TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Thăng |
Đây là một nội dung không có gì mới, dư luận trước đây đã nhiều lần dấy lên ý kiến đòi hỏi phi chính trị hoá quân đội. Nhìn chung những ý kiến đó đều không có sức mạnh đáng kể khiến ĐCSVN phải quan tâm. Việc ghi vào hiến pháp quân đội thuộc sự lãnh đạo của Đảng dường như đã kết thúc cuộc tranh cãi này.
Nhưng vào thời điểm đang yên bình không còn ý kiến nào như vậy, bỗng dưng Nguyễn Phú Trọng lớn tiếng để khẳng định điều này là vì sao?
Chúng ta hãy tìm hiểu vài ý trong bài viết của Nguyễn Phú Trọng:
- Không phân chia sự lãnh đạo quân đội cho lực lượng nào khác ngoài Đảng.
Bình thường, người đọc sẽ nghĩ "lực lượng nào khác" là các đảng phái đối lập, hay thế lực thù địch nào đó. Nhưng ở Việt Nam thì làm gì có thế lực, đảng đối lập nào đủ tầm để tranh quyền lãnh đạo quân đội với ĐCSVN. Ở thời điểm bây giờ đó là điều chắc chắn.
Chả có lực lượng nào cả, thế lực nào cả. Đây chỉ là một màn tranh giành quyền lực của cá nhân ông Trọng với các lực lượng khác trong chế độ này. Thế lực khác mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn nói ở đây là Chính Phủ, Nhà Nước, Quốc Hội. Chỉ có những lực lượng này mới đủ sức tranh giành quyền lãnh đạo quân đội với Nguyễn Phú Trọng. Và tất nhiên những người đứng đầu lực lượng này là những người mà ông Trọng e ngại phải chia quyền lãnh đạo quân đội.
Ông Trọng mở màn một cách cũ rích để kể lể quá trình xuyên suốt từ trước đến nay quân đội là do Đảng lãnh đạo. Đây là phép dùng thứ truyền thống để loại bỏ những đổi mới. Như thường lệ ông lấy vĩ nhân Hồ Chí Minh (một người từng có kinh nghiệm quân đội đến hàm thiếu tá khi phục vụ quân đội Trung Quốc dưới cái tên Hồ Quang) làm tấm bình phong, mượn lời của vị cựu thiếu tá Trung Quốc sau này thành chủ tịch nước Việt Nam để khẳng định quân đội Việt Nam phải do đảng lãnh đạo.
Nói một cách khách quan ngoài lề, thì đương thời của ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch nước Việt Nam, có nói nhiều câu quan trọng và nhiều câu không quan trọng. Câu nói của ông Hồ về sự lãnh đạo của Đảng chỉ là lời nói lúc đó. Lời nói này bản thân ông Hồ cũng không chú trọng trong thời điểm đó. Bằng chứng là dưới thời ông Hồ Chí Minh thì hiến pháp không có chuyện ghi quân đội phải do Đảng lãnh đạo. Ông Hồ nói nhiều câu quân đội phải gắn bó với nước, với dân ở mọi nơi. Những ý tứ này thực sự ông Hồ coi trọng bởi ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trước công chúng, trong toàn quân...
Câu nói của ông Hồ Chí Minh mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại chỉ là ông Hồ căn dặn ông Võ Nguyên Giáp. Chưa biết có thật hay không vì ít người chứng kiến, nhưng chuyện ông Hồ Chí Minh trước công chúng nhiều lần nhắc chuyện quân đội là của nước, của dân thì quá nhiều người được biết đến.
Một câu nói trong hoàn cảnh như vậy, dù câu đó có thật đi chăng nữa cũng không thể chính danh bằng những câu ông Hồ phát biểu trước toàn dân. Và dù ông Hồ có nói trước toàn dân đi nữa thì quân đội Việt Nam không phải là của ông Hồ. Năm 1944 ông Hồ dù có lập ra đạo quân này, dưới sự tài trợ quân trang, vũ khí của Trung Quốc thì cũng không thể dùng đó để khẳng định tính hợp phát bất biến là quân đội của ông Hồ sở hữu, để ông Hồ Chí Minh chỉ thị thế nào sau này cũng phải nghe. Quân đội không phải là một công ty tư nhân. Quân đội là lực lượng thuộc về đất nước, nhân dân chứ không phải một công ty do ông chủ nào đó vay vốn thành lập và suốt đời phải nghe lời ông chủ đó.
Ở đây Nguyễn Phú Trọng đã đánh tráo khái niệm, dùng hình tượng sở hữu quân đội như một cá nhân sở hữu công ty. Điều này là mạo phạm xuyên tạc lời ông HCM để phục vụ mục đích cho cá nhân mình bây giờ. Hiện nay ông Trọng đang giữ quyền chủ tịch quân uỷ Trung Ương, chức vụ cao nhất trong quân đội theo cách làm việc bây giờ. Biện minh cho việc này ông Trọng nói trong bài phát biểu.
"Từ năm 1975 đến nay, Đảng ta đã có ba lần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ 1975 - 1982, quân đội vẫn thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 15/12/1982, Bộ Chính trị (khoá V) ra Nghị quyết 07 "Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội"
Đến đây thì thấy rõ mọi lý lẽ của Nguyễn Phú Trọng là nhằm bảo đàm quyền chỉ huy quân đội vào tay cá nhân mình, tức Chủ Tịch Quân Uỷ Trung Ương.
Trong toàn bài diễn văn của mình, ông Trọng nhắc nhiều lần đến từ Đảng và từ Nhà Nước. Chỉ duy nhất một lần ông nhắc đến từ Chính Phủ, hãy xem đoạn nhắc tới chính phủ của ông:
- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và địa phương cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với quân đội.
Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính Phủ là tăng quyền hay tước quyền của Chính Phủ. Để hiểu rõ câu này hãy xem bản tin chủ tịch nước cùng ngày hôm nay phong 4 hàm thượng tướng cho quân đội. Đặc biệt 2 trong số 4 tướng đó thuộc về Tổng cục chính trị. Một giám đốc học việc quốc phòng và một bên tham mưu. Nhìn vào chuyên môn 3 trong 4 tướng được phong thấy ngay việc Đảng gia tăng áp đặt sự lãnh đạo của mình nên quân đội.
Với bài viết này của Nguyễn Phú Trọng và việc phong tướng cho 3 vị chuyên môn Đảng của Chủ tịch nước cùng một ngày 19/12/2014 khi mà thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang công du bên nước ngoài. Đã cho thấy sự tranh giành bất chấp mọị thủ đoạn để đoạt lấy quyền lực trong nội bộ chế độ Việt Nam.
Nhưng sự đáng lo ngại hơn cả là nếu như quân đội chịu sự lãnh đạo của Đảng thì công cuộc bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lược của Trung Quốc sẽ thế nào, khi mà Đảng CSVN và bản thân ông Nguyễn Phú Trọng đều nhiều lần bày tỏ sự gắn kết với Trung Quốc, né tránh chuyện đụng chạm tới vấn đề lãnh thổ.
Trong bài viết của mình, ông Trọng đã nói Đảng xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho quân đội.
Một quân đội mà lý tưởng hoà hoãn với ngoại xâm. Mục tiêu là chống diễn biến hoà bình, bảo đảm chế độ, bảo vệ Đảng thì cá thể của mục tiêu ấy chỉ là người dân trong nước. Đó mới là điều đáng lo hơn chuyện các ông tranh giành quyền lực với nhau.
Điều khó hiểu là ông Nguyễn Phú Trọng đã cao tuổi, đây chắc chắn là nhiệm kỳ cuối cùng của ông. Vậy vì sao ông phải ráo riết thâu tóm quyền lực về vai trò TBT, một vai trò ông sẽ rời trong thời gian ngắn nữa?
Câu trả lời không có gì là khó, kẻ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng đang thông qua ông Trọng để sau tiến hành những việc đó, đảm bảo cho mình khi kế nhiệm đã có sẵn mọị thứ quyền lực trong tay. Những bước đi chấn chỉnh về dư luân, thông tin từ cuối năm 2013 bằng chỉ thị 30 CT/TW và bài viết vừa trấn áp vừa thâu tóm quyền lực lãnh đạo sức mạnh quân đội hôm nay của ông Trong đều nhằm tới mục đích cho kẻ kế vị ông sau này.
Với một kẻ như thế ở tương lai thì khả năng độc tài sẽ nhiều hơn là minh chủ. Sau khi kiểm soát truyền thông, quân đội chắc hẳn sẽ cải cách đến kinh tế, cơ cấu hành chính. Nếu lãnh tụ cộng sản quốc tế đã từng kêu gọi:
- Vô sản các nước hãy đoàn kết lại.
Thì thằng lưu manh, vô học, chuyên tào lao chém gió như người viết bài này cũng xin đưa một lời kêu gọi:
- Các đại gia, tư sản, quan chức (kể cả cao cấp) hãy trốn trước đi.
Cuối cùng thì đây cũng là chuyện tào lao, Đảng CSVN luôn quang minh chính đại, vì nước vì dân, các bạn đừng vì vài lời tếu táo trên mạng ảo này mà dao động. Hãy tin vào đường lối của Đảng ta, đừng tin Đảng địch.
Rất khôi hài trong tấm hình minh hoạ quân đội ở bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu ai từng đi lính, từng luyện đội ngũ, nghi lễ sẽ thấy đoàn quân trong tấm ảnh này đang diễu hành đội ngũ đầy bát nháo, các khuôn mặt không đánh chếch đều nhau hoặc không nhìn thẳng đều về phía trước. Người nhìn thẳng, người nhìn nghiêng, người chân cao, người chân thấp, người đánh tay ngang ngực, người đánh tay ngang cổ. Một đội quân bát nháo đúng như hiện tình quân đội Việt Nam. Không kể những người đi hàng ngoài, vì nguyên tắc đội ngũ những người đi bên ngoài đều phải nhìn thẳng, chỉ nói những người đi bên trong.
Người Buôn Gió
Theo FB Người Buôn Gió
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét