|
Ngày 5-12-2014, trong cuộc họp báo tại TAND tỉnh Long An thông báo về việc tạm hoãn thi hành án với phạm nhân Hồ Duy Hải, như để chứng minh cho sự đúng đắn của quy trình tố tụng, ông Lê Quang Hùng Phó Chánh Án TAND tỉnh Long An, đồng thời chính là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã khẳng định “Nhiều biên bản trong quá trình điều tra có sự tham gia của luật sư, Hải thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, qua các phiên toà, Hải kêu oan.”.
Luật sư chỉ định tham gia vào nhiều hồ sơ vi phạm tố tụng
Nghe ý kiến này tưởng chừng như Hải đã được hưởng tiến trình điều tra rất tiến bộ có sự tham gia của luật sư khi hỏi cung, lập biên bản. Nhưng sự thật thì sao? Trước hết phải xem luật sư tham gia (ký tên) trong biên bản điều tra là luật sư nào? Vì trong hai phiên xét xử sơ phúc thẩm, Hải có đến hai luật sư là luật sư Nguyễn Văn Đạt (do gia đình mời) và luật sư Võ Thành Quyết (lúc đầu gia đình có mời nhưng sau đó đã thay đổi và chuyển thành luật sư do tòa chỉ định). Nhưng luật sư Đạt thì hoàn toàn không được hân hạnh tham gia vào các biên bản điều tra và chính trong bài bào chữa trước cả hai phiên tòa, luật sư Đạt đã vạch ra rất nhiều sai sót vi phạm tố tụng trong ghi lời khai. Điển hình như đoạn sau đây “Trước hết, khoản 2 Điều 132 BLTTHS quy định “Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa Biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận”. Nghiêm cấm ĐTV tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. (khoản 1 Điều 132). Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện rất nhiều nội dung trong các Biên bản ghi lời khai hoặc hỏi cung bị can bị bớt, sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của bị can và ĐTV. Cụ thể tại BL 85, BL 87, BL 92, BL 117, BL 337, BL 339. Đặc biệt tại BL 339 tôi phát hiện được sửa chữa thành “hoàn toàn đúng”, trong khi dấu mực cũ bị sửa chữa không xác định được nhưng thấy được chữ g. Điều này là vi phạm”.
Luật sư Đạt còn nêu trước tòa những sửa chữa Biên bản nghiêm trọng là: “Cũng vậy, hồ sơ khác của vụ án cũng có bị sửa chữa mà không có xác nhận của người khai. Trong đó có 2 trường hợp, chúng tôi cho rằng nghiêm trọng vì có thể làm sai lệch nội dung. Cụ thể tại BL 197, 198 Bản ghi lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu bị sửa chữa phần nội dung về kích thước con dao. Xin lưu ý là Biên bản ghi lời khai này được thực hiện vào ngày 19/1/2008, tức chỉ sau 5 ngày phát hiện vụ án. Lời khai về 2 con dao với kích thước ban đầu đã bị sửa chữa lại cho phù hợp kích thước phần dài con dao, phần dài lưỡi của dao với các lời khai sau này về con dao được coi là gây án. Sửa chữa này hoàn toàn không có chữ ký xác nhận của Bà Hiếu”
Tương tự như vậy, luật sư Đạt cũng đã chỉ ra hàng chục điểm sai sót như sửa chữa Biên bản nhận dạng của nhân chứng Nguyễn Mi Sol, không ghi nội dung bắt buộc.
Luật sư Đạt cũng nêu sự vi phạm quy định “Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến” ở toàn bộ 6 Biên bản nhận dạng của nhân chứng Nguyễn Mi Sol các ngày 21/6/2008 và 24/8/2008 (BL 211, 213, 215, 217, 219, 221), Biên bản nhận dạng ngày 25/3/2008 (BL 244) của Nguyễn Tuấn Ngọc, Biên bản nhận dạng ngày 31/3/2008 (BL 253) của Đinh Vũ Thường, Biên bản nhận dạng ngày 24/3/2008 của Nguyễn Văn Vàng, Biên bản nhận dạng của Võ Văn Hùng đều không có người chứng kiến.
Nghiêm trọng hơn nữa, Luật sư Đạt còn nêu ra nhiều sai sót trong các biên bản có chữ ký của luật sư Quyết với các Biên bản của Hồ Duy Hải “Tại Biên bản nhận dạng ngày 10/7/2008 (BL 142) của Hồ Duy Hải, phần đầu không ghi người chứng kiến là ai. Nhưng ở trang cuối, phần ký tên người chứng kiến lại có chữ ký, họ tên của ông Lê Ái Dân (KSV). Còn có chữ ký và họ tên của LS Quyết được ký tên vào phần Lời trình bày của người nhận dạng. Như vậy, LS Quyết có tham gia không và tham gia vào thành phần nào trong Biên bản này? Cũng vậy, tại Biên bản nhận dạng ngày 10/7/2008 (BL 140) thì KSV Ông Lê Ái Dân cũng ký tại phần người chứng kiến, còn LS Quyết thì ký và ghi họ tên ở phần nội dung nhận dạng.
Điều đáng chú ý là tại Biên bản nhận dạng ngày 22/7/2008 (BL 150; BL 152; BL 154; BL 156) của Hồ Duy Hải khi có LS Quyết chứng kiến thì trong phần đầu của Biên bản đều ghi rõ thành phần “Ông Võ Thành Quyết – LS là người chứng kiến” và phần cuối khi ký tên, KSV Lê Ái Dân đều ký tên ở trên còn LS Võ Thành Quyết ký tên vào đúng phần dành cho người chứng kiến”. Từ những sai sót khó hiểu trên, luật sư Đạt đã đặt ra nghi vấn trước tòa “Điều này có thể dẫn đến suy diễn phải chăng ở Biên bản trên, LS Quyết đã ký sau và chỉ nhằm hợp thức hóa”.
Như vậy, ở đây có hai luật sư bào chữa cho bị cáo nhưng chỉ có luật sư do tòa chỉ định được tham gia hỏi cung, nhận dạng và ngay các biên bản ấy lại vi phạm các quy định tố tụng, luật sư còn lại phát hiện và trình bày trước hai cấp tòa các sai sót ấy nhưng không được xem xét. Liệu các hồ sơ dùng làm căn cứ buộc tội tử hình này có khách quan và tin cậy được không?
Tại tòa, luật sư thành công tố, bác bỏ phản cung, buộc tội bị cáo
Đó là trong giai đoạn điều tra, còn trước tòa thì sao? Tại phiên tòa sơ thẩm, cán bộ dẫn giải bị cáo Hải đã gây khó, không cho luật sư Đạt tiếp xúc với bị cáo. Luật sư Đạt trực tiếp làm đơn gởi HĐXX, nhưng Chủ tọa phiên tòa cũng không cho. Vô hình chung, luật sư Đạt đã bị toà tước bỏ quyền của người bào chữa theo quy định tại Điều 188 BLTTHS “Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của Chủ tọa phiên tòa”. Theo quy định tại Điều 229 BLTTHS và khoản 1 Điều 236 BLTTHS, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho người bào chữa trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án. Nhưng Tòa án tỉnh Long An đã không giao bản án sơ thẩm cho LS Đạt. Cũng vậy, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã không thông báo việc kháng cáo cho luật sư Đạt đúng quy định pháp luật. Điều này là tước bỏ quyền có ý kiến về nội dung kháng cáo theo luật định của người bào chữa.
Diễn biến quan trọng nhất tại phiên tòa sơ thẩm là lần đầu tiên bị cáo Hải đã phản cung cho rằng mình vô tội. Những lời bị cáo khai nhận tội về diễn tiến của vụ án là được nghe Công an viên xã Nhị Thành tên Nguyễn Thanh Hải kể lại. Theo hồ sơ vụ án, đây là lần đầu tiên bị cáo phản cung, nhưng không biết từ đâu đại diện Viện Kiểm sát đã có ngay bản cam kết của Nguyễn Thanh Hải phủ nhận không tiếp xúc nói chuyện với bị cáo. Hội đồng xét xử lại chấp nhận bản cam kết này và đặc biệt kỳ lạ, đến nay tờ cam kết trên cũng không được lưu trong hồ sơ vụ án.
Bản án sơ thẩm đã ghi nhận như sau: “Trước tòa, luật sư Nguyễn Văn Đạt và Võ Thành Quyết bào chữa cho bị cáo cho rằng, cơ quan điều tra chứng minh Nguyễn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Ánh Hồng chết lúc nào, ai chết trước ai chết sau, hung khí gây án không thu được, tài sản chiếm đoạt của các nạn nhân và nguyên đơn dân sự không thể hiện, thu thập chứng cứ không đúng theo trình tự tố tụng, có nhiều biểu hiện chưa khách quan, chỉ nặng về lời khai nhận của bị cáo để buộc tội. Đặc biệt các nhân chứng mua bán vàng, điện thoại chiếm đoạt không khẳng định người bán là Hồ Duy Hải, cũng như nhân chứng Vũ Đức Thường chỉ xác nhận khoảng thời gian 19 giờ có một thanh niên ngồi ghế salon Bưu điện Cầu Voi, vậy thanh niên đó là ai, khi nhận dạng không xác định đó là Hồ Duy Hải. Vậy có đủ tin cậy để buộc tội bị cáo hay không? Tóm lại luật sư Nguyễn Văn Đạt đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án Hồ Duy Hải chưa đủ yếu tố buộc tội “giết người, cướp tài sản”
Luật sư Võ Thành Quyết cho rằng mặc dù về thủ tục trình tự tố tụng do cơ quan điều tra tiến hành có một số điểm chưa đúng. Song qua quá trình được chỉ định ở cơ quan điều tra, chính Hồ Duy Hải cũng thừa nhận hành vi phạm tội, mô tả chi tiết hành vi như dùng hung khí là thớt tròn, ghế xếp và dùng dao Thái Lan gây án, chiếm đoạt tài sản là nữ trang của hai nạn nhân, tiền, điện thoại, simcard của bưu điện và nhận dạng các tài sản đều trùng khớp với nhau, có sự chứng kiến và tham gia của luật sư, Viện Kiểm sát nên tôi đề nghị, Hội đồng xử án khi lượng hình xem xét gia cảnh của bị cáo do cha mẹ ly thân, thiếu sự giáo dục của gia đình, do ham mê cờ bạc dẫn đến phạm tội, gia đình ông bà ngoại, ông bà nội đều có công với cách mạng, sau khi gây án thật thà khai báo, có lúc không khai do tâm lý. Gia đình khắc phục gần như hoàn toàn hậu quả, tuổi đời còn trẻ. Đề nghị Hội đồng xử án áp dụng hình thức chung thân để có thời gian trở về hòa nhập với xã hội”
Qua nội dung ghi nhận của bản án sơ thẩm nêu trên, thấy có sự nhập nhằng. Đoạn đầu bản án ghi tên của cả hai luật sư trong ý kiến phần vạch ra những điểm sai trong hồ sơ điều tra cách tiến hành tố tụng… chỉ ghi riêng ý kiến ngắn của luật sư Đạt đề nghị không buộc tội giết người, cướp tài sản. Phần luật sư Quyết lại được ghi một đoạn dài, ý tứ phản lại hoàn toàn phần bào chữa trước (có thể suy là của riêng luật sư Đạt). Về nội dung, rõ ràng đây không phải là lời bào chữa gỡ tội cho một bị cáo đang kêu oan mà là thêm một bản cáo trạng thứ hai, vừa bênh vực cho các sai sót của cơ quan điều tra, vừa với vai trò là luật sư một lần nữa lấy những lời khai trong giai đoạn điều tra để ép bị cáo nhận tội.
Làm xấu nhân thân bị cáo, không ký kháng cáo kêu oan
Ngay trong phần khai nhân thân để làm yếu tố giảm nhẹ, luật sư Quyết cũng làm xấu đi nhân thân bị cáo khi bỏ qua chi tiết Hải là một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Hùng Vương đang tìm việc làm mà nhấn mạnh yếu tố thiếu giáo dục gia đình, ham mê cờ bạc. Liệu thiếu giáo dục Hải có thể tốt nghiệp đại học được không? Cơ sở nào đánh giá một cử nhân là người thiếu giáo dục? Ham mê cờ bạc là ở mức độ nào? Thật ra Hải chỉ tham gia cá độ bóng đá là một thú chơi phổ biến của giới trẻ. Tại Tờ tường trình đề ngày 24/12/2008 của Bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hồ Duy Hải) thì Luật sư Võ Thành Quyết đã tuyên bố: “Xin kháng cáo kêu oan là ở đây không ký đâu, xin giảm nhẹ hình phạt thì mới ký…”. Như vậy phải chăng đã có sự ép buộc bị cáo phải kháng cáo xin giảm nhẹ chứ không cho bị cáo viết đơn xin kháng cáo kêu oan?
Vai trò của luật sư trong tố tụng là làm sáng tỏ sự vận dụng pháp luật, bảo vệ quyền hợp pháp của thân chủ. Các quy định tố tụng là nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên, bảo đảm sự minh bạch, công bằng đúng người đúng tội. Thế nhưng ở đây, trong giai đoạn điều tra, luật sư Quyết đã trực tiếp tham gia ký vào các biên bản vi phạm tố tụng. Trước tòa, luật sư Quyết lại bào chữa sai pháp luật, bênh vực cho những vi phạm tố tụng, khi bị cáo phản cung, không tham gia góp sức với hội đồng làm rõ bản chất của vụ án, mà lại dựa vào các lời khai, các biên bản vi phạm tố tụng để kết tội bị cáo, làm xấu thêm nhân thân bị cáo. Rõ ràng, luật sư Quyết đã vi phạm thiên chức, quy chế đạo đức nghề nghiệp luật sư và vi phạm cả quy định tố tụng. Ở đây cũng cần nói thêm về nhân thân luật sư Quyết. Trước khi về hưu và hành nghề luật sư, ông Quyết từng có thời gian dài là Trưởng phòng Điều tra xét hỏi Công An tỉnh Long An trước khi về làm Trưởng Công An huyện Thủ Thừa. Nhắc đến đặc điểm nhân thân này, chúng tôi nhằm khẳng định là ông Quyết có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng về điều tra nên những sai phạm của ông không thể là do thiếu kinh nghiệm hay kiến thức.
Hát hai vai nhận tiền cả hai đầu?
Một sai phạm khác của ông Quyết mà luật sư Đạt đã nêu ra là Bản án sơ thẩm số 97/2008/HSST: số 97/2008/HSST của TAND tỉnh Long An xác định “Ông Võ Thành Quyết – Đoàn LS Long An bào chữa chỉ định cho bị cáo Hồ Duy Hải”. Thế nhưng, theo Hợp đồng Dịch vụ pháp lý lập ngày 18/6/2008 giữa Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của bị cáo Hồ Duy Hải với Ông Quyết thì LS Quyết sẽ tham gia tố tụng trong vụ án (bào chữa) cho bị cáo Hải (Điểm 1, Điểm 6). Và Bà Loan có trách nhiệm thanh toán thù lao cho LS Quyết là 10 triệu đồng đưa một lần ngay khi ký Hợp đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra là: đã có LS Đạt bào chữa cho bị cáo Hải, sao Tòa án vẫn mời LS Quyết bào chữa chỉ định (không phù hợp khoản 2 Điều 57 BLTTHS).
Tại sao LS Quyết đã ký HĐDVPL để nhận bào chữa theo lời mời (yêu cầu) của bà Loan và bà Loan đã phải đóng phí 10 triệu đồng, Tòa án lại xác định Luật sư Quyết bào chữa chỉ định (không phù hợp Điều 57 BLTTHS).
Nếu Tòa án xác định LS Quyết là LS chỉ định thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thanh tóan tiền thù lao và các khoản chi phí theo quy định… Nhưng LS Quyết vẫn nhận 10 triệu đồng của mẹ bị cáo Hồ Duy Hải.
Điều này cũng là vi phạm Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp số 66/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 19/6/2007. “Ngoài khoản thù lao và chi phí do Cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, Luật sư không được nhận thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ”.
Với những điều bất hợp lý trên, dư luận có cảm giác rằng, Tòa án Tỉnh Long An đã không khách quan trong việc chỉ định luật sư Quyết bào chữa cho Hồ Duy Hải. Vô hình chung việc chỉ định này gây ra nhiều bất lợi cho bị cáo và như đã nói ở trên, vị luật sư chỉ định đã tiếp tay giúp sức và trực tiếp tham gia vào các vi phạm tố tụng trong lập hồ sơ vụ án. Trước tòa, buộc tội bị cáo, sau phiên xử, gây khó trong việc kháng cáo kêu oan. Trong khi đó, tiếp cận hồ sơ gián tiếp nhưng Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận thấy vụ án có vấn đề và đã có văn bản kiến nghị TANDTC hoãn thi hành án, xem xét lại vụ án. Đây là lần đầu tiên Liên đoàn có động thái này.
Luật sư Quyết còn vi phạm quy định tài chính trong nhận thù lao. Với những vi phạm đã nêu, nhân danh một công dân, một nhà báo, chúng tôi kiến nghị các cơ quan tố tụng, song song với việc thẩm tra trình tự tố tụng và nội dung vụ án, cần làm rõ nguyên nhân và xử lý sai phạm pháp luật trong việc chỉ định luật sư hai vai này.
Đoàn Luật sư tỉnh Long An, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cần thẩm tra những vi phạm của luật sư Võ Thành Quyết và có hình thức kỷ luật thích đáng, khai trừ ra khỏi đoàn luật sư để bảo vệ uy tín luật sư và tránh những thiệt hại đáng tiếc cho công dân.
Người Đồng Bằng
Theo blog Người Đồng Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét