Báo chí đang được cởi mở hơn? - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Báo chí đang được cởi mở hơn?

ad728


Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân đã phải dừng lại sau khi phản biện xã hội được báo chí nhà nước hiệp đồng tác chiến. Phải chăng Việt Nam đã cởi mở hơn và các quan chức cao cấp đương nhiệm cũng hòa đồng theo công luận chung.

Tác dụng của phản biện xã hội

GSTS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“Tôi đánh giá rất cao tác dụng của phản biện xã hội đã kiên trì thực hiện bấy lâu nay ở nhiều tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có trách nhiệm với xã hội. Việc lần đầu tiên một dự án lớn có liên quan đến an ninh quốc phòng mà những tướng lĩnh đang còn giữ cương vị trọng trách hiện tại lên tiếng thì đó là một điều mới. Bởi vì trước đây nhiều dự án cũng liên quan đến những vấn đề an ninh quốc phòng nhưng bản thân tôi chưa thấy có một phản ứng nào thẳng thắn mạnh mẽ và công khai từ những quan chức quốc phòng hiện đương chức. Thế đấy là điểm đáng mừng, tôi cho rằng việc giới chức Bộ quốc phòng và Tư lệnh Quân khu 5 lên tiếng về vấn đề này là đáng trân trọng và nó phù hợp với nguyên vọng của nhân dân và lợi ích của quốc gia.”

   Tôi đánh giá rất cao tác dụng của phản biện xã hội đã kiên trì thực hiện bấy lâu nay ở nhiều tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có trách nhiệm với xã hội.

-GSTS Chu Hảo
Trong sự kiện mang tên Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân, vai trò phản biện xã hội được đánh giá rất cao, đặc biệt báo chí nhà nước đã thông tin một cách tích cực và chuyển tải được những ý kiến phản biện cực kỳ hiếm có và hòa đồng với xã hội của các giới chức quân sự cao cấp đang giữ trọng trách, thí dụ Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hay Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5. Họ đã tiếp sức các tướng lĩnh đã nghỉ hưu như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hay Đại tá Thái Thanh Hùng nguyên Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng. Các ý kiến phản biện này trong vòng vài tuần lễ đã gióng hồi chuông cảnh báo về an ninh quốc phòng, đưa ra ánh sáng việc Thừa Thiên-Huế cấp phép dự án khu du lịch nghỉ dưỡng rộng 200 ha trên đèo Hải Vân cho Công ty Trung Quốc. Nếu dư luận không bị đánh động thì có thể nói các quan chức Thừa Thiên Huế vẫn cãi chày cãi cối là họ có đủ cơ sở để cấp phép dự án Mũi Khẻm và cái ô lớn nhất là sự phê duyệt qui hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ ký từ 2008.

Bảng quảng cáo dự án Khu Du lịch Nghỉ dưỡng World Shine trên núi Hải Vân.
Phản biện xã hội luôn luôn phải có sự đồng hành từ phương tiện thông tin đại chúng dù là mạng xã hội hay truyền thông nhà nước. GSTS Chu Hảo ghi nhận một sự kiện mà ông cho là mới mẻ liên quan đến báo chí nhà nước. Ông nói:

“Việc báo chí được nói lên ngay từ khi có phản ứng xã hội đầu tiên, báo chí chính thống tham gia vào thì đây không phải là lần đầu tiên. Tuy nhiên lần này thì sự lên tiếng của báo chí, thứ nhất là tương đối đồng đều và sau đấy thì không bị rút lại. Đấy cũng là một điểm mới và tôi nghĩ là đáng ghi nhận trong việc thực hiện chủ trương phản biện xã hội một cách công khai và kịp thời.”

TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã tự giải thể từ Hà Nội cho rằng, khi cả xã hội cùng lên tiếng thì sẽ ngăn chặn được cái xấu, điều ác. Ông nói:

“Chỉ có mỗi một cách như vừa rồi là dư luận của công chúng, của các giới khác nhau, kể cả những người đương quyền mà còn thực sự lo lắng cho vận mệnh đất nước. Những người ấy, các thế lực ấy phải lên tiếng và chỉ có như thế mới có thể chặn được những sự móc ngoặc với những thế lực nước ngoài mà để làm tổn hại đến đất nước mà thôi.”

Sự tham gia của truyền thông nhà nước

Câu chuyện phản biện xã hội và sự tham gia của truyền thông nhà nước một cách đáng ngạc nhiên đã có một kết quả ngoạn mục và nhanh chóng. Chính quyền Thừa Thiên-Huế suốt hai tuần lễ luôn bảo vệ quan điểm là cấp phép Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân đúng qui trình và chuyển quả bóng trách nhiệm cho Thủ tướng, thì đến ngày 26/11/2014 đã bất ngờ thông báo dừng dự án và Chủ tịch Nguyễn Văn Cao còn cho biết bước tiếp theo sẽ là thu hồi giấy phép đầu tư cho Cty Trung Quốc Thế Diệu mà địa phương đã cấp hồi tháng 10/2013.

   Nếu chúng ta không để cho những tờ báo chính thống do chính phủ kiểm soát ở Việt Nam nói những điều cần thiết và những sự thật thì dứt khoát người ta sẽ đọc các trang mạng và tin đó là sự thật.

-Nguyễn Công Khế
Sự kiện báo chí nhà nước tiếp tay phản biện xã hội phá vỡ dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân xảy ra cùng lúc với việc nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên trả lời Đài ACTD nói rằng sớm muộn gì thì Việt Nam cũng phải cải cách và đi theo con đường minh bạch thông tin và tự do báo chí. Theo lời ông Nguyễn Công Khế Internet và sự phát triển công nghệ thông tin cùng sự hoạt động nhanh nhạy của mạng xã hội là một áp lực buộc phải có cải cách. Ông nói:

“Chính vì sự cấm đoán và mở rộng các vùng nhạy cảm của các nhà lãnh đạo, nó đã để báo chí đi vào ngõ cụt. Những thông tin cần thiết nhất thì lại không được đến từ những tờ báo chính thống. Bây giờ với thời đại thông tin này, người ta phải đọc trên mạng, hàng nghìn trang xuất hiện. Hồi trước chúng ta làm báo nhật trình, tức là báo ngày.Bây giờ không phải là báo ngày nữa mà là báo phút. Do vậy, nếu chúng ta không để cho những tờ báo chính thống do chính phủ kiểm soát ở Việt Nam nói những điều cần thiết và những sự thật thì dứt khoát người ta sẽ đọc các trang mạng và tin đó là sự thật.”

Đáp câu hỏi của chúng tôi, phải chăng sự phát triển công nghệ thông tin và các mạng xã hội trong thời đại kỹ thuật số đã buộc chính quyền cho phép báo chí nhà nước được tham gia phản biện hoặc đưa tin đa chiều, thí dụ điển hình là vụ Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân. GSTS Chu Hảo nhận định:

“Mạng truyền thông xã hội hoạt động hết sức hiệu quả và rộng rãi của internet không phải là có từ năm nay mà đã có trong vòng 10 năm nay. Thế thì việc báo chí chính thống lần này lên tiếng về dự án cụ thể này thì không phải đến bây giờ phương tiện thông tin đại chúng qua internet mới tác động vào. Nó tác động từ lâu rồi nhưng bây giờ có biến chuyển, thì như vậy điểm chuyển ấy không phải chỉ là do kỹ thuật số nó vào mà còn do xu thế toàn xã hội tham gia vào phản biện những dự án liên quan đến vận mệnh đất nước…Và báo chí chính thống cũng dần dần được tôi luyện trong quá trình thực hiện quyền dân chủ quyền tự do báo chí của mình.”

Nhiều ý kiến khác trên các mạng xã hội chưa tin là Việt Nam đang cởi mở hơn trong tiến trình thực hiện minh bạch thông tin như nhận định của nhà báo Nguyễn Công Khế. Khuynh hướng này vẫn cho là một ít sự kiện khác thường trong vụ phản biện công khai về dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân là kết quả của điều gọi là xung đột quyền lợi các nhóm chính trị trong Đảng và ví von nó cũng không khác gì một cơn bão được khuấy động trong chén trà mà thôi.

Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Theo RFA

========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages