Bảo vệ nhân quyền cần hiến pháp dân chủ - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Bảo vệ nhân quyền cần hiến pháp dân chủ

ad728
Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 năm nay lại đến, đó cũng là dịp để đánh giá lại tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua, và đồng thời cũng là dịp cùng suy ngẫm xem làm sao có thể bảo vệ và phát triển các giá trị nhân quyền tại Việt Nam.


Còn nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng

Hiến pháp 2013 đã đặt “quyền con người” lên chương 2 và nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng điều đó biểu hiện họ rất tôn trọng quyền con người, thậm chí hiện tại Việt Nam còn nằm trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan có thể kể đến báo cáo của ông Heiner Bielefeldt, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, về tự do tôn giáo ở Việt Nam, là “còn nhiều vi phạm” sau chuyến đi thị sát từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014.

Cũng cần thấy rõ là nhân quyền, trong đó quyền cơ bản nhất là tự do ngôn luận, vẫn chưa có ở Việt Nam. Điển hình là mới đây, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Công Khế cũng không có điều kiện để trình bày quan điểm trên báo chí trong nước mà phải tìm đến một tờ báo Mỹ là New York Times.

Các trí thức, văn nghệ sỹ như giáo sư Hồng Lê Thọ, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng bị bắt vì viết blog. Mà “Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do” (Voltaire), từ đó ta có thể thấy mọi quyền tự do và các quyền con người cơ bản khác đều chỉ là bánh vẽ hoặc được thực thi rất hạn chế tại Việt Nam.

Vừa qua, một loạt những công dân lên tiếng ôn hòa yêu cầu các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cải cách dân chủ, bảo vệ nhân quyền lại bị những “công dân mặc thường phục” khác hành hung, thậm chí có trường hợp rất nặng phải nhập viện. Dù vậy, phía cơ quan công an vẫn không có động thái điều tra làm sáng tỏ những vụ việc trên.

Đó cũng là một bằng chứng sống động cho thấy quyền con người hoàn toàn chưa được bảo đảm ở Việt Nam. Đến giờ này công dân vẫn không cảm thấy được nhà cầm quyền bảo vệ mà sống trong bất an, lo lắng.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang Quê Choa, vừa bị bắt hôm 6/12

Trong tâm trí tôi còn hiện lại phiên tòa xét xử các anh chị trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do năm 2012.

Cơ quan an ninh điều tra đã dựng ra một trang blog giả nhằm buộc tội các anh chị ấy, lý do là Yahoo! đã ngừng cung cấp dịch vụ blog Yahoo! 360 từ tháng 7/2009.

Tuy blog Yahoo! của Câu lạc bộ không còn tồn tại nữa, và anh Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày) đã chỉ rõ điều này trước tòa, thế nhưng tòa án, viện kiểm sát đã phớt lờ tình tiết vi phạm nghiêm trọng này của cơ quan công an.

Tại sao lại như vậy? Điều thấy rõ là tòa án, viện kiểm sát, công an đều trong cùng một đảng, gọi nhau là “đồng chí”. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đều làm việc cho đảng cầm quyền nên thực chất ở đây không thể có xét xử, tranh tụng công bằng mà tòa sẽ xét xử theo ý muốn của những người lãnh đạo đảng.

Do đó, muốn bảo vệ nhân quyền hiệu quả, Việt Nam cần một nền tư pháp độc lập, và rộng lớn hơn là phải cải cách dân chủ thực sự. Không thể bảo vệ nhân quyền chừng nào luật pháp còn chưa chuẩn mực, hiến pháp chưa dân chủ, chưa có tam quyền phân lập, chưa có báo chí tự do. Những cái gọi là "tiến bộ" trong việc bảo vệ nhân quyền thực chất chỉ mang tính đối phó, không thực chất.

Giáo sư Hồng Lê Thọ cũng bị bắt trước nhà văn Nguyễn Quang Lập một tuần
Điều quan trọng trong tiến bộ nhân quyền không phải là bỏ những điều luật bất công, mơ hồ như điều 79, 88, 258 của Bộ luật Hình sự, hoặc điều 4 Hiến pháp.

Không xử theo những điều luật ấy thì nhà cầm quyền vẫn có cách để “lách luật” bằng cách dựng bằng chứng giả như trong vụ án xử Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, hoặc tạo hiện trường giả để khép người dân vào tội “gây rối trật tự công cộng” như trong vụ án Bùi Hằng, hoặc như khép luật sư Lê Quốc Quân vào tội trốn thuế…

Ngay cả các nhân chứng quan trọng trong các vụ án trên tòa cũng không mời, hoặc mời nhưng lại có những “công dân mặc thường phục” ngăn cản một số nhân chứng đến tòa.

Cộng đồng quốc tế cũng đã cực lực phản đối những phiên tòa bất công này, gọi đó là sự “nhạo báng công lý”.

Nguy hại của việc dùng lý luận trị quốc

Việt Nam từ trước đến nay thực chất vẫn là dùng lý luận ý thức hệ để trị quốc, dùng ngôn ngữ luật pháp trộn lý luận để trị dân. Khái niệm thượng tôn pháp luật, dùng luật để quản trị quốc gia, nghĩa là pháp quyền chỉ tồn tại trên giấy.

Bao nhiêu năm nói đến “nhà nước pháp quyền”, là bấy nhiêu năm khái niệm này bị khinh rẻ.

Công dân Việt Nam cần chấp hành “đường lối, chủ trương của đảng” trước khi chấp hành “pháp luật của nhà nước”. Rõ ràng nhà nước Việt Nam hiện tại là nhà nước đảng trị.

Chừng nào quyền của người dân được làm chủ đất nước, được quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia như phúc quyết hiến pháp, được bầu lãnh đạo, được bảo đảm quyền sở hữu tài sản của mình như đất đai, được sống trong an bình, được xét xử công bằng… vẫn còn nhiều mâu thuẫn với quyền lợi của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thì khi đó chắc chắn quyền con người không thể được bảo đảm ở Việt Nam.

   "Hiến Pháp là văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng cộng sản."

TBT Nguyễn Phú Trọng
Dù có đem “quyền con người” lên chương 2 của Hiến pháp hay dùng lý luận ý thức hệ cũng không thể bác bỏ thực tế này.

Ngoài ra, việc quy định độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội cho riêng một đảng chính trị như trong điều 4 Hiến pháp Việt Nam hiện tại cho thấy rõ ràng quyền làm chủ của người dân đã bị giới lãnh đạo Đảng Cộng sản tước đoạt ngay từ đầu.

Thế nên dù Hiến pháp ở Việt Nam có rất nhiều điều về quyền con người thì việc bảo vệ nhân quyền trên thực tế cũng không mang lại ý nghĩa gì.

Triết lý, quy trình xây dựng hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam đã sai ngay từ đầu khi không có sự tham gia của người dân, và càng không có sự chuẩn thuận của người dân.

Chỉ có những người lãnh đạo đảng cộng sản tự cho mình quyền lập “khế ước xã hội” để tự trao quyền lực cho riêng họ.

Quyền làm chủ của người dân gắn liền với tính chính danh của chế độ, và nếu người dân không trao quyền thông qua một khế ước xã hội như bản hiến pháp thì đảng cầm quyền không thể chính danh. Đây chính là trọng tâm trong việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Lời giải

Luật sư và blogger Lê Quốc Quân bị xét xử vì tội trốn thuế

Để xóa bỏ tình trạng vi phạm nhân quyền, bất công xã hội đang diễn ra rộng khắp, không gì khác hơn là phải có một bản Hiến pháp mới thật sự dân chủ để đảm bảo quyền làm chủ của người dân, giới hạn quyền lực nhà nước (tam quyền phân lập), và quyền tài phán Hiến pháp độc lập.

Khi đó, những điều mà người dân đang khao khát và đấu tranh để có được như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tham gia xã hội dân sự, tự do tham gia ứng cử, bầu cử, được xét xử công bằng, được làm chủ đất đai của mình… sẽ tự động được hóa giải. Lý do là các bộ luật đều phải dựa trên bản Hiến pháp chuẩn mực đó.

Hiểu được điểm mấu chốt này, chúng ta cần đứng lại với nhau, lên tiếng cùng nhau để có sức mạnh thực hiện quyền làm chủ đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của mình.

Hiến pháp dân chủ là bản thiết kế không gây ra mâu thuẫn giữa quyền làm chủ của người dân và quyền lực nhà nước, là nguyên tắc chính trị cơ bản để bảo đảm quyền con người và đưa Việt Nam thực sự tới “dân chủ, công bằng, văn minh”, tạo lập xã hội công bằng với pháp luật chuẩn mực, ổn định xã hội và hội nhập quốc tế.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một nhà vận động dân chủ hiện sống tại TP. HCM.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung
Gửi từ Sài Gòn
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages