù ít hay nhiều, chúng ta cũng luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn. Vấn đề, như đã nói ở trên, là chúng ta đã không ý thức được về sự lựa chọn. Tư duy chúng ta bó hẹp trong cái suy nghĩ “Việc này thì làm thế này”, “việc nọ thì làm như thế là xong” mà không có thêm câu hỏi nào, hoặc có mà cũng phớt lờ đi không trả lời, ví dụ như: “Việc này sao cứ phải làm như thế?” “Có còn cách nào không?” “Nó sẽ mang lại tác động gì?” “Có lợi hay có hại?”… (việc đặt ra những câu hỏi mở rộng vấn đề như thế có chút liên quan đến việc nghĩ khác.)
Chính vì ta để lối tư duy mặc định, thiếu suy xét tổng thế như vậy chi phối, nên ta liên tục mắc sai lầm. Chúng ta cứ hành động theo cảm tính mà ít khi suy xét toàn vẹn, và mặc nhiên chấp nhận hậu quả như một điều tất yếu. Và chúng ta cũng mặc nhiên coi việc cáu giận, bực tức như một hành động tự nhiên, một quyền nghiễm nhiên để xoa dịu cho “điều đen đủi” mà chúng ta gặp phải.
5. Vậy chúng ta có quyền làm gì khi lựa chọn sai?
Cáu giận? Bực bội? Với ai?
Dĩ nhiên sẽ có ai đó bảo :”Làm sao mà người ta lường trước được mọi việc? Làm sao học được chữ ngờ?” và “Tức giận thì ai mà chả một đôi lần. Ông có kiềm chế được không mà nói hay thế?” Đúng thế. Tôi cũng không thể toàn năng, toàn tri như thế. Nhưng tôi viết bài này, còn có ý nghĩa rằng: Nếu đã lựa chọn, thì đừng hối hận. Giận dữ người khác vì lỗi căn bản của mình, chúng ta đang tỏ ra vô lý và lố bịch hết sức.
Hãy tưởng tượng thế này: Lựa Chọn và Trách Nhiệm là 2 thằng bạn thân đi ngang hàng nhau, mà quả thật đúng như thế. Căn bản thì Trách Nhiệm có vẻ ngoài không bắt mắt bằng Lựa Chọn, mặc dù 2 thằng trông đều chả nổi bật gì (thế nên người ta mới ít chú ý). Vì vài lí do mà có những người chỉ nhìn thấy Lựa Chọn và mặc nhiên bỏ qua Trách Nhiệm, giống như chúng ta luôn nhìn thấy mũi nhưng lựa chọn bỏ qua nó để nhìn mấy thứ hấp dẫn hơn ấy. Vì quá chú trọng quan tâm đến Lựa Chọn mà những người đó quên mất Trách Nhiệm đang đứng ngoáy mũi lù lù đó. Đến khi chơi chán với thằng Lựa Chọn và đá nó đi, chúng ta cứ nghĩ rằng Trách Nhiệm sẽ nối gót Lựa Chọn mà tếch đi nốt, như khi chúng đến. Tuy nhiên Trách Nhiệm lại muốn trả đũa chúng ta vì dám ngó lơ nó, vì vậy nó quyết định đè đầu cưỡi cổ ta chơi, để xem ta hất nó ra kiểu gì. Nhân tiện nó cũng dạy ta bài học, rằng: “Lần sau gặp anh mày thì nhớ mà cư xử cho cẩn thận vào, anh mà sút thì chỉ có đau lên chứ không có nhẹ đi đâu đấy!”
Khi đã lựa chọn một điều gì đó, chúng ta bắt buộc phải nhớ đến trách nhiệm đi kèm. Rõ ràng rồi, chả có cái gì tự nhiên đến mà không có cái giá kèm theo cả. Nhân tiện, ở đây chỉ bàn đến lựa chọn sai lầm thôi, vì căn bản nếu lựa chọn đúng đắn và có lợi, gần như chẳng có trách nhiệm nào đáng kể ngoài việc phải tận dụng cho tốt nó đâu.
Căn bản lựa chọn là của ta, nên ta chẳng có quyền bực tức hay thù hằn gì ai đó cả.
Chẳng hạn tôi vào làm ở một công ty và cứ bị ông sếp cho ăn hành vô lý. Khó có thể lấy lí do đó mà điên tiết trút giận lên sếp chỉ vì tôi đã chọn nhầm nơi, và để hắn mớm hành tôi được, mặc dù nhiều lúc ngẫm nghĩ cũng thấy hắn ta đáng bị sút cho mấy phát lắm. Căn bản là tôi đã chọn vào công ty đó mà không tìm hiểu trước được tính nết của hắn thôi. Trước tiên là phải trách tôi đã. Tôi đã vứt trách nhiệm đi đâu khi quá tuềnh toàng mà ra quyết định mò vào nhầm chỗ như thế? Và sao tôi lại không lượn ngay đi trước khi rước bực vào thân?
Tóm lại, khi ta lựa chọn sai, ta chỉ có thể trách bản thân. Và vào lúc này ta lại có quyền lựa chọn nên trừng phạt bản thân thật nặng để cho nhớ đời, hoặc cam chịu hay bình tĩnh mà sửa chữa nó. Chọn thế nào thì tùy, miễn là đừng có cáu nữa là được. Cáu với người khác thì trước hết là ta sai, mà cáu với bản thân thì tội nghiệp bản thân quá.
6. Chuẩn bị tinh thần đi, bạn sẽ còn được (phải) lựa chọn nhiều đấy!
Chúng ta hướng đến sự toàn vẹn, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự toàn vẹn. Không bao giờ. Vì thế mà sự lựa chọn ra đời. Như khi đi mua một món đồ vậy: 3 tiêu chí rẻ, tốt, đẹp, chọn 2 thôi. Thật khó để mua một món đồ toàn vẹn cả 3 tiêu chí đó, khả dĩ nhất là hàng giảm giá, nhưng cũng chưa chắc đã đạt 3 tiêu chí ấy đâu nhé.
Hãy nhớ: Chúng ta có thể không có nhiều quyền lợi khi bước vào cuộc sống. Nhưng dù chỉ được trang bị nghèo nàn, ta vẫn có thể tìm thấy quyền lựa chọn. Và bất cứ sinh vật nào cũng được trang bị thứ đó. Lựa chọn là phương tiện căn bản mà tạo hóa đã gắn chặt vào mỗi sinh vật. Giống như đôi tay, con mắt hay khối óc, lựa chọn được ta sử dụng như bản năng, dù rằng không phải lúc nào cũng sử dụng hiệu quả.
Lựa chọn, bản thân nó không bao giờ đi đâu hết. Chỉ có chúng ta đã cố tình phớt lờ nó, hoặc vô tình bỏ qua nó vì ta vẫn còn suy nghĩ thiên về bản năng, vì ý nghĩ bộc phát ban đầu quá lớn đã cản khuất tầm nhìn của ta. Lại một lần nữa tôi sẽ lấy ví dụ này: nó giống như ta vẫn nhìn thấy mũi mà lựa chọn bỏ qua nó vậy.
Bạn có thể vui buồn, khóc cười, giận dữ vì sự lựa chọn của mình, tuy nhiên ngàn lần đừng than vãn hay ca cẩm, bất mãn vì lựa chọn của mình, cũng như trút giận lên ai đó. Tuy rằng nhiều lúc bản năng chúng ta vẫn thắng thế, nhưng ta nên hạn chế nó đến mức tối thiểu, và nếu đã lỡ làm gì sai thì hãy mau mau mà sửa chữa nó khi còn có cơ hội.
Ngay cả trong tình huống khốn cùng, khi mà tình thế không còn khả năng xoay chuyển, ta vẫn còn quyền lựa chọn. Một lựa chọn căn bản. Là lựa chọn thái độ để đối mặt với nó: ta vẫn có thể chọn Điềm đạm, Thanh thản để mang đi cùng, thay vì chọn Lo lắng, Sợ hãi, Giận dữ hay Buồn bã. Chung quy lại, nên là một thái độ tích cực: chấp nhận thực tại. Như giọng hát dịu dàng cất lên:
“In a world without angels
Where destruction is near,
You can come with us here.
When the people are strangers
You will rest here with me,
In a moment of peace.”
— A moment of peace – Amelia Brightman ft. Gregorian
Phạm Thanh
Theo Triết học đường phố
Post Top Ad
Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014
Tags
# Diễn đàn dân chủ
# Phạm Thanh
Share This
About
VANEWS TEMP
Phạm Thanh
Labels:
Diễn đàn dân chủ,
Phạm Thanh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Post Bottom Ad
Author Details
VANEWS - Việt Mỹ News - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều VANEWS - Việt Mỹ News mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét