Lập trường Biển Đông của Mỹ và vụ kiện đường "lưỡi bò" Trung Quốc - VANEWS TEMP

Trang thông tin ngôn luận Việt Nam

ad728

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Lập trường Biển Đông của Mỹ và vụ kiện đường "lưỡi bò" Trung Quốc

ad728
Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do TQ đơn phương công bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do TQ thiết lập hồi tháng 6 năm 2014.
Bản báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 5 tháng 12 vừa qua đã khiến Trung Quốc tức giận cho rằng Hoa Kỳ đã đứng về các nước khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Trong báo cáo này Hoa Kỳ đã thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc phải làm rõ ý nghĩa của đường đứt khúc 9 đoạn và cho rằng đường này do Trung Quốc vẽ ra không tuân thủ công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc. Tại sao Hoa Kỳ đưa ra báo cáo và lúc này và liệu đây có phải là một sự thay đổi lập trường từ phía Hoa Kỳ trong tranh chấp tại biển Đông?
Đường 9 đoạn không hợp lý

Để tìm hiểu vấn đề này, Việt Hà phỏng vấn chuyên gia Gregory Polling, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, tại Washington DC. Trước hết chuyên gia Gregory Polling nhận định về lập trường của mình qua bản báo cáo mới như sau:

Gregory Polling: Báo cáo hoàn toàn theo lập trường của Mỹ liên quan đến tranh chấp này, vốn vẫn được duy trì suốt thời gian qua… Lập trường của Mỹ không phải là không có ý kiến về đường lưỡi bò hay những yêu sách về chủ quyền mà là trung lập trong những tranh chấp về lãnh thổ tức là Mỹ không có ý kiến về việc ai làm chủ đảo nào, nhưng Mỹ có ý kiến liên quan đến các vấn đề thuộc về luật biển quốc tế. Ví dụ như đảo đó cho phép vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa ra sao. Hoa Kỳ có lập trường như vậy ở khắp nơi trên thế giới với các nước khác.

Việt Hà: Theo ông tại sao Hoa Kỳ lại công bố báo cáo vào lúc này?

  Bản báo cáo đã cho thấy lập trường của Mỹ về đường 9 đoạn cũng giống như lập trường của các nước khác về đường 9 đoạn của TQ, tức là nói rằng nó không đúng như luật biển quốc tế.

▸ Gregory Polling
Gregory Polling: Tôi không có thẩm quyền để trả lời tại sao Hoa Kỳ lại cho ra báo cáo vào lúc này nhưng tôi có thể nói nó không phải là mới. Họ đã thực hiện báo cáo này một thời gian và nó cần rất nhiều thời gian và cần nhiều phân tích về luật. Hoa Kỳ cũng đã ra những báo cáo về đường cơ sở mà Trung Quốc, Việt Nam hay Philippines có cho nên đây chỉ là một phần việc bình thường. Bộ Ngoại giao nói với tôi rằng việc Hoa Kỳ ra báo cáo mới vào hôm thứ 6 (5/12) không có liên quan gì đến vụ kiện của Philippines và tôi không thể biết đó là sự thật hay không. Nhưng thực tế là lập trường của Mỹ cho rằng đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc không hợp lý theo luật biển quốc tế thì điều này cho thấy Hoa Kỳ đang tìm cách để ý kiến này của mình được tòa nghe thấy. Hôm chủ nhật, Trung Quốc cũng đệ nạp hồ sơ của mình dù họ nói rằng họ không tham gia vụ kiện. Họ đệ nạp hồ sơ để gây ảnh hưởng tới các chánh án.

Việt Hà: Báo cáo này có ý nghĩa thế nào đối với các nước có liên quan trong khu vực bao gồm Trung Quốc?

Gregory Polling: Bản báo cáo đã cho thấy lập trường của Mỹ về đường 9 đoạn cũng giống như lập trường của các nước khác về đường 9 đoạn của Trung Quốc, tức là nói rằng nó không đúng như luật biển quốc tế. Tuy nhiên báo cáo này không nói là Trung Quốc được quyền đòi cái gì, nó chỉ nói là đường 9 đoạn không hợp lý và Trung Quốc cần nói rõ cho chúng ta biết là đòi hỏi thực sự của họ là gì. Nó cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến những đòi hỏi về chủ quyền khác của các nước khác hay ảnh hưởng đến lập trường của Mỹ về những đòi hỏi về chủ quyền. Nhưng nó ủng hộ lập trường của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia rằng đường đường 9 đoạn là không hợp lệ và Trung Quốc cần nói cho chúng ta rõ đòi hỏi của họ là gì. Họ đòi các đảo hay vùng nước, thềm lục địa, hay quyền lịch sử. Nhưng lập trường của Hoa Kỳ với các đòi hỏi của các nước khác vẫn duy trì nhất quán từ trước tới nay. Với Việt Nam là đường cơ sở thẳng. Với Philippines là đòi hỏi của họ với các đảo ở Trường Sa… Cho nên Hoa Kỳ có những chỉ trích và thắc mắc đối với mọi nước có liên quan trong khu vực.

Các nước trong khu vực sẽ làm gì?

Việt Hà: Theo ông liệu các nước trong khu vực sẽ sớm làm rõ các yêu sách của mình trong tương lai gần hay không bất chấp những yêu sách về chủ quyền chưa rõ ràng của Trung Quốc?

Gregory Polling: Họ sẽ làm rõ một vài đòi hỏi. Một vài nước đã làm điều này trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Với Malaysia và Việt Nam chúng ta thấy hai nước đã đệ nạp chung hồ sơ về thềm lục địa vào năm 2009 và Việt Nam cũng đã đệ nạp hồ sơ về một phần thềm lục địa ở miền Bắc, vào năm 2012, Việt Nam cũng thông qua luật biển dù luật này chưa đề cập hết được các vấn đề trên biển như vấn đề về đường cơ sở thẳng. Chúng ta biết là các luật sư của Việt Nam và Bộ Ngoại giao cũng biết là đường cơ sở mà Việt Nam vẽ ra phải được thay đổi. Họ đã cố gắng thực hiện thay đổi này vào luật năm 2012 nhưng nó đã không xảy ra. Philippines đã sửa đường cơ sở và đòi hỏi của họ với Trường Sa vào năm 2009 nhưng Malaysia vẫn chưa làm rõ đường cơ sở và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cho nên các nước đang làm rất từ từ. Nhưng còn vấn đề định nghĩa thế nào là đảo, thế nào là bãi đá thì sẽ không nước nào muốn đưa ra định nghĩa đơn phương cho đến khi họ có được gì đó từ Trung Quốc. Các nước không muốn thấy là mình bỏ đi một cái gì mà không nhận được gì từ phía bên kia.

  Các nước đang làm rất từ từ. Nhưng còn vấn đề định nghĩa thế nào là đảo, thế nào là bãi đá thì sẽ không nước nào muốn đưa ra định nghĩa đơn phương cho đến khi họ có được gì đó từ TQ.

▸ Gregory Polling
Việt Hà: Việc làm rõ các yêu sách của mình đem lại lợi ích gì cho các nước trong trường hợp Trung Quốc không làm rõ các yêu sách của họ?

Gregory Polling: Việc làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình cho phép một nền tảng về đạo đức cao, và đó là lý do vì sao Manila vào năm 2009 đồng ý sửa những yêu sách của mình và đó là hướng mà phía Việt Nam và các nước trong khu vực đang hướng tới. Thực tế là bạn không thể có một yêu sách có thể được bảo vệ trừ khi bạn làm rõ yêu sách của mình theo cách mà luật biển của Liên Hiệp Quốc quy định và điều này có liên quan đến việc tìm kiếm, khai thác dầu khí. Các công ty khai thác dầu khí nước ngoài sẽ không muốn đầu tư vào vùng mà bạn không có chủ quyền thực sự. Cách dễ dàng duy nhất là chỉ ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước bạn là ở đâu. Cách làm này cho thấy nước đó là một nước có trách nhiệm trên thế giới và theo đuổi luật pháp quốc tế. Và càng nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á làm rõ những đòi hỏi về chủ quyền thì càng làm cho người ta thấy Trung Quốc là người chơi không tích cực so với các nước khác.

Việt Hà: Mới đây có thông tin cho rằng Trung Quốc đã bí mật lập vùng cấm bay trên biển Đông, theo ông liệu đây có phải là một bước Hoa Kỳ chặn trước những hành động tiếp theo của Trung Quốc?

Gregory Polling: Tôi không nghĩ nó có liên quan đến kế hoạch Trung Quốc lập vùng cấm bay trên biển Đông. Chúng ta đã biết từ năm ngoái khi Trung Quốc lập vùng cấm bay trên biển Hoa Đông và Trung Quốc cũng vẫn duy trì lập trường là họ sẽ lập vùng cấm bay trên biển Đông nhưng tôi không nghĩ là nó sẽ xẩy ra ngay tức khắc. Dù nói vậy, tôi vẫn nghĩ Trung Quốc đã chuẩn bị và họ biết họ sẽ đặt ra cái gì. Thực tế cho thấy vùng cấm bay trên biển Hoa Đông là điều làm cho Trung Quốc lúng túng vì ngay khi họ vừa lập ra thì tàu và máy bay của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cùng các nước khác đã vi phạm vùng này, và Trung Quốc chẳng làm gì được. Cho nên nếu Trung Quốc không thể duy trì một vùng cấm bay hiệu quả trên biển Hoa Đông thì họ cũng không thể làm vậy ở Trường Sa và nó chỉ làm cho Trung Quốc thêm lúng túng khi Việt Nam và Philippines vi phạm vùng này. Cũng cần nói là báo cáo này không được viết trong một ngày hay trong một tuần mà hàng tháng trời nếu không nói là hàng năm. Đó là những phân tích công phu của các luật sư thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Việc công bố báo cáo này không có liên quan gì đến các sự kiện cũng như các báo cáo khác mà Hoa Kỳ đã công bố về những đòi hỏi trên biển trước đó cũng không liên quan gì đến các sự kiện.

Việt Hà: Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ không thông qua công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc nên không có quyền lên tiếng kêu goi Trung Quốc phải thực hiện điều này, điều kia liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Ông có nhận xét thế nào về điểm này?

Gregory Polling: Đó là một suy luận sai. Thực tế mà Mỹ dù có thông qua hay không luật biển quốc tế (UNCLOS) thì cũng không có liên quan gì đến việc Trung Quốc phải tuân thủ luật này. Không phải là vì tôi cam kết thực hiện điều này mà nước khác không làm thì tôi cũng không làm. Trung Quốc cam kết thực hiện những điều khoản của UNCLOS và vì vậy họ có nghĩa vụ phải tuân thủ. Về phía Hoa Kỳ thì đúng là rất đáng thất vọng đối với nhiều người cả trong chính phủ lẫn trong quân đội Mỹ vì cho đến lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa thông qua UNCLOS. Nói vậy nhưng tòa án công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc cùng các tòa khác đã luôn phán quyết rằng phần quan trọng trong UNCLOS liên quan đến chủ quyền trên biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bây giờ là các vấn đề thuộc luật quốc tế và áp dụng với mọi nước. Cho nên dù Hoa Kỳ có thông qua UNCLOS hay không, thì Hoa Kỳ vẫn phải tuân thủ điều này và Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc cũng tuân thủ như vậy trên biển Đông. Điểm cuối cùng là dù Hoa Kỳ chưa thông qua UNCLOS nhưng mọi nhánh trong chính phủ của Hoa Kỳ vẫn tuân thủ UNCLOS. Hải quân và lực lượng tuần duyên của Mỹ vẫn tuân thủ UNCLOS, các tàu của Mỹ vẫn tuân thủ UNCLOS khi đi ra nước ngoài.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà,
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages