Biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa thuộc diện nhà công vụ được ông Hoàng Văn Nghiên thuê từ năm 2001. Tới năm 2006 một loạt báo chí đưa tin cho rằng ông Nghiên phải trả lại nhà sau khi thôi chức vụ vì đây là nhà công vụ.
Vụ căn biệt thự này được nêu trở lại trong bối cảnh ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, bị buộc phải trả lại nhà, đất mà khi còn đương chức, ông đã xin cấp không đúng chế độ.
Trả lời BBC Việt Ngữ, đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc cho rằng nó liên quan tới việc chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay.
"Nó đặt ra vấn đề về quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, được hưởng các chính sách đãi ngộ và sau đó dẫn tới tình trạng đặc quyền đặc lợi mà trách nhiệm thuộc cả hai phía, phía pháp lý và thực thi pháp lý và quan trọng nhất là lòng tự trọng và liêm sỉ của một công chức nhà nước," ông Dương Trung Quốc nói.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng việc những người như ông Nghiên và một số người khác bắt đầu cảm thấy mình phải thực hiện đúng các quy định của luật pháp trước áp lực của xã hội là một biểu hiện tích cực.
"Cũng đừng quên rằng Quốc hội mới thông qua một điều luật về nhà ở, có một vấn đề rất rõ ràng khi bàn về loại hình nhà công vụ thì có lẽ nó đã tích tụ từ rất lâu hiện tượng các quan chức không trả lại nhà sau khi hết trách nhiệm của mình," ông Dương Trung Quốc nói.
Ông cũng nói có việc lợi dụng nghị định 61 để biến nhà công vụ thành nhà thuê sau đó bán và người ta phát hiện rất nhiều nhà công vụ nay đã không còn là nhà công vụ nữa.
Gương mẫu
Trước sự việc này, ông Dương Trung Quốc cho rằng đã khiến người dân nhận thấy bộ máy hành pháp, quản lý tài sản công của nhà nước có sự nể nang nhau, lấy nhiều lý do khác nhau không thực thi những quy định đã có.
"Cho nên việc này cần sớm chấm dứt để tạo sự công bằng xã hội và đặc biệt tạo tính gương mẫu của những người lãnh đạo," ông nói và theo ông nó cũng nằm trong lời giải đáp làm thế nào để chống tham nhũng "vì tham nhũng rất tinh vi và nó thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau chứ tham nhũng không thuần túy chỉ là chuyện hối lộ, lấy cắp của công.v.v."
Giáo sư Thuyết cho rằng mặc dù các trường hợp đang gây phản ứng trong dư luận có đặc điểm và mức độ sai phạm khác nhau nhưng đều có ba điểm chung.
Thứ nhất là "các quan chức này khá tham", thứ hai là "quan chức đều có những đặc quyền đặc lợi và những đặc quyền đặc lợi này nhiều khi không được công khai, minh bạch".
Cuối cùng, theo ông, "trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương là rất yếu kém".
Ông Thuyết cũng cho rằng chính phủ cần thực hiện các cuộc rà soát tài sản của quan chức đang giữ chức vụ và cả những người đã về hưu, "cũng là để chấm dứt chuyện làm sai trái, vi phạm pháp luật, lợi dụng vị trí của mình để trục lợi và như vậy mới dẹp bớt những chuyện gây bất bình cho dân chúng".
Ông đặc biệt cho rằng khi phát hiện sai phạm thì phải có kỷ luật rõ ràng "không chỉ người sai phạm, mà kỷ luật cả cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm đã buông lỏng quản lý hoặc dung túng để xảy ra sai phạm."
Niềm tin của người dân
Ông Thuyết nói những cáo buộc nổi bật trong thời gian gần đây như trường hợp ông Trần Văn Truyền, hay vụ cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới về hưu chiếm hữu đất công, hay ông Thiếu tướng Giám đốc công an tỉnh Quảng Nam được giao rừng đặc dụng cũng phá rừng làm biệt thự, rồi đến vụ ông Hoàng Văn Nghiên, v.v., làm xói mòn niềm tin của người dân đối với giới lãnh đạo.
Một cựu Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Minh Nhị của tỉnh An Giang, nói với BBC Việt Ngữ rằng việc ông Hoàng Văn Nghiên tới 8 năm không trả nhà công vụ là sai.
Ông lập luận: "Nếu nói có công thì muốn hưởng thụ gì thì hưởng thụ là không được, vì có công thì cũng chỉ được hưởng theo chính sách, còn người nào lợi dụng quyền lực của nhà nước trao cho và lợi dụng chính sách của nhà nước để hưởng thụ nhiều hơn người khác là tham nhũng rồi".
Khi được hỏi liệu Việt Nam có thể học được gì từ chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc đang diễn ra hiện nay, Giáo sư Thuyết cho biết tại Việt Nam thì việc chống tham nhũng đã được đề ra nhiều lần "nhưng vấn đề quan trọng là có thực sự quyết tâm làm hay không".
"Muốn làm được thì phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật thì Việt Nam cũng một rừng văn bản pháp luật đây, nhưng thực thi thì yếu kém và nhiều khi pháp luật chỉ áp dụng với người dân thôi còn quan chức thì không động đến," ông Thuyết nói.
Ông Thuyết cũng nói thêm rằng thượng tôn pháp luật là không loại trừ ai cả, và chống tham nhũng thì phải làm từ trên xuống như tắm từ trên đầu chứ không thể chỉ tắm từ vai, và như thế thì mới sạch được vì "nếu không bắt được hổ lớn thì sẽ sinh sôi ra hổ con".
Theo giáo sư Thuyết, Trung Quốc làm được vì người cầm quyền Trung Quốc có thực quyền, có những biện pháp hữu hiệu và có quyết tâm trong khi ông không tin rằng Việt Nam có thể làm mạnh được như Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét