Quyền lực mềm: Cách đáp ứng hay nhất của Mỹ đối với Trung Quốc là đưa các vấn đề trong nước đi vào nề nếp.
Trung Quốc vừa qua mặt Mỹ trong vai trò như là một nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không phô trương ồn ào - dù trên thực tế, chúng ta cần có một số nghi ngờ về vị thế mới này của Trung Quốc -. Đây là một lời kêu gọi cảnh tỉnh, và nên có một tiếng kêu như vậy - nhưng không phải là loại kêu gọi mà hầu hết người Mỹ có thể hình dung.
Khi lịch sử năm 2014 được viết ra, nó sẽ ghi nhận một sự kiện quan trọng mà ít người quan tâm:2014 là năm cuối cùng mà Mỹ có thể tuyên bố mình là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Bước vào năm 2015 Trung Quốc chiếm vị trí thượng đỉnh, và có thể sẽ vẫn còn giữ vị thế này trong một thời gian dài, dù không chắc là vĩnh cữu. Khi đạt được như vậy, Trung Quốc trở về một tư thế mà họ đã giữ được trong suốt hầu hết lịch sử của loài người.
So sánh Tổng Sản Lượng Nội Địa của các nền kinh tế khác nhau là một việc rất khó. Các Ủy ban Chuyên trách đi đến những ước tính, mà họ dựa trên những thẩm định khả dĩ tốt nhất, đó là những gì mà họ gọi là “sức mua tương đương", chỉ số này cho phép so sánh về thu nhập ở các nước khác nhau. Nhưng so sánh này không lấy ra được các số liệu coi như là chính xác, nhưng chúng sẽ cung cấp một cơ sở tốt để đánh giá kích thước tương đối của các nền kinh tế khác nhau. Đầu năm 2014, một cơ quan tiến hành những đánh giá quốc tế này đã đưa ra với những số liệu mới, cơ quan này có tên là Chương trình So sánh Quốc tế của Ngân hàng Thế giới. (Nhiệm vụ này phức tạp đến như vậy nên trong vòng 20 năm chỉ có ba bản báo cáo). Các đánh giá mới nhất được phổ biến vào mùa xuân vừa qua đã gây tranh cãi nhiều hơn, và theo một số cách khác nhau, là quan trọng hơn, khi so với những báo cáo của các năm trước. Rõ ràng là các đánh giá này gây tranh cãi nhiều hơn vì nó quan trọng hơn: những số liệu mới cho thấy Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nó đến sớm hơn so với bất cứ ai đã mong đợi - đó là cách đúng đắn mà người ta làm như vậy trước khi năm 2014 kết thúc.
Nguồn gốc của sự tranh cãi sẽ gây ngạc nhiên cho một vài người Mỹ, và nó nói nhiều về sự dị biệt giữa Trung Quốc và Mỹ - và về sự nguy hiểm khi dự phóng để theo dõi người Hoa trong một số thái độ của người Mỹ. Người Mỹ rất muốn mình thành số 1, người Mỹ chúng ta có niềm vui khi được ở vị thế này. Ngược lại, Trung Quốc không quá háo hức. Theo một số báo cáo, các đại biểu Trung Quốc thậm chí còn đe dọa không tham gia trong các cuộc thảo luận về chuyên môn. Có một điều mà Trung Quốc không muốn phải trả một giá để đổi lấy vị thế số một khi đem cái đầu của mình treo trên bờ công sự phòng thủ. Vấn đề có nghĩa là Trung Quốc chi trả nhiều hơn để hỗ trợ các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Nó có thể mang lại áp lực để họ nhận ra là họ có một vai trò lãnh đạo cho các vấn đề như biến đổi khí hậu. Điều nay dễ làm cho một người Hoa bình thường tự hỏi ngay là liệu có nên đem tiền của đất nước để chi nhiều hơn cho các vấn đề này không. (Trong thực tế, các tin tức về sự thay đổi vị thế của Trung Quốc không được biết đến ở trong nước.) Có một mối quan tâm hơn và lại là một quan tâm lớn lao: Trung Quốc hiểu rõ mối bận tâm của Mỹ với việc Mỹ là số 1 - và Trung Quốc cực kỳ lo ngại về việc Mỹ phản ứng ra sao khi Mỹ không còn là số 1 nữa.
Tất nhiên là có nhiều cách, - ta hãy lấy ví dụ như cách tính theo điều kiện của xuất khẩu và tiết kiệm theo hộ gia đình –Trung Quốc đã vượt qua Mỹ từ lâu. Với tiết kiệm và đầu tư chiếm dụng gần 50% của TSLQN, Trung Quốc lo lắng về việc mình tiết kiệm quá mức, đó là vấn đề mà Mỹ ít quan tâm. Trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như công nghệ chế biến, Trung Quốc đã vượt Mỹ chỉ trong vòng nhiều năm qua. Trung Quốc vẫn theo sau Mỹ về số lượng bằng sáng chế được giải thưởng, nhưng họ đang thu hẹp khoảng cách.
Các lĩnh vực mà Mỹ vẫn còn có thể cạnh tranh được với Trung Quốc không phải lúc nào cũng là những lĩnh vực mà chúng ta muốn tạo sự quan tâm nhất. Mức độ bất bình đẳng giữa hai quốc gia là có thể so sánh được. (Tình trạng bất công của Mỹ là cao nhất trong thế giới phát triển.) Trung Quốc vượt hơn Mỹ về số lượng người bị xử tử hình mỗi năm, nhưng Mỹ vượt hơn khi so về tỷ lệ dân số trong tù (nhiều hơn 700 người trong mỗi 100.000 người). Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2007 như là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, nếu tính theo khối lượng chung, mặc dù trên cơ sở bình quân đầu người thì Mỹ tiếp tục đứng đầu. Mỹ vẫn là cường quốc quân sự lớn nhất, chi tiêu nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang khi so với số chi của 10 quốc gia đứng đầu đem cộng lại (không có nghĩa là chúng ta đã luôn luôn sử dụng sức mạnh quân sự một cách khôn ngoan). Nhưng sức mạnh nền tảng của Mỹ thường ít dựa vào sức mạnh của quân sự hơn là dựa trên "quyền lực mềm", đáng kể đặc biệt nhất là ảnh hưởng kinh tế của mình. Đó là một điểm chính cần lưu tâm.
Rõ ràng là có những sự thay đổi về cách kiến tạo trong sức mạnh kinh tế toàn cầu đã xãy ra trước đây, và kết quả mà chúng ta biết là có điều gì đó xãy ra khi có sự thay đổi. Hai trăm năm trước đây, sau cuộc chiến Napoleon, nước Anh nổi lên như là một cường quốc thống trị thế giới. Đế chế Anh mở rộng một phần tư địa cầu. Tiền tệ Anh là đồng Bảng đã trở thành tiền tệ dự trữ trong toàn cầu, - có giá trị vững chắc như vàng. Nước Anh, đôi khi hợp tác nhịp nhàng với các đồng minh của mình để áp đặt các quy luật riêng về thương mại. Luật có thể cho phép phân biệt đối xử để chống lại việc nhập khẩu hàng dệt của Ấn Độ và buộc Ấn Độ để mua quần áo của Anh. Anh và các đồng minh cũng có thể kiên quyết buộc Trung Quốc mở cửa thị trường cho việc mua bán nha phiến, và khi Trung Quốc biết hậu quả tàn phá của nó, cố gắng đóng cửa biên giới, đồng minh hai lần gây chiến để duy trì mức lưu lượng tự do của sản phẩm này.
Sự thống trị của Anh kéo dài một trăm năm và tiếp tục ngay cả sau khi Mỹ đã vượt qua Anh về kinh tế, trong những năm 1870. Luôn luôn có một mức độ chậm trễ (việc này sẽ có với Mỹ và Trung Quốc). Biến cố chuyển tiếp là thế chiến lần thứ nhất, khi Anh thắng Đức với chi viện của Mỹ. Sau chiến tranh, Mỹ đã miễn cưỡng chấp nhận dùng tiềm năng của mình cho các trách nhiệm mới, trong khi Anh đã tự nguyện từ bỏ vai trò của mình. Woodrow Wilson đã làm những gì có thể làm được để xây dựng một thế giới hậu chiến mà một cuộc xung đột toàn cầu khác ít điều kiện xãy ra hơn, nhưng theo đuổi chủ thuyết cô lập trong nước có nghĩa là Mỹ không bao giờ tham gia vào Hội Quốc Liên. Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ kiên quyết đi theo phương sách của mình - thông qua quan thuế biểu của Smoot-Hawley và kết thúc một kỷ nguyên mà chúng ta đã chứng kiến về một sự bùng nổ trên toàn thế giới trong lĩnh vực thương mại. Anh duy trì đế chế của mình, nhưng dần dần đồng Bảng Anh nhường chỗ cho đồng Đô la: cuối cùng, các thực tế kinh tế khống chế. Nhiều công ty Mỹ đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu, và văn hóa Mỹ đã lên cao thấy rõ.
Thế chiến thứ hai là một biến cố kế tiếp mang tính cách định hình. Bị tàn phá bởi cuộc xung đột, Anh mất đi hầu như tất cả các thuộc địa. Đó là thời điểm mà Mỹ đảm nhận trọng trách lãnh đạo. Mỹ là trung tâm trong việc tạo ra cơ quan Liên Hiệp Quốc và quy định khuôn mẩu cho các thỏa ước Bretton Woods, hệ thống này sẽ làm cơ sở cho trật tự mới về chính trị và kinh tế. Dù vậy, thành tích là không đều đặn. Thay vì tạo ra một loại tiền tệ dự trữ cho toàn cầu mà nó sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự ổn định kinh tế thế giới, - như John Maynard Keynes đã lập luận một cách đúng đắn - Mỹ đặt lợi ích ngắn hạn của mình lên hàng đầu, suy nghĩ một cách ngu xuẩn là Mỹ sẽ thắng thế với đồng Đô la khi nó trở thành khối tiền dự trữ của thế giới. Vị thế của đồng Đô la là một con dao hai lưỡi: nó cho phép Mỹ vay tiền với lãi suất thấp, trong khi những nước khác có nhu cầu để đưa đồng Đô la vào khối lượng dự trữ của mình, nhưng đồng thời làm cho giá trị của đồng đô la tăng lên, (cao hơn mức mà người ta có thể đạt được bằng cách nào khác) tạo ra hoặc làm trầm trọng tình trạng thâm hụt mậu dịch và suy yếu nền kinh tế.
45 năm sau thế chiến thứ hai, chính trị toàn cầu bị hai siêu cường Mỹ và Liên Xô chế ngự, cả hai tiêu biểu cho hai quan điểm khác nhau về cách thức tổ chức và chi phối nền kinh tế và xã hội và về tầm quan trọng tương đối của các quyền chính trị và kinh tế. Cuối cùng, hệ thống Xô Viết đã thất bại với nhiều lý do, vì tham nhũng nội bộ, các tiến trình dân chủ không được ai kiểm soát, và nhiều thứ khác. Sức mạnh quân sự của Liên Xô đáng ghê sợ; về quyền lực mềm của họ thì ngày càng là một trò cười. Hiện tại trên thế giới đã bị chế ngự bởi một siêu cường duy nhất, một siêu cường tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực quân sự của mình. Điều đó nói rằng Mỹ là một siêu cường không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế.
Sau đó Mỹ đã phạm phải hai sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất, từ chiến thắng của mình mà Mỹ suy ra rằng đó là một thắng lợi cho tất cả mọi thứ mà Mỹ đang làm tiêu biểu. Nhưng ở nhiều nước thế giới thứ ba, mối quan tâm về nghèo đói - và các quyền kinh tế mà chính giới cánh tả đã ủng hộ từ lâu - vẫn là tối quan trọng. Sai lầm thứ hai là sử dụng sự khống chế đơn phương trong một thời gian ngắn, đó là thời kỳ giữa sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự sụp đổ của Lehman Brothers, để theo đuổi lợi ích kinh tế hạn hẹp của mình, - hay nói chính xác hơn, các lợi ích kinh tế của các công ty đa quốc, bao gồm các ngân hàng lớn, chứ không phải là để tạo ra một trật tự thế giới mới ổn định. Chế độ mậu dịch mà Mỹ đã thúc đẩy trong năm 1994 tạo ra Tổ chức Thương mại Thế giới, đã bất quân bình đến độ mà mà năm năm sau đó, khi một hiệp định thương mại khác sắp xảy ra, triển vọng này dẫn đến bạo loạn ở Seattle. Trong khi đàm phán về mậu dịch tự do và công bình, Mỹ lại kiên quyết (lấy một ví dụ) trợ cấp cho nông dân giàu có của mình, việc này tạo cho Mỹ là có tinh thần đạo đức giả và riêng mình hưởng lợi.
Và Washington không bao giờ hoàn toàn nắm bắt những hậu quả cuả một vài trong số các hành động thiển cận của mình – khi Washington có dự định mở rộng và cũng cố sự thống trị, nhưng trong thực tế, về lâu dài làm cho vị thế suy giảm. Trong cuộc khủng hoảng tại Đông Á vào những năm 1990, Bộ Tài chính Mỹ đã làm việc tận lực để làm suy yếu cái gọi là sáng kiến Miyazawa, một đề nghị hào phóng của Nhật Bản với 100 tỷ Đô la để giúp các nền kinh tế nhảy vọt đã chìm vào suy trầm và suy thoái. Các chính sách của Mỹ đã thúc đẩy các nước này phải chịu thắt lưng buộc bụng và trả lãi suất cao, không có bảo chứng sơ cứu cho các ngân hàng khi gặp nguy khốn, tất cả làm tương phản với những gì mà các quan chức của Bộ Tài Chính ủng hộ cho Mỹ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Thậm chí ngày nay, 15 năm sau cuộc khủng hoảng tại Đông Á, chỉ cần đề cập đến vai trò của Mỹ là có thể tạo ra ngay những cáo giác giận giữ và phê phán về đạo đức giả của Mỹ ở các thủ đô châu Á .
Hiện nay Trung Quốc là cường quốc kinh tế số 1 của thế giới. Tại sao chúng ta phải quan tâm? Ở một mức độ, thực sự ra chúng ta không nên quan tâm. Các nền kinh tế thế giới không phải là một trò chơi một là thắng và hai là thua, nơi mà sự tăng trưởng của Trung Quốc nhất thiết phải dẫn đến các thua lỗ của chúng ta. Trong thực tế, tăng trưởng của Trung Quốc bổ sung cho tăng trưởng của chúng ta. Nếu Trung Quốc phát triển nhanh hơn, Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng hóa của Mỹ, và chúng ta sẽ thịnh vượng. Để đoan chắc, người ta luôn có một chút ít cường điệu trong các lời tuyên bố như vậy, - chỉ cần hỏi công nhân bị mất việc sản xuất chế biến khi chuyển sang Trung Quốc. Nhưng thực tế đã có nhiều liên quan đến các chính sách kinh tế quốc nội của chúng ta cũng như khi nó liên quan đến việc trổi dậy một số nước khác
Trên một mức độ khác, sự nổi lên của Trung Quốc vào vị trí hàng đầu là vấn đề rất lớn, và chúng ta cần phải nhận thức các hệ lụy.
Thứ nhất, như đã nói, sức mạnh thực sự của nước Mỹ nằm ở quyền lực mềm - một khuôn mẫu để cung cấp cho người khác và gây ảnh hưởng về các ý tưởng của mình, bao gồm cả những ý tưởng về sinh hoạt kinh tế và chính trị. Sự trổi dậy của Trung Quốc trong vị trí thứ 1 mang đến sự nổi bật mới cho một mô hình chính trị và kinh tế của đất nước - và cho các hình thức riêng mình về quyền lực mềm. Sự nổi lên của Trung Quốc cũng là một đèn rọi chói mắt tỏa sáng vào mô hình của Mỹ. Đó là mô hình đã không cung ứng được cho phần lớn dân số của mình. Các gia đình Mỹ điển hình sống tệ hơn so với một phần tư thế kỷ trước, sau khi được điều chỉnh theo giá lạm phát; tỷ lệ người nghèo đã tăng lên. Trung Quốc cũng vậy, tình trạng bất bình đẳng được đánh dấu là ở mức độ cao, nhưng đối với đa số người dân thì nền kinh tế chung có làm tốt hơn. Trung Quốc đã đem khoảng 500 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo trong cùng khoảng thời gian đó người ta thấy tầng lớp trung lưu của Mỹ bước vào giai đoạn trì trệ. Một mô hình kinh tế không phục vụ đa số cho người dân của mình thì sẽ không đem lại một vai trò như khuôn mẫu để cho người khác noi theo. Mỹ nên thấy sự nổi lên của Trung Quốc như một lời kêu gọi cảnh tỉnh cho mình để làm sao đưa các vấn đề trong nước đi vào nề nếp.
Thứ hai, nếu chúng ta suy nghĩ về sự nổi lên của Trung Quốc và sau đó có những hành động dựa trên ý tưởng rằng các nền kinh tế trên thế giới thực sự là một trò chơi được ăn cả và ngã về không - và do đó, chúng ta cần phải tăng phần lợi của chúng ta và làm giảm phần của Trung Quốc – thậm chí chúng ta sẽ làm hỏng dần phần quyền lực mềm của chúng ta. Đúng ra, điều này sẽ là loại kêu gọi thức tỉnh sai lạc. Nếu chúng ta nhìn thấy sự thắng thế của Trung Quốc là phần thua lỗ của chúng ta, thì chúng ta sẽ phấn đấu để "ngăn chặn", thực hiện các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Cuối cùng, những hành động này xem ra là vô ích, nhưng dù sao cũng sẽ làm suy yếu lòng tin và vị thế lãnh đạo của Mỹ. Chính sách đối ngoại của Mỹ đã nhiều lần rơi vào cái bẫy này. Chúng ta hãy xem cái gọi là mối quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - một thỏa ước tự do mậu dịch giữa Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Á khác -, trong đó loại trừ Trung Quốc. Nhiều người xem đó như là một cách để thắt chặt mối liên hệ giữa Mỹ và các quốc gia châu Á, với cái giá là không liên kết với Trung Quốc. Có một chuỗi cung ứng châu Á rộng lớn và năng động, với hàng hóa di chuyển xung quanh khu vực trong giai đoạn khác nhau trong sản xuất; Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trông giống như một nỗ lực để cắt Trung Quốc ra khỏi dây chuyền cung ứng này.
Một ví dụ khác: với một cách ngờ vực Mỹ nhìn những nỗ lực còn nhen nhúm của Trung Quốc khi đảm nhận trách nhiệm toàn cầu trong một số lĩnh vực. Trung Quốc muốn đảm nhận một vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế hiện nay, nhưng thực ra, Quốc hội nói là các câu lạc bộ cũ không muốn có các thành viên mới hoạt động: họ có thể tiếp tục chiếm một vị thế thứ yếu, nhưng họ không thể có quyền biểu quyết tương xứng với vai trò trong nền kinh tế toàn cầu của họ. Khi quốc gia khác trong khối G - 20 đồng ý rằng đó là bây giờ chính là thời điểm mà các lãnh đạo của các tổ chức kinh tế quốc tế đ ược xác định dựa trên cơ sở là thành tích, không dựa trên tiêu chuẩn quốc tịch, Mỹ khẳng định rằng trật tự cũ là đủ tốt, - lấy một thí dụ là Ngân hàng Thế giới phải được tiếp tục lãnh đạo do người Mỹ.
Lại thêm một ví dụ khác: được hỗ trợ bởi một Ủy ban Quốc tế các Chuyên gia do Chủ tịch Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm, mà tôi là người đứng chủ trì, - Trung Quốc cùng với Pháp và các nước khác đề nghị chúng tôi đúc kết công trình mà Keynes đã khởi đầu tại Bretton Woods, bằng cách tạo ra một tiền tệ dự trữ quốc tế, Mỹ ngăn chặn các nỗ lực này.
Và ví dụ cuối cùng: Mỹ đã tìm cách ngăn cản những nỗ lực của Trung Quốc trong các kênh hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển thông qua các tổ chức đa phương mới được tạo ra, trong đó Trung Quốc sẽ có một vai trò có lẽ chiếm ưu thế hơn. Nhu cầu hàng nghìn tỷ đô la cho đầu tư về cơ sở hạ tầng đã được công nhận - và trong điều kiện là các đầu tư vượt quá xa khả năng mà Ngân hàng Thế giới và các tổ chức đa phương hiện nay. Điều cần thiết không chỉ là một chế độ quản trị toàn diện hơn tại Ngân hàng Thế giới, nhưng cũng còn cần có nhiều vốn tư bản hơn. Về hai vấn đề này, Quốc hội Mỹ đã phủ quyết. Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng để tạo ra một Qũy Xây dựng Cơ sở Hạ tầng cho châu Á, làm việc với một số lớn của các nước khác trong khu vực. Mỹ đang xoắn tay tìm cách để cho những nước này sẽ không tham gia.
Mỹ đang phải đối phó với những thách thức đích thực về chính sách đối ngoại mà xem ra là khó giải quyết: nhóm Hồi giáo có vũ trang; xung đột của Palestine, mà bây giờ đã keó dài bảy thập niên; một nước Nga hung hãn, kiên quyết theo sức mạnh, ít nhất là đối với các lân quốc của Nga; mối đe dọa liên tục của việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ cần sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết nhiều vấn đề, nếu không phải tất cả.
Trong khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, chúng ta nên dùng thời điểm này để „chuyển trục" chính sách ngoại giao của chúng ta thoát ra khỏi sách lược ngăn chặn. Các lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Mỹ đang thắt chặt nhau một cách phức tạp. Cả hai đều có quan tâm chung khi nhìn về một trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu ổn định và hoạt động tốt. Với ký ức lịch sử và nhận thức riêng về phẩm giá, Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận hệ thống toàn cầu chỉ đơn giản là những quy tắc đã được phương Tây lập ra, đem lợi cho người phương Tây và lợi ích cho doanh nghiệp phương Tây và phản ánh triễn vọng của phương Tây. Chúng ta sẽ phải hợp tác, dù muốn hay không, - và chúng ta nên muốn như vậy. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là nước Mỹ có thể làm để duy trì giá trị của quyền lực mềm là nhằm giải quyết các lỗi hệ thống của mình – các phương cách thực hành về kinh tế và chính trị đang bị băng hoại, đặt vấn đề một cách sai trái và thiên lệch nhắm về những người giàu có và thế lực.
Một trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu mới đang thành hình, đó là kết quả của những thực tế kinh tế mới. Chúng ta không thể thay đổi những thực tế kinh tế này. Nhưng nếu chúng ta đối ứng nó một cách sai lầm, chúng ta có nguy cơ bị phản ứng mãnh liệt, mà sẽ dẫn đến hậu quả hoặc là một hệ thống toàn cầu sẽ bị rối loạn chức năng hoặc là một trật tự toàn cầu mà không phải quá đặc biệt như những gì chúng ta đã mong đợi.
Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm dịch
Theo Dân Luận
Nguyên tác: The Chinese Century - Joseph E. Stiglitz, Vanity Fair
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét