Ngày 11 Tháng Mười Hai, cơ quan an ninh điều tra, công an Sài Gòn bắt tạm giam một “nhân vật đặc biệt” là Lê Trí Tình, kíp trưởng ca trực nguồn điện vào hôm 20 Tháng Mười Một - ngày xảy ra sự cố sập nguồn điện tại trung tâm kiểm soát bay đường dài.
Cần nhắc lại, sự cố sập nguồn xảy ra trưa ngày 20 Tháng Mười Một kéo dài hơn một tiếng rưỡi, vào thời điểm có nhiều máy bay đang hoạt động trong vùng thuộc quyền kiểm soát, điều hành của trung tâm này. Sự cố chưa có tiền lệ đó đã khiến toàn bộ các thiết bị trong hệ thống điều hành bay, kể cả radar đều ngưng hoạt động. Có đến 92 chuyến bay bị ảnh hưởng do sân bay Tân Sơn Nhất không thể tiếp nhận các chuyến đến, đi, hoặc bay qua vùng thông báo bay.
Trong thực tế, có vô số “lỗi kỹ thuật” xảy ra ở Việt Nam mà đã không bị xử lý hình sự. Nhiều vụ sai phạm đã được “buông.” Cũng bởi thế, vụ bắt trưởng ca trực trong vụ sập nguồn điện ở Tân Sơn Nhất lại toát lên dấu hiệu bất bình thường.
Một dấu hiệu có vẻ không bình thường nữa là chủ thể ra lệnh bắt không phải là khối cảnh sát mà là an ninh điều tra. Tất nhiên, động thái này phải liên quan đến phạm trù “an ninh quốc gia.”
Đặc biệt, ngay cả “tư lệnh ngành” Bộ Giao Thông Vận Tải là ông Đinh La Thăng cũng thừa nhận “không loại trừ động cơ phá hoại.”
Thế nhưng vụ sập nguồn điện và bắt giữ trên có liên quan gì đến “mặt trận” Long Thành?
Có thể làm sáng tỏ ẩn số trên nếu giải đáp đến cùng câu hỏi: Nếu vụ sập điện trên xuất phát từ động cơ phá hoại, sự cố này nhắm đến mục tiêu gì và phục vụ cho ai?
“Kịch bản máu”
Một chi tiết đáng chú ý là thời điểm 20 Tháng Mười Một lại trùng khớp với thời gian Quốc Hội đang “băn khoăn” với dự án sân bay Long Thành - có dự toán lên đến $18.7 tỷ, chiếm đến 10% GDP Việt Nam, được “thiết kế” chủ yếu từ nguồn vay ODA và vô cùng có triển vọng đổ nợ lên đầu nhiều đời con cháu.
Vào thời gian đầu của kỳ họp thứ 8, một trong những trọng tâm mà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng “dặn dò” các ban chuyên môn của Quốc Hội là dự án sân bay Long Thành.
Nhưng cùng lúc và như một hiệu ứng ngược pha với cơn bức xúc của nhiều đại biểu Quốc Hội về gánh nợ công quốc gia chồng chất như núi, hàng loạt sóng PR từ mặt báo, hội thảo đến “vận động hành lang” nơi nghị trường cho việc thông qua dự án sân bay Long Thành đã trở nên dồn dập và hết sức lộ liễu. Nhiều lý do “lợi ích kinh tế” và kể cả “ích lợi dân sinh” được nhóm PR dàn dựng, trong đó luôn nhấn mạnh đến nguyên nhân “sân bay Tân Sơn Nhất quá tải” và do đó cần phát triển hướng mới sang sân bay Long Thành.
Cũng trong thời gian trên, sân bay Tân Sơn Nhất “vô tình” bị liệt vào một trong 10 sân bay tệ nhất thế giới, được báo chí Việt Nam vừa vô tình vừa hữu ý ồn ào lan tỏa. Dù từ lâu đã bị cảnh “sân golf lấn sân bay,” nhưng chưa bao giờ trong lịch sử của mình, Tân Sơn Nhất lại bị hắt hủi rẻ rúng đến thế.
Đến sát thời điểm Quốc Hội chuẩn bị “bỏ phiếu” về dự án sân bay Long Thành, vụ sập nguồn ở sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ nổ tung.
Ngay lập tức, một luồng dư luận bùng nổ, đề cập đến một âm mưu có thể đã được những bàn tay ma quái và tàn nhẫn nào đó sắp xếp nhằm biến sân bay Tân Sơn Nhất thành một hệ quả không thể không thay thế, bất chấp tai nạn hàng không tang thương hoàn toàn có thể xảy ra do sự cố mất điện.
Mất điện đến một tiếng rưỡi đồng hồ, đài điều khiển không lưu hoàn toàn tê liệt, những cú đâm va rất có thể đã nổ tung trên bầu trời mà dẫn đến hàng trăm cái chết không thể hiểu nổi của hành khách và phi hành đoàn - hình ảnh mà trang báo điện tử của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam phải ví như “kịch bản máu.”
Ai đạo diễn “kịch bản máu”?
Ngược hẳn kỳ vọng của nhóm lợi ích ODA mà dư luận đồn đoán có vai vế nhiều quan chức, dự án sân bay Long Thành đã được tuyên bố “không có chuyện thông qua” khi kết thúc kỳ họp thứ 8 Quốc Hội.
Có thể nói, ngoài việc một số quan chức đầu ngành gặt hái được kết quả tín nhiệm cao bất ngờ, nhóm lợi ích ODA với những khuôn mặt ẩn giấu đã thất bại xót xa trong cuộc vận động lấy “phiếu tín nhiệm” cho cuộc chuyển vùng bay vĩ đại từ Tân Sơn Nhất sang Long Thành.
Sau đó, có một sự việc trùng khớp đáng lưu ý là cùng thời điểm bắt trưởng ca Tân Sơn Nhất ngày 11 Tháng Mười Hai, một phái đoàn của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã đến Đồng Nai - địa danh được dư luận xem là “rổ” địa ốc mênh mang của rất nhiều đại gia và quan chức, nơi giá đất vừa có đợt tăng nóng do tin đồn về “thông qua sân bay Long Thành” - để khảo sát về dự án sân bay quá lợi lộc này.
Cho tới giờ, có lẽ vụ việc truy tìm động cơ “phá hoại” chỉ mới bắt đầu. Lẽ dĩ nhiên, người dân và có lẽ một số quan chức cao cấp nào đó rất muốn biết ai đứng đằng sau thủ phạm của “trong thiết kế đảm bảo 99,9% nguồn điện sẽ không bao giờ bị ngắt nếu không có sự tác động của con người” - như một xác nhận của ông Đinh Việt Thắng, tổng giám đốc Tổng Công Ty Quản Lý Bay Việt Nam. Và nếu quả đúng như vậy, những kẻ thuê thủ phạm hành sự chắc chắn đã phải chi ra một số tiền khó tưởng tượng!
Câu hỏi còn lại, dù có thể chưa ưu tiên, nhưng không phải không quan yếu trong bối ảnh chính trị rất “nhạy cảm” hiện thời: Ai chỉ đạo bắt trưởng ca sân bay Tân Sơn Nhất, và mong muốn từ thủ phạm để “lần ngược” lên những nhân vật nào?
Nếu quả thực có sự tồn tại của những nhân vật sẵn sàng gây ra “kịch bản máu,” đó có thể là đại gia hay cả quan chức cao cấp?
Thông tin và cũng là thông điệp mới nhất mà ông Nguyễn Văn Giàu - phụ trách Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội - phát ra tại cuộc hội thảo lấy ý kiến về dự án sân bay Long Thành mới đây là “Quốc Hội sẽ tuân thủ theo quy trình hiến pháp và pháp luật.” Một chuyên gia phản biện gay gắt nhất đối với dự án này - ông Trần Đình Bá - đã cho rằng kết luận của ông Giàu là “rất ấn tượng.”
Dự án sân bay Long Thành vẫn chưa hề dễ dàng để “vận động” các đối thủ chính trị khác. Nói không ngoa, dự án bị dư luận nhân dân xem là “cú chót” này sẽ phụ thuộc rất mật thiết vào tương quan lực lượng trên bàn cờ chính trị Việt Nam và có thể cả vụ bắt khẩn cấp trưởng ca Tân Sơn Nhất.
Phạm Chí Dũng
Theo Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét