Juergen Todenhoefer đã có sáu ngày tại thành phố Mosul thuộc IS kiểm soát ở Iraq, và ông tới đó qua ngả Raqqa của Syria.
Ông Todenhoefer nói rằng ông thấy các ủng hộ viên của IS có động cơ mạnh mẽ và họ rất ủng hộ cho sự bạo tàn của nhóm này.
Ông nói việc có các chiến binh rải ra các nơi khiến IS là mục tiêu khó diệt của các cuộc không kích.
Là cựu chính trị gia người Đức, Juergen Todenhoefer là người duy nhất từ bên ngoài đi sâu được vào trong lãnh thổ của IS và quay trở ra an toàn.
Nếu xét tới các vụ một số người phương Tây gần đây bị chặt đầu, thì ông đã thật liều lĩnh khi có chuyến đi này.
Hà khắc
Tại Mosul, ông Todenhoefer đã thấy nhóm này áp đặt các quy định hà khắc của luật Hồi giáo Sunni.
Các tấm poster chỉ dẫn đàn ông phải ở vị trí bên phải khi cầu nguyện và chỉ dẫn đàn bà cách che phủ toàn bộ cơ thể.
Chẳng hạn như họ không được mặc đồ "giống với những thứ đồ mà những kẻ đàn ông, đàn bà ngoại đạo mặc".
Hình ảnh trên các tấm pano quảng cáo thì bị bôi đen, và một cửa hàng sách có bày các cuốn sách nhỏ và các tập giấy ghi chép các quy tắc tôn giáo, trong đó có cả cách cần đối xử với nô lệ ra sao.
Ông đã gặp các chiến binh thiếu niên mang vũ khí cho "caliphate", tức vương quốc Hồi giáo, và được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ Anh, Mỹ, Thụy Điển, Trinidad và Tobago.
Cai trị bằng sự sợ hãi
Ông Todenhoefer nói ông kinh sợ trước việc họ sẵn sàng dùng tới bạo tàn, và về mức tham vọng của họ trong việc thực hiện "thanh lọc tôn giáo" và mở rộng lãnh thổ.
"Tôi chưa từng bao giờ chứng kiến sự nhiệt thành đến vậy trong những vùng có chiến tranh," ông nói.
"Họ thật tự tin vào bản thân. Hồi đầu năm, không mấy ai biết đến IS. Nhưng nay họ đã chiếm một khu vực rộng bằng Anh quốc. Đây là phong trào chỉ chiếm một phần trăm nhưng có năng lượng của một trái bom hạt nhân hoặc một trận sóng thần."
Được người con trai của ông ghi hình - với sự cho phép nhằm đảm bảo an toàn - những tư liệu của ông khiến người ta có cảm giác rằng nhóm này rất bận rộn với việc củng cố bộ máy hành chính và không mấy bị xáo trộn trước các cuộc không kích của liên quân.
"Ấn tượng của tôi là họ muốn cho thấy IS đang hoạt động hiệu quả," ông Todenhoefer nói.
Với những gì được chứng kiến thì ông nói trông cuộc sống có vẻ bình thường hơn những gì ta nghĩ.
Nhưng toàn bộ người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo Shia ở thành phố đều đã kinh hoàng bỏ chạy sau khi các tay súng IS chiếm quyền kiểm soát.
Những tay thánh chiến nay có hệ thống tư pháp riêng, với cờ IS treo trong các phòng xử án, và hệ thống cảnh sát riêng nhằm áp đạt luật Hồi giáo hà khắc dẫu cho cảnh sát trưởng địa phương nói với ông rằng ông ta nay trở nên không còn cần thiết nữa trong việc quản trị các cuộc trừng phạt bạo lực.
Sự sợ hãi, ông Todenhoefer nói, có vẻ là biện pháp ngăn chặn cực kỳ mạnh mẽ.
'Rất bi quan'
Những cuộc trò chuyện với các tay súng đi kèm mới là điều khiến ông Todenhoefer cảm thấy bất ổn, chứ không phải những gì ông thực sự nhìn thấy.
Ông nói ông nhắc các chiến binh rằng hầu hết các chương trong kinh Koran đều bắt đầu với những từ "Thượng đế... vô cùng nhân từ".
"Tôi hỏi: Lòng nhân từ đâu? Tôi chưa bao giờ nhận được câu trả lời thực sự."
Ông Todenhoefer ước tính thành phố hiện đang bị vài ngàn tay súng chiếm giữ.
Nhưng ông nói họ biết cách hòa mình vào thành phố thay vì đi lại từng đoàn, do vậy rất khó bị tấn công bởi các cuộc không kích của liên quân.
Ông tin rằng IS hiện hùng mạnh hơn ở các khu vực thuộc Iraq mà nhóm này kiểm soát so với ở Syria.
Chẳng hạn, ở Raqqa, nơi đặt tổng hành dinh của cái được gọi là nhà nước này, ông nói Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn trả lương cho các nhân viên chính phủ.
Khi trở về Munich an toàn, ông Todenhoefer nói với chúng tôi: "Họ là kẻ thù tàn bạo nhất và nguy hiểm nhất mà tôi từng chứng kiến trong đời."
"Tôi không thấy ai là người thực sự có thể chặn họ," ông nói. "Chỉ có người Ả rập mới ngăn được IS. Tôi trở về và thấy rất bi quan."
Ông Todenhoefer thật may mắn là đã quay trở về an toàn, ngay cả khi đã thương lượng để được vào vùng lãnh thổ do IS kiểm soát thông qua một chiến binh thánh chiến người Đức, sau nhiều tháng luôn phải mang theo giấy phép do "văn phòng vương quốc Hồi giáo" cấp, là thứ 'bảo bối' đã giúp ông thoát hiểm trong nhiều tình huống.
"Tôi từng có những lúc lo sợ là họ có thể đổi ý," ông nói.
Cuối cùng, không chắc là liệu thực sự họ rồi có đổi ý và bắt giữ mình cũng con trai lại làm con tin hay không, ông đã chạy qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi đã phải chạy khoảng 1km với các túi, đồ của mình trên người," ông nói.
"Khi tới nơi, tôi có cảm giác hạnh phúc khôn tả. Tôi nhận ra là mình đã gánh trên vai gánh nặng ghê gớm. Tôi gọi điện cho gia đình. Và lúc này tôi nhận ra rằng những gì mình đã làm được quả không dễ chút nào."
Caroline Hawley và James Longman
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét